Trở lại vấn đề ngôn luận tự do

Trở lại vấn đề ngôn luận tự do  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 19 (5 Décembre 1936), trang 1.

Dù được ngôn luận tự do, chúng ta cũng chưa chắc sử dụng được cái quyền ấy

Một tờ báo hô hào một cách nóng nảy, giục các bạn đồng nghiệp viết bài kêu “xin” ngôn luận tự do. Lại còn hứa rằng, nếu có cần phải qua tận Paris để vận động sự thỉnh cầu ấy thì chính mình sẽ chịu phần đóng góp trước hết một trăm đồng bạc.

Một tờ báo khác biểu đồng tình. Nhưng, biết tính lợi tính hại hơn, tờ báo nầy hiến kế rằng nhân nay sẵn có ông Dương Bạch Mai đi lo việc cho Đông Dương đại hội nghị ở bên ấy, ta nên ủy thác ông Dương luôn cả việc thỉnh cầu, làm thế sẽ đỡ tốn tiền và khỏi mất công một người nữa ở đây sang tận bên Tây.

Những cái kế hoạch thật là hay! Tờ báo trên tỏ ra mình sốt sắng với tư tưởng ngôn luận của quốc dân, cũng như tờ báo dưới biết dè dặt đồng tiền cho đồng bào trong lúc còn có kinh tế khủng hoảng!

Nhưng muốn được ngôn luận tự do mà đi xin, e là một sự không thể được. Trong một bài trước chúng tôi đã nói rồi, “tự do gì lại có thứ tự do xin”!

Hôm nay, tới một bước, chúng tôi lại bàn thử xem.

Đừng nói xin tự do ngôn luận mà chính phủ không cho. Cho đi rằng chính phủ cho tự do ngôn luận, nhưng sau khi đó chúng ta là hết thảy các nhà viết báo An Nam, đối với cái quyền tự do ấy, có sẽ hoàn toàn sử dụng được chăng: ấy là điều chúng tôi muốn bàn đến trong bài nầy.

Xin trả lời trước rằng chưa chắc. Rồi dưới đây sẽ giải thích vì sao.

*

* *

Tự do ngôn luận là một cái quyền trong các thứ dân quyền. Đã là cái quyền thì phải do dân dùng sức mạnh của mình giành lấy mà được, chứ không phải do người bề trên ban cho mà được.

Dân Pháp được ngôn luận tự do gần một trăm năm nay. Ấy là bởi họ đã dùng cái giá bằng máu mà mua được cái quyền ấy. Quyền tự do ngôn luận của dân Pháp cũng như các quyền khác của họ, đã được công nhận trên bản Nhân quyền tuyên ngôn và trên Hiến pháp, là thứ giấy má vững như tờ hợp đồng hợp pháp có ký kết cả đôi bên.

Theo tiếng Pháp, chữ “quyền” có nghĩa mạnh lắm: quyền tức là phép. Cho nên cái quyền tự do ngôn luận của dân Pháp cũng tức là cái phép của họ; đã là phép thì bất khả xâm phạm.

Cá nhân nào hay chính phủ nào xâm phạm cái quyền ấy của dân Pháp, sẽ bị họ đánh đổ đi; quá lắm, đến bị họ tru lục đi. Nói thế mà thực thế. Vì giữa Hạ nghị Viện, những lá phiếu bầu có thế lực trên hết cả: hễ nó không kịp số quá bán là ụp cả một nội các.

Như thế mà có cái quyền ấy trong tay rồi, người Pháp còn có đủ tài, đủ trí thức mà sử dụng nữa. Nghĩa là họ biết tự do bằng cách nào, tự do trong giới hạn.

Muốn được ngôn luận tự do, phải có cái lịch trình như dân Pháp đó thì cái tự do mới có giá trị, mới là vẻ vang.

*

* *

Người An Nam chưa có cái lịch trình ấy. Bây giờ muốn “xin” để được tự do, cái chuyện, chúng tôi cho là hầu như không có nghĩa.

Xin mà chính phủ cho, chúng tôi e cho báo giới ta cũng không ngôn luận tự do được, vì theo thực sự, nó vốn không phải cái quyền của chúng ta mà chỉ là cái ơn của chính phủ ban cho chúng ta.

Một cái ơn, một cái mệnh lệnh của Bộ Thuộc địa hay một cái nghị định của quan Toàn quyền, không được công nhận trên tờ tuyên ngôn nào, trên bản hiến pháp nào, thì cái tự do ấy mong manh lắm hoặc nó vốn không phải tự do mà ta chỉ kêu đại nó!

Chưa nói đến người An Nam đã có đủ tài, đủ trí thức để sử dụng cái quyền tự do ngôn luận hay không. Sự ấy chúng tôi cho là chưa cần bàn đến làm gì. Vì hiện nay chúng ta chưa lấy được cái quyền ấy vào tay chúng ta.

Cái ơn của người bề trên ban cho, chúng tôi dám nói cũng có cái là không có ích. Như những cái nầy:

Xã hội ta về đường sinh kế còn kém, đồng tiền không được dư đủ cho nên cho nhau vay phải lấy lãi cao. Chính phủ ban cho một cái ơn: lãi vay không quá một năm 12 phân theo luật. Nhưng mà vô hiệu, ngay ở giữa các thành phố, người vay vẫn phải chịu cho mười đồng bạc vốn mỗi tháng là năm hào hoặc một đồng bạc lời, hoặc nhiều hơn.

Người làm công làm mỗi ngày 15 giờ hoặc không kể giờ. Chính phủ vừa rồi ban cho một cái ơn nữa: làm việc mỗi ngày tám giờ. Nhưng mà có nơi cũng vô hiệu, vì tình thế bắt buộc, thợ phải tương thuận riêng với chủ mà cứ làm nhiều giờ như xưa.

Thế thì cái lẽ nầy dễ lắm mà biết: Bao giờ có dào tiền mới cho vay nhẹ lãi được; bao giờ dễ kiếm cái sống mới làm ít giờ được, cũng như bao giờ lấy được quyền ngôn luận tự do thì mới tự do ngôn luận được.

Cái ơn đã là vô ích thì việc quái gì mà phải xin?

Chúng tôi từng nói: Mặc dù ở trong tối tăm mà miễn là làm việc sáng láng.

Mục đích của sự làm việc sáng láng là để tương lai lấy được quyền ngôn luận tự do. Chưa biết ngày nào mới lấy được, nhưng mà lấy, chứ không phải xin.

Người An Nam, cuối cùng lại, nếu không lấy được cái quyền tự do thì họ phải tiêu diệt.

SÔNG HƯƠNG