Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bình của Lâm Tây Trọng

Lời bình của Lâm-Tây-Trọng

Lấy một kẻ áo vải mà thuyết kẻ làm vua ở đời, một lần không hợp xin vào đến hai lần; hai lần không hợp xin vào đến ba lần; trong đời Chiến-quốc chưa từng có chuyện ấy! Thương-Quân đã đoán chắc Hiến-Công hạ-lệnh cầu hiền, lúc ấy chưa có ai là người ứng tuyển; mà Cảnh-Giám là hạng sủng-thần, có thể quả quyết làm cho vua không sao bỏ được mình mà cầu người khác. Người ta lấy chỗ nhờ-vả Cảnh-Giám mà chê Thương Quân; có biết đâu phi Cảnh-Giám tất không ai có thể tiến Thương-Quân với Hiến-công được đến ba lần; để đem những lời viển vông thuyết cho vững cái ý muốn nước mạnh dân giầu, phòng sau này sửa đổi chính-trị, không bị ngang trở vì mọi lời bàn khác, ấy thế đó thôi! Ông Long-Môn viết bài này, đoán sát bằng bốn chữ « tính trời bạc ác », lại nói toạc ngay bằng câu « nào có thực tài đâu! » Thật là một bản « án sắt! » Rồi đó mới đem những chuyện: lấy con người bạc ác, làm ra những việc bạc-ác; viết ra những sách bạc-ác; rút lại chịu cái quả-báo bạc-ác; déo-dắt nói xuống, chê cho đến cùng! Các bài tán khác, phần nhiều chỗ nâng, chỗ nén, đây thì chỉ có nén mà không có nâng, vì rằng quả không có gì là đáng nâng, chứ không phải là khe-khắt quá!