Đàm nói cùng sư rằng:

-- Tôi xem ra cái học thức của ông đời nay ít có, không ngờ tôi may mà được gặp, lại không ngờ được gặp trong chốn lao tù nầy, ước gì ông đoái thương đến tôi, tôi nguyện làm học trò ông. Tôi vẫn biết học thức như thầy mà dạy hạng ngu dốt như tôi thì thật là không bõ công, có buồn dạy làm gì, song cái chí của thầy muốn cứu cả nước Y-ta-ly, thì có thể nào gặp một người như tôi mà làm ngơ cho đành. Huống chi bây giờ mắc vào vòng luy tiết[1], việc khác không làm được, thì thầy há chẳng nên bớt của mình ra một ít để đào tạo cho kẻ hậu tấn nầy sao? Nếu vậy thì thầy cũng sẽ được đỡ buồn; còn tôi, từ nay xin chăm chỉ học hành, không còn tính đến cái chước ba mươi sáu nữa. Xin thầy xét lòng thành thật của tôi mà dạy bảo tôi.

Sư cười mà rằng:

-- Nếu vậy thì ra anh nói ta là người trên trời sa xuống hay sao? Thực ra thì cái học thức của ta cũng vừa vừa thôi mà. Bây giờ nếu ta dạy cho anh lấy mấy món, như là: kỷ hà học, vật lý học, lịch sử, thi ca, rồi lại dạy thêm ít thứ tiếng ngoại quốc nữa, ấy thế là cạn túi của ta rồi. Học như vậy được hai năm, rồi thì học thức của anh cũng li lai với học thức của ta vậy.

Đàm nghe, lấy làm mừng quá, nói rằng:

-- Trong hai năm thì tốt nghiệp được cả mấy món ấy sao?

-- Phải, trong hai năm thì hiểu được cái không lý của mấy món ấy, còn như thực nghiệp thì chưa được.

-- Thế thì khi nào tôi sẽ được bắt đầu thọ giáo thầy?

-- Anh đã muốn thì bắt đầu ngay từ hôm nay.

Từ đó trong khám như riêng có một bầu trời. Gẫm cái thân cùm xai xiềng xích mà có được cái vui nấu sử sôi kinh thì cũng thật là hiếm lắm thay! Đàm học luôn cả ngày lẫn đêm lại nhờ được cái sáng dạ, chữ Y-ta-ly va đã học sẵn rồi, chữ Rô-ma thì ngày trước trong lúc đi tàu Phan-long qua các nước Đông phương cũng đã học võ vẽ, nhờ những cái nền nếp đó, cho nên mới được sáu tháng thì đã thông sơ được ba thứ tiếng là Đức, Pháp và Anh. Sư lại khéo dạy lắm: bắt đầu dạy toán, thấy Đàm hơi hiểu các món toán rồi, bèn dạy đến thi ca. Vì sự thiệt học dễ sanh nhàm, cả ngày cằm cục vào đó, có lẽ lại làm cho cụt hứng, cho nên sư dạy làm thơ, để cho kẻ học càng có hứng thú thêm lên.

Hơn một năm, sự học vấn tri thức của Đàm bỗng trở nên mới mẻ khác nhau với ngày trước như là một vực một trời. Bây giờ va chẳng những không toan trốn, mà lại sợ sớm được tha ra thì mất học đi! Dầu vậy, lòng Đàm mỗi ngày một vui, mà lòng sư lại mỗi ngày một buồn. Một bữa kia, sư tỏ ra điệu buồn mà bảo Đàm rằng:

-- Anh cũng tưởng rằng nơi sân rộng đó thường có lính canh cả ngày lẫn đêm phải không?

-- Phải, tôi tưởng họ canh luôn, chẳng khi nào rời. Mà thầy hỏi làm vậy, chắc ý thầy còn muốn trốn hẳn?

-- Chớ sao? Ta không hề khi nào quên sự ấy, chỉ có họ canh riết quá thì không làm sao được. Nếu vậy thì cái chí "chết vì nước" của ta hồi bình nhựt biết bao giờ thỏa được ư?

-- Muốn trốn thì giết quách lính canh đi cũng được chớ.

-- Không, không, anh đừng nói cái đó nữa.

Sư vừa nói như vậy vừa lắc đầu. Khỏi đó ba tháng một hôm, sư lại bảo Đàm rằng:

-- Anh bây giờ đã lại sức chưa?

Đàm thưa rằng:

-- Tôi bây giờ mạnh lắm. -- Nói rồi, trật cánh tay ra, thấy những bắp thịt nổi lên từng khúc, lấy cái đục bằng sắt ấn xuống, nó lại nổi lên; rồi lại cung tay, giơ chân, nhảy nhót làm ra bộ mạnh. Sư thấy vậy thì kíp dặn rằng:

-- Nếu chẳng phải việc nguy cấp lắm thì chớ nên giết người, anh có chịu nghe lời ta không?

-- Vâng, giết người chẳng qua để mà cứu mình, nếu chẳng phải nguy cấp thì thôi, tôi có dám lấy mạng người làm trò chơi đâu.

Sư rằng:

-- Được. Vậy thì ta cùng anh sẽ đào một con đường hầm khác từ phòng nầy suốt qua nhà cầu rồi thẳng ra sân rộng. Song nếu đã đến sân rộng, e nơi đó đất xốp mà mình đào tầm phỗng[2] ở dưới, hoặc người ta đi ở trên sẽ sập đi chăng; như vậy chẳng là đã mất công mà lại hỏng việc? Cho nên chúng ta sẽ đào đến chỗ hết nhà cầu thì ngừng lại, rồi từ đó trổ đường đi ra, leo cửa sổ mà lên, dùng sợi đỏi của ta mà ròng xuống phía ngoài tường thành, ấy là thoát được.

Từ đó, hai thầy trò cả ngày cầy cục trong con đường hầm, như bọn thợ đào mỏ vậy. Đàm thấy việc có thể làm nên, đã được người giúp sức, lại nhờ sau khi nghỉ ngơi lâu ngày, sức mình cũng mạnh, bèn cằm cục làm luôn, chẳng hở phút nào. Song le có một nỗi khó lòng, là những đá đất sỏi sạn đã đào ra, giá phải khiêng mà đổ đi đâu mới được, nếu không thì càng đào nó lại càng nhiều ra, có lẽ đằng trước chưa thông mà đằng sau đã bít. Cả hai bèn đem những thứ ấy mà đập vụn ra như cám rồi phần ai thì nấy hắt ra ngoài cửa sổ phòng mình ở, ngộ có gió to thì nó bay trốc cả đi. Những khí giới dùng mà đào duy có ba cái, là dao, đục, và cái mầm bằng săng.

Đàm dầu làm lụng khó nhọc mà vẫn học luôn không thôi. Trong khi nói chuyện cùng sư thì hoặc dùng tiếng Anh, hoặc dùng tiếng Pháp, để luyện tập nói cho thạo. Trong khi ấy sư lại dạy cho Đàm về lịch sử, gặp những chỗ nói về nhân nhân chí sĩ, thì thường hay cặn kẽ giảng bàn, nói đi nói lại năm ba lần, bao giờ Đàm đã thuộc làm lòng đến nỗi phấn chí lên, sư mới chịu thôi.

Hai người làm luôn đến mười lăm tháng thì xong con đường ngầm. Bấy giờ những tiếng cười tiếng nói của bọn lính canh đi qua đi lại trên sân rộng nghe đã tỏ một. Thế nhưng chỗ cuối cùng nhà cầu, có cái hang sâu ở dưới, đất đã tầm phỗng ở trong, nếu có kẻ đi qua mà dậm phải, thì sự nguy hiểm nó cũng sẽ xảy ra như ngày trước sư đã liệu. Đàm bèn tính phương trồng một khúc cây chỏi dưới tấm đá thì họa chăng nó sẽ không sập. Còn đương toan tính phút nghe trong phòng có tiếng kêu la dữ dội như tiếng của người thoạt phải bịnh ngặt lắm. Đàm lắng nghe, biết là tiếng sư Phan-lan. Khi đó sư đương ngồi trong phòng, chuốt tre làm cái chốt để sau nầy dùng vào việc ròng dây đỏi. Đàm vừa thở vừa chạy vào, thấy sư nằm trơ trên đất, mặt xám ngắt, mồ hôi đổ ra trên trán như dội. Đàm sợ quá, mất cả máu mặt, kíp hỏi rằng:

-- Làm sao thầy đến thế?

Sư rằng:

-- Mau đi, mau đi, nghe ta nói đây...

Nói chưa hết lời thì môi đã bợt, mắt đã luân, mình mẩy xuội lơ, tay chơn lạnh ngắt. Đàm kêu riết thì sư nói hì hụt hì chạc mà rằng:

-- Đây là bịnh kinh loan đây. Trước khi bị bắt một năm ta mắc phải bịnh nầy, thế đã nguy lắm, may mà khỏi được, không ngờ nay lại phát ra thình lình. Anh khá chạy lại phòng ta, dòm dưới chơn giường, trong một cái lỗ nhỏ, ở đó có giấu một cái bình chứa thuốc nước sắc đỏ, rồi lấy đem cho ta, họa may có cứu được chăng, ngoài thứ thuốc ấy ra, ta không còn mong gì.

Đàm sợ lính canh ngó thấy, kịp cõng sư vào trong hang, dò đường hầm đi về phòng của sư, vực lên giường nằm. Sư nói giọng run run mà bảo Đàm rằng:

-- Bây giờ đã đến phòng ta rồi, ta nên nói cho anh biết chứng bịnh của ta phát ra cách làm sao. Ban đầu nó làm cho ta không nói năng động đậy gì được, cũng không rên được nữa, tuồng như chết rồi, lần lần miệng suồi bọt ra, bắt phải kêu la một lúc rồi lại xuội lơ, không thở không động, như là đã chết hẳn. Đến lúc đó, anh khá lấy đục cạy răng ta, cầm bình nước thuốc ấy đổ vào họng, hoặc tám giọt hoặc mười giọt cũng được, nếu làm theo lời ta, muôn một mà sống được cũng chưa biết chừng.

Nói vừa dứt lời, sư lại kêu lên rằng:

-- Nguy rồi! Nguy rồi! Số kiếp ta đã đến, ta chết mất rồi!

Bây giờ thấy sư cả mình rung động, đôi mắt trợn ngược lên, miệng méo lưỡi cứng, đờm kéo sò sò, gò má đỏ ửng, tay múa chơn khua, tiếng khan sức kiệt. Khỏi hai giờ, bịnh chứng lại càng nghèo lắm, mặt tái ngắt, da lạnh như đồng, nằm trơ trơ không thở. Đàm y theo lời sư dặn, lấy thuốc đổ; chặp lâu, thấy sắc mặt khá lại lần lần, mắt cũng mở ra, nghe có tiếng rên. Đàm mừng quá, nói rằng:

-- Cha chả là may! cha chả là may!

Sư dầu đỡ chút đỉnh, song vẫn chưa nói được, nằm liệt trên giường, coi như thây ma, mà con mắt thì ngó chăm ngoài cửa ngục không hề nháy. Đàm bỗng nghe có tiếng chơn người, biết rằng lính canh hầu đến, vì lúc đó đã chạng vạng rồi, song bởi sư đau ngặt nên quên lửng đi. Đàm kíp chui vào hang, vừa lấp hòn đá lại thì lính đã mở khóa mà vào rồi.

Đàm về đến phòng mình, buồn bực không muốn ăn cơm, độ chừng tên lính đã đi, bèn trở lại chỗ sư nằm. Thấy sư đã động đậy được và thần sắc đã tỉnh táo thì mừng lắm, song sư than thở mà rằng:

-- Bịnh nầy trở lại, làm cho ta tinh lực hao mòn hết!

Đàm cầm lấy tay sư mà an ủi rằng:

-- Không lo chi, tinh lực dầu hao, thủng thẳng nó sẽ hồi phục mà.

-- Không, không; chuyến đầu nó mới phát, có một giờ rưỡi mà thôi, cơn đã qua, không thấy có gì khác, chỉ bụng đói lắm, thấy cơm thì ăn lấy ăn để. Song chuyến nầy lại không như vậy; cái tay và cái chơn bên hữu không nhúc nhích được, chóng mặt lắm, đó là huyết tụ lên óc, óc kém cho nên sức không chống nổi với bịnh. Nếu mai kia mà nó phát lần nữa thì phải chết; không chết cũng thành ra bịnh bất toại, anh ạ.

Đàm lại yên ủi mà rằng:

-- Nếu chẳng may mà mai kia lại phát, thì khi đó liệu thầy đã ra khỏi ngục rồi, dẫu có khổ sở cũng chẳng đến nỗi như ngày nay.

-- Còn mong gì anh! Ta đau chuyến nầy, thôi không còn nói chuyện trốn nữa. Cánh tay hữu của ta đã bại rồi, còn làm thế nào trèo thành mà ra được?

-- Không, xin thầy yên lòng mà đợi, đến chừng nó hết đau rồi, chúng ta vượt ra ngõ biển, lội băng biển mà trốn cũng được chớ.

-- Hay! Ta nói mà anh không hiểu! Cánh tay hữu của ta đành bỏ luôn, không phải chỉ đau trong một lúc mà thôi đâu.

Đàm cầm lấy cánh tay sư coi thử, thì quả nhiên đã tê đi và không còn cử động được nữa. Sư bèn nói:

-- Thôi, bây giờ anh trốn đi. Còn ta cứ ở đây để chờ mạng trời; may thì được thả ra, chẳng may thì chết. Anh đương trai tráng, học thức bây giờ cũng không kém ai, nên kịp buổi nầy ra mà làm nên công nghiệp lớn. Thôi, liệu mà ra đi, chớ bận bịu đến ta nữa làm chi.

Đàm thưa lại rằng:

-- Tôi đối với thầy, nghĩa thì thầy trò mà ơn cũng như cha con. Vậy đương lúc thầy đau ốm, tôi bỏ ra đi, chẳng những với nghĩa không đáng mà với lòng tôi cũng không đành nữa. Tôi thề không đi đâu một mình, thà ở luôn với thầy trong hoạn nạn còn hơn, xin thầy chớ lấy sự đi trốn mà khuyên tôi.

Sư nghe nói, cảm tấm lòng nghĩa khí của va mà than rằng:

-- Cái nghĩa tình sâu của anh, ta cảm bội là dường nào! Song nếu cứ ở lỳ đây thì anh với ta không ích chi! Ngày mai ta sẽ có một lời nói với anh, việc ta sẽ nói đó là việc hệ trọng, anh chớ xem thường mà quên đi nhé!

Đàm vâng lời, chào sư và trở về phòng mình.

   




Chú thích

  1. Luy tiết: cái giây xích trói buộc người tù; lao ngục (theo Đào Duy Anh)
  2. Tầm phổng: rỗng ruột, trống ở bên trong (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)