Tần sĩ lục
của Tống Liêm, do Phan Khôi dịch

Bản dịch đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 174 (27. 10. 1932)

(Chép chuyện người kỳ sĩ đất Tần của Tống Liêm)

Đặng Bật, tự Bá Dực, người đất Tần.[1] Mình dài bảy thước, đôi mắt có khía tím, mở nhắm nháng nháng như chớp. Sức mạnh hơn người: trâu hàng xóm đương báng lộn, không thể gỡ ra được, Bật thu tay đấm trên xương sống nó, gãy và ngã xuống đất; cái trống bằng đá nơi cửa chợ, mười người khiêng không nổi, Bật dùng hai tay xách đi. Nhưng, tánh ưa mượn rượu, lườm lườm ngó người ta; ai nấy thấy đều phải tránh, họ bảo nhau rằng: "Nó là thằng khùng, chớ nên gần, gần thì sẽ mang nhục to".

Ngày kia, Bật ngồi uống rượu một mình nơi lầu tiệm đĩ, hai gã thơ sanh, họ Tiêu và họ Phùng, đi ngang qua ở dưới; Bật vội vàng xuống kéo lên uống rượu cùng mình. Hai chàng nầy vẫn khinh con người anh ta, hết sức chống cự. Bật giận dữ, nói rằng: "Nếu hai anh trọn chẳng khứng theo tôi, tôi phải giết hai anh rồi chạy trốn trên nguồn dưới biển, chớ không thể nhịn mà chịu nhục được". Hai chàng cực chẳng đã, phải đi theo.

Khi ấy, Bật đặt mình ngồi chính giữa, chỉ hai bên tả hữu, mời hai người ngồi; kêu rượu, ca reo làm vui. Rượu vừa say, Bật cổi áo, ngồi chồm chỗm, rút con dao để trên bàn, kêu cái "sạc".

Hai chàng vốn có nghe anh ta là tay khùng rượu, thấy vậy, toan vọt chạy. Nhưng Bật cản lại, nói rằng: "Đừng chạy mà! Bật nầy cũng biết sách vở một ít, làm gì các anh lại coi tôi như bãi nước miếng? Hôm nay chẳng phải cốt mời hai anh uống rượu đâu; tôi cốt muốn nhả cái khí bất bình trong bụng chút đỉnh mà thôi. Thôi thì bây giờ, sách bốn kho[2], cho mặc các anh cứ hỏi, đứa nào trả lời không được, sẽ phải trây máu trên con dao nầy!"

Hai gã thơ sanh bèn nói: "Có thế ư?" Liền rút ra vài chục câu trong bảy kinh[3] mà hỏi nghĩa. Bật cử ra đến từng câu chú thích mà đáp lại, chẳng sót một lời. Lại hỏi đến lịch sử các đời, trên dưới ba ngàn năm, Bật đều nói song suốt hết. Khi đó anh ta mới vừa cười vừa nói: "Các anh đã chịu chưa?"

Hai chàng thơ sanh ngó nhau mà khựng người ra, không dám hỏi gì nữa. Bật bèn kêu rượu thêm, xã tóc xuống, vừa nhảy, vừa kêu lên rằng: "Ngày nay ta đè sấp bọn đồ già rồi! Kẻ học đời xưa cốt ở nuôi cái khí, còn người đời nay mặc cái áo nhà nho vào một cái thì đã thim thíp muốn tắt hơi, thế mà cứ muốn đua đuổi bằng văn chương, coi hào kiệt trong đời như trẻ nít, thế có đặng đâu! thế có đặng đâu! Thôi đi các anh!"

Hai chàng vốn tự phụ mình nhiều tài nghề, khi nghe Bật nói rồi, xấu hổ quá, xuống lầu, chưn khập khựng không thành bước. Họ về, hỏi lại những kẻ bình nhựt đi chơi với anh ta, cũng chưa hề thấy cắp sách nghê nga bao giờ.

Cuối trào Thái Định[4][5], Đức Vương giữ chức Tây Ngự sử đài. Bật viết lá thơ đến vài ngàn chữ đến đưa xin ra mắt. Người lính canh cửa không chịu cho vào. Bật nói: "Mầy không biết ở Quan Trung có Đặng Bá Dực sao?" − Đánh ngã luôn mấy người lính, tiếng nghe đến vương. Vương khiến kẻ hầu kéo Bật vào, toan căng vồ nọc đánh. Bật lên giọng nói: "Sao đức ông lại không lấy lễ đãi tráng sĩ? Nay thiên hạ tuy rằng không việc, chớ quân đảo di ở Đông Hải còn chưa thần phục cho. Vừa rồi chúng nó cỡi thuyền biển, đến xin thông thương, không vừa ý chúng, chúng liền rút dao ra giết hại dân Trung Quốc. Các tướng đem binh đuổi theo ra biển cả, vừa đánh vừa chạy, làm nhục quốc thể biết bao nhiêu. Còn các mán mọi Tây Nam tuy đã xưng thần phụng cống, nhưng vẫn lợp tàn vàng, xưng hoàng đế, sánh vai với Trung Quốc, điều đó làm cho chí sĩ càng thêm tức. Phải chi có được một vài bọn như Bật nầy, lùa mười vạn binh đeo gươm tới đánh chúng nó, thôi thì phía đông sát chỗ mặt trời mọc, phía tây sát chỗ mặt trời lặn, chẳng đâu chẳng là đất của vua. Sao đức ông lại không lấy lễ đãi tráng sĩ?"

Người ta đứng trong sân, nghe Bật nói như vậy, thảy đều rụt cỗ, le lưỡi, lâu rồi mà lưỡi không thụt vào được.

Vương phán: "Mầy tự xưng tráng sĩ, thế thì có thể cầm xà mâu, xổ trống, rượt lên thành bên chăng?"

− Thưa được!

− Giữa trăm vạn quân có thể đâm được đại tướng chăng?

− Thưa được!

− Giải vây, vỡ trận, có giữ được cái đầu cho khỏi bị chúng chặt chăng?

− Thưa được!

Vương đoái kẻ hầu hạ mình hai bên, nói rằng: "Thế thì hẳn thử nó".

Người ta hỏi Bật cần những đồ gì. Bật khai: một cái giáp bằng sắt, một con ngựa hay, hai thanh gươm: một trống một mái. Vương liền sai người ban cho đủ đồ.

Bấy giờ vương sắp đặt trước, bảo năm chục người lành tay giáo ruổi ngựa ra ngoài cửa đông, rồi mới bảo Bật tới đó. Chính mình vương cũng đến xem, kéo cả phủ đi theo.

Bật vừa tới nơi, các tay giáo đều chấu vào. Bật rượt tới và thét như hùm, cả người lẫn ngựa đều vẹt ra năm mươi bước, mặt mày không còn chút máu. Rồi thì khói bụi tung lên đầy trời, chỉn thấy đôi thanh gươm bay múa trong mây ngút, đầu ngựa luôn luôn bị chặt rơi xuống đất, máu chảy đầm đìa. Khi ấy vương bèn vỗ vế reo mừng, nói rằng: "Quả tráng sĩ thật! Quả tráng sĩ thật!" Xong, vương dạy rót rượu thưởng Bật; Bật đứng mà uống, không lạy tạ. Bởi đó càng nổi tiếng khùng, rúng động một thời.

Vương làm sớ dâng Bật lên cho thiên tử. Vừa lúc đó, quan Thừa tướng lại có hiềm với vương, gìm việc ấy đi, không trả lời. Bật nhắm nhía tay chưn mình, than rằng: "Trời sanh ra một bộ gân đồng xương sắt, chẳng cho lập công ngoài muôn dặm, lại bắt chết khô dưới cỏ hao ba thước, ấy là mạng vậy, cũng là thời vậy, còn nói chi?" - Rồi vào núi Vương Ốc, làm đạo sĩ, sau đó mười năm, chết.

C. D. dịch

   




Chú thích

  1. Tần là đất Quan Trung, tức tỉnh Thiểm Tây bây giờ. (nguyên chú).
  2. Đời xưa chia sách làm bốn loại: kinh, sử, tử, tập và để trong bốn kho. (nguyên chú).
  3. Kinh Thi, Kinh Thơ, ba kinh Lễ, Công Dương truyệnLuận ngữ là bảy kinh (nguyên chú).
  4. Niên hiệu vua Anh Tôn nhà Nguyên. (nguyên chú).
  5. Có thể Phan Khôi hơi lầm: triều Thái Định (1324-1327) là niên hiệu vua Nguyên Dã Tôn Thiết Mục Nhĩ; Anh Tông (1321-1323) là triều trước đó, có niên hiệu Chí Trị (Thạc Đức Bát Thích) (theo Niên biểu lịch sử Trung Quốc (bản dịch), Hà Nội, 2001: Nxb. Thế Giới, tr. 146.)


   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:
 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)