Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bình của Lâm Tây Trọng

Lời bình của Lâm Tây Trọng

Cha, anh Tử-Tư tuy chết một cách vô-tội ở Sở. Song đối với Bình-Vương, ông cũng đã từng quay mặt sang phía Bắc mà thờ làm vua! Vậy mà phá nước người ta, cho quân lính vào ở trong cung, lại còn quật mả, đánh thây, thực cũng không khỏi có điều quá! Ngay ở Tử-Tư, cũng tự nói là thi-hành có trái-ngược rồi! Trong lời tán, mở miệng không nói Tử-Tư nên báo lại như thế, chỉ nói Bình-Vương không nên ăn ở như vậy. Lại nói lảng ra một câu, tỏ ra ý bồi-hồi cảm-khái, không sát hẳn cũng không dời hẳn... Đó là phép dùng cây bút-nhẹ vậy! Liền đó đem việc Tử-Tư không chết theo cha, cùng chỗ nhẫn nhục rửa thù, suy biết cái khổ-tâm của người xưa, xuống luôn hai đợt, rồi đoán cho là hạng trượng-phu oanh-liệt, tức là ý « có chí thì nên »... Như vậy, mới khỏi vướng về nghĩa-lý! Việc Bạch công báo thù, vốn không đáng kể. Vì cuối truyện có nói đến, nên chỉ nói qua vài lời, trong khen nà ngụ ý chê, để so sánh với Tử-Tư, hàm-súc rất là nhiều nghĩa. Đây là một bài đắc-ý của ông Long-Môn.