Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XXXVIII. — Tựa truyện các khốc lại

XXXVIII. — TỰA TRUYỆN CÁC KHỐC LẠI.

Thày Khổng nói rằng:

— Lấy chính để đưa đi, lấy hình để tề lại, dân khỏi tội mà không biết xấu-hổ. Lấy đức để đưa đi, lấy lễ để tề lại, chúng biết có xấu-hổ và thay đổi nữa.

Họ Lão dậy:

— Bậc thượng-đức không kể đức, cho nên có đức! Bậc hạ-đức không để thất đức, cho nên không đức! Pháp luật càng rõ rệt, trộm giặc càng có nhiều!

Ông Thái-Sử nói:

— Thực có như những lời ấy! Pháp-luật là món để trị-dân, song không phải là thứ làm cho đời trị, làm trong được nguồn đục! Ngày xưa, lưới của Thiên-hạ đã từng mau lắm... Vậy mà gian dối nẩy mầm thêm! Quá ra đến nỗi trên dưới trốn lẩn lẫn nhau, mà pháp luật đành bỏ xó! Đương lúc ấy, bọn lại xét án như cứu lửa cháy, tưới nước sôi! Phi hạng dữ-dội, nghiêm-ngặt, sao có làm nổi công việc cho đầy-đủ. Kẻ nói đạo-đức, sẽ bê trễ chức-vụ! Cho nên nói rằng: « Nghe kiện ta cũng như người thôi! Khó là làm sao cho không có kiện nữa - » « Hạng hạ-sĩ nghe đạo sẽ cả cười!... » Không phải nói ngoa đâu! Nhà Hán lên, phá cạnh góc làm tròn, đẽo chạm chổ làm mộc! Lưới lọt hạng cá nuốt thuyền, mà việc xét án phân minh không đến nỗi làm gian; dân đen được yên-ổn. Do đó mà coi, cốt ở đấy chứ không cốt ở đây...