Đàm-đức-tư nghe sư nói rồi, nghĩ bụng rằng ngày trước hồi làm chúa tàu Phan-long, nhơn thù hiềm với Đặng-cách-luân, có một lần đỗ tàu ở bến cù lao Cơ-lê-mân, từng dụ Đặng lên bờ, toan kéo neo chạy tuốt, may mà Đặng khẩn khất rồi tha, bằng chẳng vậy thì té ra mình đem một đống của quý sùm sùm mà phó trong tay một người cừu địch! Lại nghĩ rằng cũng chẳng may mà tha cho Đặng khi đó, thành ra mình mới bị nó hãm hại mà ở tù, và gặp được thầy hay, biết được của quý, nếu không thì có khi nào ta lại chịu lìa cha bỏ vợ mà giấn thân vào đây để gặp được cái dịp may mắn dường này!

Sư Phan-lan hỏi hình thế cù lao Cơ-lê-mân ra làm sao, thì Đàm nói rằng: Hình núi tròn và nhọn, mọc lên giữa biển, những hòn đá lởm chởm và cao ngất, hình như núi lửa phun ra. Sư bèn dạy cho Đàm cách vào cù lao ấy lấy của ra làm sao. Song Đàm vẫn còn dùng dằng chưa quyết, vì sợ đã lâu năm rồi, hoặc có ai mau chân đã đến mà lấy rồi chăng. Sư thì cứ một mực vững lòng, nói quyết rằng chưa hề có ai đến lấy cả.

Lúc bấy giờ tường thành khám Khu-đô phía sát biển vì lâu ngày quá nó sạt xuống và lở ra, nên người ta tu bổ lại. Họ xây bằng đá thật cứng, và ở giữa có dựng cốt sắt. Đàm thấy thế, nói cùng sư rằng:

-- Từ ngày tôi được thọ giáo cùng thầy, tôi đã lập chí không thèm đi trốn; nhờ thầy quá thương, muốn đem món của báu ở cù lao Cơ-lê-mân mà phó cho tôi. Dè đâu trời chẳng chiều lòng, nay tường thành xây lại vững chãi bằng mười khi trước, thì e sự bàn tính của thày trò ta bấy lâu nay thành ra không được gì chăng.

Đàm nói mặc Đàm, sư cứ ngồi gãi đầu, tuồng như không nghe chi cả. Vì bấy giờ lòng sư đã quyết, muốn giúp Đàm vượt ngục mà ra để lấy món của báu nơi cù lao Cơ-lê-mân cho được mới nghe. Sư lại e bản tiết lược của Cai-tản Tư-ba-đạt lớ quớ mà thất lạc đi, nên biểu Đàm cố đọc cho thuộc lòng đừng vấp, rồi mới lấy bản chắp thêm của mình mà đốt cho cháy mất tích, nói rằng: Sợ người khác thấy được, biết chỗ rồi đến mà lấy.

Cũng trong những lúc đó, sư lại dạy cho Đàm về sự sau khi vượt ngục, lập thân hành đạo là thế nào. Ngày nào sư cũng ban bảo khuyên lơn, chẳng lấy làm phiền. Bấy giờ tai mắt Đàm mỗi ngày một mới, kiến thức mỗi ngày một rộng, sự học mỗi ngày một tới, mới biết ra rằng ngày trước mình chỉ là một đứa trẻ khờ dại mà thôi.

Một đêm kia, Đàm đương nằm, bỗng nghe có tiếng kêu to mà giọng run rẩy, càng nghe thấy kêu càng riết, biết là sư lại phát bịnh, bèn vội vàng chạy qua. Đến thì ngó thấy ngọn đèn leo lắt, sư Phan-lan đứng dựa cạnh giường mà rên siết, sắc mặt đã bợt cả. Đàm khi ấy vừa ngậm nguồi, vừa sợ hãi, mà sư thì cũng thở dài và bảo Đàm rằng:

-- Bịnh ta phát lại rồi, bay giờ chỉ muốn chết, không muốn sống. Lâu nay thân già nầy đã làm lụy anh nhiều lắm; anh ở với ta, nào khi đỡ đần, nào khi thang thuốc, dầu cho con thảo ở với cha mẹ cũng đến mực nầy là cùng. Ta cảm ơn anh biết là ngần nào! Ta thường khuyên anh trốn đi, song anh cứ tríu lấy ta mà không nỡ bỏ; nay ta sắp chết; sau khi ta chết, anh khá liệu mà thoát nạn cho mau. Chốn nầy có phải là chốn nên ở lâu đâu; không có dịp thì thôi, có dịp mà bỏ qua đi, rồi đến ngày chết mòn như ta bây giờ đây, ăn năn sao kịp!

-- Thưa thầy, đau ốm cũng là sự thường, huống chi đã sẵn có thuốc thần đây thì có lo gì!

Đàm nói vậy rồi thò tay vào trong lỗ nhỏ nơi chân giường lấy bình thuốc ra, nói cùng sư rằng:

-- Ngày trước, tôi đã dùng thuốc nầy mà cứu thầy sống lại, thì hôm nay xin thầy khá bảo gấp tôi đổ cho thầy bao nhiêu giọt là vừa.

Sư lắc đầu mà rằng:

-- Bịnh thế ta ngày nay thật không còn có chỗ trông mong gì nữa rồi. Trong năm phút nữa sẽ ngặt đến nơi; và đến mươi lăm phút nữa là xong chuyện.

Đàm nghe nói cả kinh, cố hỏi cho được cách gì để cứu cấp, thì sư đáp rằng:

-- Hôm nay anh cũng khá dùng thứ thuốc nước đó mà đổ cho ta mười hai giọt; song hễ thấy bịnh hơi ngặt là đổ ngay, chớ đừng đợi đến khi tắt nghỉn như lần trước. Nếu làm thế mà chẳng thấy gì thì khá đổ hết bình cho ta; bằng cũng không thấy gì nữa thì ấy là ta đã tới số, không còn có phương cứu nữa!

Sư nói rồi, lại bảo Đàm rằng:

-- Ta không có thể dựa giường mà đứng lâu được nữa, anh khá đỡ cho ta nằm.

Đàm vâng lời đỡ sư lên giường nằm, sư bèn nói cùng Đàm như là trối:

-- Ta bình sanh không có một người nào là bà con cật ruột, huống chi lâu nay bị giam mãi trong ngục, cả ngày bạn nhau chỉ hình với bóng, lấy ai mà giải khuây? Từ ngày gặp được anh, trò chuyện cùng nhau, nói cho phải, có đỡ buồn cho ta lắm lắm. Chẳng may bịnh cũ ta hằng phát lại, thế nhưng còn sống được ngày nào mà chưa vội bỏ thây nơi mương rãnh, ấy là nhờ có anh. Anh chăm nom thang thuốc cho ta, một bước chẳng rời, thật như lời người ta nói, hoạn nạn cùng nhau, đau ốm giúp nhau, đối với ta anh thật đã có công ơn rất lớn. Nay ta hầu cùng anh vĩnh biệt, khá nhớ lời của một người gần chết mà làm cho xứng đáng chút lòng mong mỏi của ta: thế nào cũng gắng đi đến cù lao Cơ-lê-mân, chớ cho là sự vô ích mà gác bỏ...

Sư còn muốn nói nữa thì thấy cả mình rúng động, gân dựt, tay chân co rút, hơi thở gấp dần dần, tròng con mắt đỏ ói, vì huyết nơi buồng tim nó trào ra, di nghịch lên thượng bộ. Sư kêu to lên rằng:

-- Ta phải chết rồi! Chết rồi!

Đàm yên ủi mà rằng:

-- Lần nầy chứng đau dầu ngặt, song so với trước còn nhẹ hơn, chắc không đến nỗi nào.

-- Anh lầm rồi! ấy không phải là bịnh nó nhẹ, mà là tại sức ta yếu quá không đủ chống lại với bịnh.

Một chặp, sư lại nắm lấy tay Đàm mà nói rằng:

-- Ta từ giã anh một lần cuối cùng. Anh gắng mà đi đến cù lao Cơ-lê-mân, chớ quên...

Nói chưa dứt tiếng thì sư vội vã thả tay ra, mắt trợn lên, miệng trào bọt miếng, hết bọt miếng rồi đến máu, hơi thở như sợi chỉ. Đàm kíp lấy con dao nhỏ cạy răng sư ra, nhỏ cho mười hai giọt nước thuốc, đứng chờ xem một hồi lâu, đến nửa giờ mà không thấy có nhúc nhích gì. Đàm bấy giờ đổ mồ hôi, thở dốc, vội lấy cả bình thuốc đổ hết cho sư.

Giây lát, sư hơi rục rịch, ợ lên một tiếng to, chừng hai giờ, Đàm lấy tay rờ lên ngực, thấy bớt nóng, mạch hòa hoãn lại, mặt lần lần có máu, mắt mở hi hí, chừng như có cơ sống được. Khi ấy đã gần sáng, Đàm bèn tắt đèn, đem giấu trong kín, rồi trở lại rờ coi thì ra sư đã tắt hơi rồi.

Đàm bấy giờ xiết bao kinh hãi, đã thương cho người, lại gẫm đến ta, khôn ngăn giọt lệ vắn dài. Lại e lính canh hầu đến, bèn phải do đường ngầm trở về phòng mình. Một lát lại sang xem thử, trông họa may sống lại chăng, đi vừa đến tấm cửa đá, toan rúc ra, thì đã nghe tiếng lính canh hô hoán, vội vàng thụt lại núp vào trong hang đá mà nghe thử.

Liền có lính canh khác và vài ba tên lính cảnh sát cùng đến trông nom, rồi viên đề lao cũng tiếp đến. Họ lung lay tử thi, thấy không rục rịch, xối nước lạnh vào cũng nằm trơ trơ, bèn bỏ đi hết. Chặp lâu, tiếng người lặng lẽ; cách độ một giờ nữa, viên đề lao lại đến với một người. Nghe giọng nói thì biết người ấy là quan thầy thuốc. Ban đầu họ nói thầm chi đó với nhau không hiểu, sau nghe thầy thuốc dạy nướng sắt đốt nơi bàn chơn của sư. Kế nghe tiếng xèo xèo và mùi thịt khét thấu xuống tới dưới hầm, làm cho Đàm phải cháng váng. Lại nghe thầy thuốc nói cùng viên đề lao rằng: ấy là nó chết thật, không phải giả. Rồi họ lấy cái bao bằng vải mà bỏ tử thi vào trong. Có tiếng ai đó hỏi có phải làm lễ cầu nguyện cho nó không. Viên đề lao đáp rằng:

-- Ông cố đạo ở đây mới xin phép đi chơi một tuần lễ, hiện không có ở nhà, thôi giảm lễ cầu nguyện đi cũng được.

Lính canh hỏi bao giờ chôn tên tù nầy. Đề lao đáp:

-- Mười giờ hoặc mười một giờ tối.

Lại hỏi:

-- Có cần phải ở đây canh giữ tử thi không?

Đáp:

-- Không cần, cứ khóa cửa khám lại như thường là đủ.

Bấy giờ ai nấy tan về, tên lính cũng khóa cửa rồi đi thẳng.

Đàm núp trong hang nghe thấy thế, nước mắt tức thì chảy ra ràn rụa. Nghĩ rằng có học thức hơn người như sư Phan-lan, nếu được dùng ra chắc là có bổ ích cho đời nhiều lắm; cái nầy bị giam rục mười mấy năm trời, giam cho chết rồi đem thây bỏ biển; thân người cũng vậy, mà ta đây rồi nữa cũng vầy chớ chi! Ôi! nghĩ đời ngán nỗi, cùng bịnh thương nhau: chôn thân ngục tối, thiệt mình nào ích chi ai? Riêng giận trời già, cầm số nỡ ghen những kẻ, cho đành!

Đàm sùi sụt vào phòng, thấy cái bao bằng vải đã gói thi thể sư, bèn ôm lấy mà khóc rằng: Thế mà thầy đành đi trước tôi hay sao? Thác là thể phách, còn là tinh anh, xin hồn thầy chớ bỏ tôi mà thỉnh thoảng về cùng tôi. Chợt nghĩ lại: sư Phan-lan lúc sống hãm vào oan ngục, chết đi mới được tự do, nếu hồn người có linh, thời còn trở lại chốn nầy mà thăm ta làm chi; chi bằng ta cũng chết quách đặng theo người cho xong! Nghĩ đến đó, Đàm toan tự vẫn. Song lại nghĩ: sư Phan-lan khi sống chịu oan khổ vô cùng, chưa có một ngày thở được cái chí khí anh hùng, luống ôm sầu mà chết. Ta đây phải nối lấy cái chí khí ấy mới phải, mới khỏi phụ ơn người dạy bảo cho ta, chớ còn ta chết theo thì được đó, song có ích gì? Chi bằng ta kíp toan đi trốn; nếu chẳng may mà bị bắt lại, hoặc giữa đường rủi ro mà chết, há lại chẳng hơn tự vẫn hay sao? Bấy giờ hai sự nghĩ của Đàm giao chiến nhau ở trong lòng, chưa quyết định bề nào, bèn đứng dậy đi bách bộ trong phòng, suy đi nghĩ lại, bỗng nẩy ra một kế, làm cho Đàm mừng muốn điên. Có lẽ trời mở trí cho va, chẳng nỡ để va chung một kiếp chết với sư Phan-lan, nên mới khiến va nghĩ ra cái kế đó chi! Theo cái kế ấy đã khỏi mất công đào tường đục vách, cũng khỏi lo lính biết mà đuổi theo, vả lại không cần đợi chầy ngày, muốn trốn ngay tức thì cũng được, thật là cái kế mạo hiểm thứ nhứt, không kế nào mầu hơn nữa. Xin độc giả cầm lòng, cái kế ấy thế nào, về sau sẽ biết.

Đàm đã tính được kế ấy rồi, liền lấy thi thể của sư ra khỏi cái bao bằng vải, vác đi đường hầm đem về đến phòng mình, đặt nằm trên giường, thấy hai con mắt chưa nhắm sát, bèn lấy tay mà vuốt hai mí trên cho nhắm lại, rồi cúi hun trên trán, lấy mền đắp che, nghiêng cái đầu xây vào phía trong, như là con người sống nằm xây mặt vào tường. Vì bình nhựt Đàm hay nằm lối như vậy, cho nên làm cách ấy ngỏ cho lính canh ngó thấy, tưởng là ngủ mê mà không để ý gì đến. Làm xong đâu đó, coi đi ngắm lại, không chỗ nào hớ rồi, Đàm bèn trở vào phòng sư, dời cái giường gần vách, lấy cây kim bằng xương cá của sư và sợi chỉ rồi chui vào trong bao vải mà nằm, may kín mít lại từ trên chí dưới.

Khi ấy trong lòng Đàm phập phồng chẳng yên, lỡ rủi mà vỡ việc ra thì còn gì là đời, nên lại có cầm dao trong tay, phòng hễ nửa chừng mà phát giác thì lấy dai cắt bao mà ra, nhơn trong lúc lính khiêng hốt hoảng thì đâm cho chết quách. Lại còn e một nỗi, nếu họ đem chôn rồi đắp đất lên chặt khừ, ta còn sức nào cự nổi, tất nhiên phải ngộp hơi mà chết, thì mới tính sao? Va lo nghĩ mãi mà chẳng ra chước gì, rốt lại, đánh bạo mà rằng: Phàm những việc mạo hiểm không thể tính cho vạn toàn được, nửa phần ở ta mà cũng có nửa phần ở trời.

Đến bảy giờ tối, lính canh đem cơm đến phòng Đàm thấy người nằm mê mệt trên giường, muốn kêu cho dậy ăn, song từ khi Đàm đào con đường hầm nhẫn nay, hay ra dáng mỏi mệt, nằm vật vã luôn, mỗi khi đem cơm vào một chặp lâu mới dậy ăn được, lính canh đã coi sự ấy là thường, nên hôm nay ngó thấy như vậy cũng không lấy làm lạ, cứ để cơm đó rồi đi như mọi bữa. Còn Đàm, trong khi ấy, lòng lại càng hồ nghi, nằm trong bao vải mà mồ hôi tuôn ra như xối, sợ lính biết ra được thì việc đành hỏng mất.

Một lát, nghe tiếng giày độp độp từ thang đá đi xuống, Đàm nín thở chờ xem ra sao. Kế nghe hai người khiêng cái "võng xác" đến, vừa tới cửa thì dừng lại. Cửa mở ra, Đàm hé mắt nhìn xem, thấy một người đứng cầm đuốc, hai người bước vào: một người bợ đầu, một người bợ chân. Hai người nầy nói chuyện với nhau:

-- Lão sư nầy già mặc lòng, mà xác lão còn nặng dữ đa!

-- Ừ, nghe người ta nói, mỗi năm, bộ xương nặng thêm nửa bồn mà.

-- Giây chạc đã sẵn chưa?

-- Sẵn rồi.

-- Buộc có chặt không?

-- Chặt hay không, đợi đến khi lên khỏi thang rồi sẽ hay.

Bấy giờ Đàm suy nghĩ, không biết giây chạc để làm gì, và hỏi buộc có chặt không, ấy là buộc cái gì. Trong khi hồ nghi đó thì họ đã vực Đàm vào trong võng xác, khiêng và trèo thang mà lên, người cầm đuốc thì cứ việc đi trước. Đàm ở trong khám hầm lâu năm, khi ấy được ra khỏi, thở được thứ không khí khoảng khoát thì khoan khoái là dường nào, nhưng lại thấy lạnh lắm.

Lên khỏi thang rồi, hai người khiêng ấy một đi, một ở lại, ngồi bên võng xác, nói rằng: « Lão sư nầy nặng chừng chi! » Lại nói với người cầm đuốc rằng: « Nhờ đưa cái đuốc đây rọi xem, kẻo chẳng thấy đường đâu mà tìm ». Đàm bụng bảo dạ rằng: Chẳng biết họ tìm cái gì, hay là tìm xuổng cuốc để đào đất chăng. Giây phút, nghe như vật họ tìm đã được rồi.

Thình lình, Đàm thấy nơi cổ chơn mình đau quá muốn khóc, té ra là buộc giây vào cổ chơn Đàm, mới biết rằng lúc nãy họ tìm giây là vậy. Bấy giờ người cầm đuốc hỏi rằng:

-- Buộc có chặt không?

Người kia trả lời:

-- Buộc chặt lắm rồi.

Đàm nghe nói cười vụng và tự nghĩ trong lòng: Ừ, bây giờ hỏi buộc chặt không, còn có lẽ; chớ lúc nãy, khi chưa lên thang đá, chưa tra dây vào cẳng mà đã hỏi buộc chặt không, thì có nghĩa gì? Đàm lấy làm hồ nghi không hiểu.

Kế đó hai người lại khiêng Đàm đi. Đi ước chừng năm chục bộ, để võng xác xuống đất và mở cửa. Cửa mở rồi, lại đi. Bỗng nghe tiếng sóng ầm ầm, thì ra đã đến mé biển Khu-đô rồi. Người cầm đuốc nói rằng: Tới đây được rồi. Người kia nói rằng: Không, thà xa một chút nữa là hơn; vứt bậy ở đây nếu rồi nó phơi ra trên đá, ông đề lao ngó thấy chắc sẽ quở chúng mình là nhác. Họ nói với nhau như vậy, bèn đi tới năm sáu bộ nữa. Đàm đương nghĩ xem thử họ làm cách gì, thì ra một người bợ đầu, một người bợ chơn, đồng thinh hô lên to rằng: "Một, hai, ba", rồi hắt ra một cái. Đàm khi ấy nghe như mình sa vào trong mây trong ngút, mê man chẳng còn biết là gì; lại như con chim bị đạn rớt từ nửa lừng trời, đánh đùng một cái xuống đến mặt nước rồi chìm lỉm xuống đáy biển. Vì họ đã buộc vào cổ chơn Đàm một cục sắt nặng 36 bồn, nó dằn xuống cho nên mới rớt mạnh như vậy. Lúc nãy hai người hỏi nhau rằng buộc có chặt không, tức là buộc giây vào cục sắt ấy, chứ không phải buộc vào chơn.

Ờ, té ra cái biển nầy tức là nơi nghĩa địa để chôn những tù chết mòn trong khám Khu-đô!