Ý kiến của tôi về việc xin ngôn luận tự do

Ý kiến của tôi về việc xin ngôn luận tự do  (1937) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 26 (30 Janvier 1937), trang 1, 3.

Tại sao tôi phản đối sự xin lập nghiệp đoàn báo giới Trung Kỳ?

Dạo trước nhân bạn đồng nghiệp Ngày nay ở Hà Nội, trong một bức “tối hậu thư”, vừa hô hào, vừa khích chọc, bảo hết thảy các báo chí Đông Pháp đứng lên xin ngôn luận tự do, tôi có viết hai bài trên tờ báo này để tỏ ra cái điều mình bất đồng ý. Bài trước đề là “Tự do gì lại có tự do xin?”, đăng ở Sông Hương số 16, ra ngày 14 Novembre 1936; bài sau đề là “Dù được ngôn luận tự do, chúng ta cũng chưa chắc sử dụng được cái quyền ấy”, đăng ở số 19, ra ngày 5 Décembre.

Dù là kẻ suốt đời làm nô lệ ở bên Phi châu ngày xưa cũng còn biết nghĩ đến tự do và ao ước nó, huống chi tôi mới chỉ làm một tên dân bị bảo hộ. Thêm nữa, cái nghề làm báo của tôi, cũng như của người khác, đương vì không được tự do mà giờ nào cũng ở trong sự nguy hiểm, thì tôi lại dại gì mà chẳng muốn tự do?

Nhưng, muốn mà tôi biết rằng không thể được, thì tôi có nên đeo đuổi theo sự muốn ấy không? Tôi tưởng đừng đeo đuổi là phải, vì nó sẽ đưa đến cho tôi sự thất vọng lớn.

Sao tôi lại quyết rằng không thể được? Xin bạn đọc mở xem lại hai bài tôi vừa nói đến trên kia; trong đó tôi có cắt nghĩa rất rõ ràng.

Thế mà vừa rồi có vài tờ báo mới xuất bản, tờ thì minh chỉ, tờ thì ám chỉ vào tôi mà công kích cái ý kiến tiêu cực ấy. Chữ “tiêu cực” đó là tự tôi nói lấy, chứ người ta thì cho tôi là “phản động”. Họ như muốn nói rằng nếu ngôn luận được tự do thì cái hạng ngôn luận như tôi sẽ bị sa vào công lệ đào thải, cho nên tôi phải tìm cách cản ngăn. Úi chà! Họ dạn miệng làm sao!

Nói thế nào chứ tự do gì lại có thứ tự do xin mà được? Trên lịch sử, người ta chỉ giành được tự do bởi sắt và máu chứ chưa hề lấy đầu lấy trán bao giờ. Đã biết rằng xin, cho thì cho, không cho thì thôi, không ai giết kẻ ăn mày mà sợ; nhưng tôi nếu đã biết sẽ không cho rồi, tội gì tôi còn ngửa tay ra?

Đương bình không thế này mà bảo rằng chánh phủ Pháp ‒ dù là chánh phủ Bình dân đi nữa ‒ sẽ đem hết thảy quyền tự do ngôn luận của dân Pháp ban cho dân Việt Nam, miễn cứ xin đi là được, thì tôi phải cho là một sự vô lý nghĩ ra bởi cái óc điên rồ.

Tôi muốn rằng người Việt Nam chúng ta bao giờ cũng đạp chân sát đất mà đi. Nghĩa là làm một việc gì cũng phải nhắm theo sự thực. Nếu chúng ta đã bằng lòng đi xin thì phải cho ra mặt đi xin.

Báo giới ta ngày nay chịu nhiều sự áp bách quá lẽ. Nếu có thể được thì ta nên xin giảm bớt ít nhiều điều quá lẽ ấy, may ra còn được.

Đại để như một tờ báo được quan Toàn quyền cho phép, thế mà lại bị ông quan Thủ hiến một xứ, thậm chí quan Thượng Bộ Lại ở Huế cấm lưu hành trong xứ mình, là nghĩa làm sao? Sao ông Thủ hiến một xứ lại cấm được cái mà ông Thủ hiến năm xứ đã cho phép? Nếu có thể, ta nên xin từ rày chỉ có quan Toàn quyền thì mới có quyền cấm một tờ báo lưu hành.

Lại như một tờ báo, khi bị rút phép, chẳng hề cho nó biết có tội gì. Thế thì ra chánh phủ muốn giết tờ báo nào cũng được, ngang quá! Nếu có thể, ta nên xin từ rày mỗi khi muốn cấm xuất bản một tờ báo, trước phải đưa ra toà, tuyên án nó.

Đã chịu cái mặt đi xin thì tôi tưởng thà xin cách như thế, vì còn có hy vọng người ta sẽ cho mình. Chứ cứ bô bô cái giọng cao kỳ, những là “ngôn luận tự do, báo chí tự do”, chỉ tổ làm cho chúng ghét: đã đi xin, sao lại thế?

*

* *

Do cái ý kiến của tôi đối với sự ngôn luận ở xứ ta là thế, cho nên vừa rồi giữa một cuộc hội nghị báo giới tại Huế, tôi đã phản đối sự xin lập nghiệp đoàn cho báo giới Trung Kỳ mà không chịu dự. Sợ có người nhân đó lại nói sai sự thực đi để vu cáo cho tôi thế này thế nọ, nên luôn thể, tôi xin bày tỏ ra đây.

Lúc tám giờ tối hôm thứ bảy 23 Janvier, 28 người gọi là người làm báo ở Huế nhóm nhau tại nhà hội Quảng Tri do ông chủ nhiệm báo Nhành lúa xin phép triệu tập. Việc cốt yếu là bầu một ủy ban đi xin phép mở một cuộc Trung Kỳ báo giới hội nghị, bàn việc lập nghiệp đoàn cho báo giới Trung Kỳ.

Người ta hỏi ý tôi, tôi nói ở Trung Kỳ có thể lập những hội ái hữu tương tế được chứ không thể lập nghiệp đoàn. Vả lại, nghiệp đoàn báo giới hiện chẳng những Bắc Kỳ chưa có mà cho đến Nam Kỳ cũng chưa có, thì Trung Kỳ làm thế nào có được? Nghĩa là nếu chúng ta có xin, chánh phủ cũng không cho. Biết rằng không cho thì rủ nhau đi xin làm gì vô ích, tôi không dự. Thế rồi tôi đứng dậy ra về trước, cũng như mấy người khác đã ra về trước.

Tôi tưởng người ta ở đời có thể có được chí khí cao xa, nhưng lúc làm việc thì phải nhắm theo sự thực trước mắt mới mong nên việc. Ở đây mà nói chuyện lập nghiệp đoàn là sự không thể được, nếu người ta đã biết qua nghiệp đoàn có tánh chất thế nào.

Hết thảy các làng báo chỉ có làng báo Trung Kỳ là đáng thương hại hơn hết, vì nó phải chịu trị dưới một thứ pháp luật chưa tiến hoá. Các bạn ở xa tưởng rằng báo giới Trung Kỳ cũng ở dưới pháp luật nước Pháp như báo giới Nam Bắc đó chi. Không phải đâu, nó ở dưới pháp luật Nam triều.

Báo Tiếng dân năm rồi bị mấy vụ kiện, ông chủ nhiệm báo ấy phải sang hầu tại phủ đường Thừa Thiên. Cho đến cuộc hội họp vừa rồi, chính ông chủ nhiệm Nhành lúa cũng phải xin phép tại quan phủ Doãn. Đó! Đó là sự thực trước con mắt!

Tôi xin hỏi: một bọn người chịu ở dưới một thứ pháp luật mà trong pháp luật ấy chưa hề có chữ “nghiệp đoàn” thì có thể nói đến chuyện lập nghiệp đoàn được không? Nếu ông nào dạn miệng trả lời rằng “được” thì tôi cũng dám mạn phép mà thưa lại với ông ấy rằng: “ông nói dóc!”.

Có kẻ bảo: “Đành rằng ở xứ ta không có thể lập nghiệp đoàn được, nhưng vừa rồi ông Godard hay ông gì đó đã tuyên bố cho lập nghiệp đoàn”. Thế thì tôi lại dõng dạc đáp: “Được vậy càng tốt; nhưng bao giờ có, sẽ hay!”.

Đây tôi còn chưa nói đến sự nếu lập nghiệp đoàn thì buổi nhóm hôm nay cũng thành ra vô nghĩa, vì những người chủ báo và những người viết báo quyền lợi trái nhau mà lại họp cùng nhau, không hiệp với cái mục đích của sự lập nghiệp đoàn (Syndicat) là để binh vực cho một đoàn thể mà trong đó gồm những người có cùng một nghề nghiệp, cùng một quyền lợi. Nếu nói đến lẽ đó nữa thì, cũng như tôi là chủ nhiệm một tờ báo, ông chủ nhiệm báo Nhành lúa không nên có mặt trong buổi nhóm này, thế mà lại do ông triệu tập, mới ngược đời cho!

Nói tóm lại, người ta ở đây muốn làm việc nhiều, nhưng trong óc đương còn lộn xộn lắm, chưa làm gì được!

Theo tôi, chúng ta phải đạp chân sát đất mà đi, bước bước thứ nhất rồi mới đến bước thứ nhì. Hiện nay các báo ở Trung Kỳ nên đoàn kết nhau lại, vận động cách nào cho thoát ra ngoài vòng luật pháp hà khắc của Nam triều rồi làm gì hãy làm. Khi ông còn phải đi xin phép quan phủ Doãn mỗi lần ông muốn hội họp mà lại nói chuyện lập nghiệp đoàn, thì tôi phải lấy làm buồn lắm mà nghe.

PHAN KHÔI