Sử ký Tư Mã Thiên/XVII-2
Lời bình của Lâm Tây Trọng
Bài này không ai không đọc; đọc rồi, không ai không khen hay! Đến khi hỏi đến bản ý người viết thế nào, thì thôi ù-càng-cạc! Thực ra thì bài này đứng đầu mục Liệt-truyện, mà ý người viết thì cho rằng: Trên dưới nghìn đời, há có thiếu gì người biết trọng nghĩa, biết nhường nước như anh em Bá-Di. Tức như vào khoảng Ngu, Hạ, cũng có bọn Hứa-Do, Biện-Tùy. Chỉ vì bọn ấy không thể xét thực ở Sáu Kinh, mà Thánh-nhân lại chưa từng nói tới, cho nên truyện còn để lại, mả còn trông thấy, mà ta vẫn nghi-nghi, hoặc hoặc, muốn viết truyện cho họ, cũng không thể viết được. Duy có chuyện Di, Tề cùng Ngô-Thái-Bá, được Phu-tử nói đến, dẫu không chép ở Sáu Kinh, nhưng nhân-phẩm chắc chắn là có, cho nên mục Liệt-Truyện cho Bá-Di đứng đầu, tức cũng như mục Thế-Gia cho Ngô Thái-Bá đứng đầu vậy! Thế nhưng Phu-Tử nói Bá Di không oán, mà bài thơ « hái rau vi » đời còn truyền lại, trong có câu « đời đến lúc suy » thì lại hơi ra vẻ oán, không hợp với lời của Phu-tử... Vậy bài thơ mà đời còn truyền lại kia, cũng chưa chắc đã thật có! Đến như cứ theo lẽ thường mà bàn, thì Bá-Di ở phải như vậy, không đáng chết đói ở Thú-Dương, vậy oán cũng là phải... Có biết đâu cái thuyết « Trời tựa người ngay » vốn không đáng tin! Nhan-Hồi chết non! Đạo-Chích chết già! Xưa nay thường thường như thế! Cứ như chí của Bá-Di, thì là người ở theo lẽ phải, mặc kệ mạnh trời, chẳng vì đời suy mà đổi nết, dù chết đói nữa cũng cam lòng... Phu-tử cho là không oán, ta phải nhận lời đó là chính-đáng... Tuy vậy, Bá-Di được một lời của Phu tử mà tiếng để muôn đời. Cùng loài cảm nhau, nào phải là ngẫu-nhiên. Nếu không thì cũng như bọn Do, Quang, vùi-lấp ở trong xó rừng-núi ta cũng không thể chép chuyện cho được nữa! Nay Thánh-nhân đã qua đời rồi! Những kẻ có đức, có nết ở nơi thôn-dã, tất không để nổi tiếng lành! Dù ai muốn lập danh, không nhờ những kẻ có tiếng-tăm dìu-đắt cho, đời sau có biết đâu được! Ấy lập-danh khó là như thế! Cái tiếng Thú-Dương của Bá-Di, thực cũng là may-mắn lạ nhường! Cuối bài không dùng lời tán, tức là hợp cả truyện và tán làm một. Cả bài dùng toàn lời bóng bẩy, cho nên viện dẫn lung tung, biến hóa rối mù, khiến người đọc thấy năm mầu hoa cả mắt! Ta cần phải nhận kỹ nghĩa ở những chỗ biến-chuyển, thừa-tiếp mới được!