Ngày hôm sau, Đàm đến phòng sư, thấy sư tay trái cầm một mảnh giấy, bèn đến ngay cạnh giường, cầm lấy tay mà hỏi thăm. Sư trao mảnh giấy cho Đàm, vừa cười vừa nói rằng: Anh thử đọc xem. Đàm xem qua xem lại vài bận, rồi hỏi rằng:

-- Cái gì thế nầy? Một mảnh giấy cháy còn lưa lại, chữ đã mất hết già nửa, đọc không thành câu, sắc mực lại lạ lùng lắm, xưa nay tôi chưa hề thấy. Cái gì thế nầy?

-- Tuy nó là mảnh giấy cháy còn thừa, song ở trong có việc hệ trọng lắm, nay ta hết lòng kính trọng đem phó cho anh, anh khá giấu kỹ, chớ làm mất, bao nhiêu tài sản của ta đều ở trong đó.

Đàm nhắm nhó và cười tủm tỉm mà rằng:

-- Ấy là tài sản của thầy sao?

-- Phải. Anh chớ nói ta điên, ta nói thật đấy. Việc nầy ta đã từng đem mà bảo với kẻ khác, song chẳng có ai tin; mà dầu họ có tin chăng nữa, ta cũng không phó thác cho đâu. Duy có anh với ta ở với nhau lâu ngày, yêu nhau lắm, chắc anh cũng chẳng đến nỗi coi ta là điên, thì ta có lẽ đâu phỉnh anh?

-- Cảm ơn thầy, song le ở trong chốn tù tội nầy đã vội cần chi của cải. Vả lại, lời thầy nói dầu thật nữa, tôi biết làm thế nào mà lấy được; mà lấy được, lại có làm chi?

-- Không, không, cái sở kiến của anh, thế là trái với ta. Người ta ở đời, ngày nay chẳng biết việc ngày mai thế nào. Ví bằng ta giấu luôn chẳng nói cùng anh việc nầy, rồi mai kia mốt nọ mà ta chết đi, có phải là đem cả kho của báu mà chôn luôn dưới đất không? như thế có phải là đáng tiếc không? Anh là người kẻ lớn, tin được, nên ta mới phó thác, vậy anh chớ nghi ngờ, hãy đọc mảnh giấy nầy đi.

Đàm nghe nói cảm động, vâng lời sư cầm mảnh giấy đọc lên như vầy:

cho hắn, từ nơi khe nhỏ

đông, đến chỗ mười hai hòn đá

dưới đó ước chừng hai

Rô-ma hay là hơn

ta đem hết thảy

là người

mà thôi.

Năm 1498, tháng 8, ngày 25,

Đọc xong, Đàm mù mịt chẳng biết nghĩa lý chi hết. Sư rằng:

-- Mảnh giấy nầy ta đã đọc qua một vạn bận, chảy bọt mồm bọt miếng, suy nghĩ đến hằng tháng, giốc lòng tìm tõi, rồi sau mới chắp đủ y như nguyên văn được, thảo nào anh đọc qua mà không hiểu chi hết là phải lắm.

-- Vậy thì thầy đã hiểu cả sự bí mật trong ấy sao?

-- Phải, ta sẽ thuật chuyện cho anh biết cái giấy nầy từ đâu đến, và việc nó đầu đuôi ra làm sao.

Đàm đương còn bán tín bán nghi, muốn hỏi ngay cho ra mối, bỗng nghe có tiếng giày lợp đợp, đã đến ngoài cửa, Đàm vội chui vào hang, đậy hòn đá vừa rồi, thì có người đã bước vào phòng sư, ấy là viên đề lao, số là y nghe lính nói sư Phan lam đau, nên đến thăm. Sư gắng gượng ngồi dậy, nói chuyện với y, vì e viên đề lao nhơn mình đau mà dời đi chỗ khác thì bao nhiêu những sự mưu với Đàm sẽ hóa ra hư không cả. Viên đề lao đi rồi, khi ấy Đàm đã về phòng mình, đương ngồi suy nghĩ, bỗng nghe trong đường hầm có tiếng người đi, kíp mở hòn đá ra xem thì thấy sư đi xà xiểng mà vào. Đàm ngạc nhiên, vội đỡ sư lên nằm trên giường, còn mình ngồi một bên mà xin nói nốt câu chuyện. Sư rằng:

-- Ta nguyên làm thơ ký của ông Tư-ba-đạt, mà cũng là bạn thân với ông ấy. Ổng đãi ta hậu lắm, coi như là tâm phúc. Nhà ổng thiệt không giàu lắm, ấy thế mà cái tiếng quá cái miếng, đến nỗi tục truyền có câu ngạn ngữ rằng "giàu như Tư ba-đạt". Bọn cháu kêu ổng bằng chú đều coi ta như thầy, ta cũng coi nhau như cha con trong một nhà, yêu thương nhau không cách-lế[1] gì cã. Phàm việc nhà ổng không giấu ta điều gì mà ta cũng coi như việc nhà mình. Ta thường thấy ổng cứ soạn-sành[2] luôn trong những đống giấy lộn mà tìmkiếm gì không biết, ta lấy làm quái, hay trách ông sao có bỏ mất thì giờ quý báu mà đi làm cái chuyện không đâu. Mỗi khi ta nói như vậy thì ổng nhăn nhó và cười gượng mà đáp lại rằng: « Ông đừng có nói làm vậy, tôi tính soát lại tài sản nhà tôi mà ».

Ông Tư-ba-đạt chủ ta đó là Khương-đức Tư-ba-đạt, cháu nội ông Cai-tản Tư-ba-đạt. Mảnh giấy anh thấy đó là do từ ông nầy mà ra.

Số là, ông A-lịch-sơn-đa thứ 16, khi còn trị vì, ngày kia, mưu với ông Cai-tản Bạch-cấn, mời ông Cai-tản Tư-ba-đạt ăn tiệc. Mới rót rượu được vài tuần, A-lịch-sơn-đa đem ra một cái mũ thầy cả, ép ông Cai-tản Tư-ba-đạt phải mua giá thật cao, ông nầy không chịu rồi đó bị ông kia lập mưu giết chết. Khi Cai-tản Tư-ba-đạt chết rồi, bọn A-lịch-sơn-đa muốn chiếm lấy gia tài người, bèn lục hết trong rương hòm cùng tủ sách của người mà tìm tờ di chúc, song tìm không được, sau mãi mới được một tờ, có chữ như vầy:

"Hết thảy các của cải và sách vở của ta để lại, đều phó cho Kỳ-đô, cháu kêu ta bằng chú. Còn có một hầm vàng, nói riêng ở bản tiết lược, Kỳ-đô khá giữ lấy mà tiêu dùng, chớ bỏ phí của báu mà thúc phụ mầy để lại."

Bấy giờ lũ cháu gần trong họ nghe nói, hết thảy đều nhóm về, giành nhau xốc rương lục tủ, mạnh ai nấy hơn, cố tìm cho được bản tiết lược ấy, song tìm mấy cũng không được. Ai nấy đều lấy làm quái, sao ông Tư-ba-đạt giàu có tiếng, mà gia tài chỉ có bấy nhiêu mà thôi. Bọn A-lịch-sơn-đa dầu thèm lắm, song không biết đào đâu cho ra bản tiết lược, còn như hiện của để lại trong nhà thì chỉ có mấy tấm vàng, giá phỏng hai ba ngàn khắc-lang, và bạc mặt cũng bằng số ấy, ngoài ra thì chỉ là sách vở.

Đến lúc Kỳ-đô qua đời, có trối lại với vợ mình rằng: Trong đống giấy lộn của chú ta để lại, có bản tiết lược ở trỏng, mình khá giữ lấy, cố sức kiếm cho ra. Lúc nãy ta mới vừa nói chủ ta là Khương-đức Tư-ba-đạt hay tìm kiếm, tức là vật ấy. Khi ta biết đầu đuôi việc ấy rồi, cũng lục tìm khắp cả, song chẳng thế nào được.

Vậy thì té ra di sản của Cai-tản Tư-ba-đạt không những làm cho bọn A-lịch-sơn-đa nhễu nước miếng suông, mà cả đến con cháu ông ta cũng chỉ mơ ước trong chiêm bao mà chờ! Ta đã tìm hoài không được, bèn dỗ lại hết cả sổ thâu sổ xuất trong ba trăm năm nay, mong rằng nhơn đó mà suy tìm ra được, rút lại sự ta làm đó cũng không cân. Khương-đức Tư-ba-đạt gặp phải cảnh ngộ khó khăn, buồn rầu than thở cả ngày, đến chừng đau ngặt, lấy tờ di chúc mà bọn A-lịch-sơn-đa tìm được, giao cho ta rồi chết.

Ta dầu nhận lấy bản di chúc ấy cũng coi là đồ vô dụng, chẳng để ý là mấy. Năm 1807, ta ở một mình trong nhà chủ cũ đó, lấy bao nhiêu sách còn chứa trong tủ ra mà đọc hết vì sợ nhà ấy sẽ bán cho người khác, đã hẹn ngày giao nhận rồi, nên ta muốn đọc thuộc lòng những sách ấy mà nhớ vào lòng kẻo uổng. Ta còn nhớ hôm đó là tháng chạp, ngày 25, hồi ba giờ chiều, ta đọc sách mệt quá, lim dim mắt mà nằm, không ngờ ngủ quên, đến chừng thức giấc thì đã sáu giờ rồi. Bấy giờ trong nhà tối câm, ta bèn bấm chuông kêu bồi, kêu mãi mà nó chưa đến, chính ta phải đứng dậy đốt đèn. Nhớ bên cạnh bàn có tờ giấy lộn, ta bèn lấy mà cuốn kèn lại để châm làm mồi. Mới châm tới lửa thì cháy ngay, thấy trong lửa có sắc mực lạ lùng, ta bèn kịp lấy tay dụi tắt. Anh nè! Trong việc nầy dường như có thần phù hộ! Mảnh giấy ấy cháy mười phần còn ba, tức là cái ta đưa cho anh coi hồi nãy đó. Giấy dầu cháy, song những gân mực nó còn nổi lên, mười phần còn nhận được sáu bảy phần. Ta bèn chép mà giữ lấy, đọc thuộc và ngẫm nghĩ, lâu lắm rồi mới chắp đủ y cả nguyên văn, có thể coi mà hiểu được.

Sư nói rồi đưa ra một mảnh giấy nữa, Đàm xem thì thấy chữ như vầy:

Năm 1498, tháng 8, ngày 25, ta đến dự tiệc ông

đa đã mời, đương giữa bữa tiệc, ông biếu ta một

thầy cả, bắt ta hườn lại một số tiền

chưa phỉ, đòi làm hậu tự ta để

gia tài ta. Ta e rồi ra chẳng

hại như cách ông Cao-bô-lạt

cho nên để tờ di chúc sẵn,

là Kỳ-đô làm hậu tự ta,

ta. Của cải ta chôn

đây ta đi với Kỳ-đô

cho hắn, từ nơi khe nhỏ

đông, đến chỗ mười hai hòn đá

dưới đó thì có. Hết thảy vàng bạc châu báu

ta tại đó ước chừng hai trăm vạn

Rô-ma, hay là hơn nữa, đều chôn tại đó

ta đem hết thảy mà cho Kỳ-đô,

chú, chỉ có Kỳ-đô là

của ta mà thôi.

Năm 1498, tháng 8, ngày 25, Cai-tản

Xem rồi, Đàm cũng vẫn không hiểu là gì. Sư nói:

-- Cái giấy nầy tức là cái hồi nãy ta nói rằng còn nhận ra mười phần được sáu bảy. Cái giấy nguyên bổn phần nhiều đã cháy ra tro rồi, đây là ta cứ theo gân mực mà lục lại được ngần ấy đó. Ấy là nhờ thứ mực tốt lạ, không phải như mực thường, và cũng nhơn đó biết ông Cai-tản Tư-ba-đạt dụng ý sâu xa là thế nào. Nay ta lại đưa cái bản ta đã chắp nguyên văn cho anh coi thì anh hiểu ngay. Bản ấy như vầy:

Năm 1498, tháng 8, ngày 25, ta đến dự tiệc ông A-lịch-sơn

- đa đã mời, đương giữa tiệc, ông biếu ta một cái mũ

thầy cả, bắt ta hườn lại một số tiền lớn, thế còn

chưa phỉ, đòi làm hậu tự ta để có chiếm lấy

gia tài ta. Ta e rồi ra chẳng may mà bị ông ấy mưu

hại như cách ông Cao-bô-lạt-bưu-đế-phu ngày xưa

cho nên để tờ di chúc sẵn, lập cháu kêu bằng chú

là Kỳ-đô làm hậu tự ta, tức là kẻ hưởng gia tài

ta. Của cải ta chôn tại cù lao Cơ-lê-mân. Trước

đây ta đi với Kỳ-đô đến cù lao ấy, có chỉ chỗ

cho hắn, từ nơi khe nhỏ qua phía chánh

đông, đến chỗ mười hai hòn đá vuông lớn, tìm

dưới đó thì có. Hết thảy vàng bạc châu báu của

ta tại đó ước chừng hai trăm vạn khắc-lang tiền

Rô-ma, hay là hơn nữa, đều chôn tại đó cả, nay

ta đem hết thảy mà cho Kỳ-đô, cháu kêu ta bằng

chú, chỉ có Kỳ-đô là người được hưởng di sản

của ta mà thôi.

Năm 1498, tháng 8, ngày 25, Cai-tản Tư-ba-đạt.

Đàm coi đi coi lại đôi ba lần, song còn do dự chưa dám tin chắc, bèn hỏi sư rằng:

-- Cái nầy có phải bản tiết lược mà ông Khương-đức Tư-ba-đạt tìm mãi không thấy đó chăng?

-- Phải đó.

-- Vậy thì khi thầy tìm thấy giấy nầy được rồi, ý thầy muốn làm thế nào?

-- Món tiền đến vài trăm vạn mà chôn luôn dưới đất như thế là hoài của lắm. Bấy giờ ta chỉ lăm đến cù lao đó đào lên mà lấy, đem dùng vào việc lớn, để phỉ cái nguyện sanh bình chưa toại của ta, không ngờ mới vừa lên đường, bị cảnh sát nghi ngờ và liền bị bắt, từ đó rồi lâm vào vòng luy tiết cho đến bây giờ. Nay thấy anh ra người kẻ lớn, vả lại có hậu tình cùng ta, nên nói hết điều bí ẩn cho anh, phàm những cái mà ta biết thì bây giờ anh cũng đã biết hết rồi. Ví bằng sau nầy ta với anh cùng thoát nạn được thì món tiền chôn nầy hai ta chia tay nhau mỗi người một nửa cũng nên; còn chẳng may mà ta chết, một mình anh được ra, thì anh khá chiếm lấy làm của riêng, không hại gì cả.

Đàm nghe mấy lời sư đó, vẫn còn dùng dằng chưa chịu nhận, bèn hỏi lại rằng:

-- Món tiền chôn đó, ngoài thầy ra không còn ai biết đến và cũng không còn người nào đáng hưởng của ấy sao?

Sư cúi đầu xuống mà than rằng:

-- Không còn ai cả. Thật không còn ai cả. Những nhà quý phái, đến lúc sa sút xuống rồi, thường thường là tiệt hết, không còn một mống, anh há lại không biết sao, mà còn lo quá làm chi? Huống chi hồi Khương-đức Tư-ba-đạt lâm chung, trao tờ di chúc cho ta, cầm tay ta mà dặn rằng: « Muôn một mà bản tiết lược hãy còn, ông biết được chỗ chôn của báu nhà tôi thì khá tự mình chiếm lấy ». Như vậy chúng ta còn lo gì nữa?

-- Hết thảy của chôn đó giá độ bao nhiêu?

-- Hai trăm vạn khắc-lang tiền Rô-ma, ước chừng vào độ một ngàn ba trăm vạn phật-lăng bây giờ.

-- Úy chà! Nhiều dữ vậy kia!

-- Anh chớ nghi ngờ. Trong hồi thế kỷ thứ 15, dòng Tư-ba-đạt truyền dõi lâu đời, giàu sang lẫy tiếng, cho đến đờn bà con nít cũng đều biết cả, bây giờ mới hóa nên một đống tro tàn đó thôi. Vả đồng tiền là vật ưa lăn tròn, không lẽ nó nằm lâu một chỗ, hễ phận anh đáng được thì anh cứ lấy, đừng từ chối làm chi.

Tuy vậy Đàm cũng cứ từ tạ mà rằng:

-- Của ấy là của thầy đáng được, còn tôi, có ăn thua gì đâu. Không phải của mình mà mình lấy, ấy là bất nghĩa, cũng lại là bất tường, tôi không dám lấy.

Sư nói:

-- Ta bị giam luôn cho đến chết, thì chẳng có bà con thân thích chi đây, chỉ có anh, anh coi ta như cha, và ta coi anh như con, đã là cha con thì còn có ngại gì. Ta may mà gặp anh, không con mà có con; còn anh may gặp ta, không của mà có của. Điều đó là tại trời. Của trời cho mà không lấy, có khi lại mang lấy quở phạt, anh có hiểu vậy không? Còn cứ câu nệ mà thoái thác mãi làm chi?

   




Chú thích

  1. Cách lế: nói môi miếng, làm bộ không chịu (theo H.T. Paulus Của)
  2. Soạn sành: lục lạo