Quốc văn trích diễm/76
76 — KIỀU ĐI CHƠI THANH-MINH GẶP MẢ ĐẠM-TIÊN
TIỂU DẪN. — Đoạn này tiếp ngay với đoạn trên. Nhân ngày hội Thanh-minh, Kiều cùng hai em đi tảo mộ và chơi xuân, nhân thế mà gặp mả Đạm-Tiên và chàng Kim-Trọng là hai việc rất có ảnh-hưởng đến cuộc đời Kiều sau này.
Ngày xuân con én đưa thoi 1,
Thiều-quang chín chục đã ngoài sáu mươi 2.
Cỏ non xanh rợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa[1].
Thanh-minh, trong tiết tháng ba,
Lễ là Tảo-mộ, hội là Đạp-thanh 3.
Gần xa nô-nức yến anh 4,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập-dìu tài-tử giai-nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nen 5;
Ngổn-ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng-vó (hồ) rắc, tro tiền giấy bay.
Tà-tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ-thẩn dan tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu-khê,
Nhìn xem phong-cảnh có bề thanh-thanh.
Nao-nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho-nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè-sè nắm đất bên đường,
Dầu-dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Rằng: « Sao trong tiết Thanh-minh,
« Mà đây hương khói vắng tanh thế mà? »
Vương-Quan mới dẫn gần xa:
« Đạm-Tiên nàng ấy xưa là ca-nhi.
« Nổi danh tài sắc một thì,
« Xôn xao ngoài cửa thiếu[2] gì yến anh!
« Kiếp hồng-nhan có mỏng-manh,
« Nửa chừng xuân, thoắt gẫy cành thiên-hương 6.
« Có người khách ở viễn-phương,
« Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
« Thuyền[3] tình vừa ghé tới nơi,
« Thì đà trâm gẫy bình rơi[4] bao giờ!
« Buồng không lặng ngắt như tờ,
« Dấu xe ngựa đã rêu lờ-mờ xanh.
« Khóc than khôn xiết sự tình:
« Khéo vô duyên mấy[5] là mình với ta!
« Đã không duyên trước chăng mà,
« Thì chi chút đỉnh, gọi là duyên sau ».
« Sắm sanh nếp tử xe châu 7,
« Vùi nông một nấm, mặc dầu cỏ hoa.
« Trải bao thỏ lặn, ác tà 8,
« Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm! »
Lòng đâu sẵn món thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa:
« Đau đớn thay phận đàn bà!
« Lời rằng bạc-mệnh cũng là lời chung!
« Phũ-phàng chi mấy[5] Hóa-công!
« Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi-pha.
« Sống làm vợ khắp người ta,
« Hại thay! thác xuống làm ma không chồng!
« Nào người phượng chạ loan chung 9?
« Nào người tích lục tham hồng 10 là ai!
« Đã không kẻ đoái người hoài!
« Sẵn đây ta thắp một vài nét hương.
« Gọi là gặp gỡ giữa đường,
« Họa là người dưới suối vàng biết cho ».
Lầm-dầm khấn-khứa nhỏ to,
Sụp ngồi, vài gật trước mồ, bước ra.
Một vùng cỏ áy 11 bóng tà,
Gió hiu-hiu thổi một và bông lau.
Rút trâm sẵn giắt mái đầu,
Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần 12.
Lại càng mê mẩn tâm-thần,
Lại càng đứng lặng tần-ngần chẳng ra;
Lại càng ủ dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối, châu 13 sa vắn dài.
CHÚ THÍCH. — 1. Ngày giờ thấm-thoắt đi nhanh (lanh) như cái thoi dệt cửi hình tựa con én. — 2. Thiều-quang: bóng sáng mùa xuân; ý câu này nói đã sang tháng ba rồi. — 3. Xem câu chú thích (1) về bài thơ Kiều đi thanh-minh ở trang 25. — 4. Là chim én chim anh hai giống chim đẹp; ý nói tài-tử giai-nhân. — 5. Nen là một thứ cây thường mọc trên các đồi núi vùng Nghệ-an Hà-tĩnh, cành lá tươi tốt, trông xa tựa một người đứng; áo quần như nen là nói áo quần đẹp như núi nen đối với phần trên ngựa xe nhiều như nước chảy. — 6. Là hương trời, nói một người đàn bà đẹp. — 7. Nếp tử là áo quan (hòm) bằng gỗ tử; xe châu là xe đám ma. — 8. Thỏ là mặt trăng, theo điển trong Kinh phật: một con thỏ nhẩy vào lửa cho đồng loại ăn thịt mình để đỡ đói, sau được lên cung trăng. Chữ ngọc thỏ 玉 兔 cũng nghĩa ấy. Ác hay ô là con quạ, đây chỉ mặt trời, theo câu trong sách Hoài-nam-tử: « Tính mặt trời thịnh hóa ra con quạ ba chân ». Chữ Kim ô 金 烏 cũng nghĩa ấy. — 9. Nói những khách làng chơi đã tới lui nhà Đạm-Tiên. — 10. Là tiếc sắc biếc, tham mầu hồng, ý nói các tình-nhân của Đạm-Tiên. — 11. Áy là hơi héo. — 12. Là bài thơ tứ-tuyệt. — 13. Là nước mắt rỏ xuống như hạt châu. Câu này ý nói mối sầu của nàng Kiều bấy giờ hồ đứt lại nối, nước mắt rơi xuống giọt vắn giọt dài.
CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — Tóm đại ý các đoạn trong bài này.
2. Cảnh ngày hội Thanh-minh và cảnh chỗ mả Đạm-Tiên: hai cảnh có vẻ gì tương phản với nhau không?
3. Sao Thúy-Kiều trông thấy mả Đạm-Tiên lại hỏi đến duyên-do nàng? Xem một điều ấy đủ biết Kiều là người thế nào?
4. Trong lịch-sử nàng Đạm-Tiên có những điều gì là đặc-sắc khiến cho nàng Kiều động lòng?
5. Nàng Kiều nghe chuyện Đạm-Tiên cảm-tưởng ra thế nào?
6. Việc gặp mả Đạm-Tiên quan-hệ đến thân thế Kiều sau này thế nào?
II. Lời văn. — 1. Hai câu 3, 4 tả cảnh gì? Cảnh sắc ấy có hợp với cảnh mùa xuân không? — Nghĩa những chữ thanh-minh, tảo mộ. Hai câu 9, 10 tả cảnh gì? — Hai câu 11, 12 tả chỗ nào? — Những chữ tà-tà, thơ-thẩn nói ý gì? — Thanh-thanh, nao-nao, sè-sè, dầu-dầu, những chữ ấy có hình dung được các sự vật không? — Mong-manh: nghĩa gì? — Thuyền-tình, trâm gẫy bình rơi: nghĩa những chữ dùng nghĩa bóng ấy. — Thì chi chút đỉnh: ý nói gì? — Mặc dầu cỏ hoa: ý nói gì? — Mồ vô chủ: tại sao? — Châu sa: nghĩa. — Mòn-mỏi, phôi-pha: nghĩa. — Vợ khắp người ta, ma không chồng: sao vậy? — Suối-vàng: nghĩa — Nét hoa: nghĩa bóng.
2. Trích những đoạn văn tả cảnh trong bài này để chứng rõ cái đặc-sắc lối văn tả cảnh trong truyện Kiều.
3. Tìm những câu chuyển (transitions) trong bài này và nói qua cách đặt những câu chuyển trong bài văn.
Chú thích