Sử ký Tư Mã Thiên/XVII-1
XVII. — TRUYỆN BÁ-DI.
Các học-giả chép ra sách rất nhiều, còn phải xét thực ở Sáu Kinh... Sách vở xưa tuy thiếu, song những việc về đời Ngu, đời Hạ thì có thể biết được...
Vua Nghiêu sắp lánh ngôi, đem nhường cho Ngu-Thuấn. Khi Thuấn nhường Vũ, đo các Nhạc-Mục đều tiến-cử, vậy mà còn thử cho làm quan, giữ chức vài chục năm, công dụng đã rõ, mới trao cho quyền-chính. Tỏ ra rằng: Thiên-hạ là việc to, làm vua là ngôi lớn, mà việc nhường nước khó-khăn là thế! Vậy mà có sách chép rằng:
« Vua Nghiêu nhường thiên-hạ cho Hứa-Do. Hứa Do không nhận, lấy việc đó làm xấu hổ, đem mình trốn lẩn! »
Kịp đời nhà Hạ, lại có truyện Biện-Tuỳ, Vụ-Quang...
Sao lại có những chuyện ấy?
Ông Thái-Sử nói:
— Tôi lên núi Cơ, trên núi có mả Hứa-Do... Thày Khổng kể lại các bậc Thánh-hiền đời xưa, như bọn Bá-Di, Ngô Thái-Bá đều có nói rõ. Cứ những truyện tôi nghe, Do và Quang nghĩa-khí cao rất mực! Vậy mà trong lời thày không hề thấy nói qua đến! Cớ sao? Thày Khổng nói: « Bá Di và Thúc-Tề, không nhớ lỗi cũ, oán vì thế ít... Cầu nhân được nhân, lại còn oán gì! »
Tôi phàn-nàn cho tấm lòng của Bá-Di. Xem bài thơ còn sót lại, lấy làm lạ... Truyện chép rằng:
« Bá-Di và Thúc-Tề là hai con của vua Cô-Trúc. Cha muốn lập Thúc-Tề. Kịp khi cha chết, Thúc-Tề nhường nước cho Bá-Di. Bá-Di nói: « Đó là mạnh của cha »! Bèn đi trốn! Thúc-Tề cũng đi trốn, không chịu lên làm vua! Người trong nước bèn lập người con giữa... Sau đó, Bá-Di, Thúc-Tề nghe Tây-Bá-Xương khéo nuôi các người già, liền bảo nhau theo về. Kịp khi Tây-Bá mất, Vũ-vương mang thần-chủ gỗ, tôn gọi là Văn-Vương, cất quân sang Đông đánh vua Trụ. Bá-Di, Thúc-Tề vỗ vào ngựa mà can rằng: « Cha chết không chôn, lại gây việc can qua, thế là hiếu sao?! Đem tôi giết vua thế là nhân sao?! » Các quan hầu muốn đâm chết! Thái-Công nói: « Đó là những người có nghĩa! Đỡ các cụ ra! » Vũ-Vương khi đã đánh được nhà Ân, Thiên-hạ đều tôn nhà Chu. Bá-Di, Thúc-Tề lấy thế làm xấu hổ, nhớ nghĩa không ăn thóc của nhà Chu, ẩn vào núi Thú-Dương, hái rau vi mà ăn. Đến khi đói sắp chết, bèn làm bài hát rằng:
« Lên non Tây kia chừ, ta hái rau vi!
« Đem giặc thay giặc chừ biết trái là gì!
« Ta biết về đâu chừ Thần-Nông, Ngu, Hạ
« Chốc qua thì!
« Trời ơi! đi thôi chừ đời đến lúc sụy! »
« Bèn chết đói ở núi Thú-Dương! »
Cứ đó mà coi thì oán hay là không?
Hoặc có người nói: « Đạo trời không thân với ai, thường giúp người ở phải. » Như Bá-Di, Thúc-Tề, có đáng gọi là người ở phải hay không? Tích điều nhân, giữ nết sạch, như vậy mà chết đói! Lại như trong bọn bẩy chục học-trò, Trọng-Ni khen riêng Nhan-Hồi là chăm học. Nhưng Hồi thường túng thiếu, tấm-mẳn cũng không được ăn no! Rồi sau lại chết non! Trời kia đền công người ở phải, thế là thế nào? Đạo-Chích hằng ngày giết kẻ vô-tội; ăn gan, ăn thịt người ta! tàn-bạo, dông càn, họp hàng nghìn đồ-đảng, ngang dọc trong đời, vậy mà già mới chết! Thế là theo thứ đạo đức gì? Đó là những chuyện thật to, và thật rõ ràng đấy! Đến như gần đây bao nhiêu kẻ tính nết bậy bạ, chuyên làm những việc trái ngược, vậy mà suốt đời sung-sướng, giầu có, con cháu còn mãi mãi! Hoặc có kẻ kén đất rồi mới bước! hợp thời thì mới nói! đi không qua đường tắt! Không vì lẽ công-bằng, chính-đáng không hề phát-phẫn! Vậy mà mắc tai, mang vạ! Nhiều không sao đếm xuể! Tôi rất lấy làm ngờ: cái gọi là đạo-trời kia, có hay là không? Thày Khổng nói rằng: « Không cùng đạo, không lo hộ cho nhau »... Ai nấy cứ việc ở theo chí mình. Cho nên lại nói rằng:
« Giầu sang nếu cầu được. tuy là kẻ cầm roi, ta đây cũng làm! Bằng như cầu chẳng được, thì cứ theo cái thích của ta! » « Năm rét rồi mới biết thông, trắc là rụng lá sau! » Khắp đời nhơ đục, mới thấy rõ người trong! Há rằng đàng ấy là trọng mà đàng này là khinh sao? « Người quân-tử sợ hết đời mà không nổi tiếng... » Thày Giả nói: « Kẻ tham chết theo của! Kẻ liệt chết theo danh! Kẻ sang chết về quyền thế! Dân chúng cốt sống lấy mình! Cùng loài cùng thăm tìm! Cùng sáng cùng soi tỏ! Rồng quyến mây! Hùm thét gió! Thánh nhân lên mà muôn loài thấy rõ! » Bá-Di, Thúc-Tề tuy rằng hiền, được Phu-Tử khen mà tiếng càng lừng-lẫy. Nhan-Hồi tuy rằng chăm học, nương cửa Thánh mà nết càng rõ-rệt! Những người ở trong rừng núi, lui tới tùy từng thời, biết bao kẻ tên họ chìm lấp không ai nói đến! Thương ôi! Những kẻ ở trong làng xóm, muốn lập nết cao, để tiếng lành, không nương tựa vào những người ở trên mây xanh, có truyền đến đời sau sao được!