Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bình của Lâm Tây Trọng

Lời bình của Lâm Tây Trọng.

Cái chết của Hoài-Âm hầu, không đủ chứng cớ việc mưu phản. Chỉ cứ mấy lời cáo-biến của đứa em tên người nhà ông, liền lừa trói ông, không xét gì thật hư, đem chu-di ngay, ai cũng biết là một cái án oan thiên cổ! Thế nhưng không xét đến lời cáo-biến, thì không biết Hoài-Âm, thực không có việc làm phản. Đương lúc Trần-Hy qua chào, Hoài-Âm đã đuổi người hầu gần ra, vậy câu chuyện cầm tay bước trong sân, ai là người nghe tiếng? Kế đó khách của Hy vì việc trái luật liên-can đến Hy; lại nghe nhà vua cho vời, Hy tự sinh lòng ngờ mà làm phản, nào có can hệ gì đến Hoài-Âm? Lại như nói: « Lúc nhà vua đi đánh Hy, Hoài-Âm cáo ốm không đi theo ». Xét ra Hoài-Âm ở Lạc Dương, vì nhà vua sợ, ghét tài mình, nên cáo ốm không vào chầu đã lâu, không phải bắt đầu từ lúc đánh Hy. Lấy thế mà buộc là thông-đồng với Hy sao được? Đến như bảo « muốn đêm làm tờ chiếu giả, tha bọn tù quan-nô ra, để đánh úp Lã-Hậu cùng Thái-Tử », thì lại càng vu lắm! Vì khi nhà vua tự cầm quân đánh Hy, há lại không tính đến Lạc-Dương là chỗ côn-bản, phải cho Lã-Hậu cùng Thái-Tử cầm trọng binh để giữ ở nhà hay sao? Hoài-Âm là một viên hầu cáo ốm không vào chầu, dù muốn làm tay trong cho Hy, đã không sẵn binh-quyền, dù tha hết bọn tù quan-nô ra nữa, số đó được là bao nhiêu? Vả lại không phải là bọn quân luyện sẵn ở dưới quyền, dễ đâu xua chúng làm giặc mà có thể được việc? Huống chi việc làm tờ chiếu giả, chỉ nói là bàn định với người nhà. Vậy việc vẫn còn chưa làm, sao lại bảo « sắp đặt đã sẵn sàng cả? » Ví-phỏng đã sẵn sàng cả, thì sự cơ nên, thua, đặt không lọt sợi tóc, sao lại bảo « Còn đợi báo tin cho Hy? » Quả vậy nữa thì trong lúc chu-di, cũng nên chia người đi bắt đảng nghịch để xử tội... Cớ chi các bộ-thự theo lệnh không hỏi đến? Bọn người nhà dự mưu không hỏi đến? Cho đến cả cái người sai đem tin sang bên Hy cũng không hỏi đến nốt? Há rằng luật pháp có thể bắt ngặt bọn ba-họ vô-tội, mà lại khoan dong cho những kẻ tâm-phúc có dự vào việc ấy hay sao? Làm gì có lý ấy! Coi đó đủ biết việc cáo biến của đứa em tên người nhà, là Lã-Hậu ngầm sai nó, cũng như việc cáo Bành-Việt hồi trước. Nhân đó mà bịa đặt nên lời, không còn gì ngờ nữa! Thực ra thì Hoài-Âm nếu muốn làm phản, đáng là ở lúc làm vua Tề. Đến lúc làm vua Sở thì đã khó rồi. Huống chi khi giáng phong làm Hoài-Âm-Hầu, lại chưa từng nhận nước!... Khốn nỗi Hán Cao Tổ sợ ghét tài ông đã không phải một ngày: Ban đầu cướp ấn ở trại Triệu mà đổi cho cầm quân nơi khác; kế lại đánh-úp ở Định-Đào mà phong đổi sang đất Sở; cuối cùng trói lại ở Vân-Mộng mà giáng Vương xuống hầu! Sợ mãi, ghét hoài, tất phải giết đi thì mới sướng! Cho nên Hoài-Âm khi sắp chém, hối không nghe lời Khoái-Thông, để tỏ ra rằng khi ở Tề không phản ngay, sau đó không còn kịp nữa! Cao-Tổ nghe ông chết, vừa mừng lại vừa thương! Cũng biết là vô tội mà bị giết là đáng tủi vậy! Than ôi! Làm trai những lo không có tài! Vậy mà Hoài-Âm chết vì tài, lại còn mang lấy tiếng xấu nữa! Tôi đọc sử đến đó, lần nào cũng ném sách mà thở than hoài!