TỰA

Tôi biết đọc thơ từ thuở nhỏ
Trong thơ thích riêng thơ Đỗ Phủ;
Một hôm thày tôi hỏi: « Tại sao? »
Đứng dậy chắp tay tôi sẽ ngỏ
Rằng: « Tại thơ ông là đời ông
« La, đẹp, hùng tráng mọi vẻ đủ.
« Mà còn chan chứa một lòng thương
« Những kẻ nghèo nàn, phường xấu-số.
« Vì tấm lòng ấy nên nhiều khi
« Đối với quan lại với vua chúa
« Ông thường chê-trách, thường mỉa mai,
« Không thèm nịnh-hót không xu-phụ,
« Ngoài một thiên tài hiếm có ra,
« Ông còn một tâm hồn hiếm có... »

Nghe xong, thày tôi gật đầu cười
Dạy rằng: « Ồ! mày thật con bố!
« Thế nhưng bất-lợi ở thời này!
« Rồi đó xem: Đời mày sẽ khổ! »
Thày tôi mất đã hai mươi năm
Ngẫm lại lời xưa ngày một rõ:
Bể-người chìm nổi thân bọt-bèo
Tài hèn, sức mọn mong thi-thố.
Thương đời, nên được đời ghét ngon
Giầy đạp, khinh-khi chừng đã bõ!
Cơm khoai, cháo cám đã từng ăn;
Gió bãi trăng ngàn đã từng ngủ;
Đã từng nếm chán thói viêm lương;
Đã từng chịu chán oai hung-phũ.
Lệ tủi bao lần mắt thấy khó!
Máu uất đòi phen tim muốn nổ!
Mùi đời: mặn, chát, đắng, cay, chua,
Tôi nếm thường nhiều hơn cụ Đỗ!
Trong trường tranh sống tự nhìn mình
Gồm trăm phương diện đều thua lỗ!
Kéo về duy có chút yên-lòng:
Nhìn bóng, ngắm chân không xấu-hổ
Lúc này Trời Đất thấy thừa mình
Dưới gối mẹ già, ngồi đứng vọ!

Buồn về than-thở với hoa đèn;
Hứng lên cười-cợt cùng cây-cỏ;
Gió dục, mây vần, mặt ngẩn ngơ:
Áo đẩy cơm xô hồn lú mụ...
Cuốc đất, trồng rau có lúc nhàn,
Nghêu ngao lại vớ chồng thơ cũ
Đọc rồi lẩn thẩn dịch ra chơi,
Trong những đêm lành nằm một xó!
Câu được câu chăng, chép lại đây,
Tự tiếc công-trình không nỡ bỏ
Than ôi! cuộc sống của loài người
Đau khổ hình như một nguyên tố!
Cho dẫu đạo-đức bớt suy đồi
Cho dẫu văn-minh thêm tiến-bộ;
Khoái-lạc, hạnh-phúc mưu tính hoài.
Cái khổ chung-quy vẫn nguyên-đó!
Anh hùng hào-kiệt khôn gỡ thoát;
Thích Ca, Da-Tô khôn tế-độ...
Cho nên bác-ái với từ-bi
Đến nay đã là những thuyết hủ!
« Thương người chỉ là một nhược-điểm
Ban Giắc[1] ngày xưa đã la-ó!

« Thương đời lắm chỉ hại đời nhiều! »
An tôn[2] vừa đây lại cáo-tố![3]
Trước một câu đố không mối-manh,
Thần, Phật, Thánh, Hiền đều mắt trố!
Huống chi là bạn thi-sĩ nghèo,
Một giống ốc mang không nổi vỏ!
Thương miệng, thương môi thương được ai!
Những chàng bụng lép thân gầy võ!
Thế nhưng ta biết làm thế nào
Lòng thương dẫu chắc là vô bổ?
Nó là một cảm tình tự-nhiên,
Lý-trí đứng hòng đem cám-dỗ
Di đi! Dập đi! Tưới nước vào!
Ngọn lửa thiêng càng thêm sáng tỏ!
Ai ơi! Lửa thiêng xin cứ iữ.
Lệ nóng, máu tim nuôi lấy nó!
Giữ cho đến hơi thở cuối cùng
Chế-rưỡu, cười chê thay bọn họ!
Một đời dù chẳng được việc gì,

Tấc lòng để lại cho Thiên-Cổ!
Tấc lòng Thiên Cổ chứa chất nên
Thượng đế có ngày sẽ nhìn ngó.
Những núi Tận tâm, bể Hy-Sinh,
Sẽ đổi mới được mặt Vũ Trụ!
Trí-nghĩ mơ màng, viết đến đây
Ném bút nhìn quanh bật cười rộ
Giật mình, ai mắng: « Điên đấy à?
« Thức mãi làm chi mà dận dọ? »
Chép miệng làm thinh chẳng trả lời
Đẩy song đứng ngắm trời mưa, gió

Năm Quý-vị (1943) sau Trung Thu 3 ngày trên Phong Mãn lân —

Nhượng Tống
  1. Honoré de Balzac
  2. Anatole France.
  3. Nguyên-tố, cáo tố, hai chữ « tố » ấy cùng âm nhưng khác nghĩa. Vậy chúng tôi kể là hai chữ hai vần, và không cho là « trung vần ». Dưới đây đều theo lệ ấy.