Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 20
MỘT CHIẾC TÀU TRẬN PHÁP BỊ ĐÁNH
Vừa có tin chiếc diệt ngư lôi đĩnh của “Maillebreze” của Pháp, nhân hôm 18-1-1937, từ một cửa biển Tây-ban-nha chạy về quân cảnh Toulouse, nửa đường thì bị 5 quả bom từ đâu ném đến không biết, nhưng may, 5 quả mà không trúng quả nào. Cuộc điều tra hiện đã mở để xét xem tàu nước nào đã đánh diệt ngư lôi đĩnh “Maillebreze”. Và ông tổng trưởng bộ Hải quân đã ra lệnh cho những chiến hạm Pháp đi lại ven biển Tây-ban-nha phải sửa soạn sẵn sàng để nếu bị đánh một cách đột nhiên thì sẽ đối phó lại hẳn hòi.
ĐỨC Ý HIỆP NHAU KHAI THÁC NƯỚC Á
Có tin một công ty Đức-Ý sẽ lập ra để khai thác miền đông Phi châu, thuộc về phần nước Á,[1] vì Á vốn giàu về các khoáng vật như sắt, đồng, than đá, dầu hỏa. Việc khai thác nầy sẽ giúp cho Đức giải quyết được vấn đề nguyên liệu nhiều lắm. Sự cọng tác ấy của Đức và Ý là một chứng chắc cho tình liên kết mỗi ngày thêm chặt của hai nước, để được thêm vây cánh. Đại tướng Goering, cánh tay phải của Hitler, vừa rồi sang “chơi” bên nước Ý. Và có lẽ nay mai thủ tướng Mussolini sẽ thân hành qua “chơi” Bá-linh là kinh đô của nước Đức để đáp lễ lại.
TRƯƠNG HỌC LƯƠNG SẼ ĐƯỢC PHỤC CHỨC
Vì việc khởi nghịch ở Tây An, Trương Học Lương bị tòa án quân sự Nam Kinh xử 10 năm tù án treo và 5 năm mất công quyền, tin ấy trước đây đã có đăng. Nhưng cứ theo những tin tức gần đây thì chánh phủ Nam Kinh có lẽ sắp hủy cái án ấy mà để cho Trương Học Lương phục nhậm chức cũ, là chức Tổng tư lệnh miền Tây Bắc, vì hiện nay miền ấy trở loạn lại.
THIỂM TÂY VÀO TAY QUÂN CỌNG
Cái tin tướng Dương Hổ Thành hiệp với các tướng Cọng để chống lại Nam Kinh, làm cho tình hình miền Bắc nước Tàu trở nên nghiêm trọng, số trước đã có đăng. Nhưng nay lại có tin, sau việc làm của mình, thì ông tướng họ Dương tỏ ra hối hận lắm, và muốn đầu hàng chính phủ Nam Kinh. Cho đó là một thái độ nguy hiểm, các tướng Cọng lập tức hạ ngục Dương và rầm rộ kéo quân vào tỉnh Thiểm Tây, chiếm giữ tất cả các nơi trọng yếu.
QUAN TOÀN QUYỀN BRÉVIÉ LÊN CAO MIÊN
Ở Sài Gòn được một tuần, quan tân Toàn quyền Brévié đã lên Cao-miên thăm Cao hoàng. Cuộc nghinh tiếp ngài ở đó cũng cũng đã cử hành rất long trọng. Có tin đích xác thượng tuần tháng Février, ngài ra Trung Kỳ. Tại Huế, ngài sẽ lưu lại chừng bâ hôm, xong, ra Bắc.
NHỮNG NGƯỜI NÀO CÙNG ĐI MỘT CHUYẾN TÀU VỚI Ô. BRÉVIÉ
Quan tân Toàn quyền Brévié đã do chiếc “Aramis” từ Marseille đến Sài Gòn. Cùng đi với ngài, có quan Phó toàn quyền Nouhailletas và ông nghị viên lao động Dương Bạch Mai, trước đây sang Pháp vận động cho Đông Dương đại hội nghị được thành lập, nay, xong việc, trở về xứ. Có tin ông Mai đã được ông Brévié cho phép mở một cuộc hội họp công khai để ông bày tỏ lại với bà con những việc ông đã làm trong lúc ở Pháp.
NHỮNG LỜI TUYÊN BỐ QUAN HỆ CỦA QUAN TOÀN QUYỀN BRÉVIÉ
Trong một buổi hội kiến giữa ông Brévié và các ông nghị lao động Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch và Nguyễn Văn Tạo tại Sài Gòn, quan tân Toàn quyền có tuyên bố sẽ cho lập nghiệp đoàn và lập chánh đảng, nhưng phải đừng làm mất trật tự thì mới được. Về vấn đề tự do ngôn luận, ngài tỏ ra rất dè dặt, nghĩa là muốn giữ nguyên chế độ hiện thời.
CUỘC HỘI HỌP CỦA BÁO GIỚI HUẾ
Tiếp theo cuộc hội họp ở báo quán Nhành lúa tối 15-1-1937, vì một số đông các người có tên tuổi trong làng báo vắng mặt, tối thứ bảy 23-1-1937 tuần trước, lại có cuộc hội họp lần thứ hai, có giấy phép, tại hội Quảng Tri, vẫn do báo Nhành lúa triệu tập. Tất cả 28 người, gần đủ mặt các báo ở Huế, vì có một vài tờ không dự. Mục đích cuộc hội họp nầy là để cử người đi xin phép chánh phủ cho mở một cuộc hội nghị báo giới toàn Kỳ hầu bàn việc xin lập một Nghiệp đoàn báo giới miền Trung. Nhưng Sông Hương chúng tôi không đồng ý ấy (vì sao, xin xem bài xã thuyết ở trang nhất) nên đương giữa cuộc hội nghị đã bỏ ra về, cũng như một vài người đã bỏ ra về trước chúng tôi. Cuộc hội nghị nghe đâu giải tán hồi 10 giờ hơn, sau khi đã cử 3 đại biểu để đi xin phép.
NGÀY LỄ THỂ THAO TẠI SÂN VẬN ĐỘNG HUẾ
Chủ nhật, 24-1, tuần trước, tại sân vận động Huế, có cuộc tỷ thí về các môn vận động giữa học sinh các trường ở kinh đô, do hội Seph tổ chức và quan Khâm sứ chủ tọa. Các thanh niên lực sĩ đã biểu diễn một cách rất đáng khen. Về môn bóng tròn, đội ban của trường Phú Xuân đã thắng đội ban trường Dòng bằng một cái tỷ số rực rỡ: 6 – 0.
HỘI CHỢ HUẾ
Hội chợ thường niên ở Huế năm nay sẽ mở vào ngày 28 Mars, đến 6 Avril 1937 bế mạc. Có tất cả 250 gian để cho các nhà thương mại, kỹ nghệ thuê chưng bày hàng hóa của mình. Trong tuần lễ hội chợ mở cửa, sẽ có các cuộc biểu diễn về thể thao, như đua xe đạp, xe ô-tô, đá bóng, điền kinh, v.v…Lại có cuộc đấu sắc đẹp và y phục, cuộc thi ô-tô đẹp, thi khiêu vũ, v.v… Ngoài ra còn có nhiều cuộc vui khác, không kể hết.
PHONG TRÀO ĐÌNH CÔNG Ở BẮC
– Noi theo 2000 thợ may quần áo tây ở Hà Nội, hôm thứ ba 19-1-1937, trên 300 thợ may quần áo tây ở Hải Phòng cũng đình công. Những điều yêu cầu của họ giống với những điều yêu cầu của thợ may Hà Nội.
– Cuộc đình công của thợ may tây chưa giải quyết xong, thì qua ngày thứ tư, 20-1, hơn 100 thợ may quần áo phụ nữ tân thời ở Hà Nội cũng rủ nhau nghỉ việc.
– Hôm thứ năm, 21-1, đến phiên thợ làm mũ, họ có đến 200 người.
– Rồi đến lượt các thợ đóng giày. Họ đã noi theo thợ những nghề kia, làm đơn yêu cầu chủ tăng lương lên 40 %, nếu không, họ sẽ đình công nốt.
SƯ TỔ VĨNH NGHIÊM ĐÃ VIÊN TỊCH
Sư tổ Vĩnh Nghiêm mà tăng giới Bắc Kỳ đã coi như một vị giáo chủ vì cái đại đức, cao niên của người, đã viên tịch tại chùa Đức La tỉnh Bắc Giang chiều ngày 20 Janvier 1937, hưởng thọ 96 tuổi.
BẢN DỰ LUẬT PHÁI MỘT ỦY BAN ĐIỀU TRA ĐI CÁC THUỘC ĐỊA ĐÃ ĐƯỢC CHUẨN Y
Có tin chắc chắn rằng, bản dự luật lập một Phái bộ Điều tra đi khảo sát các xứ thuộc địa, đã được hai nghị viện Hạ, Thượng chuẩn y. Phái bộ sẽ gồm độ 30 người và chia ra làm 3 Tiểu ban. Thế là tin Phái bộ Điều tra sang Đông Dương đã thành sự thật.
TIN CUỐI CÙNG
– Ông Trịnh Văn Phú, chủ nhiệm báo Le Travail, đã trúng cử Dân biểu Bắc Kỳ với 802 phiếu, thế chân ông Trần Quang Vinh tạ thế.
– Người trúng số độc đắc 100.000 $ về cuộc xổ số Đông Pháp vừa rồi là ông Phạm Huy Phương, người Bắc, ngụ tại Huế.
Chú thích
- ▲ nước Á: gọi tắt tên nước Abyssinia, tức Éthiopie.