Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 19
CHÍNH PHỦ PHÁP CẤM MỘ BINH SANG GIÚP TÂY-BAN-NHA
Chính phủ Pháp vừa đệ trình tại Hạ nghị viện một dự luật trù định nghiêm cấm sự mộ nghĩa binh của hai phái nghịch sang Tây-ban-nha, và nghiêm cấm luôn những nghĩa binh ngoại quốc đi ngang nước Pháp để sang Tây-ban-nha sung quân. Ai không tuân lệnh sẽ bị phạt từ 1 đến 6 tháng tù và từ 100 đến 10.000 quan tiền vạ. Bản dự luật nầy đã được toàn thể nghị viện chuẩn y.
ĐỨC HOẠT ĐỘNG Ở MA-RỐC THUỘC TÂY-BAN-NHA
Điện tín ngày 9 Janvier cho hay rằng nhiều binh đội Đức đủ cả lục, không quân, đã theo đường biển vào hạ trại trong phần đất xứ Ma-rốc thuộc Tây-ban-nha để trợ chiến cho loạn quân của tướng Franco. Chính phủ Pháp hay tin nầy, liền nhiệt liệt phản kháng cái thái độ ấy của Đức, và nhắc chừng chính phủ loạn quân ở Bugos các điều khoản trong bản hiệp ước Pháp ‒ Tây-ban-nha ký kết năm 1912, cấm hai nước không được cho binh sĩ ngoại quốc đến trú trong địa phận xứ Ma-rốc.
LOẠN QUÂN THẤT BẠI Ở MADRID
Gần đây loạn quân Tây-ban-nha coi chừng núng thế lắm. Tại Madrid, họ ra sức tấn công nhưng không ăn thua gì, vì vệ binh Bình dân chống cự lại rất kịch liệt. Không những ở Madrid, tại các nơi như thành Malaga, thành Marcelle, loạn quân cũng đã thất bại nặng nề.
SAU VIỆC TÂY AN PHỦ
Sau việc điều đình ổn thỏa giữa chánh phủ Nam Kinh và Trương Học Lương về vụ lôi thôi ở Tây An phủ, người ta tưởng phía bắc nước Tàu sẽ được yên. Nhưng không. Từ cuộc khởi nghịch của Trương yên rồi, thời cục diện tỉnh Thiểm Tây trở lại nghiêm trọng. Dương Hổ Thành, một tướng lãnh miền tây bắc, quyết định hiệp tác với các tướng Cọng như Mao Trạch Đông, Châu Đức, để chống lại với chánh phủ Nam Kinh. Có tin mấy hôm gần đây quân Nam Kinh và quân và quân khởi nghịch đã giao chiến nhiều trận.
QUAN TOÀN QUYỀN BRÉVIÉ ĐẾN SÀI GÒN
Quan tân Toàn quyền Brévié, xuống tàu tại Marseille ngày 22-12-1936 để sang Đông Dương trấn nhậm, đã đến Sài Gòn chiều 14 Janvier. Cuộc tiếp rước ngài đã cử hành rất long trọng. Dân chúng rầm rộ kéo nhau ra tận bến tàu đón vị thủ hiến mới. Tại Soái phủ, khi quan tân Toàn quyền về đến nơi và an vị xong, quan quyền Toàn quyền Sylvestre có đọc một bài diễn văn chúc mừng ngài. Ngài đáp lại. Kế có cuộc giới thiệu với ngài các quan chức Pháp, Nam.
CUỘC KHẢO SÁT CỦA ÔNG JUSTIN GODARD Ở SÀI GÒN
Sau khi đi viếng những công cuộc xã hội và y tế ở Sài Gòn, ông Justin Godard, vị đại biểu của mặt trận Bình dân, đã tiến hành việc khảo sát của ông của ông tại các tỉnh Nam Kỳ. Xong, ông đi Cao Miên công cán, trước khi khởi hành ra Trung, Bắc Kỳ.
MỘT CUỘC HỘI HỌP CỦA MỘT SỐ NGƯỜI VIẾT BÁO Ở HUẾ
Tối thứ sau 15 Janvier, tại báo quán Nhành Lúa có một cuộc hội họp của một số người viết báo ở Huế để thảo một bức điện tín chúc mừng quan tân Toàn quyền Brévié và trù định tổ chức một cuộc hội nghị các nhà làm báo Trung Kỳ hầu bàn việc lập một Liên đoàn báo giới miền Trung.
CUỘC BẦU CỬ HAI ÔNG DÂN BIỂU BẮC KỲ
Vì hai ông dân biểu Trung Ký (Hải Phòng) và Trần Quang Vinh (Hà Nội) tạ thế, nên tại Viện Dân biểu Bắc Kỳ có hai ghế khuyết. Ngày 17-1-1937 vừa rồi, tại hai thành phố ấy đã có cuộc bầu cử hai ông dân biểu khác vào thế chân. Ở Hải Phòng có 3 ông nầy ra ứng cử: Đỗ Xuân Mai tức Mai Lĩnh, Nguyễn Hữu Điền và Nguyễn Văn Thọ. Kết quả: ông Điền được 105 phiếu, trúng cử. Ở Hà Nội có ông Phúc Đình và ông Trịnh Văn Phú, chủ nhiệm báo Le Travail. Sự ứng cử của ông nầy đã làm cho dư luận xôn xao, vì lần đầu ở Bắc Kỳ người ta thấy một nhà ứng cử thuộc tả phái. Trước ngày bầu cử, ông Phú một mặt tuyên bố chương trình trên báo Le Travail, một mặt cho dán giấy cổ động ở các đường phố và xin phép mở cuộc diễn thuyết để bày tỏ chánh kiến. Nhưng cuộc diễn thuyết bị cấm và một số giấy dán cổ động của ông bị các nhà chuyên trách lột xé. Kết quả ông Phú được 568 phiếu, ông Phúc Đình được 499. Tuy ông Phú thắng phiếu, nhưng chưa đủ số quá bán, nên đến chủ nhật bầu lại.
NHÂN CÔNG SỞ XE ĐIỆN HÀ NỘI ĐÌNH CÔNG
Sáng sớm ngày 14-1-1937, dân thành phố Hà Nội lấy làm lạ sao không thấy xe điễn (tramways) chạy các đường Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào như mọi ngày. Sau mới biết rằng các nhân viên của sở xe điện đã đình công: họ tất cả 127 người vừa cầm máy vừa xét giấy. Trước mấy ngày, họ đưa đơn lên ông giám đốc sở xe điện yêu cầu tăng lương, bớt giờ làm, cùng việc thi hành luật lao động đối với họ nhưng mãi không thấy ông trả lời, nên mới có cuộc đình công nầy. Vì sở xe điện đã chịu nhận các khoản họ yêu cầu, nên những người cầm máy và xét giấy đã đi làm việc lại, và xe điện trong thành phố đã chạy lại như thường.
2.000 THỢ MAY HÀ NỘI ĐÌNH CÔNG
Ngày 16-1-1937, ngót hai nghìn thợ may ở Hà Nội rủ nhau nghỉ việc. Họ tụ họp ở cạnh hội Khai trí bên hồ Hoàn Kiếm, bàn nhau về cách đối phó với các chủ hiệu, xưa nay đã bắt họ làm nhiều giờ quá – từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, mà tiền công vẫn trả rất ít. Họ yêu cầu 5 điều: tăng lương 40 %; giảm giờ làm việc; nghỉ chủ nhật có lương; một năm nghỉ 15 ngày có lương; thợ làm công trong khi ốm có giấy đốc-tờ chứng nhận được trả lương. Cuộc đình công cũng vẫn còn dây dưa.
NHỮNG CUỘC BIỂU TÌNH CHÀO MỪNG ÔNG BRÉVIÉ
SÀI GÒN. – Hôm quan Toàn quyền Brévié tới bến Sài Gòn, anh em lao động có họp thành toán riêng đón đường căng biển chào mừng nhưng bị lính giải tán hết. Sau đấy anh em lại họp, nhờ mấy ông hội viên thành phố thuộc phái lao động[1] cầm đầu. Lính lại giải tán. Hai bên xô xát. Ông hội viên Tạ Thu Thâu bị đẩy ngã và bị đánh trọng thương.
(theo Việt báo)
MỸ THO. – Ngày 15 Janvier vừa qua vào khoảng 8 giờ, lúc mà quan Toàn quyền Brévié đặt tràng hoa tại đài chiến sĩ trận vong thì ở tại chợ Bưng thuộc làng Tân Hiệp (Mỹ Tho) có một số dân trên 500 người kéo nhau định lên quan chủ tỉnh Mỹ Tho để nhờ ngài chuyển giao cho quan tân Toàn quyền một tập “dân nguyện” của họ. Hương chức làng hay tin liền phi báo cho nhà đương cuộc hay; nên chi đám dân biểu tình nầy vừa kéo tới Lương Phú thì bị sở tuần cảnh Mỹ Tho cản lại. Họ bắn chỉ thiên 5 phát súng để thị oai và giải tán đám biểu tình ấy. Có 9 người trong bọn bị bắt: những tên Ngộ, Thân, Phá, Lòng, Lượm. Họ bị giam tại sở mật thám Mỹ Tho.
(theo Điễn tín)
Chú thích
- ▲ “Hội viên thành phố” nói ở đây tức là thành viên (nghị viên) hội đồng thành phố Sài Gòn, do dân bầu.