Thuốc hoàn hồn của Phan Bội Châu
Chương thứ hai
CHƯƠNG THỨ HAI

Bài hát chữ « Cần »

Lò trời đất đúc nên tú-khí, dầu gái trai ai cũng thông-minh. Loài người là vạn-vật chí linh, sao người giỏi mà mình hèn nhát? Mắt hay thấy, tai hay nghe, tay chơn hay chuyển-bát, óc thiêng càng linh-hoạt hơn ai; của nhờ Đất, mà năm, tháng nhờ Trời, ngày đêm hai-mươi bốn giờ giặc-giặc, nếu siêng thì việc gì làm chẳng được, không đui, què, câm, điếc há thua ai? Tội-tình cho một món người, tham chơi, tham khỏe, ngồi hoài ăn không. Sĩ chẳng sĩ, nông chẳng nông, công chẳng công, thương chẳng thương, lực đã biếng mà tâm càng ở nể. Hèn như thế lại lười như thế, áo với cơm, mặc tệ, ăn tai! Ai hay ai dở mặc ai, anh thì ngồi nể, nằm hoài cả ngày.

Cũng có kẻ phúc trời, lộc nước, lại ca, nha, tửu, bác kiếp phong-lưu, nước nhà nghiêng vào « phách » với « chầu » điền-địa đổ vào « xe » với « lọ »; và tiệc rượu rốc nghiêng cơ-nghiệp tổ, mấy lá bài « phỗng » sạch của cha ông. Chôn mình vào mả chơi rông, vì chưng lười biếng nên không học nghề.

Con cháu hỡi, xin nghe ta nhắc, lời xưa rằng: « Cần-tắc hữu công »; nhác thời chẳng việc gì xong, siêng thì muôn việc ở trong tay mình. Siêng gieo cát, nường Tinh lớp lớp, biển bao sâu ta lấp cũng bằng, siêng dọn đá, siêng đốt rừng, núi Ngu-Công đó dễ-dưng đẩy-dời; siêng thời việc tầy trời làm được, nhác thời công gánh nước chẳng xong; người đâu phải ký-sinh trùng, có ăn, có mặc há không có làm? « Cần » với « Nọa » thánh, phàm chia lối công bởi siêng mà tội bởi lười.

Con cháu ta ơi! Con cháu ta ơi! Thương cha tiếc mẹ chớ nguôi chữ « cần ». Có thân thời phải lập thân.