Trở vỏ lửa ra/IV
IV
CỬU Thưởng, sau khi gởi thư cho Nghi độ một tuần lễ rồi, cứ ngồi nhà trông tin-tức của người đàn-bà tên là Quang, thím dâu hắn. Không ngờ, đến ngày Quang về tới nơi thì không thấy có Nghi đi với, làm hắn tức mình phát-cáu, la-lối om-xòm. Hỏi thì nói rằng khi Quang ở Saigon về ghé Phan-thiết, vào nhà bà Tuấn, không thấy Nghi ở nhà, bà Tuấn bảo Nghi đi học để thi « con cua »; và bà nói Nghi không về Qui-nhơn đâu, mới có « bỏ thơ thùng » về cho anh cửu đó. Vì cớ ấy, Quang không đợi Nghi nữa, đi về một mình.
Thưởng uất người lên mà không làm sao phát-tiết được, bèn kêu vợ mình lên, phàn-nàn với nhau:
— Mình xem, thế là tôi nói có sai đâu con Nghi đổ đốn rồi! Mà đầu đuôi cũng tại bà Tuấn sử giặc ra cho nó. Thi cái đếch gì lại thi « con cua »? Học? Học cái gì? Đã đỗ rồi còn học gì nữa?
Cửu Thưởng gái tuy không học-thức nhiều chứ cũng có biết chữ và thông-hoạt hơn chồng nàng. Nàng nghe thì biết chồng mình nói bướng, nhưng sợ không dám cãi; cũng không dám tỏ ý đỡ-vớt cho Nghi, tuy nàng vẫn nhận thấy Nghi thông-minh, nhà có tiền, nên cho đi học nữa; lại, cô-em vốn người đứng-đắn, không khi nào đổ đốn được.
Cửu Thưởng được nề làm già tới, chàng quên rằng trước mặt mình chỉ có vợ:
— Tao giận lắm! Cái con mẹ Tuấn, cái con quỉ già ấy. dạo trước tại nhà đây nó cứ nằn-nằn đòi cho con bé đi học nữa. Con bé đi học nữa mà nó được cái gì? Tao biết, nó cố dụ con Nghi ở mãi nhà nó để nó có rút ruột chớ chi! Rồi đây tao không thí cho một đồng nhỏ nào hết thì có ăn ngữ cứt người ta!
Cửu Thưởng cứ cáu-kỉnh như thế luôn trong hai ha ngày. Ngày hôm sau thì có thư của Nghi do một tên lính trạm đưa đến.
Thói nhà quê, mỗi lần lính trạm đưa thư đến nhà ai, hay vòi xin dăm-ba xu có khi đến một hào. Nghe nói là thư của Nghi, Cửu Thưởng đã phát ghét, nhưng không lẽ nào không nhận. Bỏ ra một hào — vì người lính cứ ỳ-èo xin cho được một hào mới nghe — để nhận một phong thư đáng ghét thì cửu Thưởng lấy làm cay quá, nên cứ cằn-rằn mắng-mỏ hoài, mà cũng không biết là mắng ai. Chàng cứ đi về đi ra, đi lên đi xuống, cái mặt nặng một khiêng, trong miệng lầm-bầm những gì không rõ, mãi rồi mới kêu vợ mở thư xem.
Thư rằng:
Thưa anh chị,
Em có lời kính chúc anh chị mạnh-giỏi, nhà ta làm ăn thạnh-vượng, phát tài...
Cửu Thưởng gái vừa đọc đến đó thì chồng nàng, đương ngồi nghe, bỗng hét lên, át cả tiếng đọc:
— Hứ! Phát-tài! Phát-tài với con khỉ! Làm thì không ra mà mỗi tháng cứ phải cung cho nó ít nhất là hai chục, hiếm phát-tài lắm! Đồ chó! còn anh anh em em chi?
— Thì bớt nóng đi, để mà nghe với chứ.
Cửu Thưởng gái ngước lên nói khẽ với chồng như thế rồi lại cúi xuống đọc tiếp:
Vừa rồi em có tiếp được thư anh bảo em đi về với thím Quang. Nhưng em nghĩ, em mà bỏ học thì uổng quá, nên em còn ở lại Phan-thiết mà viết thư này về xin bày-tỏ cùng anh cái điều em muốn.
Thầy em, thuở sinh-tiền, ham-thích sự học lắm, đã bỏ ra hàng ngàn bạc lập trường học trong tổng trong làng. Cả đời lấy làm phiền-muộn về sự không có con trai để cho đi học. Thấy mẹ em có nhắc lại rằng lúc em còn bú, thầy em thấy em hơi sáng dạ, thường cứ đinh-ninh với mẹ: về sau em lớn thì phải cho em đi học cho đến cùng. Trong nhà, tiền đã có sẵn, thử ngoại không nên lấy cớ gì mà làm ngăn-trở sự học của em. Bởi vậy, sáu năm nay, mẹ em tuy phải ở nhà một mình, buồn-rầu đau-ốm, mà cũng đành để em tòng-học luôn ở trường Phan-thiết.
Cửu Thưởng nghe xong đoạn đó, gằm mặt xuống, ra vẻ sượng-sùng, nói lẩm-bẩm trong miệng: « Thứ chuyện cũ, tám mươi đời vương nay, ai biết đâu mà cũng nói! »
Ngước lên hỏi vợ:
— Rồi sao nữa?
Vợ chàng đọc tiếp:
Nay thầy mẹ em mất rồi, quyền gia-trưởng về anh; em không mong ở anh cái gì cả, chỉ mong anh kế-thừa cái chí-nguyện ấy của thầy mẹ mà thôi!
Hiện nay nhà-nước mở rộng đường học-vấn của con gái cũng như con trai. Em mới thi đỗ đó là cái bằng tiểu-học mà thôi, chứ còn lên cao-đẳng-tiểu-học, lên tú-tài, rồi cử-nhân, tiến-sĩ nữa: Ví chẳng khác con đường đi hàng ngàn cây số mà em mới bước được một bước. Vậy cái điều em tha-thiết bây giờ là làm sao để được theo mãi con đường ấy cho đến nơi.
Từ Phan-Thiết vào Saigon chỉ có nửa ngày đường xe hỏa. Em muốn ngay đầu năm học này, em vô Saigon, thi vào lớp đệ-nhất-niên ở Nữ-học-đường tại đó; rồi học luôn bốn năm sẽ thi ra. Tương-lai của em còn thế nào nữa, bây giờ em cũng không biết mà dự-định; em chỉ cố làm sao học trong bốn năm để lấy được bằng cao-đẳng-tiểu-học.
Về vấn-đề học-phí, nhà ai thì khó chứ nhà ta thì ứng-phó rất dễ-dàng. Em không lo. Em chỉ mong anh ừ cho em một tiếng là được. Tuy vậy, em cũng tính phỏng trước để anh biết mà liệu: tháng hơn bù tháng kém, cả năm chừng mất năm trăm đồng là nhiều.
Cửu Thưởng nghe đến đó, le lưỡi, nói với vợ:
— Lạ không? Nó làm chi té ra cho ai một đồng mà một năm nó đòi tiêu năm trăm đồng về phần nó? Bốn năm: hai ngàn đồng! Làm gì có? Một là tao phải nhịn đi, đừng mua bốn mẫu đất; mà hai nữa là tao phải bán đi bốn mẫu đất để mà theo! Thật không thấy con gái nhà ai nói chuyện lớn-lối như vậy bao giờ! Cũng tại bà bá nghe lời ông, cho nó đi ra, nên bây giờ nó nói toàn cái giọng cách-mạng và cộng-sản, nghe khó chịu quá!
— Rồi chàng làm như sực nhớ lại, hỏi vợ:
— Chứ trong thư, con Nghi nó không nói gì đến chuyện chồng con của nó hay sao?
Cửu Thưởng gái đọc nốt để trả lời:
Còn về câu chuyện con trai ông bá-hộ Sanh mà anh mới nói cho em biết trong thư, thì em rất lấy làm ngạc-nhiên, chẳng biết dùng lời gì để đáp lại hết Anh nghĩ mà coi, em còn con-nít trong, vả lại mẹ mới vừa mất đó, thì em có phép nào mở miệng nói chuyện ấy với anh được!
Xin anh coi thư này là thư của đứa em gái anh xin phép anh để đi học nữa. Anh có quyền ừ hay không ừ. Thế nào cũng xin anh trả lời gấp cho em.
Nghe đọc xong bức thư, cửu Thưởng liền ngã người ra trên bức phản mình đương ngồi với vợ, tay gác lên trán, mặt quay vào tường tỏ cho người nhà thấy rằng đó là hết cơn giận, đến cơn lo.
Thật, cửu Thưởng lo lắm; lo không biết phải đối-phó với cái cô-em ngang-ngạnh ấy bằng cách nào. Ừ chăng? Mỗi năm phải mất cho cô năm trăm đồng, chàng lấy làm sốt ruột lắm. Mà không ừ chăng? Cửu Thưởng cũng tự biết nếu làm như thế mình sẽ mang tiếng là không biết điều với làng-xóm bà-con; nhất là cắt cụt cái hy-vọng lúc sinh-tiền của vợ-chồng ông bá là người mình kế-tự, chàng cũng thấy lương-tâm cắn-rứt.
Bỗng vừa có vợ chồng phán Thục về chơi. Chàng vội đem câu chuyện của Nghi ra nói; và trong khi nói, viện lấy cớ này cớ khác để tỏ rằng cái điều Nghi muốn là không thể được, mong cho hai người cũng đồng-ý với mình để bác lời thỉnh-cầu của Nghi đi.
Trần-thị Hiệp, chị ruột của Nghi, hơn Nghi đến hai mươi tuổi, lấy Đỗ đình Thục nguyên làm phán sự ở tòa sứ Qui-nhơn, đã thôi rồi mà còn ở buôn-bán làm ăn tại đó. Phán Thục, người phong-nhã hào-hiệp lắm, làm rể ông bá Giám mười mấy năm, ông gia chàng-rể rất tương-đắc. Đã thế thì đối với cửu Thưởng, tất nhiên là hai đằng không thích nhau. Hôm nay vợ chồng họ về đây vì gần đến ngày làm tuần năm mươi cho bà bá. Thế mà cửu Thưởng lại mong phán Thục đồng-ý với mình, rõ thật chàng ngớ-ngẩn.
Thưởng nói với Thục:
— Thì anh phán nghĩ: đàn-bà con-gái ở ta đây có ai học nhiều đâu. Như chị phán hay nhà tôi, cũng chỉ học cho biết đọc, biết viết, biết làm bốn phép tính là đủ rồi. Còn để thì-giờ mà lấy chồng, đẻ con, lập gia-đình nữa chớ. Thế mà con Nghi, nó đã thi đậu rồi, nó còn đòi đi học những bốn năm nữa, là học làm chi, tôi không hiểu!
Phán Thục trai chỉ cười cười, không tỏ ý khả phủ làm sao hết. Nhưng phán Thục gái buột mồm nói:
— Nó đi học nữa thì đã hại gì đến cậu?
Cửu Thưởng đỏ mặt tía tai:
— Chị nói sao lạ thế? Con gái đã lớn, đi đường xa, ở một mình, rủi có việc gì, nếu chẳng phải tôi chịu trách-nhiệm thì còn ai?
— Cậu khéo lo vô-lối. Học ở trong trường, có bà đốc, có các cô giáo. có kiểm-khán nữa, người ta dạy-dỗ nghiêm-trang còn bằng mấy ở nhà mình.
— Nhưng mà con gái, đi học để làm gì mới được chứ?
— Nói hay chưa? chỉ một mình cậu biết chạy hàn-lâm, không được, cũng cửu-phẩm; còn người ta là rác đó!
Phán Thục gái hình như có chất-chứa sự bất-bình từ lâu, cho nên hôm nay nói khí nặng lời, làm cửu Thưởng thấy mình ê-trệ trước mặt anh rể mình quá. Số là ngày trước ông bá Giám có quyên ra năm ngàn đồng bạc làm hai cái trường học cho làng và tổng. Giữa lúc đó ông cũng vừa nhận Thưởng làm con kế-tự cho vợ chồng ông. Nhân thể, ông xin quan trên chiếu lệ tư cho Thưởng được hàm Hàn-lâm-viện Đãi-chiếu để mở mày mở mặt với đời. Không ngờ, tỉnh tư ra bộ, bộ tư về, bảo phải sát-hạch người được thưởng: nếu người ấy không có chút đỉnh văn-học thì không được dự « viện-hàm ». Quan tỉnh theo lời bộ, xét ra Trần công Thưởng vốn không thông một thứ chữ nào, chỉ viết nổi ba chữ tên và thủ ký, thành thử chỉ tư cho cái hàm chánh-cửu-phẩm bá-hộ chứ cũng không được văn-giai nữa. Việc ấy, lúc xảy ra, đã làm trò cười cho hết cả sĩ-phu trong hàng tỉnh. Nhưng trải qua lâu ngày, nó cũng lại vùi-dập dưới đống thời-gian. Hôm nay phán Thục gái cố ý bới nó lên, làm cửu Thưởng mất thể-diện trước mặt anh-rể, tự-nhiên chàng phải căm tức lắm và coi chị như kẻ thù với mình.
Khi ấy, Thưởng điên tiết lên rồi, bèn cả tiếng phũ-phàng một cách vô-lý:
— Tưởng chị nói làm sao, chớ chị nói làm vậy thì tôi không cho con Nghi đi học nữa, coi thử chị làm gì tôi?
— Tôi làm gì cậu được! Có điều...
Phán Thục gái nói chưa dứt câu thì chồng nàng can nàng, bảo đừng nói nữa và quay sang hỏi cửu Thưởng:
— Nhưng mà ngày mai làm tuần năm-mươi cho mẹ, cậu có viết thư bảo Nghi về không?
Cửu Thưởng vớ được câu hỏi, tưởng có thể nhân đó để buộc tội Nghi thêm, thì vội-vàng đáp:
— Thưa anh, có lắm chứ. Giá nó theo lời tôi đi về với thím Quang thì đến nhà đã dăm hôm nay rồi. Trong nhà bữa nay làm sao lại không có mặt nó? Nhưng, cái con bậy quá, trong thư nó gởi về cho tôi đây, chẳng hề nói chi đến ngày tuần ngày tự hết.
Cửu Thưởng nói thế rồi móc túi lấy phong thư của Nghi ra đưa cho phán Thục xem.
Phán Thục xem thư Nghi thì trong ý cho rằng cái điều Nghi muốn là nên lắm, lời-lẽ cũng phải chăng, chẳng có một chút gì nên tội. Chàng vẫn biết Cửu Thưởng là người thế nào rồi, nói gì với hắn cũng vô-ích, nên chàng chẳng nói làm chi. Nhưng phán Thục gái, sau khi thấy thư Nghi rồi, càng bất-bình thêm cho cửu Thưởng.
Phán Thục nói riêng với vợ:
— Việc này đối với tôi thì là việc đương-nhiên; song về tay cậu cửu thì cậu coi là một điều ngang-trái, không có thể được. Cái đó tùy tâm-tính người ta, biết làm sao! Có một điều mình nên nghĩ, là bây giờ gia-cang đã nắm trong tay cậu, cậu xử thế nào, hay thế ấy. Mình là phận gái, xuất-giá tùng phu, còn có quyền gì ở cái nhà này, mà cứ cố cãi thì rồi sinh thù sinh oán giữa chị em, không tốt.
Phán Thục gái nghe lời chồng, nên trọn hôm đó và hôm sau, ở lại nhà cửu Thưởng — là nhà cha mẹ đẻ của nàng — xong việc cúng-bái rồi về, chẳng còn nói đến chuyện của Nghi một lời nào nữa.
Về phần cửu Thưởng, hồi mới tiếp được thư Nghi, tuy mười phần cự-tuyệt cũng còn có một phần lưỡng lự. Nhưng sau khi nói chuyện với phán Thục gái, vì mấy lời của nàng khích-nộ, chàng trở muốn làm thẳng tới cho lại gan. Xong việc nhà, chàng lập-tức bàn với vợ viết thư gọi Nghi về, không cho đi Saigon, cũng không cho ở Phan-thiết nữa.