Quyền lợi và tương tế

Quyền lợi và tương tế  (1931) 
của Bùi Thế Mỹ

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6357 (27.1.1931)

Lạ sao người đời hễ ai sở trường nghề gì lại hay ngứa về nghề ấy. Riêng phần ông Chủ nhiệm báo Thần chung thì phải cái bịnh hay sính diễn thuyết. Nhơn dịp mấy anh em xe máy ở Nam Quan về Sài Gòn, tiệc công đồng rộng mở tại đường Colombier, ông Diệp Văn Kỳ cũng tính đọc một bài diễn thuyết nhan gọi là Nước Non Nhà để giúp vào cho cuộc vui được rôm đám. Cuộc diễn thuyết ấy tuy đã hỏng đi, nhưng mà câu chuyện diễn thuyết thì đến nay vẫn còn.

Nguyên trước khi thảo bài diễn thuyết, ở trong chỗ trí nghĩ thật thà của mình, ông Diệp Văn Kỳ tưởng rằng cũng như bao nhiêu nhà diễn giả biết thận trọng, mình vẫn có cái quyền sưu tầm thêm tài liệu ở bên ngoài (se documenter) để cho bài diễn thuyết của mình được hoàn toàn, khỏi thiếu sót. Những sự tích trong thiên hạ thì vô cùng mà chỗ thấy nghe của người ta thì có hạn, ông Diệp Văn Kỳ không phải là quyển bách khoa tòng thơ, thì ông phải đi hỏi. Nhơn đó mà hai ông cử Phụng và tú Khôi mới bị liên can về vụ nầy.

Thế mà bữa thứ bảy rồi, tờ báo Đuốc nhà Nam, do ngọn bút vừa cứng vừa nhọn của ông Đào Trinh Nhứt, lại cãi lẽ trong mục Chuyện thị phi rằng: "Thứ văn có quan hệ đến lịch sử và địa dư (như bài diễn thuyết Nước non nhà đó) chỉ có tài liệu là khó, nếu có tài liệu rồi thì ai viết không được" (hà tất phải ông Diệp Văn Kỳ!). Đuốc nhà Nam nói như thế là có ý gì? - Muốn chỉ tỏ ra rằng ông Diệp Văn Kỳ là dốt, chỉ được tài đi quơ đồ của thiên hạ về viết bài diễn thuyết mà ký tên mình vào đó chăng? Không lẽ.

Ai kia thì mình có thể nghi như vậy, chớ ông Đào Trinh Nhứt, chủ bút Đuốc nhà Nam bây giờ, trước kia cũng đã từng biên tập ở Đông Pháp thời báo, đã từng giúp việc cho ông Diệp Văn Kỳ, không lẽ nào lại có cái can đảm vu cáo rằng bao nhiêu bài văn có giá trị đã đăng ở Đông Pháp thời báo năm xưa đều là của kẻ khác viết hộ cho ông Kỳ hết thảy? Lâm cùng đi nữa, tôi có thể làm chứng rằng ông Đào Trinh Nhứt là người hay khen văn quốc ngữ của ông Diệp Văn Kỳ hơn ai hết mà. Điều nói mà nghe làm vậy, chớ anh em của tôi, tôi vẫn biết, ông Đào Trinh Nhứt không phải là thứ người tiểu tâm đến nỗi lợi dụng chuyện bá vơ để bôi lọ danh giá của một người bạn cũ. Chẳng những thế, mà nếu ở Sài Gòn nầy còn có một bọn người nào tin rằng ông Diệp Văn Kỳ là dốt đến viết một bài diễn thuyết quốc ngữ không nổi, thì tôi chắc rằng ông Đào Trinh Nhứt tin sau ai hết.

Thế thì vì ý gì mà ông Nhứt lại viết cái bài Phua-nit-xơ văn chương[1]? - Tôi xin đáp rằng ấy có lẽ là vì quyền lợi, vì muốn đòi giùm hai chục ngươn bạc cho ông Phan Khôi.

Ông Diệp Văn Kỳ có hứa trả cho ông tú Khôi thử số[2] hay không thì tôi không biết. Nếu quả có hứa thật, thì hỏi sao lại không trả? Một là vì túng. Túng thì phải chậm; nhưng chậm, không phải là không trả; mà nếu vậy thì ông Phan Khôi khỏi lo! - Hai là vì ông Kỳ nghĩ rằng: trong đám làng văn với nhau, bao giờ đãi nhau cũng phải có nhã độ hơn kẻ khác, thứ nhứt là không nên lấy đồng tiền mà đánh giá lẫn nhau. Vả lại ngày nay hai ông cử Phụng và tú Khôi giúp tài liệu cho ông Kỳ, biết đâu rồi nữa lại chẳng có cơ hội để ông Kỳ giúp lại hai ông? Nghĩ vậy nên ông không dám đem hai chục ngươn bạc mà đưa ông tú Khôi, sợ làm như thế là có hại đến cái nghĩa tương tế ở trong chỗ con nhà cầm bút với nhau vậy.

Tóm lại, bên ông Đào Trinh Nhứt là thiên về quyền lợi mà bên ông Diệp Văn Kỳ lại trọng về tương tế. Thế thì bây giờ đây cái vấn đề nó xoay ra như thế nầy: Nếu như ông Phan Khôi - là vai tuồng chính trong vụ nầy - mà thừa nhận cái chủ nghĩa tương tế của các nhà viết báo đã xướng lên hôm đêm thứ bảy, thì thôi, nên bóp bụng mà xí xóa thử khoản đi, và dặn ông Đào Trinh Nhứt đừng có khạy đến câu chuyện nầy nữa. Còn như ông Tú nói rằng ông không khứng nhập hội báo giới tương tế, và ông quyết tâm binh vực quyền lợi đến kỳ cùng, thì chắc rằng nay mai Đuốc nhà Nam lại sẽ có bài bàn về vấn đề "phua-nit-xơ văn chương"

Bùi Thế Mỹ

   




Chú thích

  1. Phua-nit-xơ : fournisseur (tiếng Pháp) : người cung ứng, người bán, người bao.
  2. Thử số : số ấy.


 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1975. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)