Quốc văn trích diễm/31
31. — KIỀU ĐI THANH-MINH
Mầu xanh ai khéo vẽ nên tranh,
Nô nức đua nhau hội Đạp-thanh. 1
Phận bạc ngậm-ngùi người chín suối,
Duyên may dun-dủi khách ba sinh. 2
Dưới hoa nép mặt gương lồng bóng,
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình.
Man-mác vì đâu thêm ngán nỗi!
Đường về chiêng đã gác chênh-chênh. 3
CHÚ THÍCH. — 1. Ngày thanh-minh khách đi chơi xuân, nên cũng gọi là hội đạp-thanh, nghĩa là giẫm lên đám cỏ xanh. — 2. Theo tích một người lúc sống mắc nợ không trả được, lúc chết đi phải đầu thai ba kiếp để trả nợ; khách ba sinh là người có duyên nợ kiếp trước cùng mình. — 3. Nhà văn Tàu xưa nay quen gọi mặt trời là cái chiêng đồng.
CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Kể qua việc Kiều đi chơi thanh-minh. Trong buổi đi chơi ấy có những việc gì quan-hệ đến cuộc đời nàng Kiều?
2. Hai câu đề tả cảnh gì? Nói rõ hai câu thực, một câu nói về việc gặp mả Đạm-Tiên, một câu nói về việc gặp Kim-Trọng. — Hai câu luận, câu trên nói ai? câu dưới nói ai? — Cứ theo hai câu kết thì nỗi lòng nàng Kiều lúc bấy giờ ra làm sao?
II. Lời văn. — 1. Người chín suối là nói ai? khách ba sinh là nói ai? Cắt nghĩa những chữ: gương lồng bóng, sóng gợn tình — Man-mác, chênh-chênh: những chữ ấy nói ý gì?
2. Bài này tả tâm-sự nàng Kiều buổi đi Thanh-minh có được hệt như tình-tiết trong truyện Kiều không? Thử đem mấy đoạn ra mà đối chiếu với các câu trong bài thơ này.