Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
7. — Cảnh đền Trấn-võ của Hồ Xuân Hương

7. — CẢNH ĐỀN TRẤN-VÕ

TIỂU DẪN. — Đền Trấn-võ thường gọi là đền Quan-Thánh, thờ ông Huyền-thiên-trấn-Vũ, ở cạnh hồ Tây thành-phố Hà-Nội.

Êm ái chiều hôm tới Trấn-đài,
Lâng-lâng chẳng bợn chút trần-ai!
Ba hồi chiêu mộ 1 chuông gầm sóng,
Một vũng tang thương 2 nước lộn trời.
Bể (biển) ái ngàn trùng khôn tát cạn,
Nguồn âm trăm trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực-lạc là đâu tá?
Cực-lạc là đây chín rõ mười.

CHÚ THÍCH. — 1. Là buổi sớm buổi chiều; đây nói tiếng chuông chùa buổi sớm buổi tối. — 2. Là dâu bể (biển), theo điển trong sách nói: « bể lớn biến ra ruộng dâu, rồi ruộng dâu lại biến thành bể lớn » là cho cuộc đời biến đổi bất thường; câu này tả cảnh Tây-hồ mà ngụ ý hoài cổ.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Bài thơ này về thể gì? Cảnh chùa Trấn-Võ có những vẻ gì vui thú?

2. Cảm tưởng của tác-giả lúc đến chùa Trấn-Võ thế nào?

3. Tác-giả lấy những cảnh sắc gì để tả cảnh chùa?

4. Hai câu luận ý nói gì?

5. Tác-giả kết lại ý gì? Ý câu kết có hợp với cái cảm-tưởng của tác-giả đã nói trong câu thừa và các cảnh-sắc đã mô-tả trong bài thơ không?

II. Lời văn — 1. Êm ái chiều hôm: bốn chữ ấy tả cảnh gì? Nghĩa hai chữ lâng-lâng. Trần-ai: Nghĩa đen, nghĩa bóng. — Chuông gầm sóng: ý nói gì? — Nước lộn trời là thế nào? — Bể ái: Nghĩa đen là gì? Đây nói về gì? — Nghĩa chữ ngàn trùng. — Nghĩa chữ dễ trong câu thơ bài này. — Cực lạc: Nghĩa đen là gì? Đây nói ý gì?