Tựa Truyện Kiều  (1820) 
của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, do Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim dịch

Bài tựa Truyện Kiều bằng Hán văn do Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân viết, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim dịch, in ở đầu quyển Truyện Thúy Kiều, Vĩnh Hưng Long thư quán xuất bản ở Hà Nội năm 1925.

Trong trời đất đã có người tài tình tuyệt thế, tất thế nào cũng có việc khảm kha bất bình. Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê đó là cái căn nguyên của hai chữ đoạn trường vậy. Thế mà lại có kẻ thương tiếc tài tình, xem thấy việc, trông thấy người, thì còn nhịn thế nào được mà không thở than rền rĩ!

Nghĩa là bậc thánh mới quên được tình, bậc ngu không hiểu tới tình, tình chung chú vào đâu, chính là chung chú vào bọn chúng ta vậy. Cho nên phàm nhân đã ít tình, tất là không có tài, chỉ nửa lòa nửa sáng, sống chết trong vòng áo mũ, trong cuộc no say, dù có gặp cái cảnh thanh nhã như hoa thơm buổi sáng, trăng tỏa ban đêm, cũng chỉ trơ trơ như cây cỏ, như cá chim vậy!

Còn đến bậc tuyệt thế tài tình, mặt ngọc vẻ hoa, lòng gấm miệng vóc, ngâm thơ liễu nhứ[1], nổi tiếng đài gương vịnh phú ngô đồng[2], khoe tài ấn bút, nếu một bậc quán tuyệt thiên thu[3] như thế, lại gặp được bậc chân chính tài nhân, kết duyên tác hợp[4], khi thơ ngâm hoa nở, khi đàn gảy trăng lên, nguồn ái ân trọng nghĩa trăm năm, truyện phong lưu chép thành một lục, người đương vào cảnh ấy đã không gặp phải nỗi khảm kha bất bình, thì người truyền lại việc ấy còn phải đặt ra truyện Đoạn trường tân thanh làm gì!

Chỉ vì dịp may dễ lỡ, việc tốt thường sai, tiếng hoàn lạnh ngắt, còn trơ bóng trúc lung lay mặt ngọc vắng tênh, chỉ thấy đào hoa hớn hở. có tài mà không gặp được tài, có tình mà không tả được tình, tài tình đã tuyệt thế, gặp toàn bước khảm kha, há không phải là con Tạo đang tay ách người quá lắm ru? Ấy chính là truyện Đoạn trường tân thanh vì đấy mà làm ra vậy.

Truyện Thúy Kiều chép ở trong lục Phong tình, ta không cần bàn làm gì. Lục Phong tình cũng đã cũ rồi, Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh, thành ra cái lục Phong tình thì vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng Đoạn trường thì lại là cái tiếng mới vậy. Trong một tập thi chung lấy bốn chữ "Tạo vật đố tài" tóm cả một đời Thúy Kiều: khi lai láng tình thơ, người tựa án khen tài châu ngọc; khi nỉ non tiếng nguyệt, khách dưới đèn đắm khúc tiêu tao; khi duyên ưa kim cải, non bể thề bồi; khi đất nổi ba đào, cửa nhà tan tác; khi lầu xanh, khi rừng tía, cõi đi về nghĩ cũng chồn chân; khi kinh kệ, khi can qua, mùi từng trải nghĩ càng tê lưỡi. Vui, buồn, tan, hợp, mười mấy năm trời, trong cuốn văn tả ra như hệt, không khác gì một bức tranh vậy.

Xem chỗ giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy dậy mà căn duyên vẫn gỡ chưa rồi; khúc đàn bạc mệnh gảy xong, mà oán hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất, không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thắm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên là Đoạn trường tân thanh cũng phải.

Ta nhân lúc đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, thì tài nào có cái bút lực ấy. Bèn vui mà viết bài tựa này.

Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một; người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy của của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy.

Ta lấy một thiên mực nhạt, xa viếng nàng Kiều, tuy lời văn quê kệch, không đủ sánh với bức giao thiên, song đủ tỏ ra rằng cái nợ sầu của hai chữ tài tình, tuy khác đời mà chung một dạ. May được nối ở đằng sau quyển Tân thanh của Tố Như tử, cùng làm một khúc đoạn trường để than khóc người xưa.

(Tháng hai, niên hiệu Minh-Mệnh, viết ở Thán hoa hiên đất Hạc giang.
Tiên phong, Mộng liên đường chủ nhân)

   




Chú thích

  1. Tạ Đạo Uẩn ngâm thơ liễu nhứ
  2. Mạnh Hạo Nhiên vịnh cây ngô đồng
  3. Vượt hơn tất cả xưa nay
  4. Bởi chữ "thiên tác chi hợp" ở kinh trời xe duyên vợ chồng


   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:
 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)