XIV

TỪ hôm khỏi cơn sốt dậy, Nghi nghe lời Văn-Hải xin phép nghỉ học chỉ một tuần-lễ, rồi lại đi học và đi làm nhà in như trước. Vì nàng nghĩ nếu bỏ việc lâu, tới tháng sẽ không có tiền.

Dạo này người nàng thường không khoan-khoái. Tuy không đến nỗi phải nằm, nhưng cử-động ra việc gì cũng thấy mình có ý miễn-cưỡng. Mỗi khi đi học hay đi làm về đều thấy mệt, phải nằm nghỉ mươi phút mới tỉnh người lại. Ban đêm, đôi khi lại có tiếng ho khúc-khắc, và hay nổi cơn sốt thình-lình. Thấy đám thanh-niên có nhiều người đau phổi, Nghi sợ dại rằng hay là mình cũng đau như họ chăng. Từ đây, nàng không khi nào dám nghĩ đến hay là muốn biết đến chứng bệnh của mình, chỉ sợ một khi biết chắc mình đau phổi, tức là lao, thì hẳn phải tuyệt vọng.

Hai tháng nay Nghi không viết thư cho Phán Thục, chị mình, vì nghĩ: Viết mà không báo tin mình đau thì ra dối chị, không an tâm; còn báo tin, luống làm cho chị lo-phiền, vô-ích. Bỗng nhận được thư chị nàng:

« Qui-nhơn, ngày 13 Mars 1929,
« Dì Nghi,

« Lâu nay không được thư của dì, tôi tưởng vì vô sự nên dì không viết, không ngờ dì đau. Hôm qua lên tỉnh, vào dinh quan Án, nghe cô con gái ngài nói rằng anh của cô có gởi thư về nói như thế, tôi mới biết.

« Một cái măng-đa 30 đồng đính theo thư này gởi cho dì. Ấy là số tiền tôi giúp dì để thang thuốc trong khi đau-yếu.

Vu kiện xem chừng còn dai-dẳng lắm, chưa biết bao giờ mới xử xong. Tôi dại, tôi không biết té ra họ có ăn tiền họ mới chịu xử cho mình. Bên cửu Thưởng thì chuyến đầu mất chín trăm, mới đây nghe nói nó đút vào năm trăm nữa. Nó trám miệng họ rồi, bây giờ họ tính mần ngơ đi.

Nhiều người bảo tôi cũng phải chịu mất tiền đi. Hôm qua tôi vào ông Bố. Ông nói trắng với tôi rằng: « Bên bà « phải » lắm, nhưng quan người ta ngồi đây để chực mà nói « phải » cho bà sao? Ông nói thế rồi cười ồ-ồ lên như để cho lấp bớt câu nói đi. Tuy vậy tôi cũng hiểu lắm rồi. Tôi đương chạy tiền để nhém cho họ, ít nữa cũng ngang số cửu Thưởng thì mới có hiệu quả.

Tôi mong dì thi đậu đi rồi về đây. Không xong thì dì xuống tòa-sứ với tôi, tôi muốn vậy.

Thấy cô ấy nói trong thư anh cô nói dì đau xoàng thôi, tôi tưởng hôm nay dì chắc mạnh rồi.

Nay thư: Hiệp

Được thư, Nghi thêm nỗi lo buồn về việc nhà, lại giận cho mấy ông quan tỉnh tham-ô, không có lòng thương dân, giúp đỡ cho người thân cô thế cô, bị kẻ khác hiếp-đáp; cũng tức cho mình bất-tài, chính mình phải chịu sự bóc-lột mà không dám làm gì ai! Những ý-nghĩ ấy nhóm lên ngùn-ngụt trong trí nàng, không sao giập tắt được, làm nàng phải một cơn đau đầu, choáng váng đến nửa ngày.

Mấy tuần nay, một vài ngày Văn-Hải lại đến thăm Nghi một lần. Hai người trở nên thân-mật hơn trước. Mỗi lần Văn-Hải đến, đều có Xuân-Sơn ở đó; hai người chuyện trò trước mắt Xuân-Sơn, không phải tây riêng gì. Đến đây, Văn-Hải mới biết rõ tình-cảnh của Nghi, nhất là đương có việc kiện gia-tài ở tỉnh Bình-định mà cha chàng cũng có một phần trách-nhiệm về việc tư pháp, thì chàng hứa sẽ viết thư về xin cha giúp cho mau xong.

Sau khi được thư nhà mấy hôm, Nghi lại phát một cơn sốt và mê nặng hơn trước. Trong cơn mê, hay nói nhảm-nhí: khi thì công-kích cái chế độ trọng nam khinh nữ; khi thì đay đi đay lại câu tục-ngữ « nhất nam viết tử, thập nữ viết vô », khi thì chửi mấy ông quan hay ăn hối-lộ, kiến tài ám nhãn. Các bạn hữu tới thăm, nghe nghi nói, đều cho là xàm-xụa; duy có Xuân-Sơn và Văn-Hải hiểu rằng những điều nàng hàm-oán trong lúc bình-thời thì nay phát-tiết ra trong cơn mê-mộng mà thôi.

Nhờ có ba chục đồng bạc mới nhận được chưa tiêu đến, Văn-Hải bàn với Xuân-Sơn rồi quyết định đem Nghi vào nhà thương giữa lúc nàng sốt nặng. Văn-Hải lúc này đang tập thực-hành ở nhà thương Bảo-hộ, đưa Nghi vào đó, có chàng trông nom cho, tiện lắm. Vào rồi, đốc-tờ xem, nói riêng cho Xuân-Sơn biết Nghi mắc bệnh lao nặng, đúng như lời Văn-Hải cũng vừa báo cô hôm qua.

Ở được một tháng, Nghi thấy trong mình dễ chịu, bèn xin ra, vì ở nữa cũng không có tiền để trã. Trở về cái gác con Hàng Đào, thì thấy chủ nha bảo trước cho biết chỉ ở đến cuối tháng phải dọn đi, họ không cho thuê nữa. Bởi họ biết Nghi mắc bệnh lao là bệnh hay truyền-nhiễm nên họ không muốn chứa. Cái ý ấy của bà chủ nhà, hoặc giả Xuân-Sơn là người bàng-quan có nhận thấy chăng; chứ Nghi, vô tình, không biết tới.

Tội-nghiệp cho Xuân-Sơn, một niềm chơn-thành giúp bạn. Trong mấy ngày còn ở cái gác con ấy, trừ hai buổi đi học ra, còn ở nhà thì nàng phục-dịch cho Nghi như một người đầy-tớ rất chăm chủ. Hơn nữa, có Xuân-Sơn, Nghi còn được an-ủy trong tâm-hồn, nhiều lúc chuyện-trò vui-vẻ với nhau, quên mình là người ốm.

Tuy vậy, theo lời đốc-tờ và Văn-Hải, Xuân-Sơn còn phải cẩn-thận giữ mình về phương-diện vệ-sinh. Cũng bởi điều ấy làm cho Nghi biết rõ số-hệ mình và nàng tự hối-giục mình quyết-tuyệt với đời!

Nghi thấy sao đã lâu mà thỉnh-thoảng Xuân-Sơn không nằm ngủ chung với mình như trước. Lại mỗi bữa ăn đều để Nghi ăn trước rồi nàng mới ăn sau. Nghi còn để ý xem cái bát, đôi đũa của mình ăn bữa nào cũng giữ nhất-định có một không thay đổi. Nói chuyện, cười đùa với nhau luôn, nhưng có ý xem Xuân-Sơn lúc nào cũng ở xa, không lại gần. Dễ thấy nhất là cái ống-nhổ con để bên giường, một ngày Xuân-Sơn đổ và chiêu hai bận, bận nào cũng tráng bằng nước kê-din nữa. Những điều ấy dù Xuân-Sơn làm ra với một cách rất có ý-tứ, cũng không qua được mắt Nghi: nàng biết chắc mình mắc phải bệnh lao rồi!

Một hôm nàng nói với Xuân-Sơn:

— Tôi biết tôi chắc chết, chị có giấu tôi cũng chẳng làm gì! Tôi chẳng tiếc cái đời tôi, chỉ tiếc cái công-ơn chị nuôi tôi hoài-phí đi mất!

Nói thế rồi nhìn vào mặt Xuân-Sơn mà khóc. Xuân-Sơn cảm-động quá, giả lờ đi chỗ khác, rồi trở lại, mở báo hoặc sách ra, kiếm chuyện buồn cười nói cho Nghi nghe. Cái tấn kịch thương-tâm ấy cứ diễn đi diễn lại một ngày tới vài ba lần.

Hôm gần cuối tháng, Nghi nhờ Xuân-Sơn làm giúp mình một việc, mà buộc phải làm, chứ không được cãi, Xuân-Sơn cũng vâng theo.

Nghi có đồ nữ-trang bằng vàng đáng giá chừng ba trăm bạc; lại quần áo, sách-vở, cái đáng tiền cũng còn xứng một trăm nữa. Nàng nhờ Xuân-Sơn bán tất cả các món ấy, giữ lấy tiền cho nàng rồi thuê một cái nhà lá ở ngoại-ô để nàng ở. Vì đến đây nàng cũng biết rõ ý bà chủ nhà không muốn chứa mình rồi, nên nàng muốn ở chỗ nào cho đừng hệ-lụy đến ai.

Xuân-Sơn đem việc ấy hỏi ý-kiến Văn-Hải. Chàng tán-thành ngay. Vì chàng nghĩ làm như thế, điều thứ nhất là khỏi trái ý Nghi, không làm cho nàng buồn; điều thứ nhì là ở ngoại-ô thanh tĩnh, mát-mẻ, có lẽ lại tốt cho sự chữa bệnh nữa. Chỉ còn một việc là kiếm người ở thường-xuyên bảo-dưỡng nàng cho chu-đáo mà thôi. Xuân-Sơn phải lo việc đi thi; một mình Văn-Hải tới lui săn sóc cho nghi trong những ngày ấy cũng được; họ bàn định với nhau như thế rồi làm như thế.

Cửu Thưởng, từ ngày phán Thục và Nghi đưa đơn kiện chàng, chàng giận lắm, thề từ đây tuyệt nhau, không còn nhìn làm chị em nữa. Người vợ bao giờ cũng lấy làm bất-mãn về cách xử-trí của chàng, nhưng chẳng hề dám có một lời khuyên can hay đụng chạm đến. Sau khi chàng chịu mất non một ngàn rưởi bạc để đút-lót cho quan tỉnh, cửu Thưởng gái có nói xa nói gần để tỏ ý rằng nếu đem tiền cho quan ăn như thế thà để cho cô Nghi đi học còn hơn. Nhưng may sao, lần này chàng không vì câu nói ấy mà đánh chửi vợ, chỉ trợn mắt lên, nói chằm-bẵm rằng: « Tao thà cho quan ăn chứ không chịu thí cho con chó ấy một xu nhỏ!

Nhưng sau đó không lâu, nghe thiên-hạ đồn ầm lên rằng cậu Hà văn Hải, con quan án Bình-định, nay mai sắp đỗ đốc-tờ thầy thuốc, sẽ lấy cô Nghi, con gái ông bá Giám, đang cùng đi học ở Hanoi với cậu ta, thì cửu Thưởng lại đâm lo và muốn đổi ý. Chàng nghĩ, nếu quả vậy, bề nào ông Án cũng can-thiệp vào vụ kiện mà xử cho bên Nghi hơn. Đã hay rằng vụ kiện này thuộc việc hộ, ông án không có quyền vào đó cho lắm, nhưng cái nghề, quan thì họ vị quan, không khéo ông Thượng ông Bố cũng sẽ vào một bè với ông Án, mặc dầu hai ông ấy đã có lấy tiền của mình. Cửu Thưởng lo lắm, chàng nghĩ chỉ có làm thế nào phá cuộc hôn-nhân của hai đứa nó đi là yên việc hơn hết. Mà, không được thế, thì bề nào cũng phải trở lại làm lành với Nghi, không có, nó sẽ cậy thế-lưc nhà chồng mà làm cho mình nguy đến nơi.

Những điều lo-nghĩ ấy của cửu Thưởng là uổng-phí, là thừa ra, mà chàng có ngờ đâu! Cô Nghi đau bệnh bất-trị, chỉ còn có một cái chết, nay mai người ta sẽ đưa cô đến mộ-địa Bạch-mai; không cần có ai đang tay rẽ thúy chia loan là cô cũng không làm sao lấy được đốc-tờ Hà văn Hải! Đến sự can-thiệp vụ kiện, lại cũng không ăn thua nữa. Văn-Hải có thở than riêng với Xuân-Sơn rằng chàng có gởi thư thưa với cha chàng xin các quan xử cho mau, mà chẳng được chi. Trong thư trả lời, cha chàng có thuật lời quan Bố nói thế này: « Làm quan, ăn nhờ chỉ có những vụ kiện chia gia-tài, mà bảo xử mau thôi còn làm quan gì nữa! » Thế đủ biết cái thế lực của cha con họ Hà không có bổ-ích cho Nghi là mấy; huống chi, cái điều quan-hệ giữa hai người, sự thực còn chưa phải như thiên-hạ đồn. Bức thư của cha Văn-Hải trả lời ấy, chàng không dám đem nói với Nghi, sợ nàng buồn và tức thêm.