VI


CỬU Thưởng gửi thư vào cho Nghi gần nửa tháng rồi, trông càng ngày càng mất, không thấy Nghi về thì chàng đâm ra ngờ-vực và hối-hận, nói với vợ:

— Mình ơi! Thật tôi dại quá đi mất! Sao tôi hôm nọ trả lời cho con Nghi lại không vờ nhận lời nó và bảo nó hẵng về đây trước khi đi Saigon? Giá nói phỉnh nó và bảo nó về rồi cấm-cung nó ở nhà đây, đừng cho đi nữa, có phải tiện việc hơn không? Làm gì lại gởi thư ngăn-cấm nó, không cho nó đi học nữa? Ngộ sau khi nhận được thư mà nó thấy tuyệt-vọng rồi đâm khùng ra, làm liều làm lĩnh, thì rối biết chừng nào!

Cửu Thưởng gái chưa biết lấy lời chi đáp lại, chỉ làm thinh nhìn chồng, thì chàng nổi nóng lên, mắng xối vợ vuốt mặt không kịp:

— Sao mình bự cái mặt ra thế? Tôi làm một việc dại dột như thế mà mình cũng để cho tôi làm, là nghĩa làm sao? Có phải chính tay mình đã viết cái thư ấy không? Thế mà cũng gọi là một người đàn-bà có học đấy! Dốt ơi là dốt!

Người đàn-bà tức đầy cả ngực, máu lồng lên, đỏ chạch cặp con mắt, cũng phải cắn răng mà chịu. Nàng chỉ có một nước đấu-dịu:

— Anh mắng tôi làm gì cho tội nghiệp. Tuy tôi viết chứ nào phải bởi ý tôi. Huống chi, việc có nhỡ ra thì bây giờ cũng không phải là không vớt lại được

Cửu Thưởng tức thì đổi nét mặt cáu-kỉnh làm ra hớn-hở:

— Mình nói « vớt lại được » là vớt bằng cách nào?

— Thì như anh nói đó, nếu muốn « vờ » thì hôm nay cũng còn vờ được.

Cửu Thưởng gái vốn tình thật không có gian-trá hiểm-độc như chồng nàng. Chẳng những thế, thấy tình-cảnh của Nghi, nàng còn biết thương-hại nữa. Nhưng, trong cơn bị cái yếu-đuối sai-khiến, muốn tìm ra một câu nói để đỡ sự phũ-phàng của kẻ vũ-phu, nàng không hay mình đã trở nên một kẻ đồng-mưu với chồng làm một việc giả-dối và hèn-mạt.

Nghĩ một chặp, rồi như tuồng đã nghĩ ra, cửu Thưởng lấy làm sung-sướng lắm, ép vợ viết cho Nghi bức thư thứ hai. Thư rằng:

Qui-nhơn, ngày 9 Juillet 1922,
Em Nghi.

Ngày 24 Juin anh có gởi một phong thư cho em; cho đến nay mà chưa được tin em nói ra thế nào, thì anh lấy làm lo ngại lắm.

Nếu em có buồn-rầu thì thôi, đừng buồn-rầu nữa! Anh nói mau cho em biết rằng cái thư này của anh không còn giống một ý với cái thư trước đâu!

Thật cha mẹ chúng ta linh-thiêng quá! Sau cái thư gửi đi rồi thì anh nằm thấy thầy về trách-móc anh dữ lắm. Anh biết mình đắc-tội với tiên-nhân nên phải đổi ý định về việc em.

Bây giờ anh thuận tình để cho em đi học Saigon đấy. Nhưng em phải về nhà đã, rồi sẽ đi.

Lần này em đi xa và có lẽ còn lâu mới về. Thêm nữa, mẹ mới mất đó. Em phải về, trước để lạy bàn-thờ thày mẹ bốn lạy; và sau để chào qua các ông bà cô bác một tiếng. Ông bà Chánh-Khiêm, bác Điển Tùng là người trưởng-thượng trong phái ta mà hay câu chấp từng chút. Em dù con gái chứ chưa xuất-giá thì cũng như con trai. Đi mà không có một lời thưa qua, phần em tuy thoát được, chứ anh đây là gia-trưởng, sẽ bị trách-cứ rầy-rà không phải vừa.

Tiền bạc, anh sắm-ký ở nhà sẵn. Em về rồi lấy mà đem đi, khỏi phải gởi-gắm lôi-thôi.

Thôi, em về ngay đi, đừng dần-dà mà trễ.

Nay thư

Ký tên: Thưởng

Bức thư viết xong, lập-tức niêm-phong gởi đi. Cửu Thưởng lấy làm đắc-ý lắm, cho rằng cái chiến-thuật của mình đến thế là thần-diệu, lần này thôi thì phải đắc-thắng. Thì quả-nhiên, việc đã xảy ra như ý chàng.

Chiều hôm ấy, bà Tuấn đi chợ vừa về. Cô Nghi ở trong buồng học bước ra. Người phát thơ cũng vừa đưa một phong thư đến. Coi ngoài bì, biết là thư nhà, Nghi đem nói với bà Tuấn:

— Lạ chưa dì nè! Thư gì mà hôm nay anh cửu cháu lại gởi cho cháu nữa đây?

— Ừ, cũng lạ đấy nhỉ! À mà nó lại giục mày về nữa chứ gì. Bóc ra xem đi.

— Khoan để cháu đoán thử đã.

— Tao thì đoán nó giục mày về.

— Cháu thì đồ anh ấy tưởng cháu không có tiền về, gởi chút ít tiền cho cháu. — Cầm cái thư nhắc lên nhắc xuống và nói: Chắc trong này có măng-đa.

Hai dì cháu cùng làm thầy-bói phỉ-sức rồi mới mở phong thư ra. Nghi đọc đầu nhỏ sau to. Nét mặt cô theo từng đoạn trong thư mà tăng vẻ hoan-hỉ. Bà Tuấn đứng cạnh nghe, chốc-chốc vỗ vai Nghi, ra chiều vừa ý lắm.

Nghi mừng quá, hí-hửng nhảy như con sẻ-sẻ, nói với Tuấn:

— Có thế chứ! Không thì cứ phải trông-cậy vào cái mưu bí-mật của bà giáo mà còn chưa biết nó có hiệu-quả hay không nữa! — Và thêm: Anh cửu cháu thình-lình đổi ý có lạ không, dì coi?

Bà Tuấn trề môi:

— Gớm, cũng nhờ có ông thân mày cho thấy chiêm-bao đó chứ. Thế mà mày cứ nói theo sách tây của mày, bảo không có ma, người ta chết là hết, hồn không hiện về được!

— Thì cháu biết đâu, nghe thầy giáo nói vậy thì cháu học lại vậy. Đợi khi nào cháu chết, khi ấy cháu sẽ biết chắc mà bảo dì.

— Cái con ròng những mở miệng nói dại!.. Thôi, lo sắm-sửa đi, lại đằng bà giáo thưa bà ấy biết đầu đuôi, rồi ngày mai đi về Qui-nhơn cho sớm.

Bà giáo vừa thấy mặt Nghi thì kêu:

— Chị Nghi hôm nay sao trông người vui-vẻ tệ?

— Thưa thầy, con vừa trúng số!..

— À ra thế đấy..

— Thưa thầy, sự thực là anh cửu con có thư vô cho phép con đi Saigon.

— Có thư?

— Thưa có thư. Nghi vừa nói vừa lấy thư ra đọc cho bà giáo nghe. Đến chỗ dứt câu nào cô cũng chấm dứt bằng một nụ cười.

Bà giáo nghe xong, cũng lấy làm hân-hạnh cho Nghi, vội-vàng bảo:

— Thế thì chị nên thu-xếp về ngay đi. Khỏe cho chị mà cũng cho tôi nữa, khỏi phải lo-lắng lôi-thôi gì hết.

— Dạ, con đã định ngày mai đi về sớm, nên đến thưa thầy biết và chào một thể.

— Chị định bữa sau ở nhà đi Saigon thẳng hay có ghé đây rồi mới đi?

— Con còn chưa biết. Nếu đi ngay Saigon thì khi đến đó con sẽ viết thư gấp về hầu thầy.

— Thật may cho chị quá nhỉ!

— Dạ, con lấy làm may lắm, giá không được thế này thì không biết thầy lo liệu cho con cách nào. Hôm nay thầy có thể cho con biết cái điều bí-mật ấy không?

— Tôi cũng định hết sức giúp cho chị được việc đó thôi. Có gì mà bí-mật? Hôm nay đã không cần-dùng đến thì cũng không nhắc lại làm chi. Vả lại, nếu vạn nhất còn có lúc cần-dùng nó thì hẵng cứ để yên, đừng nói tới.

« Còn có lúc cần-dùng », mấy tiếng ấy vừa lọt vào tai Nghi, hình như có làm cho cô nghĩ-ngợi; chưa nghĩ ra ý gì thì bà giáo hỏi:

— Chị mười phần tin-cậy ở cái thư ông cửu, hay có ngờ-vực gì chăng?

— Con không ngờ-vực gì cả, vì không còn gì ngờ-vực nữa.

— Ông ấy bình-nhật ở với chị không được tốt, tôi biết rồi; nhưng ông ta người thực-thà hay giả-dối?

— Anh con thì xảo-trá đáo-để. Nhưng con tưởng việc này thì không sao giả-dối được, vì nhờ có ông-thân con cho thấy chiêm-bao.

Bà giáo mỉm cười:

— Thế thì được! Tôi chúc chị đi bình-yên. Tôi chỉ có một ý giúp chị giành lại quyền tự-do khi nào nó bị cướp. Lúc khác nếu chị cần đến tôi trong việc ấy thì tôi lại sẵn lòng giúp chị.