Quốc văn trích diễm/Phan Kế Bính

PHAN-KẾ-BÍNH 潘 繼 炳

Ông người làng Thụy-khuê, huyện Hoàn-long tỉnh Hà-đông, đậu củ-nhân, thâm hán-học lại sành quốc-văn; kiến-thức rộng, nghiên cứu nhiều, các học-thuyết cổ đều tinh thông mà tư-tưởng mới cũng thiệp-liệp.

Ông là một tay kỳ-cựu trong báo giới nước ta, một mình ông từng có công biên tập trong mấy tờ báo xuất hiện trước tiên là Đăng-cổ tùng-báo, Đông-dương tạp-chí, Trung Bắc tân-văn và Học-báo; trước thuật rất nhiều: không kể những bài luận-thuyết đoản-thiên đăng trên báo chí, ông lại soạn ra được nhiều sách rất có ích về đường văn-học sử-học nước ta như Nam-hải dị nhân liệt truyện, Hưng-Đạo đại-vương truyện, Việt-Nam phong-tục Việt-Hán văn khảo (hai tập này đăng trong Đông-Dương tạp Văn dịch ông cũng tài tình: những bài hán-văn ông dịch đăng trong báo, nhiều bài không mất tinh-thần nguyên-văn mà diễn thành lời nôm rất êm-đềm thanh-thoát, có bài lại giữ được cả âm-điệu nguyên-văn; ngoài các bài ấy ông có dịch mấy quyển sách về sử-chí nước ta như: Việt-Nam khai quốc chí truyện, Đại-Nam liệt truyện, Đại-Nam nhất thống chí. (Các quyển này đều đăng trong Đông-dương tạp-chí). Ông thật là có công to với nền quốc-văn của ta vậy. — Ông mất năm 1921.

120 — LUẬN VỀ LÝ-THÚ VĂN-CHƯƠNG

Phàm về các cuộc chơi của thiên-hạ, cuộc nào cũng có một lý-thú riêng, như đánh cờ, uống rượu, gẩy đàn, chơi cảnh v.v., tuy là một cách tiêu-khiển nhỏ-nhặt, nhưng ngẫm ra thì cũng đều có một lý-thú. Mưu tính nước cao nước thấp, có thể nghiệm ra được các sự khôn dại ở đời; ngật-ngù chén tạc chén thù 1, có thể quên hết được các sự phiền não ở đời. Nước chẩy non cao, tính tình nẩy ra ngoài mấy tiếng nỉ-non thánh-thót; hoa thơm cỏ rậm, hứng thú gửi vào trong đám nghìn tía muôn hồng. Cái lý-thú đó dẫu tầm thường, nhưng cũng có thể di dưỡng được tinh-thần của người ta, mà cũng phải là người đạt-giả mới lĩnh-hội được.

Văn-chương cũng là một nghề chơi, mà nghề chơi lại thanh-nhã, lại hữu-dụng, cho nên cái lý-thú cũng to hơn các cuộc chơi khác. Muốn biết cái lý-thú của văn-chương thì trước hết phải biết cái hay của văn-chương.

Thế nào là cái hay của văn-chương?

Văn-chương không phải gọt từng chữ luyện từng câu là hay, không phải đặt lấy kênh-kiệu, đọc lấy rền-rĩ là hay, cũng không phải chắp chỉnh câu biền câu ngẫu 2, kỳ khu trổ phượng chạm rồng 3 là hay. Hay là hay ở tư-tưởng cao, hay là hay ở kiến-thức rộng, hay là hay ở lời bàn thấu lý, hay là hay ở câu nói đạt tình.

Có cái hay kỳ-cổ, có cái hay hùng-kiệt, có cái hay hồn-hậu, có cái hay thanh-sảng, có cái hay bóng-bẩy như