Trở vỏ lửa ra/V
V
- Em Nghi.
HÔM thím Quang về, không thấy có em cùng về với thím, anh đã lấy làm ngạc-nhiên! Qua vài bữa sau, tiếp được thư em, anh còn lấy làm ngạc-nhiên hơn nữa! Anh không hiểu sao em bây giờ, từ ý-tứ cho đến tính-nết thảy đều khác với trước kia như vậy!
Hay là có người nào xui-giục để em ra mặt phản-đối với anh chăng? Nếu vậy là họ có ý phá hư gia-đình chúng ta, cất mất hạnh-phước giữa anh em chúng ta, mà em không biết, cạn nghĩ, đã lầm nghe lời họ đó.
Không biết con gái đi học để làm chi mà em hòng muốn đi học đến kỳ-cùng? Các bà các cô trong họ nhà ta từ xưa có ai đi học như thế không? Em nghe lầm đó, chứ thầy đâu lại có muốn cho em điều ấy? Nếu quả vậy thì sao lúc chị phán còn nhỏ, thầy cũng đã cho đi học đến lớp ba là bắt về ở nhà?
Phải, đàn-bà con-gái thì chỉ nên học cho biết đọc, biết viết, biết làm tính qua-loa, rồi còn lo lấy chồng đẻ con, lập gia-đình; chứ học hoài học hủy, nó quá cái xuân-xanh đi, còn mong gì nữa!
Anh bảo em thôi học mà về, thế là anh lo cho em, cơ khổ, em lại không biết!
Bữa qua, nhơn ngày tuần năm-mươi cho mẹ, có vợ chồng anh phán về đây. Bàn về việc em, thì cả anh chị ấy đều nói em thôi học đi, về nhà lo tập-tành công ăn việc làm là phải. Cho đến cả nhà ai cũng đồng một ý như vậy.
Vậy, tiếp được thư này, em nên nhờ dì Tuấn xếp đặt cho cách đi về mà đi về đi. Đừng vô Saigon mà cũng đừng ở Phan-thiết nữa.
Còn cái đám con trai ông bá-hộ Sanh, em nếu còn chưa muốn nói tới vội thì anh cũng không ép. Anh cốt chỉ muốn em về nhà đây để yên phận làm một cô con-gái con nhà nề-nếp, chứ sự ấy không cần lắm.
Vì anh đã quyết định như vậy nên anh không gởi tiền cho em nữa. Món tiền trước còn lại, anh liệu cũng đủ cho em về đường.
Hễ được thư này là lên đường ngay.
Nay thư
Ký tên: THƯỞNGBức thư ấy, chính cửu Thưởng mạng ý cho vợ chàng viết. Chàng cũng đã đo-đắn suy-nghĩ lắm mới phô những ý ấy ra. Chàng lấy làm đắc-sách nhất là câu sau cùng, nói sự không gởi tiền Chàng tiên-liệu rằng hễ không gởi tiền thì Nghi phải cụt đường: chỉ có một nước về nhà, chứ không đi đâu mà cũng không ở đâu được nữa.
Ai dè « vỏ quít dày lại có móng tay nhọn »! Bà Giáo, thầy của Nghi, một người đàn-bà mà túc trí đa mưu lắm. Nhờ có bà, Nghi mới gỡ mình ra được khỏi sự lúng-túng khó-khăn.
Nghi nhận được phong thư, mở xem xong, đem đọc cho bà Tuấn nghe, và nói:
— Đó cháu nói đúng lắm, hễ gởi thư xin phép anh cửu cháu, là nhất-định không hy-vọng.
Bà Tuấn cũng khoe mình tiên-kiến:
— Chứ tao thì lại không đoán trước được điều ấy hay sao? Tao chẳng từng nói với mày rằng cái thằng ấy, có trời gầm, nó cũng không nhả ra cho mày mỗi năm bốn năm trăm bạc sao?
— Mặc kệ, không cho, cháu cũng cứ đi.
— Phải có tiền đã chớ. Tiền đâu?
— Cháu sẽ viết thư nhờ vợ chồng anh phán giúp cháu. Anh phán tốt bụng lắm. Tiền nhà gởi cho cháu mấy tháng nay không đủ tiêu, cháu vẫn nhờ anh chị ấy thỉnh-thoảng gởi cho một vài chục.
— Anh Phán Thục hào lắm, dì biết. Cũng vì cái hào ấy mà mỗi năm anh vứt đi có bạc ngàn lại thêm buôn bán thua-lỗ nữa là khác, sợ anh giúp cháu không kham đâu.
— Cùng không có thì cháu nhờ mỗi người một ít: còn bà giáo, thầy của cháu nữa.
— Bậy, không nên. Bà giáo, nhờ bà cái gì thì được, ai lại nhờ đến đồng tiền?
— Dì nói vậy chứ bây giờ cháu nhờ bà giúp mỗi tháng vài chục là được ngay, vì bà thương cháu lắm cơ. Sau cháu làm ra, sẽ trả cho bà, chứ phải ăn không đi sao mà ngại?
Bà Tuấn quả-quyết:
— Đã nói không nên là không nên. Phải chi nhà mày nghèo thì còn có lẽ. Cái này, nhà mày giàu có hàng vạn mà đi nhờ người dưng là vô-lý lắm, nghe sao được?
Nghi, cái bộ tiu-nghỉu, đưa hai tay lên gãi mạnh vào đầu, ra dáng ngã lòng và tức-bực. Bỗng dưng cô làm ra mạnh-dạn, dõng-dạc nói:
— Mà, không phương này thì phương khác, làm sao cháu cũng đi học nữa cho được, chứ không chịu về. Về nhà, còn sợ nỗi ở không được với anh cháu nữa!
Bà Tuấn nhắc Nghi:
— Coi trời có còn sớm thì đi đến bà giáo đi. Nhớ cầm theo phong thư của anh mày nữa.
Nghi vừa bước ra cửa vừa nói đùa hí-hửng:
— Chỉ có tìm tới « Tôn-sư » của Lục Vân-Tiên là vạn-sự giai thành!
Bà giáo bảo Nghi đưa bức thư ra cho bà xem Bà xem đi xem lại đến ba bốn bận. Xong, bà nói:
— Thế là ông anh chị không bằng lòng cho chị đi học nữa, bảo chị về ở nhà?
— Dạ.
— Con gái học nhiều không làm gì, ông ấy nói cũng có lẽ lắm, thì chị cứ vâng lời ông ấy đi cho xong.
— Thưa, nếu thế thì con đã chẳng tới đây làm chi. Con quyết đi học nữa, một là vì con yêu cha mẹ con, con muốn làm y theo sở-nguyện của người; hai là vì con không bằng lòng làm một người đàn-bà thường, mà ưng làm một người có học-thức, xin lỗi thầy, như thầy chẳng hạn.
— Chị đã quyết-định như thế?
— Dạ, con quyết lắm. Nhiều khi con nghĩ dại rằng nếu không được đi học nữa thì thà con chết.
Bà giáo cười tủm-tỉm:
— Chị Nghi nói cái gì nghe cũng dễ-dàng quá. Hôm trước thì chị nói làm cách-mạng; bữa nay chị lại đòi chết!
Nghi biết bà Giáo có ý răn-dạy mình về sự ăn-nói đừng nên xốc-nổi thì trong lòng thấy cảm-động lắm, bỗng hai hàng lệ ở mắt cô chảy ra, nhểu xuống hai bên má.
Bà giáo nghiêm-trang hỏi:
— Uả hay! Tôi nói chỉ có thế, sao chị đã khóc?
Nàng càng thấy cảm-động, thổn-thức nói:
— Thưa thầy, con vừa chợt nhớ lại, mới hôm Tết đây, ở nhà với mẹ con, con cũng có lỡ lời nói một câu như thế, bị mẹ con mắng; hôm nay...
Bà giáo thấy chỗ thật-thà trung-hậu đáng thương của Nghi, không nỡ để có sự hối-hận lâu ở lòng cô nữa, nên không đợi cô nói dứt câu mà vội-vã day qua chuyện khác;
— Có phải bây giờ thì chị đang bối-rối về vấn-đề học-phí đó chi?
— Dạ phải, Nếu con cưỡng lời anh con, tất nhiên anh con không cho tiền, như thế, con không biết kiếm đâu ra tiền để đi học.
— Được, không lo chi. Tôi có cách kiếm đủ tiền cho chị đi học trong bốn năm.
Nghi vội-vàng mừng rỡ nói:
— Cảm ơn thầy. Con cũng đã nói với dì con ở nhà rằng chắc thầy có thể giúp con được. Tuy vậy, con cũng có tính trước rồi: con không dám nhờ cả vào thầy, con sẽ viết thư xin anh phán chị phán của con.
Bà giáo mỉm cười, chữa câu nói của Nghi:
— Chị tưởng tôi lấy tiền của tôi? Không phải đâu. Tiền ấy sẽ là tiền của nhà chị.
Nghi lấy làm lạ, không hiểu bà giáo nói ý chi Cô nghĩ phân-vân không ra manh-mối gì cả, bèn hỏi:
— Cái điều thầy nói, con không thể hiểu được con cứ tưởng anh con đã không chịu cho thì con không còn làm sao lấy tiền ở nhà con được hết.
Bà giáo lại cười:
— Cái đó hẵng nên giữ bí-mật đã, chưa cần biết vội. Bây giờ tôi hỏi chị: Thế là chị quyết không tuân lời gia-trưởng, nhất định đi Saigon học nữa phải không?
— Dạ, xin thầy tin con, con quyết lắm, nhất định lắm.
— Thế thì được! Tôi nói cho chị biết, việc chị định làm đó ngó như trái mà không trái. Người ta ai cũng có quyền tự-do cầu trí-thức, mà anh của chị toan cướp cái quyền ấy của chị thì chị phải giành lại chứ sao? Chỉ có một điều là trong khi giành lại, chị phải cư-xử cho phải đường, Bởi vậy, trước kia tôi bảo chị phải về chạy tang vừa rồi tôi khuyên chị gởi thư xin phép, là để giữ cho chị khỏi mang cái lỗi gì vào mình cả.
Nghi nghe mấy lời ấy, vỡ ra rằng trong công việc mình làm, giá không có bà giáo chỉ-bảo cho thì đã lỗi-lầm nhiều lắm, bèn tỏ vẻ rất cảm-khích mà nói cùng bà rằng:
— Xin thầy tha tội cho con! Con e cho vì việc con mà sau nầy thầy không khỏi mang tiếng: Như trong thư anh con nói « có người nào xui giục », một là ám-chỉ thầy, hai là ám-chỉ dì con chứ ai! Thầy có lòng thương con, xin thầy cũng đừng chấp-trách làm chi.
Bà giáo vẫn cười:
— Không sao. Miễn tôi giúp chị giành lại được chút quyền tự-do thì có mang tiếng cũng vô hại. Vả chăng, anh của chị nào có biết tôi là ai.
Rút câu, bà giáo dặn-dò Nghi từ rày phải ở trong nhà luôn, không được đi đâu hết cho đến khi nào bà thu-xếp cho để đi Saigon. Bà cũng bảo Nghi viết sẵn một bức thư, nói vì cớ gì dám trái lệnh đi học thêm, để trước khi lên đường vào Nam thì gởi về cho cửu Thưởng.
Nghi trở về thuật lại cho dì mình nghe những lời của bà giáo. Bà Tuấn cũng lấy làm quái. không hiểu sao lại có thể móc tiền trong túi cửu Thưởng để cho Nghi đi học trong bốn năm, Nghĩ mãi không ra, bà cho rằng có lẽ bà giáo nói dóc mà chơi!