Trở vỏ lửa ra/XI
XI
SAU không đầy một tuần lễ, vừa gặp ngày giỗ ông bá. Hết thảy đều hội về nhà cửu Thưởng bữa tối tiên-thường. Tối bữa nay, giữa ba chị em có một không-khí hòa-hiệp, sum-vầy, không có vẻ găng như mấy lần trước. Hàng mấy trăm con bồ câu trong cái chuồng trước mặt nhà, thâu đêm nó gù-gù ghì-ghì, như họa lại tiếng chuyện-trò thân-mật của người trong nhà, đã lâu lắm mới có một cuộc đoàn-viên vui-vẻ. Nhưng than ôi, cái cảnh ấy nào có được bền!
Lễ chánh giỗ xong, khách-khứa ăn uống đã ra về hết, Nghi bèn đem câu chuyện chia gia-tài ra nói trước mặt cửu Thưởng và vợ chồng phán Thục. Bằng cái giọng rất ôn-tồn, nàng rằng:
— Việc này đáng lẽ các anh chị đề-xướng ra mới phải. Mà em lại mở ra nói, là vì có sự cần buộc em. Hồi còn nhỏ, anh em chung một bổn, chẳng nói làm chi: chứ lớn lên rồi thì phải ai lo phận nấy. Bốn năm nay phần em đi học tiêu mất hai ngàn đồng. Tiền ấy, đã biết là tiền chung, của cha mẹ để lại chứ chẳng phải riêng của ai; nhưng bởi tay anh cửu đưa ra, coi cũng không tiện: không tiện cho anh và cho em nữa. Mà rày về sau, em cũng vẫn còn cần tiền để đi học, chưa biết mấy năm nữa mới thôi. Vậy, cái gia-tài nhà ta, sẵn có em ở nhà đây, xin các anh chị chia ra, để phần em, em giữ, và em dùng vào việc gì tùy ý.
Cửu Thưởng lên tiếng trước:
— Ai chứ tôi thì sẵn lòng lắm. Mấy năm nay tôi đã nói với anh phán chị phán nhiều lần rồi mà hai ông bà cứ bỏ qua.
— Chia mà nói theo cách cậu thì ai nghe được! Lời phán Thục gái.
— Theo cách tôi mà lại không đúng lý chán đó sao?
— Đúng với thiên-lôi! Một trăm mẫu lấy đặt đi năm chục mẫu hương-hỏa mà bảo là đúng!
Phán Thục trai xen vào:
— Tôi có nhớ lời cụ bá dặn lại: đặt hương-hỏa hăm-lăm mẫu, còn bảy-mươi-lăm mẫu chia ba.
Vợ chàng tiếp theo:
— Thế mà cậu cửu đòi đặt hương-hỏa năm chục mẫu để cậu cày cho nhiều!
Cửu Thưởng cãi lẽ:
— Không phải vậy. Chúng ta phải nhìn nhận rằng cha chúng ta nghĩ sót nước trong việc ấy Có lẽ nào chỉ đặt hăm-lăm mẫu cho cha mẹ, còn ba đời ông bà trên nữa không có lấy một cục đất à? Ngày cha mẹ mình thì vật bò, giết heo, mà ngày ông bà thì con gà cỗ xôi cũng không biết lấy gì mà sắm, như thế sao cho phải đạo làm con làm cháu? Giá ngày nay thầy còn, nghe tôi nói phải là thầy cũng phải theo. Thầy làm nên nổi cơ-đồ, là nhờ mồ-mả của ai chớ?
Phán Thục trai lấy tay che miệng, tủm-tỉm cười. Người vợ trả lời cửu Thưởng:
— Dầu cho có vậy đi nữa thì đặt nội trong hăm-lăm mẫu ai bắt?
— Không đươc! Làm vậy là bất-hiếu đối với thầy. Thầy và mẹ tay không làm nên sự-nghiệp thế này, hưởng cái hương-hỏa hăm-lăm mẫu mới xứng đáng. Nay chúng ta làm con, trở đi cãi lời thầy dặn, đem hăm-lăm mẫu ấy san-sớt ra làm thành tám cái hương-hỏa, có phải là trái đạo lắm không? Vả chăng, con cháu đối với ngày đơm ngày quảy của ông bà cha mẹ, có thêm thì có chứ không có bớt.
Nghi hồi học ở trường, có một lần làm luận quốc-văn, thầy giáo ra đề: « Nghiên-cứu về tục-đặt hương-hỏa và đoán thử nên để hay nên bỏ. » Nghi đoán nên bỏ, lấy cớ rằng không ích gì cho người chết mà chỉ làm mồi để con cháu giành nhau, nhiều khi vì đó sanh ra kiện-tụng. Nay được nghe cái luận-điệu của cửu Thưởng, nàng càng tin cái ý-kiến của mình là đúng, hèn chi bài ấy của nàng, thầy chấm đã cho đến 18 points. Nghi toan lấy luât lấy lý ra tranh-biện với củu Thưởng cho đến cùng; sau nghĩ nới với con người dốt mà tham, vô-ích, cho nên nàng chẳng hề góp một lời vào cuôc thảo-luận ấy. Nhưng nàng đứng dậy nói với phán Thục trai:
— Thưa anh phán, ở đây anh lớn hơn cả, việc ấy theo lẽ nên thế nào, xin anh có một lời đoán-định.
Phán Thục khoanh tay đáp:
— Lúc nãy tôi nói nhỡ một câu mà tôi hối cho đến giờ. Đáng lẽ ra, về việc này, tôi không nên nói câu nào hết. Có điều không lẽ tôi bỏ đi về mà không ngồi lại đây.
Nghi chẳng hiểu nói thế có ý gì, bèn hỏi:
— Sao vậy, xin anh cắt nghĩa cho nghe?
— Không có gì, tôi chỉ giữ lời hứa.
Câu chuyện này cũng hay hay, hai mươi mấy năm về trước ở Qui-nhơn, hạng trung-lưu thường đem làm tài-liệu trong những cuộc nhàn-đàm:
Bây giờ ở tòa-sứ Qui-nhơn có viên phán-sự, tên Đỗ đình Thục, con người trạng-mạo khôi-ngô, lại có tánh-tình hào-hoa phong-nhã, hăm-lăm tuổi mà chưa có vợ. Ông bá Giám, tay cự-phú ở gần thành-phố, ngoài bốn mươi tuổi, hay vào ra tòa-sứ, lâu ngày thành quen với phán Thục, Hai người hợp ý nhau quá, sau trở nên đôi bạn chí-thân. Họ kêu lộn nhau bằng anh, mặc dầu người này hơn người kia đến gần hai chục cái xuân. Những ngày nhàn-rỗi, hai người cắp nhau đi chơi, ai thấy cũng khen là một đôi bằng-hũu vong-niên đáng làm gương cho những đứa không có tài-tướng chi, chỉ ỷ mình « già ngày tháng. »
Một hôm, thầy phán trẻ tuổi đến chơi nhà ông bạn bá. Thoạt thấy người con gái đầu lòng của bạn, cô Trần thị Hiệp, mới mười-lăm tuổi, còn cắp sách đi học lớp nhì, bỗng đâm ra cảm rồi yêu. Cô nọ cũng chẳng vừa chi, từng có phen tỏ thật với cha mẹ rằng mình thương « bác phán » quá!
Thế rồi có mai-dong đến nói. Thế rồi vợ chồng ông bá nhận trầu cau. Thế rồi cô bé thình-lình ở nhà không đi học nữa: người ta nói, ở nhà để tập-tành công-việc bếp-nước rồi có lấy chồng.
Thì không biết có can gì đến thiên-hạ mà họ đâu miệng lại, dị-nghị, tiếu đàm! Chòm này kháo: làm rể bạn! Xóm kia xì-xồ: kêu bạn bằng ông-gia! Kết luận, họ bảo: Xét kỹ chẳng có nghĩa-lý gì, chỉ có thằng phán Thục là thằng ham giàu, là thằng toan đào mỏ, là thằng lấy đất cục và bạc đồng làm vợ!
Phán Thục tức quá: « Chửi cha cái lỗ miệng chúng nó! Ông lấy con Hiệp đi cho chúng nó biết tay! Mặt-mũi ông thế này chúng bảo ham giàu! »
Lập tờ đoan-ngôn. Trong đó nói phán Thục lấy cô Hiệp nhưng sẽ không chia gia-tài của cha mẹ vợ. Chẳng những không chia mà cũng không đặt miệng vào. Tờ đoan-ngôn ấy đọc rõ to trước mặt hai họ trong ngày cưới, sau ngày phán Thục đến chơi nhà ông bá hai năm.
Thế rồi thiên-hạ lại phê-bình: Phán Thục làm gì như thằng điên!
Câu chuyện đầu đuôi là thế. Nhưng bấy giờ phán Thục chỉ lược thuật vài lời cốt-yếu cho Nghi nghe, để lấy nê mà không đặt miệng vào việc chia gia-tài.
Bấy giờ bước sang tháng Juillet rồi. Nghi định không còn mấy bữa nữa phải ra Hanoi để có xin vào trường, không thì quá kỳ nhập-học. Mà việc nhà khó bề phân-xử, xem không có thể ngã-ngũ vào đâu được thì mới lấy tiền đâu mà đi? Làm thế nào? Làm thế nào? Nàng cứ tự hỏi câu ấy trong trí mình.
Túng nước quá, Nghi phải nằn-nì xin phán Thục trai, nhờ chàng tòng-quyền, tạm gác lời hứa khi trước lại một bên mà đứng chủ-trương việc chia gia-tài, miễn chàng đừng nhiễm-chỉ vào đó thì cũng vô-hại. Nhưng phán Thục quá gàn, nhất định không chịu. Chàng nói:
— Tôi lập-chí từ lúc hai mươi tuổi, mới bước chân vào đời, phải coi tiền-bạc không ra chi. Làm vậy, tôi chẳng để làm chi, chỉ để: một là sạch mình, hai là chửi những thằng tham-ô biển-lận. Tôi làm vậy đó mà thiên-hạ họ còn nói: nó thề không ăn gia-tài bên vợ, nhưng vợ nó ăn thì tài chi nó khỏi ăn. Nhưng hơn hai mươi năm nay, tôi tiêu bạc vạn trong tay mà không hề lấy của cụ bá một xu nhỏ. Nhà tôi thì nhất định nó không chịu để gia-tài cho cửu Thưởng ăn cả, ấy là quyền-lợi đương nhiên của nó, tôi phải để mặc nó. Có điều cái gia-tài ấy chưa chia ngày nào là tôi ưng ngày ấy: tôi cầu cho để tôi chết rồi mới chia thì tôi sạch tiếng hơn! Tôi coi cửu Thưởng nó ăn cả hoa-lợi một trăm mẫu bốn năm năm nay thì cũng như con chuột chù ăn cả bao nhiêu đồ-ăn của nó dưới gầm bếp, việc gì đến tôi mà tôi nóng mặt? Vì những lẽ ấy dầu có thế nào là tôi cũng không chịu dự đến.
Nghi thở dài:
— Thật ở đời tôi mới thấy anh là một! Anh liêm khiết một cách kỳ-cục quá! Nhưng hễ anh đã không đứng chủ-trương thì gia-tài không sao chia được, khổ cho tôi, tiền đâu để tôi đi Hanoi trong chỉ có mấy hôm nữa mà thôi?
— Được! Nghi cần lắm thì lấy tiền của tôi đây.
— Ai lại thế? Đã nhiều lần rồi, tôi không dám lợi dụng cái lòng hào-hiệp của anh nữa đâu!
— Có can gì! Người đời của chung. Người dưng mà tôi còn tư cấp được thay, huống là anh em trong nhà.
— Nhiều khi tôi thấy anh đi vay kia mà.
— Không sao. Vay thì vay, tôi còn vững, đã dễ hề chi lắm?
Nghi thấy phán Thục muốn giúp mình thực tình, vả lại nàng không còn có cách nào xoay ra tiền nữa, thì định bụng nhận lời của chàng.
Muốn thi-hành cái chánh-sách tiết-kiệm, Nghi tính lần này ra Hanoi xin vào trường trung-học thì nhất định ở ngoài chứ không ở trong trường. Như thế, hơn bù kém, cầm cho mỗi tháng mất từ hai chục đến ba chục. Học hai năm để thi tú-tài, phỏng mất chừng năm sáu trăm đồng cũng chẳng là bao. Nhờ phán Thục cho mượn dần dần, rồi đến sau chia gia-tài sẽ trả lại cho chàng. Có tiền rồi, Nghi sắm-sửa đi Hanoi.