NHỮNG THƠ LÀM TRONG ĐỜI KIỀN-NGUYÊN, THI-SĨ BỊ GIÁNG CHỨC RA LÀM TƯ-CÔNG Ở HỌA-CHÂU, RỒI BỎ QUAN SANG TẦN-CHÂU

LV. NĂM CHÍ-ĐỨC THỨ HAI, PHỦ TỪ CỬA KIM-QUANG TRONG KINH-THÀNH, ĐI ĐƯỜNG TẮT SANG PHƯỢNG-TƯỜNG. ĐẦU ĐỜI KIỀN-NGUYÊN, TỪ CHỨC TẢ-THẬP-DI DỜI RA LÀM CHỨC DUYẾN-LẠI Ở HỌA-CHÂU, CÙNG CÁC BẠN QUEN THÂN TỪ-BIỆT, LẠI RA QUA CỬA ẤY. NHÂN NGẬM-NGÙI ĐẾN VIỆC CŨ.

Đường ấy xưa theo chúa:
Miền Tây giặc chật lèn!
Mật tan nay chửa lại!
Hồn hú vẫn không yên!
Ấp lớn xa hầu cận;
Quan dời tủi phận hèn!
Không tài ngày yếu sức.
Dừng ngựa vẩn-vơ nhìn!

LVI. TRÔNG TÂY-NHẠC.

Tây-nhạc chơi vơi ngất khoảng trên,
Núi-non con, cháu đứng quanh bên...
Gội đầu muốn tới xem thau ngọc[1],
Dỡ bước tìm đâu được gậy tiên?
Vào động xe đi không lối lại!
Suốt trời tên đặt một đường xuyên!
Gió Thu hãy đợi chiều êm-mát.
Vua Trắng[2] tìm lên hỏi chuyện huyền.

LVII. ĐẦU THU KHỔ VỀ NÓNG, GIẤY MÁ CHỒNG ĐẦY ÁN...

(Khi làm chức Tư-Công Họa-châu)

Tháng bẩy, ngày sáu, khổ về oi!
Cơm bưng muốn nuốt, nuốt không trôi!
Ngán thay đêm đến đã khá dệp!
Huống nữa Thu sang thêm lắm ruồi!
Xốc áo, phát điên toan thét lớn:
Giấy tờ đâu cứ tuôn ra hoài?

Xa ngắm thông xanh sườn núi mọc,
Ước gì chân trắng đạp băng chơi!

LVIII. NGÀY CHÍN, TRONG TRẠI HỌ THÔI Ở LAM-ĐIỀN

Thu buồn... Già đến gượng làm khuây.
Cao hứng vui cùng bác bữa nay!
Tóc thẹn gió bay tung rõ ngắn...
Mũ nhờ người sửa lại cho ngay!
Nghìn khe đổ dốc, dòng Lam rớt!
Hai ngọn cao đều, núi Ngọc gầy!
Say với thù-du[3] nhìn tỷ-mỷ,
Sang năm ai chắc khỏe giờ này?

LIX. RỬA KHÍ GIỚI

(Làm sau khi kinh-thành đã khôi-phục)

Trung-Hưng các tướng lấy Sơn-đông.
Thắng trận tin đưa sớm, tối trùng...
Đem thế chẻ tre đè mạng giặc!
Mượn tầu lá sậy vượt dòng sông...

Sóc-phương[4] lập được bao công cả!
Nghiệp quận nay, mai, sẽ hạ xong
Hồi-Hoạt đưa thêm quân trợ-thuận.
Kinh-sư đều cưỡi ngựa truy-phong...
Đã mừng oai chúa vang Tề-Lỗ.
Còn nhớ xe loan tới Khống Đồng...[5]
Sáo thổi ba năm quan ải lạnh...
Quân dồn muôn nước gió cây rung!
Thành-Vương công lớn lòng càng nhỏ[6]
Quách-Tướng[7] mưu sâu đời hiếm có.
Thượng-Thư[8] khí khái ngất trời Thu.
Tư-Đồ[9] sáng suốt treo gương tỏ.
Hào-kiệt vài tay ra giúp đời,
Kiền, Khôn sắp đặt đâu ra đó!
Sang Đông khỏi nhớ cá quê nhà.
Về Nam đã thấy chim yên tổ..
Áo-xiêm thấm đượm ánh xuân xanh!
Hoa khói điểm-tô cung cấm đỏ!

Xe hạc đêm chờ kiệu phượng về[10]
Canh gà sớm viếng lầu rồng ngủ.
Với phượng, vin rồng, khéo bảo nhau,
Trong đời vô số kẻ sang giầu!
Gặp thời xin chớ khoe mình giỏi,
Nên nhớ ơn vua nặng đến đâu!
Trong ải đã dùng Tiêu Tướng-quốc,[11]
Dưới màn lại sẵn Trương Lưu-hầu.[12]
Ông Trương, người của miền sông, biển,
Chín thước mình cao, bạc tóc, râu!
Gặp hội gió mây, ra giúp nước,
Nước nguy mới thấy rõ mưu cao.
Áo-xanh, Ngựa-bạch[13] còn chi nữa!
Đời trị, dân yên, lại bắt đầu!
Gang trời, tấc đất đều vào cống,
Triệu lạ, điềm lành nhiều lủng-nhủng!
Có nước đem dâng vòng ngọc xanh:
Trong non lại được chum vàng sống!

Thi-nhân vịnh mải sông Đục[14] trong,
Ẩn-sĩ thiết gì cỏ tiên rụng!
Đâu đấy nhà nông thẩy khát mưa,
Véo von chim nội xua deo giống...
Trai tài mặt trận liệu mau về!
Vợ trẻ bên thành đương tiếc mộng!
Muốn kéo dòng Ngân rửa giáo gươm,
Xếp xó từ đây không động-dụng!

LX. LƯU LẠI HOA-MÔN[15]

Bắc-phương Trời có con cưng,
Thịt ăn phưỡn bụng, hung-hăng lạ đời!
Thu cao, ngựa béo cưỡi chơi,
Rút tên lên bắn trăng ngoài ải xa!..
Nó thường quấy rối nước ta,
Bao phen đánh rẹp, thơ ca còn truyền.
Lấy ơn ràng buộc thì nên;
Cớ chi nghiêng nước xúm đen cửa vàng?
Trung-nguyên có chuyện nhiễu-nhương,

Cực lòng mới mượn chúng sang trợ thì...
Trời xanh, vua chỉ tay thề:
Hộc-vàng công-chúa phân bì chua cay...[16]
Hoa-môn đồn đóng liền mây;
Đồng điền trăm dậm phủ đầy tuyết-sương.
Tiếng kèn suốt sáng thảm-thương;
Giáo dài tua tủa, mất đường chim bay!
Nhà nông sợ hãi đêm ngày:
Nào dâu, nào lúa, gẫy cây, lộn vùng!
Một miền cỏ tốt nước trong,
Không thuyền, nghìn ngựa qua sông như thường!
Bụi Hồ mờ rẫy Thái-Hàng,
Giống dân tạp-chủng nghênh-ngang kinh-kỳ!
Hỏi lưu chúng lại làm gì?
Dân quê rồi xác xơ đi dần dần!

LXI TẶNG BÁC TÁM VỆ XỬ-SĨ,

Đời người chẳng gặp nhau ra,
Sâm, Thương những tưởng như là đôi sao.
Đêm nay thử hỏi đêm nào?
Ánh đèn, ánh nến soi vào cùng chung?
Tóc đầu bạc cả! Này trông!
Được bao nhiêu lúc trẻ-trung mà già?
Bạn xưa quá nửa ra ma!
Ngẫm vào sốt ruột, nói ra giật mình!
Ai ngờ lại đến nhà anh?
Hai mươi năm đã bất-tình đi mau!
Xưa đi, anh đã vợ đâu!
Gái, trai nay đã lau-nhau đầy nhà!
Ân-cần chào hỏi bạn cha
Rằng: « Thưa bác ở đâu mà lại đây? »
Chưa xong câu chuyện thơ-ngây.
Món ăn chúng đã sắp bày dâng ra:
Mưa xuân, đêm hái bẹ hoa:
Gạo thơm mới thổi lại pha kê vàng.
Bạn rằng: « Gặp gỡ chẳng thường...
Rượu mời mười chén, rót thường luôn tay...
Dẫu mười chén cũng chưa say,
Tình anh nặng, khiến rượu này nhẹ không!

Ngày mai cách núi, cách sông,
Chuyện đời thôi lại mịt mùng đôi nơi!

LXII. BÀI CA NGẮN, ĐÙA TẶNG TẦN THIẾU-PHỤ Ở THỤ-HƯƠNG

Nhớ khi ở Hành-cung năm trước
Buổi chầu về tôi, bác chung nhà.
Thân tình ruột thịt như là.
Văn-chương vẫn chắc bọn ta nhất đời!
Nay yên ổn cả hai kinh cũ,
Gặp đêm qua, vui thú lạ-lùng!
Mời chào tội-nghiệp tấm lòng!
Vẫn tài mà vần long đong mới tài!

LXIII. VỊNH NGỰA HỒ CỦA CỤ LÝ Ở VU-HUYỆN.

Ngựa cụ tên gọi con hồ-lưu,
Năm xưa chạy loạn qua Kim-Ngưu.
Buông cương quay lại tìm Thiên-Tử,
Sông Hán sớm uống, Linh châu chiều!
Nhờ ngựa, tự khoe may thoát nạn.
Ra đường người kể hàng nghìn, vạn
Nghe tài tuyệt lạ ai cũng yêu,
Nhìn lũ ngựa hèn thêm chán-ngán!
Tai nhọn trên đầu đôi lá trúc;

Móng cao dưới gót bốn viên ngọc!
Mới biết rồng thần có giống riêng.
Lắm thịt, kể chi đàn ngựa lục!
Cùng đi mấy buổi lối sang Đông.
Đường Lạc-Dương nay đã lại thông.
Ức phượng, râu rồng chưa dễ biết,
Nghiêng mình, lừ mắt, nổi cơn dông!

LXIV. NHỚ EM (Khi ấy về ở trại Nam Lục-Hồn)

I

Chạy loạn sang châu Tế,
Nghe em đói rét hoài!
Đường thăm còn vướng giặc;
Thư gửi biết nhờ ai?
Lủi trốn khi lo vẩn!
Buồn phiền dục ốm giai!
Phó cho dòng nước chảy,
Nghìn, vạn mối sầu dài!

II

Mặc chỗ chưa tan giặc,
Mừng nơi đã giải vây.
Ba năm anh vẫn ngóng.
Trăm trận sống là may!

Vườn cũ hoa đua nở,
Ngày xuân chim lạc bầy!
Xóm làng người khói vắng.
Tin tức bặt Đông, Tây.

LXV. — KHÔNG VỀ

Hà gian chưa khỏi loạn,
Xương thịt bỏ bên thành!
Em họ ai không có?
Bao nhiêu nỗi bất-bình?
Đếm tiền yêu dĩnh ngộ,[17]
Để chỏm tiếc thông minh.
Trên mặt ba năm đất,
Xuân sang cỏ lại xanh!

LXVI — VIÊN LẠI HUYỆN TÂN-AN
(Làm sau khi đã lấy lại kinh-thành. Tuy hai kinh đã lấy lại, giặc còn đầy rẫy mọi nơi).

Khách qua đường Tân-An,
Nhộn-nhịp nghe điểm-binh.
Hỏi thăm thầy Thông lại:
« Huyện nhỏ không cần đinh!

« Hôm qua trát phủ xuống:
« Sung số tuyển cho nhanh! »
Số tuyển thấp bé quá.
Giữ sao nổi đô-thành?
Anh béo, mẹ đưa chân.
Anh gầy nhìn loanh-quanh...
Nước bạc chiều chảy xuôi.
Tiếng khóc vang non xanh!
Khóc chi cho hốc mắt?
Nín đi thôi các anh!
Dẫu cho khóc dũ xương,
Trời đất vẫn vô tình!
Quân ta lấy Tướng Châu
Hôm sớm mong thăng bình!
Lính chạy, trại tan vỡ.
Liệu giặc ai người tinh?
Vận lương tới trước trận.
Rèn lính ngay miền Kinh.
Đào hào chưa tới nước.
Chăn ngựa việc cũng lành...
Quân ta đương thắng thế,
Nuôi nấng rất phân minh...
Quan Tướng như mẹ, cha,
Khóc chi khi tiễn-hành?

LXVII. — VIÊN LẠI XÓM THẠCH-HÀO

Chiều hôm trọ xóm Thạch-Hào.
Có thày Thông-lại đêm vào bắt phu.
Mụ già ra cửa nấp no...
Ông già tường thấp lò-rò trèo qua!
Thày Thông thét rữ rữ là!
Kêu van thảm-thiết mụ già thất-thanh!
Lặng nghe mụ kể sự tình:
« Ba con đóng lính Nghiệp-Thành cả ba.
« Một thằng vừa gửi thư nhà:
« Hai thằng chết trận mới và hôm nay!
« Đứa còn sống lắt, sống lay!
« Đến như đứa chết từ rầy là thôi!
« Trong nhà nào có còn ai!
« Còn thằng cháu bé chưa rời vú ra!
« Góa chồng mẹ cháu ở nhà,
« Quần lành chẳng có, ai mà lấy chi!
« Mụ già tuy sức đã suy,
« Đương đêm vâng cũng xin đi theo thầy!
« Hà-Dương phu phải trẩy ngay.
« Thổi cơm, nấu nước, một tay đỡ đần!.. »
Canh khuya tiếng nói nhỏ dần.
Vẳng nghe nức nở, như gần như xa...
Lên đường khi lúc sáng ra,

Một mình với một ông già chào nhau!

LXVIII. — LY-BIỆT CỦA VỢ CHỒNG MỚI

« Tơ hồng leo bụi gai,
« Bò mau nên chẳng dài!
« Gả con cho lính mới,
« Bên đường thà bỏ rơi!
« Kết tóc làm vợ anh,
« Giường chiếu chưa ấm hơi!
« Chiều cưới, sớm xa nhau.
« Vội vàng chi thế trời?
« Anh đi dù chẳng xa;
« Hà-Dương giữ cõi ngoài;
« Thân em chưa đủ lễ,
« Cha, mẹ nhận cùng ai?[18]
« Vốn liếng cố bòn nhặt...
« Thày đẻ em dậy lời:
« Gà, chó đem theo được,
« Lấy chồng khi một mai!
« Nay anh vào đất chết!

« Gan ruột đau đòi hồi.
« Thề muốn đi theo anh,
« Tình thế xem không xuôi!
« Thôi đừng nhớ vợ mới!
« Trận mạc cố đua tài!
« Con gái ở trong quân,
« Vẻ quân sợ không tươi!
« Than thân con nhà nghèo,
« Dành mãi chiếc quần sồi!
« Trước anh rửa son phấn!
« Quần sồi thôi cũng thôi!
« Ngửng mặt trông chim bay,
« Lớn, nhỏ đều bay đôi...
« Đời người sao oái-oăm:
« Cùng anh mong nhớ hoài! »

LXIX. — LY BIỆT LÚC HỒ GIÀ

Nước loạn-lạc thân già lận-đận:
Con cháu đều chết trận hết rồi!
Một mình sống ở với ai?
Ném phăng chiếc gậy cửa ngoài ra đi!
Răng may chặt, xương thì đã lỏng.
Người cùng đi ai cũng xót thương.
Tài trai mũ đội, giáp mang,

Vái dài phải dám khinh thường quan trên![19]
Vợ già khóc lăn bên đường cái:
Quần áo đơn dầu dãi chiều Đông!
Còn thương nhau nỗi lạnh lùng,
Nào hay sống chết thôi hòng gặp nhau!
Đi thì được, về đâu được nữa!
Còn khuyên nhau cơm bữa gượng xơi!
Ải bền, trấn vững bao nơi
Chẳng như thành Nghiệp: chết thời còn lâu!
Đời tan hợp cứ đâu già-cũ!
Tiếc trẻ-trung trót đã lữa lần!
Muôn phương chật ních những quân!
Núi rừng lửa hiện xa gần cháy vung!
Thây chất lại: thối xông cây, cỏ!
Máu chẩy ra: nhuộm đỏ sông, đồng!
Đâu yên vui nữa mà mong!
Lều tranh bỏ dứt, đau lòng, tím gan!

LVX. — LY-BIỆT CỦA KẺ KHÔNG NHÀ

« Vẳng-lặng sau Thiên-Bảo[20].
« Vườn nhà cỏ mọc bừa!
« Làng tôi trăm mấy nóc,
« Đời loạn thảy bơ-vơ!
« Người còn biệt tin tức!
« Kẻ chết chôn bụi bờ!
« Thằng tôi thua trận chạy,
« Lại tìm về lối xưa!
« Đi mãi chẳng gặp ai,
« Ánh nắng coi lu-lờ...
« Nhìn tôi, cầy với cáo
« Xù lông, miệng gầm-gừ!
« Một, vài bà gái góa
« Quanh xóm ở lơ-thơ!
« Chim lạc mến cây cũ,
« Đậu suông đâu dám từ!
« Chiều đến tưới cây, cối;
« Xuân sang vác cầy bừa...
« Quan Huyện biết tôi về,
« Bắt tôi làm lính cơ.

« Tuy làm việc trong huyện,
« Một thân trơ trọi trơ!
« Đi gần, vợ con không;
« Đi xa đường lối mờ!
« Quê nhà đã tan nát,
« Gần xa đều xác-xơ.
« Năm năm nằm chết xó,
« Thương mẹ đau khặc-khừ!
« Suốt đời cùng xuýt-xoa:
« Sinh con chẳng được nhờ!
« Dân chúng sống vào đâu?
« Không nhà oan-khổ chưa!

LXXI. — VIẾT SAU NGÀY LẬP THU

Ngày tháng chẳng tha nhau!
Thời tiết đêm-qua cách!
Ve sầu kêu luôn miệng,
Én thu đã như khách!
Trăm năm quá nửa rồi,
Nguyền xưa lỗi xoành-xoạch!
Luồn cúi khổ thân chi?
Quan-tư thôi bỏ quách!

LXXII. — KHIỂN HỨNG

Xuống ngựa bên chiến trường,
Nhìn quanh lòng hoang mang...
Gió buồn... Mây nổi chạy...
Trước ta, rơi lá vàng...
Kiến, mối đục xương mục;
Cỏ rợ lại chằng ngang!
Than thở mấy ông lão:
« Mở thêm chi biên cương? »
Biên-cương nào chắc mãi?
Thua được sự chi thường!
Tìm đâu tay tướng giỏi:
Ba quân cho ngủ chương!

LXXIII. — CUỘC CHƠI XƯA

Nhớ buổi trước thăm ngài Hoa-Cái,[21]
Săng ngọc đà lên tới cõi Trời...[22]
Động sâu lưng núi tới nơi,
Ghế, khăn còn đó nắng soi lạnh-lùng!
Học-trò bốn, năm ông ủ-dột,

Tôi xiết bao đau xót ngậm-ngùi!
Non cao, khe thẳm xa xôi,
Nguyền xưa đã lỡ nhìn trời bơ-vơ...
Tiếng khánh dứt, rừng lờ-mờ tối.
Gác đá cao nằm chúi thâu canh.
Đàn-trời Vương-Tử qua nhanh[23].
Trăng suông thấp-thoáng rọi hình hạc bay...
Khe sớm rộn tiếng giầy bước vội,
Nhận đường về này lối hôm qua!
Gót chân nào quản xây da!
Thuốc Trường-sinh biết đâu mà đợi trông!
Về chốn cũ Đông-mông còn nhớ
Các bạn bè phụng sự Đổng-Công.[24]
Ải quan chiếc bóng ruổi dong,
Lộn đường đời mãi, cho lòng đạo phai!
Vợ, con đã phá lời thề trước!
Tóc đổi mầu, gân sức còn đông,
Trời Thu chống gậy đứng trông,
Hứng lên lại muốn vào vùng Hoắc-Lư[25].

LXXIV. — NGƯỜI ĐẸP

Có con người đẹp tuyệt vời,
Nương cây, nấp cỏ ở nơi hang cùng.
Rằng: « Xưa con gái nhà dòng;
« Lạc-loài từ buổi Quan-trung gặp nàn.
« Anh, em đều chịu chết oan.
« Xương rơi, thịt nát, kể quan làm gì!
« Tình đời ghét yếu, chán suy.
« Việc đời muôn đổi khác chi bóng đèn!
« Ông chồng gan dạ bạc đen.
« Mà cô vợ mới như tiên non Bồng!
« Hợp-hoan, hoa cũng đèo bòng!
« Uyên-ương, chim cũng đậu chung canh dài.
« Chỉ nghe vợ mới nô-cười...
« Khóc than vợ cũ sụt-sùi uổng công.
« Suối còn ở núi thì trong.
« Suối ra khỏi núi vừa xong, đục rồi!...
Con hầu đi bán ngọc trai,
Trở về dứt lá, dọi ngoài mái tranh.
Bứt hoa chẳng dắt tóc xanh...
Ngắt bòn quả trắc đề dành đầy tay...[26]

Trời chiều vạt lụa mỏng bay
Lạnh-lùng đứng tựa gốc cây tre dài...

LXXV. — CHIÊM BAO THẤY LÝ-BẠCH.

I

Chết xa nhau, nín đã đành!
Sống xa nhau để đinh-ninh bên lòng.
Giang-Nam hơi độc mịt-mùng!
Khách đi đầy biết vân-mòng ra sao!
Chiêm bao ta, bạn lẻn vào!
Rõ lòng ta chẳng lúc nào lúc quên.
Biết đâu cách trở đôi miền,
Sợ khi không phải hồn quen mọi ngày!
Hồn về xanh ngắt ngàn cây!
Hồn đi quan ải bóng mây đen rầm!
Bạn nay dò-lưới giam cầm,
Cách nào vượt được xa-xăm canh dài?
Xà nhà trăng lặn rọi-soi,
Còn như nhác thấy mặt người năm xưa!
Sông sâu, sóng nước không bờ,
Giữ mình chớ để sa cơ thuồng-luồng!

II

Mây nổi chạy quanh ngày.
Khách du đâu vắng biệt?

Ba đêm gặp bác luôn,
Lòng bác tôi đà biết.
Lối lại kêu khó khăn,
Đòi về chi mải miết?
Sông hồ sóng gió nhiều,
Chèo lái lo khôn xiết!
Chí cũ chắc không đành,
Bước ra đầu lắc riết!
Đầy kinh mũ, lọng ai?
Người ấy riêng thua thiệt!
Đeo lụy lúc hồ già,
Ai rằng Trời xét nét?
Muôn năm tiếng để đời:
Vô-ích sau khi chết!

LXXVI. — NHỚ TRỊNH TƯ-HỘ CHÂU THAI.

Thiên-Thai cách ba sông,
Ngày đêm sóng rữ-rội!
Bác Trịnh dẫu được về,
Già nua không biết lối!
Trước như âu trên sông;
Nay như thỏ trong cũi!
Sống chết bởi tay người,
Nhìn quanh thêm bực-bội!

Hàng ôm, giống trăn dài!
Một cẳng con tinh núi!
Ngày tháng sống cùng ai?
Bên thành kêu lại gọi!
Từ trước bọn trêu-ma,
Chỉ tài-danh bắt tội!
Người đời đã ghét ngon,
Nói ngông bác lại giỏi!
Quan quèn góc bể Đông,
Tóc bạc, mắt mờ tối!
Mũ vàng lộn áo xanh
Há phải đồ luồn cúi!
Chén rượu nhớ ngày xưa,
Yêu tôi vẫn mong mỏi...
Ai được việc gì đâu!
Trời, đất mông-mênh nổi!

LXXVII. — HẬU XUẤT-TÁI

I

Tài trai lúc còn đương tinh-tấn
Lập lấy công, giật ấn phong hầu!
Xó nhà nằm chết được đâu!
Theo quân ứng mộ, ta vào kế-môn

Nghìn lạng lấy đúc luôn roi ngựa!
Trăm lạng đem đặt thửa lưỡi đao!
Quân đi chậm-trễ được nào,
Bà con làng xóm tiễn nhau bên đường!
Ngôi cao nhất để nhường các cụ.
Rượu say rồi, mâm cỗ đưa lên!
Còn riêng có lũ thiếu-niên
Mỉm cười nhìn lưỡi long-tuyền trong tay!

II

Hai mươi nam ngồi trên yên ngựa,
Từng vào sinh, ra tử bao phen!
Chỉ lo phụ-bạc ơn trên,
Con nhà tử-tế sang hèn kể chi!
Buồn cho lũ tướng kia làm bộ!
Kéo, kéo tràn, quân nó đi đâu?
Bụi tung Hà, Lạc đen ngầu!
Gớm thay quân kỵ U-châu tung-hoành!
Nửa đêm tối, lẻn mình về thẳng!
Về đến làng, làng chẳng còn người!
Khỏi mang tiếng xấu may rồi!
Không con, không cháu già đời cũng
cam!

LXXVIII. — THƠ VẶT Ở TẦN-CHÂU

I

Cảnh đẹp cung vua Ngỗi,
Châu Tần cửa Bắc sang.
Lối vào đầy cỏ rợ,
Đền cũ lạt son vàng.
Gió đuổi mây qua núi.
Trăng soi lá đượm sương.
Sông đi, ta ở mãi,
Buồn ngắm dạ thêm càng.

II

Bể Đông chưa dễ vượt!
Đất loạn, ở chi đây?
Trước quán, mây liền núi...
Bên thành gió rụng cây!
Bàng-Công đi chẳng lại.[27]
Nguyễn-Tịch hứng đương say,[27]
Râu tóc không buồn sửa,
Mê rừng, tính hóa trây!

LXXIX. — ĐÊM TRĂNG NHỚ EM HỌ

Trống điểm, người đi vắng.

Trời thu tiếng nhạn qua.
Sương trong sang tiết lạnh,
Trăng sáng tưởng quê nhà.
Sống chết, nơi đâu hỏi?
Anh em ngày một xa!
Gửi thư không tới mãi!
Lại gặp buổi can-qua!

XXC. — CUỐi TRỜI NHỚ LÝ BẠCH

Cuối trời tung gió lạnh,
Quân-tử nghĩ sao đây?
Nhạn cá tin chim vắng
Sông, hồ thu rẫy đầy.
Ma-ranh thích người tới,
Số tốt ghét văn hay!
Dòng Mịch[28] deo thơ tặng,
Hồn oan hiểu họa may!

XXCI. — MƯA TẠNH.

Ngoài trời mây phất mong...
Muôn dậm gió từ Tây,

Nắng sớm hôm nay đẹp:
Mưa nhiều lúa tốt thay!
Lẽ ngàn phô đỏ ối!
Liễu ải bật xanh rầy!
Từng gác, kèn Hồ nổi,
Từng không chiếc nhạn bay...

XXCII. — KHUÂY LÒNG.

Thành lạnh buồn đưa mắt:
Sương nồng; cúc chiếng hoa...
Gió rung cành liễu gẫy.
Kèn thét lệ ai sa...
Nước lặng, bóng lầu thẳng...
Ngàn mờ nắng ải tà...
Về sau hết chỗ đậu.
Con ác cũng không nhà!

XXCIII. — SÔNG NGÂN

Quanh nam mờ, tỏ mạc.
Thu tới rõ-ràng thêm.
Mây ám dù từng lúc.
Dòng trong vẫn suốt đêm.
Ai ngoài, theo nguyệt lặn.
Trời rộng có sao kèm.

Nào lúc Ngâu thăm vợ,
Hằng năm sóng, gió êm!

XXCIV.— TRĂNG MỚI

Ánh sáng chênh-chênh rọi;
Vành cung lơ-lửng treo...
Vừa lên ngoài ải cũ.
Đã lẩn giữa mây chiều!
Hà-Hán[29] còn in rõ...
Quan san vẫn lạnh đều...
Trước sân vùng cúc nở
Thầm nặng giọt sương dao...

XXCV. — ĐẬP ÁO.

Về gì người lính thú!
Bực đá rửa chiều thu...
Rét mướt nay mai tới...
Xa xôi năm tháng lo...
Quan san bao cách trở!
Là, dập mấy công phu!
Hơi sức dùng gần hết,
Ngoài trời chàng biết ru?

XXCVI. ĐOM ĐÓM.

Ra từng vùng cỏ mục,
Bay tránh sáng ban ngày...
Áo khách đôi khi vướng;
Đèn khuya chửa dễ thay...
Cách màn, theo gió nhỏ;
Bên miễu, ánh mưa gầy...
Xiêu-dạt về đâu nhỉ?
Tháng mười sương trĩu cây!

XXCVII. — TRÔNG ĐỒNG

Cảnh Thu trong trẻo vô cùng.
Bóng râm lớp lớp xa trông tuyệt vời!
Sông xa, ành nước lộn trời...
Mãnh thành hiu quạnh, sương vùi mê-man...
Gió rung rụng lớp lá tàn...
Mặt trời vừa lặn sau ngàn non sâu..
Lạc đàn, con hạc về đâu?
Hoàng hôn, bầy ác chen nhau đầy rừng...

XXCVIII. — TÚI RỖNG

Trắc xanh chát, dễ nuốt bừa?
Chơi vơi ráng đỏ, ăn trừ được đâu?
Cuộc đời loạn-lạc bấy lâu,

Bọn ta bao nỗi cơ-cầu, đắng cay!
Giường đêm ít áo lạnh thay!
Cơm không thổi, giếng sớm ngày vắng không!
Nhìn vào túi rỗng cực lòng.
Tiền tiên giữ lại một đồng làm duyên!

XXCIX. — GƯƠM MÁN

Đem tự phương xa lại,
Bao không nạm ngọc, ngà;
Đêm đêm lòe ánh sáng,
Quái lạ tự đâu ra?
Oai hổ kìm sao nổi!
Thân rồng nép mãi a?[30]
Dâng vua đời gió bụi,
Giết sạch giống gian tà!

XC. — GỬI LÝ-BẠCH, HAI MƯƠI VẦN

Năm xưa có khách ngông đời...
Rằng: « Tiên đầy xuống với người là ta! »
Thơ làm quỷ khóc, thần la!
Bút vung gió táp, mưa sa bời bời!
Tiếng tăm đồn rậy khắp nơi.
Qua kỳ dụi-buộc đến thời vẻ-vang!
Ơn trên ưu-đãi khác thường,
Tuyệt vời là giá văn-chương trên đời!
Thuyền rồng chiều đón đi chơi!
Gấm muông sặc-sỡ, áo ngoài mới ban!
Đền vàng lui tới thanh-nhàn.
Bụi tung dưới gót nổi làn mây xanh!
Cho về, chiếu chỉ đinh-ninh...
Cùng ta, vốn có thân-tình từ xưa.
Suối rừng, chưa hẳn hững hờ.
Một thân chịu đựng đã thừa nhục-vinh,
Chuyện trò, tội-nghiệp thói duềnh!
Rượu chè càng rõ tính-tình thơ-ngây!...
Vườn Lương, đêm múa, khi say...
Bờ xuân sông Tứ, nào ngày đi dong?
Tài cao đành xếp bên lòng!
Đạo cao chịu khuất bạn cùng với ai?

Nghèo hèn là kiếp hiền tài:
Nễ-Hành, Nguyên-Hiến kìa người ở đâu?
Cơm ăn chưa đủ muốn rau,
Lại còn ý-dĩ hạt châu lắm nhời![31]
Giữa vùng nắng lửa đốt trời,
Chiếc thân đầy-đọa quê người bao đông!
Tam-Nguy, Ngũ-lĩnh long đong,
Than cùng cú-vọ, khóc cùng kỳ-lân![32]
Ông Liên đâu chịu thờ Tần?[33]
Chàng Tô đâu lẽ yên thân ở Hồ?[34]

Phép công chẳng xét lời vu,
Tình oan ai biện-bạch cho bây giờ?
Tiệc Kinh rượu ngọt đã từ,[35]
Ngục Lương thư đã dàng thưa đủ điều...[36]
Trời Thu ốm rậy buồn teo!
Thơ suông ngâm với trăng chiều trên sông...
Sóng ơn cách trở mấy trùng?
Thả bè ta muốn hỏi cùng trời cao![37]

XCI. — BIỆT TÁN THƯỢNG-NHÂN

Trăm sông ngày chẩy xuôi...
Chân khách đi, đi mãi!
Xiêu dạt khổ thân tôi!

Bao giờ cho đứng lại?
Bác Tán người cửa Thiền,
Bị đuổi từ kinh tới.
Nét mặt kém phần tươi:
Bụi đời vừa vướng phải!
Cành dương tay vẫn cầm;[38]
Hạt đậu mưa vừa tưới.[39]
Nam, Bắc biết đâu chừng?
Thân ta mây phất phới![40]
Quê người gặp bạn xưa,
Gan, ruột mừng như cởi.
Trời rộng, ải quan xa...
Năm tàn, cơm áo ngại!
Gió Đông thổi áo đơn,
Từ giã trong đêm tối!

Ngựa thét nhớ tầu xưa,
Chim về chồn cánh mỏi.
Xưa nay chỗ hợp tan,
Mấy chốc chông gai nổi!
Già, yếu mắt nhìn nhau
Khuyên nhau cùng gắng gỏi.

  1. Đỉnh Họa-sơn (Tây-Nhạc) có nam cối đá, tục gọi là thau gội đầu của Ngọc-nữ.
  2. Vua Trắng (Bạch-đế) là thần ở phương Tây và mùa Thu.
  3. Một thứ hoa, đeo lấy khước trong tiết mồng chín tháng chín.
  4. Đội quân của Quách-Tử-Nghi.
  5. Tên núi. Minh-Hoàng, khi tránh loạn sang Ba-Thục, đi qua đó.
  6. Quảng Bình-Vương. Lòng nhỏ, nghĩa là cẩn-thận.
  7. Quách-Tử-Nghi.
  8. Vương-Tư-Lễ.
  9. Lý Quang Bật.
  10. Ý nói Thái-Tử sẽ đón vua về.
  11. Phòng-Quán.
  12. Trương Cảo.
  13. Tên các bọn giặc.
  14. Sông Hoàng-Hà, mỗi lần nước trong là một điềm trong nước thái-bình.
  15. Cho quân Hồi-Hoạt ở lại Hoa-môn. Thi-sĩ cho là có hại về sau, nên viết bài này.
  16. Năm đầu Kiền-Nguyên, nhà vua đem con gái nhỏ là Ninh-Quốc Công-chúa gả cho vua Hồi-Hoạt. Nhà vua tiễn ra đến trạm Từ-Môn rồi gạt lệ trở về. — Tế-quân Công-chúa khi đi lấy vua nước Ô-Tôn, có làm bài hát, trong có câu:

    « Ước gì mình hóa hộc-vàng.

    « Lại bay về được với làng xóm xưa!

  17. Người em này lúc bé đã biết đếm tiền. Thi-sĩ chợt nhớ đến khi viết bài này.
  18. Lễ Tầu, lấy chồng ba ngày mới lễ nhà thờ và thăm mộ tổ-tiên. Khi đó mới gọi đủ lễ, và mới ra chào bố, mẹ chồng.
  19. Người Tầu hồi xưa, kẻ dưới chào người trên, đều phải lậy. Duy có các quan võ, các binh lính, vì mặc áo giáp, mình cứng đẳng không thể lậy được, cho nên dù chào vua cũng chỉ vái dài. Cái đó gọi là « quân-lễ ».
  20. Niên-hiệu cuối đời Đường Minh-Hoàng, hồi bắt đầu có việc An-Lộc-Sơn làm loạn.
  21. Tên một thày tu tiên.
  22. Người tu tiên khi đắc đạo, trời sẽ thả săng ngọc xuống đón về trời.
  23. Vương Tử-Kiều, một tiên-ông.
  24. Tên một thày tu tiên.
  25. Tên hai rẫy núi.
  26. Thơ cổ: « Ngựa ăn lá trắc. Người ăn quả trắc. Tạm cho đỡ đói. No lâu sao được! ».
  27. a ă Tên hai nhà ẩn-sĩ đời xưa.
  28. Khuất-Nguyên, một thi-sĩ đời Chiến-quốc, vì sự bất đắc chí, đã deo đầu xuống sông Mịch-La. Lý-Bạch khi ấy bị đầy ở miền gần đó.
  29. Tức là sông Ngân.
  30. Vua Hạp-Lư nước Ngô chết, chôn theo thanh gươm Biển-Chư. Tinh khí cây gươm ấy hóa làm con hùm trắng, nằm ở trên mồ. — Có người đào trộm mả Vương-Tử Kiều. Trong mả chỉ thấy có một thanh gươm treo lơ lửng ở khoảng không. Anh ta muốn lấy, thanh gươm bỗng gầm lên như tiếng một con rồng rồi bay vụt lên trời mất.
  31. Mã-Viện làm quan ở Giao-Chỉ về, đem theo mấy xe hạt ý-dĩ. Có kẻ ghét Viện, dèm với vua là những xe ấy chở toàn hạt châu (ngọc trai) cả. Bấy giờ Lý-Bạch bị người vu cho tội theo Vĩnh-vương-Lân làm phản triều-đình, bị đầy ra Dạ-lang, nên cả đoạn này thi-sĩ dùng nhiều điển nói bóng đến chuyện đó.
  32. Giả nghị làm bài phú thở than với cú-vọ — Khổng-Tử nhìn con kỳ-lân mà khóc.
  33. Lỗ-Trọng Liên đi khắp các nước, cổ động việc không chịu tôn vua Tần làm Hoàng-đế.
  34. Tô-Vũ không chịu hàng Hung-Nô (Hồ)
  35. Sở (Kinh) Nguyên-Vương kính trọng Mục-sinh. Chàng không uống rượu, mỗi khi đặt tiệc, Nguyên-vương lại đặt riêng cho chàng món rượu ngọt... Câu này ý nói khi Lân làm phản thì Bạch đã bỏ Lân rồi.
  36. Châu Diễn bị vua Lương bắt bỏ ngục. Từ trong ngục, Diễn viết thư ra tự biện bạch cho mình.
  37. Trương-Khiên thả bè đi, lên đến mãi sông Ngân trên trời!
  38. Kinh Hoa-Nghiêm: tay cầm cành dương, xin nguyện cho chúng-sinh đều hiểu phép hay, rút lại trong sạch...
  39. Cũng Kinh Hoa-Nghiêm: Ví như tháng xuân, deo mọi hạt đậu, được khi trời ấm, sẽ mọc khỏi đất ngay...
  40. Kinh Duy-Ma: Thân này như mây nổi, giây chốc biến mất...