Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 9

HỒI THỨ CHÍN

Trừ hung bạo, Lã Bố giúp tư-đồ;
Phạm Tràng-an, Lý Thôi nghe Giả Hủ.

Người đi va vào Đổng Trác, tức là Lý Nho, thấy Trác ngã, vội vàng đỡ Trác đứng dậy, vào ngồi trong thư viện.

Trác bảo Lý Nho:

- Ngươi đến đây làm gì?

Lý Nho thưa:

- Tôi chợt qua cửa phủ, thấy nói thái sư giận đi vào vườn sau tìm Lã Bố, tôi vội vàng chạy vào, thì gặp Lã Bố chạy ra, la lên rằng: “Thái sư giết ta”. Bởi thế tôi hấp tấp vào đây để ngăn thái sư. Chẳng may chạm phải thái sư thật đáng tội chết.

Trác nói:

- Không thể tha được thằng nghịch tặc ấy! Nó dám đùa bỡn ái cơ của ta. Thế nào ta cũng giết chết nó mới nghe.

Lý Nho can rằng:

- Thái sư không nghĩ cho chín: ngày xưa vua Trang vương nước Sở, trong bữa tiệc “đứt dải mũ” tha tội Tưởng Hùng đã bỡn ái cơ[1], đến sau bị binh nhà Tần làm khốn, được Tưởng Hùng cố sức liều chết cứu thoát được. Nay Điêu Thuyền chẳng qua là một đứa con gái, mà Lã Bố là một mãnh tướng tâm phúc của thái sư, thái sư nếu nhân dịp này đem Điêu Thuyền cho Bố, chắc Bố cảm ơn lớn, lấy chết báo lại thái sư, xin thái sư nghĩ đi nghĩ lại.

Trác nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói rằng:

- Ngươi nói cũng phải, để ta nghĩ kỹ xem.

Lý Nho từ tạ rồi ra. Trác vào ngay hậu đường gọi Điêu Thuyền ra hỏi rằng:

- Sao mày có tư tình với Lã Bố.

Điêu Thuyền khóc thưa rằng:

- Thiếp đang đứng xem hoa, Lã Bố đột ngột ở đâu đến. Thiếp vội vàng toan tránh. Bố nói: “Tôi là con thái sư, việc gì phải tránh”, rồi cầm kích ép thiếp đến đình Phượng nghi. Thiếp thấy nó có lòng bất lương, sợ nó xâm phạm tới mình thiếp, định đâm đầu xuống ao sen tự tận, lại bị nó ôm chặt lấy. Đang lúc giằng co giữa sống và chết, may có thái sư chạy lại cứu được tính mệnh.

Trác lại hỏi:

- Nay tao đem mày gả cho nó, mày có thuận không.

Điêu Thuyền giật mình, khóc rằng:

- Thiếp đã được vào hầu quý nhân, nay lại đem gả cho thằng ở, thiếp thà rằng chết chẳng chịu nhục này.

Bèn rút thanh bảo kiếm treo ở vách, toan tự vẫn.

Trác vội vàng giằng lấy thanh gươm và ôm chặt lấy Điêu Thuyền và nói rằng:

- Ta nói bỡn đấy mà!

Thuyền nằm lăn vào lòng Trác, bưng mặt khóc rằng:

- Đây hẳn là mẹo của Lý Nho. Nho với Bố hai đứa bạn thân thiết với nhau, nên mới bày ra mẹo này, không đếm xỉa đến thể diện của thái sư và tính mệnh của tiện thiếp, thiếp phải sả thịt chúng nó ra.

Trác nói:

- Ta sao nỡ bỏ mày.

Điêu Thuyền lại nói:

- Thái sư dẫu có lòng thương yêu, cũng không nên ở đây lâu, sợ bị Lã Bố làm hại.

Trác dỗ dành Điêu Thuyền rồi nói rằng:

- Ngày mai chúng ta về My-ổ, cùng hưởng sung sướng, đừng lo gì nữa.

Thuyền mới lau nước mắt lạy tạ.

Hôm sau Lý Nho vào ra mắt, nói rằng:

- Hôm nay tốt ngày, thái sư nên đem Điêu Thuyền gả cho Lã Bố.

Trác nói:

- Chuyện ấy ta đã nghĩ rồi. Lã Bố với ta có danh phận cha con, làm thế không tiện. Ta tha tội cho nó, ngươi nên truyền đạt cho nó biết ý ta và đem lời an ủi nó, được rồi.

Nho nói:

- Thái sư đừng để đàn bà làm mê hoặc.

Trác giận đổi sắc mặt mắng rằng:

- Thế thì vợ mày mày có đem cho nó không? Việc Điêu Thuyền cấm không được nói động đến nữa, còn nói tao chém.

Lý Nho trở ra, ngẩng mặt lên trời than rằng:

- Lũ chúng ta chết cả về tay đàn bà!

Đời sau có thơ rằng:

Mẹo mực nhờ tay khách má đào.
Lọ là gươm giáo, lọ là dao?
Hổ lao một trận khôn dùng sức
Hát khải đình Nghi ấy lạ sao!

Ngay hôm ấy Đổng Trác hạ lệnh về My-ổ, trăm quan đều đi tống tiễn. Điêu Thuyền ngồi trên xe, xa trông thấy Lã Bố đứng ở trong đám đông người, mắt nhìn vào trong xe.

Thuyền giả cách che mặt, làm ra dáng đau khóc bi thảm.

Xe đã đi xa, Lã Bố còn cầm cương ngựa đứng trên gò đất, nhìn đám bụi mù mịt than tiếc bực dọc. Chợt nghe sau lưng có người hỏi rằng:

- Ôn-hầu sao không theo thái-sư đi, lại đứng đấy trông xe mà than thở?

Bố quay đầu lại nhìn, tức là tư-đồ Vương Doãn.

Chào hỏi xong, Doãn nói:

- Tôi mấy bữa nay, hơi khó ở, không đi đâu, cho nên chưa có dịp gặp tướng quân. Bữa nay thái sư về My-ổ, nên tôi phải gượng ra tiễn, may sao lại gặp tướng quân. Xin hỏi tướng quân làm sao lại đứng đây thở than?

Bố nói:

- Chỉ vì con ông đấy thôi!

Doãn giả cách thất kinh hỏi rằng:

- Từ ấy đến nay con tôi chưa về với tướng quân à?

Bố nói:

- Thằng giặc già lấy làm người yêu của nó đã lâu rồi!

Doãn lại giả cách thất kinh:

- Không ngờ có việc ấy!

Bố đem chuyện nói lại đầu đuôi cho Vương Doãn nghe. Vương Doãn mặt ngửa lên trời, chân giẫm mạnh xuống đất thừ người ra không nói gì. Mãi một hồi lâu mới nói rằng:

- Không ngờ thái sư làm việc cầm thú như vậy...

Rồi kéo tay Lã Bố, nói rằng:

- Xin tướng quân hãy đến nhà tôi nói chuyện.

Bố theo Doãn về, Doãn mời vào nhà trong kín đáo, sai làm rượu khoản đãi.

Bố lại đem việc gặp Điêu Thuyền ở đình Phượng-nghi kể hết đầu đuôi.

Doãn nói:

- Thái sư làm ô nhục con gái tôi, cướp vợ tướng quân. Thực bị thiên hạ người ta chê cười, người ta không cười thái sư đâu, người ta chỉ cười tướng quân với tôi mà thôi. Tôi già yếu chẳng kể làm gì. Chỉ tiếc thay tướng quân là bậc anh hùng lừng lẫy một đời, mà phải chịu cái nhục này.

Bố nghe nói cơn giận bốc lên bừng bừng, nắm tay đấm xuống bàn, kêu một tiếng thật to.

Doãn vội vàng nói rằng:

- Lão trót lỡ lời... xin tướng quân nguôi giận.

Bố nói:

- Ta thề giết thằng giặc già ấy mới rửa được nhục.

Doãn vội vàng lấy tay bưng miệng Bố can rằng:

- Tướng quân chớ nói. Nhỡ ra có liên lụy đến lão.

Bố nói:

- Đại trượng phu sinh ra ở trong trời đất, lẽ đâu lại cứ ngậm ngùi chịu làm tôi tớ người mãi ru!

Doãn nói thêm một câu rằng:

- Tài như tướng quân thật thái sư không có thể hạn chế được.

Bố lại nói:

- Tôi muốn giết thằng giặc già ấy đi, ngại rằng có tình cha con với nhau sợ người sau chê cười chăng?

Doãn tủm tỉm cười nói rằng:

- Tướng quân họ Lã, thái sư họ Đổng. Lúc thái sư cầm kích lao tướng quân ở đình Phượng-nghi, còn có tình cha con không?

Bố hăng hái đứng lên nói rằng:

- Nếu tư-đồ không dạy tôi câu ấy, suýt nữa tự tôi làm tôi nghĩ lầm.

Doãn thấy Lã Bố đã quyết ý giết Trác bèn bảo Lã Bố rằng:

- Nếu giúp nhà Hán, tướng quân mới thực là trung thần, để tiếng trong sử xanh mãi mãi. Nếu giúp Đổng Trác thì là phản thần, sẽ để tiếng xấu muôn đời.

Bố đứng dậy lạy Vương Doãn nói rằng:

- Ý tôi đã quyết rồi. Tư-đồ không nên nghĩ nữa.

Doãn nói:

- Tôi sợ việc không xong, thì sẽ hóa ra vạ to.

Bố liền rút con dao đeo ở mình, đâm một nhát vào cánh tay, chảy máu ra để thề.

Doãn quỳ xuống lạy tạ, nói rằng:

- Hương hỏa nhà Hán, nay không đến nỗi mất, đều là ơn tướng quân giữ kín, đừng để tiết lộ ra, khi nào việc đến nơi, sẽ có mưu kế tôi nghĩ được mẹo gì, tôi xin báo tướng quân biết sau.

Bố khẳng khái nhận lời rồi trở ra.

Doãn lập tức mời quan bộc-sa là Sĩ tôn Thụy, quan tư-lệ hiệu-úy là Hoàng Uyển để bàn việc ấy.

Thụy nói:

- Nay vua mệt mới khỏi, nên sai một người nói khéo đến My-ổ mời Trác vào đây để bàn việc nước. Một mặt lấy mật chiếu của thiên tử trao cho Lã Bố, sai phục quân trong cửa triều, đợi Trác vào đến nơi sẽ giết đi. Chước ấy là hơn cả.

Uyển nói:

- Nhưng có ai dám đi mời không?

Thụy nói:

- Có quan kỵ-đô-úy Lý Túc là người cùng quận với Lã Bố. Vì Trác không thiên chức cho, vẫn mang bụng oán tức, sai người ấy đi chắc Trác không nghi.

Doãn cho là phải, bèn mời Lã Bố đến bàn bạc.

Bố nói:

- Ngày xưa xui ta giết Đinh Nguyên cũng là người ấy. Nay hễ sai mà không đi, ta sẽ chém ngay trước.

Các quan mật sai mời Lý Túc đến. Bố bảo Túc:

- Xưa ông xui tôi giết Đinh kiến Dương về với Đổng Trác. Đổng Trác trên dối thiên tử dưới hại sinh linh, tội ác đã nhiều, cả người và thần đều giận. Vậy nay ông mang chiếu thiên tử triệu Trác vào chầu, rồi thì phục binh giết nó đi cố giúp nhà Hán, cùng làm trung thần nghĩa sĩ, ông tính thế nào?

Túc nói:

- Tôi cũng muốn trừ thằng giặc ấy đã lâu, hiềm vì chưa gặp ai đồng tâm. Nay tướng quân có bụng ấy, là trời giúp tôi đó. Tôi sao dám có hai lòng?

Nói rồi Túc bẻ một cái tên ra thề.

Doãn nói:

- Ông làm nổi việc này, lo gì chẳng được quyền cao chức trọng.

Hôm sau Túc dẫn vài mươi tên kỵ mã, đến My-ổ, sai người báo tin rằng: “Vua có chiếu đến”. Trác cho mời vào, Lý Túc vào lạy. Trác hỏi:

- Thiên tử có chiếu gì?

Túc thưa:

- Thiên tử vừa mệt khỏi, muốn hội văn vũ ở đền Vị-ương để bàn nhường ngôi cho thái sư, nên sai tôi cầm chiếu này.

Trác hỏi:

- Ý Vương Doãn ra thế nào?

Túc thưa:

- Vương tư-đồ đã sai người đắp đền thụ thiện, chỉ mong đợi thái sư.

Trác mừng rỡ nói rằng:

- Thảo nào! Ta đêm nằm mộng thấy một con rồng quấn vào mình. Hôm nay quả nhiên có tin mừng. Dịp này không nên để lỡ.

Liền sai bốn tướng tâm phúc là Lý Thôi, Quách Dĩ, Trương Tế, Phàn Trù lĩnh ba nghìn quân phi hùng giữ My-ổ, ngay hôm ấy sắp xe kiệu vào kinh; Trác ngoảnh lại bảo Lý Túc:

- Hễ ta làm vua thì cho ngươi làm chức chấp-kim-ngô.

Túc lạy tạ, xưng thần.

Trác vào từ giã mẹ. Mẹ bấy giờ đã hơn chín mươi tuổi, hỏi Trác:

- Con đi đâu?

Trác nói:

- Con sắp đi nối ngôi vua nhà Hán. Mẹ nay mai sắp lên làm hoàng-thái-hậu.

Mẹ nói:

- Ta mấy hôm nay cứ nóng ruột giật mình, sợ không phải điềm hay!

Trác nói:

- Sắp làm quốc mẫu chẳng trách giật mình!

Nói rồi từ giã mẹ, đến lúc đi bảo Điêu Thuyền rằng:

- Ta làm thiên tử, sẽ lập nàng làm quý phi.

Điêu Thuyền đã biết rõ chuyện ở trong, giả cách hớn hở mừng rỡ, lạy tạ.

Trác ra lên xe đi Tràng-an. Đi chưa được ba mươi dặm, tự nhiên xe gẫy một bánh. Trác xuống xe cưỡi ngựa, đi chưa được mười dặm, ngựa tự dưng lồng lên, gầm thét dữ tợn lôi đứt dây cương.

Trác hỏi Lý Túc:

- Xe gẫy bánh, ngựa đứt dây cương, là điềm thế nào?

Túc nói:

- Thế là cái điềm thái sư nối ngôi nhà Hán, thay cũ đổi mới. Từ nay thái sư sẽ ngồi kiệu ngọc yên vàng.

Trác nghe lấy làm lọt tai.

Hôm sau đương đi, bỗng có cơn gió dữ nổi lên ầm ầm, mây kéo nghịt trời, Trác lại hỏi Túc:

- Thế là điềm gì?

Túc nói:

- Chúa công sắp lên ngôi rồng, cho nên mới có những sáng hồng mây tía, để thêm oai trời.

Trác lại mừng không lo gì nữa.

Khi Đổng Trác đến Tràng-an, trăm quan đều ra đón rước, duy có Lý Nho cáo bệnh ở nhà không ra đón.

Trác đến tướng phủ, Lã Bố vào mừng.

Trác nói:

- Hễ ta làm vua, Phụng-tiên sẽ làm tổng-đốc cả binh mã thiên hạ.

Bố lạy tạ, nghỉ ngay ở dưới màn.

Đêm hôm ấy có một lũ trẻ đi ngoài đường hát rong, gió đưa tiếng hát vào tận màn. Hát rằng:

Thiên lý thảo
Hà thanh thanh
Thập nhật thượng[2]
Bắt đắc sanh

Cỏ ngàn dặm
Sao xanh xanh?
Trên mười ngày
Chẳng được sống.[3]

Tiếng hát nghe thực ai oán.

Trác nghe mới hỏi Lý Túc:

- Trẻ hát như thế hay dở thế nào?

Túc thưa:

- Thế nghĩa là họ Lưu sắp mất họ Đổng sắp lên.

Mờ mờ sáng hôm sau Trác sai bày nghi vệ, rồi bắt kẻ hầu người hạ đi theo vào trong triều. Bỗng thấy một đạo nhân áo xanh, khăn trắng, tay cầm một cái sào dài, trên buộc mảnh vải dài một trượng, hai đầu viết hai chữ khẩu[4].

Trác lại hỏi Lý Túc:

- Người ấy làm thế là ý thế nào?

Túc nói:

- Nó là một thằng rồ.

Rồi bảo tướng sĩ cứ việc đẩy xe đi.

Trác vào đến triều, các quan đều mặc áo trào, đứng đón cả hai bên đường. Lý Túc tay cầm thanh bảo kiếm, vịn xe Đổng Trác đẩy đi. Đến cửa Bắc dịch, quân sĩ đều bị ngăn cả lại ở ngoài cửa, chỉ có hai mươi người đẩy xe đi vào.

Trác vào khỏi cửa, thấy bọn Vương Doãn, mỗi người cầm gươm, đứng cửa đền, sợ hỏi Lý Túc:

- Họ cầm gươm là ý gì?

Lý Túc không trả lời, cứ việc đẩy xe thẳng vào.

Vương Doãn bấy giờ thét to lên rằng:

- Phản tặc đến đây! Vũ sĩ ở đâu?

Hai bên hơn một trăm vũ sĩ kéo ra, người cầm gươm kẻ vác dao, cùng đổ xô lại đâm Đổng Trác. Trác mặc áo giáp ở trong, giáo đâm không vào, chỉ bị thương ở tay, ngã xuống xe. Trác gọi to lên rằng:

- Con ta Phụng-tiên đâu?

Lã Bố đứng ở đằng sau, nghe thấy tên, thét một tiếng rồi chạy ra nói rằng:

- Nay vâng chiếu vua giết thằng giặc này!

Một ngọn kích, đâm trúng ngay cổ họng Đổng Trác, Lý Túc liền cắt đầu, lấy tay xách.

Lã Bố tay trái cầm kích, tay phải thò vào bọc lấy tờ chiếu ra, nói to lên rằng:

- Phụng chiếu vua, giết được tặc thần là Đổng Trác rồi, còn các người khác tha cho cả!

Các tướng sĩ đều reo:

- Vạn tuế!

Đời sau có thơ rằng:

Bá nghiệp hay ra là đế vương;
Chẳng ra gì cũng bực giàu sang.
Lòng giời ai biết không tây vị:
My-ổ vừa xong đã nát hoang!

Lã Bố lại hô lên rằng:

- Giúp Đổng Trác làm điều tàn ngược, là tự Lý Nho cả, ai đi bắt nó?

Lý Túc xin đi ngay.

Chợt nghe tiếng reo ngoài cửa triều; có người vào báo rằng: “Người nhà Lý Nho, đã trói Lý Nho đem lại nộp”.

Vương Doãn sai điệu ra chợ chém; rồi lại sai đem đầu và thây Đổng Trác diễu, loan báo khắp các ngả đường.

Thây Trác to béo; quân sĩ lấy mồi cắm vào rốn đốt lửa làm đèn, mỡ chảy đầy cả ra đường cái; nhân dân ai đi qua cũng lấy gạch đá ném vào đầu, lấy chân đạp vào thây.

Vương Doãn lại sai Lã Bố cùng với Hoàng phủ Tung, Lý Túc lĩnh năm vạn quân đến My-ổ bắt người nhà Đổng Trác và tịch biên gia sản.

Lý Thôi, Quách Dĩ, Trương Tế, Phàn Trù, nghe tin Trác đã chết, mà Lã Bố thì sắp đến My-ổ, liền dẫn quân phi hùng, ngay đêm hôm ấy chạy ra Lương-châu.

Lã Bố đến My-ổ, trước hết tìm Điêu Thuyền.

Hoàng phủ Tung sai đem những con gái nhà lương thiện mà bị Đổng Trác bắt hiếp vào làm tỳ thiếp, tha cho về nhà cả. Còn bao nhiêu họ hàng thân thuộc nhà Đổng Trác, không cứ lớn bé già trẻ đem ra giết sạch. Mẹ Trác cũng phải giết, em Trác là Đổng Mân, cháu Trác là Đổng Huynh cũng bị chém, đầu bêu đi các ngã ba. Tịch thu những của cải chứa ở trong ổ, vàng vài mươi vạn lạng, bạc vài trăm vạn lạng; vóc, nhiễu, châu, báu, đồ đạc không biết bao nhiêu mà kể. Xong rồi Tung về báo để Vương Doãn biết.

Doãn ăn khao quân sĩ thực to, mở tiệc yến ở chốn Đô-đường, họp cả các quan lại uống rượu, ăn mừng.

Đang ăn uống thì có người vào báo rằng:

- Thây Đổng Trác đang phơi ở chợ, bỗng có một người, đến cúi vào thây khóc vang lên.

Doãn giận lắm, quát rằng:

- Giết được Đổng Trác, quan dân ai ai đều mừng cả, đứa nào lại dám khóc nó? Võ sĩ đâu, ra trói cổ nó điệu vào đây ta hỏi.

Một lát quân dẫn người khóc vào, tưởng là ai hóa ra quan thị-trung Sái Ung. Doãn điên ruột lên nói rằng:

- Thằng giặc Đổng Trác nay trừ được nó đi, là may cho nước lắm, ngươi là bề tôi nhà Hán, không mừng cho nước, lại khóc thằng giặc là cớ làm sao?

Ung xin nhận tội nói rằng:

- Tôi tuy chẳng ra gì, cũng biết nghĩa lớn, có lẽ đâu lại phản nước mà đi theo Đổng Trác. Nhưng vì tôi với Trác có chút nghĩa tri ngộ[5], tôi tự cảm xúc thương khóc. Tôi cũng biết thế là tội nặng, nhưng xin ngài rộng thứ cho, nên gọt đầu chặt chân cho tôi được sống tôi chép nốt pho Hán sử, để chuộc tội, thì may cho tôi quá.

Các quan tiếc Ung là người tài, ai ai cũng cố sức cứu. Quan thái-phó là Mã nhật Đê cũng ghé vào tai Doãn nói thầm rằng:

- Sái Ung là người tài, không mấy đời có được. Nếu để cho hắn làm nốt pho Hán sử cũng là một điều hay! Vả lại Ung là một người hiếu hạnh, nay đem giết đi, có lẽ mất lòng thiên hạ.

Doãn nói:

- Ngày xưa, vua Hiếu Vũ không giết Tư Mã Thiên, để cho nó làm nốt sách sử, vì thế cho nên mới có sách sử gièm pha, truyền đến bây giờ. Nay vận nước suy yếu, chính sự nhầm lẫn, không nên để kẻ nịnh thần cầm bút ở bên mình ấu chúa, để chúng ta bị nó chê cười.

Tư Mã Thiên

Mã nhật Đê không nói gì nữa, đi trở ra, nói riêng với các quan rằng:

- Vương Doãn cũng không toàn được đâu! Người hiền là rường nhà nước, sách sử là điển nhà nước. Bỏ cả rường, dứt cả điển, trọn vẹn làm sao được?

Doãn không nghe lời Mã nhật Đê, sai bỏ Sái Ung vào ngục, bắt phải thắt cổ chết.

Các sĩ phu bấy giờ nghe thấy chuyện, ai cũng thương khóc.

Người đời sau bàn rằng: Ung khóc Đổng Trác vốn là không phải, Doãn giết Ung cũng là quá lắm.

Có thơ than Ung rằng:

Đổng Trác chuyên quyền thực bất nhân
Ung sao rước lấy vạ vào thân
Bây giờ Gia Cát nằm trong núi
Sao chịu ra thờ kẻ loạn thần.

Lý Thôi, Quách Dĩ, Trương Tế, Phần Trù trốn sang Thiểm-tây, sai người đến Tràng-an, dâng biểu xin tha tội.

Vương Doãn nói:

- Đổng Trác làm loạn, là bởi bốn đứa ấy giúp cả. Nay tuy đại xá thiên hạ, duy bốn đứa ấy không tha.

Sứ giả về báo Lý Thôi, Thôi nói:

- Cầu tha không được, thì cùng đi trốn cả là xong!

Giả Hủ

Mưu sĩ là Giả Hủ bàn rằng:

- Các ông bỏ quân mà đi trốn một mình, chỉ một người đình trưởng, nó cũng trói lại được. Không bằng ta dụ tập người Thiểm-tây và quân mã của mình, kéo thẳng vào Tràng-an, đánh báo thù cho Đổng công. Được ra thì lấy danh nghĩa triều đình mà hiệu lệnh thiên hạ, ngộ thua, bấy giờ sẽ chạy cũng chưa muộn.

Bọn Lý Thôi lấy làm phải, liền nói phao lên ở Tây-lương rằng:

- Vương Doãn muốn giết sạch cả người phương này.

Dân chúng đều sợ hãi.

Lũ Lý Thôi lại nói khích rằng:

- Chịu chết uổng cũng vô ích, có ai theo ta làm phản không?

Chúng xin theo cả. Bởi thế lũ Lý Thôi mộ được hơn mười vạn quân, chia làm bốn đường, kéo vào Tràng-an. Đi đường lại gặp con rể Đổng Trác là trung-lang-tướng Ngưu Phụ, đem năm nghìn quân đi báo thù cho bố vợ. Lý Thôi hợp hai toán làm một, sai Phụ làm tiền khu đi trước, bốn tướng dần dần kéo đi sau.

Vương Doãn nghe thấy binh Tây-lương kéo đến, bàn với Lã Bố. Bố nói:

- Tư-đồ đừng lo. Tôi coi chúng nó như đàn chuột!

Rồi cùng với Lý Túc đem quân ra. Túc đi trước nghênh địch, cùng Ngưu Phụ đánh nhau một trận. Phụ chống không nổi, thua chạy.

Chẳng ngờ canh hai đêm hôm ấy, Phụ nhân lúc không phòng bị, kéo quân đến cướp trại Lý Túc. Quân Túc rối rít bỏ trại chạy ra hơn ba mươi dặm, chết mất quá nửa. Túc lại ra mắt Lã Bố. Bố nổi giận mắng rằng:

- Sao mày dám làm mất nhuệ khí của tao?

Nói rồi liền chém Lý Túc treo đầu ở cửa quân.

Hôm sau Lã Bố tiến binh, cùng Ngưu Phụ đối địch. Phụ địch sao nổi được Bố, cho nên lại thua chạy. Đêm hôm ấy Ngưu Phụ gọi tướng tâm phúc tên là Hồ xích Nhi bảo rằng:

- Lã Bố kiêu dũng lắm, thế khó địch nổi. Sao bằng không cho bọn Lý Thôi biết, ngầm giấu vàng, bạc, châu, báu, cùng với dăm ba người thân tín, bỏ quân trốn đi.

Hồ xích Nhi thuận. Ngay đêm hôm ấy nhặt nhạnh vàng, bạc, châu, báu, bỏ trại đi, chỉ đem ba bốn người đi theo. Đi đến một con sông, lúc sắp qua đò, Xích Nhi trông thấy của cả̉̉i ngốt mắt, muốn chiếm lấy một mình, liền giết Ngưu Phụ đem đầu đến dâng Lã Bố. Bố hỏi tình đầu, người đi theo thú rằng: “Xích Nhi giết Phụ để lấy của”. Bố giận, lập tức giết ngay Xích Nhi.

Lã Bố dẫn quân tiến lên, gặp ngay quân mã Lý Thôi kéo đến. Bố không đợi cho bày trận, vác kích tế ngựa thúc quân xông vào, quân Lý Thôi không chống được, lui hơn năm mươi dặm, dựa vào sườn núi cắm trại.

Lý Thôi đóng trại cho mời Quách Dĩ, Trương Tế, Phần Trù lại bàn rằng:

- Lã Bố tuy dũng nhưng vô mưu, không lo sợ mấy. Nay ta đóng quân ở cửa hang, mỗi ngày ra khơi đánh nhau một lần. Quách tướng quân thì lĩnh quân đánh ở mặt sau, bắt chước lối Bành Việt quấy rối Sở ngày xưa. Nghe khua chiêng thì tiến binh, nghe đánh trống thì rút quân. Trong khi ấy thì Trương, Phần, hai ông chia binh ra hai đường, đi tắt vào lấy Tràng-an. Đằng nó đầu cuối không tiếp ứng được nhau, tất nhiên thua.

Chúng dùng kế ấy.

Lã Bố dẫn quân đến dưới núi, Lý Thôi đem binh ra đánh. Bố hầm hầm xông vào trận. Thôi lui chạy lên núi. Trên núi tên đá bắn xuống như mưa, Bố không lên được. Chợt có người báo rằng:

- Quách Dĩ ở đằng sau đánh lại.

Bố vội vàng quay lại đánh, nhưng thấy tiếng trống vang lên, quân Dĩ đã lui rồi. Bố vừa toan thu quân, một hồi chiêng khua, quân Thôi trên núi lại xuống. Bố chưa kịp đối địch, đằng sau Quách Dĩ lại tiến lên đánh. Khi Lã Bố trở lại thì Dĩ lại đánh trống rút quân về. Lã Bố tức đầy ruột. Ròng rã bốn hôm, muốn đánh không đánh được, muốn thôi cũng không thôi được. Đang lúc tức mình có phi mã lại báo rằng:

- Trương Tế, Phần Trù hai cánh quân mã phạm vào Tràng-an. Kinh thành nguy cấp lắm!

Bố vội vàng thu quân về. Lý Thôi, Quách Dĩ nhân thế đánh dấn lại. Bố vội quá không tham đánh nữa, chỉ tháo đường chạy về kinh cho nhanh. Người ngựa xốn xáo tổn thất khá nhiều. Khi Bố về đến Tràng-an, quân giặc đông nghịt, chẳng khác mây che mưa phủ, vây kín thành trì, Bố đánh không được. Quân sĩ thấy Lã Bố hung bạo, bỏ đi theo giặc khá nhiều. Bố lo lắm.

Lý Thôi, Quách Dĩ tấn công thành Tràng-an

Vài hôm sau, dư đảng của Đổng Trác là Lý Mông, Vương Phương ở trong thành làm nội công cho giặc, mở trộm cửa thành, bốn mặt giặc kéo ùa cả vào. Lã Bố hết sức chống cự không nổi, dẫn vài trăm quân kỵ đến trước cửa thanh-tỏa, gọi Vương Doãn bảo rằng:

- Thế nguy cấp lắm rồi, xin tư-đồ lên ngựa, cùng ra cửa quan với tôi, sẽ tìm kế khác.

Doãn cứ vững vàng nghiêm chỉnh như không nói rằng:

- May ra nhờ thần linh xã tắc, nhà nước được yên, là sở nguyện của tôi; nếu không tôi xin đem thân cùng chết với nước. Gặp hoạn nạn mà trốn tránh một cách cẩu thả để thoát lấy thân, thì tôi không làm. Xin vì tôi mà nói với các bạn ở Quan-đông hết sức lo tính việc nước.

Lã Bố hai ba lần giục, Doãn nhất định không đi.

Được một lúc, các cửa thành lửa cháy ngùn ngụt, Lã Bố phải bỏ cả vợ con, dẫn hơn một trăm quân kỵ, chạy ra ngoài cửa ải, đi theo Viên Thuật.

Lý Thôi, Quách Dĩ thả cho quân tha hồ cướp bóc. Quan thái-thường-khanh Sung Bật, quan thái-bộc Lỗ Quỳ, quan đại-hồng-lô Chu Hoán, thành-môn hiệu-úy Thôi Liệt, việt-kỵ hiệu-úy Vương Kỳ đều chết vì nạn nước.

Quân giặc vây kín nội-đình. Các thị thần tâu xin thiên tử lên cửa Tuyên-binh để dẹp loạn. Lúc vua lên cửa, lũ Lý Thôi trông thấy lọng vàng, liền dừng ngựa lại, miệng hô: Vạn tuế!

Vua Hiến-đế đứng trên lầu hỏi rằng:

- Các ngươi chưa tâu xin, dám tự tiện vào Tràng-an, ý các ngươi muốn làm gì?

Thôi, Dĩ ngẩng lên tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ, Đổng thái sư là bầy tôi nhà vua, tự dưng bị Vương Doãn mưu giết. Nay chúng tôi đến tìm Vương Doãn để báo thù cho Đổng công, chứ không dám làm phản. Chúng tôi được trông thấy Vương Doãn xin rút quân ngay.

Vương Doãn bấy giờ đứng ở cạnh vua, nghe thấy nói thế tâu rằng:

- Tôi nguyện vì nước giết Trác. Nay chẳng may sự đến thế này, xin bệ hạ đừng tiếc tôi mà nhỡ việc nước ra. Tôi xin xuống gặp hai tên giặc.

Vương Doãn từ trên lầu Tuyên-binh nhảy xuống đất.

Vua dùng dằng không nỡ. Doãn từ trên lầu Tuyên-binh nhảy xuống đất, quát to lên rằng:

- Vương Doãn đây!

Lý Thôi, Quách Dĩ rút gươm ra mắng rằng:

- Đổng thái sư tội tình gì mà phải giết?

Doãn nói:

- Tội Đổng Trác đầy trời suốt đất, nói sao cho xiết. Hôm nó chết ở Tràng-an, từ quan cho chí dân, ai là không mừng, chúng bay lại không biết à!

Thôi, Dĩ lại hỏi rằng:

- Ừ, như thái sư có tội đã đành, chúng tao thì có tội gì, sao xin tha cũng không được?

Vương Doãn chửi rầm lên mà mắng rằng:

- Nghịch tặc nói làm chi cho lắm. Tao chỉ có cái xác tao đây, chúng bay muốn làm gì thì làm.

Thôi, Dĩ giết Doãn ngay dưới lầu.

Sử quan có thơ khen Vương Doãn rằng:

Vương Doãn bày mưu hay
Gian thần bị giết ngay
Thương dân nên tức ruột;
Xót nước lại chau mày
Sao tỏ lòng trung giãi?
Mây cao, khí nghĩa đầy,
Trăm năm hồn vía ấy
Quanh quất Phượng-lâu này.

Lũ Lý Thôi giết Vương Doãn xong rồi, một mặt sai người bắt cả họ hàng nhà Doãn giết sạch. Sĩ dân ai nấy đều thương khóc. Lý, Quách lại bàn nhau rằng:

- Đã làm đến thế này, còn vua không giết nốt để làm gì?

Hai đứa cầm gươm reo to, kéo vào trong cung.

Thế rõ thực:

Giết đứa cừ khôi vừa thoát nạn;
Gặp quan tặc đảng lại sinh nguy.

Chưa biết tính mệnh vua Hiến-đế ra làm sao, xem đến hồi sau sẽ rõ.

   




Chú thích

  1. Đời Xuân Thu, Sở Trang Vương một đêm cùng quần thần ăn tiệc, đèn chợt tắt, có người đến ghẹo vương phi, vương phi dứt đứt dải mũ người ấy để làm tang vật, rồi nói nhỏ cho Trang Vương biết. Trang Vương liền hạ lệnh: những người trong bữa tiệc đều phải dứt hết dải mũ, đến lúc thắp đèn, mọi người đều đội mũ không dải. Thế là người ghẹo vương phi không ai biết nữa, về sau người ta gọi là “Việt anh hội”.
  2. Chữ thảo , chữ thiên , chữ lý , chắp lại thành chữ Đổng ; chữ thượng , chữ nhật , chữ thập , chắp lại thành chữ Trác .
  3. Thực ra nguyên tác bài đồng dao này chỉ bao gồm bốn câu thơ đầu tiên, nhưng bản dịch Nôm đã bị sơ ý nối vào nguyên tác.
  4. Hai chữ khẩu là chữ Lã , vải là chữ Bố .
  5. Biết tài năng mà hậu đãi, như Cao Tổ đối với Trương Lương, Lưu Bị đối với Khổng Minh.