Tây sương ký/Phần III/Chương I
Cảnh thứ nhất: Trong buồng thêu
OANH OANH (Cùng con Hồng ra) - Từ lúc đêm qua nghe đàn đến giờ, người sao bạo bực thế này! Em rỗi đấy thì sang bên viện sách thăm cậu Trương, xem cậu ấy nói thế nào, về trả lời ta hay.
CON HỒNG - Con chả đi! Bà biết đến không phải chuyện bỡn!
OANH OANH - Cô không nói, bà biết sao được? Cứ việc sang!
CON HỒNG - Vâng thì con đi! (một mình) Cậu Trương ơi! Cậu ốm mà cô tôi đây nào có khỏe! Vỉa:
Chưa từng chung chén loan phòng,
Lại còn nghe tiếng tơ đồng đêm sương!
Hát:
Phấn son lười cả điểm trang!
Đường kim, mũi chỉ không màng đến tay!
Buồn xuân đè nặng đôi mày!
Trái tim ai đó họa chữa được bệnh này cho ai!
(vào)
OANH OANH - Con Hồng đi rồi! Xem nó về nói ra làm sao!
Ngâm:
Chua chát mười phần khôn nói một!
Nhớ thương giây lát tưởng chừng năm!
(vào)
Cảnh thứ hai: Viện sách
CẬU TRƯƠNG - (ra) Thật là giết tôi! Tôi đã nhờ sư cụ sang nói tôi yếu nặng lắm, sao không thấy sai ai sang thăm tôi? Mệt quá! Ta cố ngủ lấy một chút! (ngủ)
CON HỒNG - (ra) Vâng lời cô tôi, sai tôi sang thăm cậu Trương. Tôi phải sang một lát mới được! Tôi nghĩ: giá không có cậu Trương, thì có còn đâu là tính mạng cả nhà!
Gặp tang quan Tướng,
Ở trọ am mây.
Một nhà cơn vạ gió tai bay
Tưởng chết cả về tay quân giặc!
Ơn cậu Trương viết thư một bức,
Cứu binh đâu lặp tức đến đùng đùng!
Trời đất kia vốn vẫn chí công,
Văn chương thế mới là hữu dụng!
Năm nghìn giặc, ví không trừ hết giống,
Một nhà này đâu còn sống đến nay?
Cô Oanh tôi với cậu Trương đây,
Duyên đôi lứa được sum vầy là phải!
Trách bà lớn đem lòng bạc bội,
Làm lỡ làng phận cải, duyên kim!
Xóa vợ chồng, bày chuyện anh em,
Để đôi trẻ ngày đêm uất ức,
Cậu buồn bã: sử kinh biếng nhác;
Cô thờ ơ: trang sức bỏ lười!
Cậu tóc mai sợi bạc mọc dài;
Cô vóc liễu dây đai thắt lỏng!
Cậu chữ nghĩa còn đâu trong bụng,
Cô chỉ kim không động đến tay!
Thơ đoạn trường, cô chép tờ mây;
Khúc ly hận, cậu lựa dây đàn nguyệt!
Trên đường tơ, dưới ngòi bút viết,
Đôi bên cùng tha thiết nỗi tương tư!
Chuyện giai nhân, tài tử ngày xưa,
Tưởng bịa đặt ai ngờ thật có!
Nhưng nghĩ cũng lạ thay cho họ:
Duyên dở dang còn bày đủ mọi trò!
Giá Hồng thì cứ việc chết co!
Thừa hơi sức mà to chuyện vậy!
Này đã đến rồi đây! Tôi lấy tý nước bọt, bấm thủng lần giấy bồi song, xem cậu ta làm gì ở trong phòng sách!
Thấm nước bọt, chọc thủng lần song giấy,
Nín tiếng hơi tôi dòm thấy rõ ràng:
Áo nát nhầu, khuôn mặt võ vàng,
Chắc hẳn giấc hoàng lương vừa mới tỉnh,
Thở hổn hển, vẻ người rám rỉnh!
Nỗi nằm suông cám cảnh khách đa tình!
Nào ai người sớm tối hầu quanh?
Cậu Trương nhỉ! Ốm chẳng chết, bực mình mà chết đó!
Thoa vàng giắt trên đầu, sẵn có,
Bút cầm tay tôi gõ cánh cửa ngoài!
CẬU TRƯƠNG - Ai đấy?
CON HỒNG:
Em đây sứ giả nhà trời,
Rắc tương tư xuống cho người trần gian!
(Cậu Trương mở cửa. Con Hồng vào)
CẬU TRƯƠNG - Đêm qua, đa tạ chị có lòng chỉ giáo, tôi xin ghi tạc không quên! Chỉ không biết cô có nói gì không?
CON HỒNG - (che miệng cười) Cô em ấy à? Để em nói chuyện cho cậu nghe:
Đêm qua gió mát, trăng trong,
Canh khuya cô dặn rằng Hồng phải sang!
Đến bây giờ còn chửa điểm trang,
Miệng thì nhắc cậu cử Trương có đến nghìn lần!
CẬU TRƯƠNG - Cô đã có lòng thương, chị Hồng! Tôi có bức thư, không biết gửi sang có được không, ý tôi muốn phiền chị cầm về hộ!
CON HỒNG:
Thơ từ mà coi đến bây giờ,
Chắc là ngơ ngẩn, ngẩn ngơ mất ngày!
Nhưng rồi cô em giở mặt thét: Hồng! Chứ thư từ của ai mà mày dám đem về đây?
Ồ ra hỗn thật con này!
Rồi... xé tan, xé nát, xé ngay tức thì!
CẬU TRƯƠNG - Ồ không! Chắc cô không thế đâu! Chỉ có chị không chịu đem giùm về thôi! Chị cố giúp cho! Tôi xin biện vàng, lụa đền ơn chị!
CON HỒNG:
Này thôi đi ông cử kiết ơi!
Ông đừng khoe của nữa tôi phát phiền!
Đến đây tôi nào phải vị tiền,
Mà đem đồng công gõ đầu trẻ, ông báo đền cho xong?
Ví Hồng mà nhận lễ của ông,
Chắc ông coi nó cũng không ra người;
Khác đâu phường tựa cửa bán cười!
Cành đào dạn gió, ở ngoài tường hoa!
Em trẻ con, nhưng có chí khí mà!
Liệu lời cậu nói họa là em nghĩ lại cho!
Rằng: xin thương tôi thân phận học trò,
Quê người, đất khách, nằm co một mình.
CẬU TRƯƠNG - Xin vâng! Xin chị thương tôi thân phận nằm co một mình. Thưa chị! Thế đã được chưa?
CON HỒNG - Thế cũng chưa được! Nhưng thôi! Cậu viết đi, em đưa hộ cho. (Cậu Trương viết) Viết tốt a! Đọc em nghe nào!
CẬU TRƯƠNG - (Đọc) Trương Củng trăm lạy, dâng thư dưới gác Song Văn tiểu thư: "Hôm trước bà lớn lấy oán đền ơn, chúng tôi dẫu sống như chết! Sau khi tan tiệc, không sao nhắm được mắt! Từng mượn đường tơ, gửi lòng chua xót. Mà cũng để cho ai biết: Từ đây đi thì người không còn mà đàn cũng không còn! Nhân chị Hồng sang, lại dâng mấy chữ. Hoặc giả bên tường Đông, chàng Tống còn có nước sông Tây họ Trang! Nhân mạng việc to! Họa là trông lại. Xiết bao lo sợ, kính đợi tin sương. Gửi theo một bài thơ ngũ ngôn, cúi mong xem đến:
Thêm nặng gánh tương tư!
Ôm đàn ngồi gẩy vọng...
Mộng đẹp lúc đương thì,
Lòng xuân ai khỏi động?
Tình này chẳng xét soi,
Tiếng ấy thôi đừng trọng!
Chớ phụ nguyệt dương rầm.
Thương lấy hoa lồng bóng!
Trương Củng kính lạy"
CON HỒNG:
Tưởng rằng vuốt giấy ráp văn,
Ai ngờ đặt bút không cần nghĩ lâu!
Trên mấy lời rào trước đón sau;
Dưới bài thơ đủ tám câu luật Đường!
Viết buông tay, tay gấp vội vàng,
Gấp đi, gấp lại, gấp vuông chữ "Đồng".
Nhanh vô cùng! Thạo vô cùng!
Tài tình, láu lỉnh nhất trong một đời!
Tuy giả vờ tha thiết thế thôi!
Nhưng tầm thường đã dễ mấy người viết xong?
Cho hay "thơ tức là lòng",
Uyên ương: lại thấy ngoài phong chữ đề...
Cậu yên tâm, em lĩnh thư về,
Sẽ dò la ý tứ, liệu bề nên chăng,
Rồi ra sẽ có cách nói năng.
Rằng: con người gẩy đàn hôm qua ấy họ dặn rằng đưa lại thư này em xin đưa hộ cậu. Thế nhưng cậu nên lấy.
Trình cô! Công danh làm trọng, chớ để cho chí khí hao mòn!
Tay bẻ hoa, liệu mà vin cành quế cung trăng!
Chữ ông thánh dạy, chớ viết nhăng thư tình!
Chí chim hồng, đừng nản bởi tiếng Oanh!
Cánh bằng đừng để tơ mành vấn vương!
Ví một cô trướng rủ, màn buông,
Mà giá một người thềm ngọc, ngựa vàng giảm đi!
Rồi nay buồn, mai thảm ly bì,
Gầy gò, hốc hác, có hay gì cái ốm tương tư!
CẬU TRƯƠNG - Lời chị dạy chí phải, tôi xin kính nhớ suốt đời! Thế nhưng bức thư vừa rồi, chị Hồng, thế nào chị cũng để ý cho.
CON HỒNG - Cậu cứ yên tâm!
Ví bằng duyên chửa bén duyên,
Ngày đêm lo liệu em xin hết lòng!
Thưa này em đưa phải đến xong!
Ngọc đây mà chịu bỏ không dùng hay sao?
Uốn ba tấc lưỡi ngọt ngào,
Đem tâm sự cậu nói vào cô hay!
Thế nào chẳng chóng thì chày,
Con người ấy cũng có ngày sang thăm!
(vào)
CẬU TRƯƠNG - Hồng nó đem thư đi rồi! Không phải tôi nói khoác, phong thư ấy là một đạo bùa yêu! Mai nó trả lời, tất có cái hay đó.
Thơ hay không được gió bay,
Người tiên đâu dễ cưỡi mây xuống đời!
Lời phê bình cả chương
sửaTrên kia chương "Ý đàn", con Hồng đã dò được ý Oanh Oanh, thì chương này chẳng qua là chuyện chạy sang trả lời cậu Trương, mà cậu năn nỉ đưa nhờ một bức thư, thế thôi. Đầu đề thật là chật hẹp khô khan hết sức. Vậy mà ta đọc, lại thấy có một chương dài dằng dặc hàng sáu, bảy trăm câu! Tôi có lần ngày xuân rượu say, ngồi chơi dưới gốc anh đào, đem ra đọc ba, bốn lượt, bỗng chợt nhớ ngày xưa anh Trần Dự Thúc đã dạy tôi về phép đó... Nghĩa là anh Trần nói chuyện với tôi về cách đánh "song lục".
Thánh Thán hỏi Dự Thúc: Đánh "song lục" có đạo lý gì không? Sao trong đó cũng có người được tiếng là đánh cao?
Dự Thúc nói: Không! Không! À có! Có! Cái đó tôi biết, tôi có thể nói được, nhưng lời lẽ không nhã, khó để lọt vào tai người khác! Riêng anh tính hay nghĩ tỷ mỉ đến những chuyện nhảm, thì thuật qua anh biết cũng không sao! Phàm hết thảy các trò chơi lặt vặt ở đời, không cứ gì là song lục, phàm các tay đánh cao, họ đều dùng có một phép này: Ấy là phép "xắn vén!" Xắn, nghĩa là xắn vào... Vén nghĩa là vén ra... Xắn được một giây thì vén được một giây... Xắn được một bước thì vén được một bước. Trong giây thứ nhất, bước thứ nhất, không dám biết đến giây thứ hai, bước thứ hai, huống hồ là giây thứ ba, bước thứ ba! Trong giây thứ nhất, bước thứ nhất, sao cho được giây thứ nhất, bước thứ nhất ấy đã, chứ chớ có tham giây thứ hai, bước thứ hai, mà bỏ lỡ giây thứ nhất, bước thứ nhất ấy...
Thánh Thán nghe nói thế, đã lấy sửng sốt lấy là lạ rồi.
Dự Thúc lại nói: Phàm trò chơi vặt, tất phải đánh tay đôi với một người nữa. Ban đầu người kia muốn làm bằng được ngay! Thế nhưng ta cứ việc xắn vén như vẻ không cần làm... Phàm muốn làm bằng được ngay, thì tất là có chỗ làm, có chỗ không kịp làm. Còn ta ra vẻ không cần làm, thì nào có phải là không làm thật đâu! Kế đó họ vì cớ muốn làm bằng được ngay, nên sẽ có nhiều chỗ không kịp làm, mà thế tất không làm bù không được! Đến khi đã phải làm bù thì những cái làm trước sẽ đến vất đi như không làm vậy! Còn ta thì vì cớ ta biết xắn vén, đi từng tấc một, từng đốt một... Trước đã không cần làm bù, mà lúc nào cũng là lúc ta làm... Sau cùng, họ vì cớ phải làm bù, nên bao nhiêu công làm trước, đã mất toi như chưa từng làm, mà giờ lại không kịp làm nữa! Còn ta thì không phiền phải làm bù, nên họ phải nhường ta làm trước; cho đến trọn ván, thành thử chỉ có mình ta làm cả đó thôi!
Thánh Thán nghe nói thế, bất giác lấy làm lạ lắm!
Dự Thúc lại nói: Cái "xắn vén" sở dĩ đáng quý là vì xắn vén thì trí bình tĩnh; trí bình tĩnh thì lòng nhiệm nhặt; lòng nhiệm nhặt thì mắt sáng suốt. Người ta mà bình tĩnh, nhiệm nhặt, sáng suốt, thì tuy một hạt thóc cũng có thể phân ra gốc, ngọn; một tiếng ho cũng nhận ra thanh âm... Cái mà người ta không trông thấy, họ ngắm nghía chơi! Cái mà người ta không để ý, họ đảo lộn chơi! Cái mà người ta không xét nổi, họ thọc móc vào rồi họ bày giãi ra chơi! Trong thời gian một giây, một phút, họ có thể coi như một năm! Trong không gian một hạt bụi, họ có thể lập thành một nước! Thoáng nghe một tiếng mà hiểu ngay gió lạnh ở Tây sang, mây đen lại ở Bắc sang? Sẽ hạ một con mà biết ngay sao đi dọc lại được một nước, đi ngang lại mất chín nước? Hạng người đó thì là hạng không có thầy dạy, chỉ do lòng hiểu đó thôi!
Thánh Thán nghe nói thế, lấy làm lạ lắm lắm!
Dự Thúc lại nói: Cái hay của đạo xắn vén, có những chỉ riêng ở các trò chơi lặt vặt mà thôi đâu! Phàm các việc ở thế gian đều dùng đạo ấy cả. Đời xưa có những người theo đạo ấy, ví dụ như Đào Chu ba lần làm nên giầu có vậy; như Doanh Vương một mình làm tướng mấy triều. Nhờ có nó mà Tôn Vũ ra trận mới có tài xuất quỷ nhập thần; mà Y Doãn dạy vua, mới có công thay lòng đổi chí... Tiến lên một bậc nữa thì: rút con hỏa phù, thành tựu được đạo cả; ung dung bước chậm, ra vào được Tam muội; trừ đạo ấy ra, chả còn đạo nào!... Vì sao? Vì ở đời chỉ có cái đạo rất bình dị, rất tầm thường, mới là cái đạo thật hay, thật lạ, thật mầu nhiệm thôi vậy!... Kỳ thực ở đời có đạo nào là hay, là lạ, là mầu nhiệm đâu!... (Trở lên là lời dẫn Dự Thúc, vì người viết chương này, chính là dùng đạo "xắn vén" đó). Thánh Thán nghe đến đấy, bàng hoàng đứng dậy mà rằng: Ồ! Ra thế kia đấy!...
Từ hôm ấy mới biết Dự Thúc là một bậc trí nhân thông minh rất mực, độ lượng phi thường! Thế nhưng Dự Thúc không có nói đó là một đạo rất tốt để dùng vào việc viết văn... Một ngày kia, Thánh Thán mới đem phép ấy, dạy riêng các học trò rằng:
- Ta làm văn từ thủa nhỏ, nhưng vạch ngang vẽ dọc nào có hiểu gì! Khi đứng tuổi mới gặp được một bậc trí nhân, dạy cho ta cái đạo gồm có hai chữ là "xắn vén"... Tuyệt thật! Người ấy không nói gì về văn, mà riêng lòng ta thì hiểu đó là một tay cao trong làng văn... Sao vậy? Phàm viết văn tất phải có đầu đề. Đầu đề là cái đẻ ra văn. Thế nhưng ta thường đem các đầu đề ra nhìn kỹ mà xem, thấy trong đó chả có gì là văn cả, thì những tay giỏi văn trong thiên hạ, họ moi đâu cho ra văn? Ta nghĩ kỹ ra, bấy giờ mới biết công dụng của "xắn vén" không phải là nhỏ... Vì sao? Phàm đầu đề, có cái ra bằng một chữ, có cái ra bằng ba, năm, sáu, bảy chữ cho đến mấy chục, mấy trăm chữ...
Nay không kể ít chữ hay nhiều chữ, nhưng tóm lại thì đã là đầu đề, tất có trước, có sau, có khoảng giữa... Chẳng những là thế, lại còn có khoảng trước của trước; lại còn có khoảng sau của sau; lại còn có khoảng sau của trước; mà còn chưa phải khoảng giữa, mà còn là khoảng trước của khoảng giữa; lại còn có khoảng trước của sau, mà đã không phải là khoảng giữa, mà đã là khoảng sau của khoảng giữa... Những chỗ đó thật không xét đến không thể được. Nếu ta chịu xét khoảng trước của đầu đề, rồi lại xét đến khoảng trước của nó, thì khi đó ta hãy tả cái khoảng trước của trước ấy đã... rồi mới tả đến khoảng trước...; rồi mới tả đến khoảng sắp sửa tới giữa nhưng còn trước khoảng giữa...; rồi mới tả đến khoảng giữa... Cho đến sau nữa, cũng cứ thế mà tả... Bấy giờ mới biết đầu đề hẹp thật, nhưng văn của ta thì rất đường trường...; đầu đề gấp thật, nhưng văn của ta rất thư thả...; đầu đề chẳng thật, nhưng văn của ta thì rất khúc triết...; đầu đề kiệt thật, nhưng văn của ta thì rất du dương... Ví phỏng ta không hiểu đầu đề là có trước có sau, có nhiều chỗ giắt lót, lôi ngay khoảng giữa ra mà làm, thì khác nào lấy gậy đập vào hòn đá, "choảng" một tiếng, thế là cụt ngủn, chả làm gì còn có tiếng vang thừa! Ấy, xắn vén với không xắn vén khác nhau là thế! - Chương này tả con Hồng, chính là dùng phép đó. Vì vậy lòng tôi tự nhiên có cảm, đem mà chép ra. Việc viết văn, quan hệ ở những chỗ rất nhỏ... Có người thoạt nghe, cho là có lẽ nào lại thế... Thế nhưng lâu ngày, chịu suy xét nhiều chỗ về bút mực, thì tự nhiên lại hiểu ngầm ra mà phải bật lên cười. Trong chương này, như đoạn thuật lại việc trước đó là một cách xắn vén; giá không thuật lại việc trước cũng được... Thế nhưng viết ra rồi thì lại hình như không thuật lại việc trước không xong... Như đoạn tả tình nhớ thương, đó là một cách xắn vén; giá không tả tình nhớ thương cũng được... Thế nhưng viết ra rồi thì lại hình như không tả tình nhớ thương không xong... Như đoạn không gõ cửa ngay, đó cũng là một cách xắn vén; Có thể gõ cửa ngay cũng được... Như đoạn không nhận lời ngay; đó cũng là một cách xắn vén; Có thể nhận lời ngay cũng được... Như đoạn giận dữ về chuyện xin biện lễ tạ, đó cũng là một cách xắn vén... Như đoạn kinh ngạc về chuyện không cần viết ráp, đó cũng là một cách xắn vén... Cho đến đoạn bỗng dưng giở giọng đứng đắn khuyên lơn, ấy cũng lại là một cách xắn vén... Thật ra trong chương này, trừ mấy đoạn xắn vén ấy ra, nào còn chỗ nào có thể hạ được bút? Thế mà nay chỉ vì biết cách xắn vén, tự nhiên viết thành được một chương lớn, dài đến sáu, bảy trăm câu. Cho hay văn cũng như miệng, nẩy ra từng vẩy, từng vây, không chỗ nào là không có. Chỉ vì chúng ta trí không bình tĩnh, lòng không nhiệm nhặt, mắt không sáng suốt, thành ra chỗ nào cũng bị bỏ lỡ hoài! Tự mình không biết phép viết văn, mà chỉ biết chê đầu đề là chật hẹp khô khan, thì thật không sao khỏi để Dự Thúc phải phá lên cười vậy!...