Quốc văn trích diễm/65
65. — ĐỘNG HƯƠNG-TÍCH
TIỂU DẪN. — Hương-tích-sơn (thường gọi là Chùa-Hương) là một trái núi ở về địa-phận phủ Mỹ-đức, tỉnh Hà-đông. Dưới núi có một cái động, thờ đức Phật-Bà Quan-Âm, năm năm cứ đến hồi tháng hai tháng ba, thiện-nam tín-nữ, kẻ hành hương, người lãm thắng, trẩy chùa rất đông. Xem hai bài Trẩy chùa Hương và Động Hương-Tích ở dưới, trang 195-197.
Thú thiên-nhiên đâu bằng Hương-Tích,
Đủ thanh tao cảnh lịch trăm chiều!
Người thời vui sô, nạp, ngư, tiều 1,
Kẻ thời thích yên, hà, phong, nguyệt 2,
Kho vô-tận những thế nào chưa biết,
Thú hữu tình sơn thủy thực là vui!
Khi đăng lâm 3 có lối lên trời,
Mây dưới gót đủ xanh, đen, vàng, đỏ, trắng!
Lúc vào động ngắm sơn-quynh thạch-đắng 4,
Bút thần ngoan chưa khéo vẽ cho cùng.
Riêng một bầu sắc sắc không không 5,
Khắp mọi vẻ kỳ kỳ quái quái!
Thơ rằng: Động chủ hữu linh thần bút tại,
峒 主 有 靈 神 筆 在
Hóa nhi vô ý tự nhiên công 6!
化 兒 無 意 自 然 功
Khách trèo non ngoảnh lại mà trông,
Lòng mến cảnh dời chân đi hóa đứng!
Chén vân dịch 7 nghiêng bầu uống gắng;
Bức thơ tiên mở túi liền đề,
Giải-oan 8 ra, tẩy tục lại thêm hay,
Thiên-trù 9 tới, vong cơ 10 càng thấy khỏe!
Làng thi tửu còn đâu hơn đấy nhỉ?
Chẳng Bồng-lai Nhược-thủy 11 cũng thần tiên!
Rõ ràng « Đệ-nhất Nam-thiên 12 »,
Mang đi sợ để thần tiên mất lòng!
Thôi thì để đấy chơi chung.
CHÚ THÍCH. — 1. Người cắt cỏ, người đi săn, người đánh cá, người kiếm củi. — 2. Là khói, mây, gió, trăng: chỉ cảnh-sắc thiên-nhiên. — 3. Là lên tới núi. — 4. Là cửa núi, bậc đá. — 5. Chữ trong kinh Phật: Sắc: cõi có hình, không: cõi vô hình, phép Phật vượt qua cõi có hình đến cõi vô hình. — 6. Nghĩa là: Chủ động có thiêng, nét bút thần vẫn nguyên; trẻ tạo-hóa không cố ý, tự-nhiên mà thấy khéo. — 7. Một thứ rượu tiên. — 8. Lối vào động có một cái suối nước trong tự trong đá chảy ra, gọi là « suối Giải-oan ». — 9. Thiên-trù (bếp trời) là tên chữ một ngôi chùa làm gần động, thường gọi là chùa ngoài, đến đấy rồi mới đến động. — 10. Quên đói: có bếp nên không sợ đói. — 11. Đảo Bồng-lai, sông Nhược-thủy, là nơi tiên cảnh. — 12. Chúa Trịnh xưa khắc ở cửa động năm chữ: « Nam-thiên đệ-nhất động » động thứ nhất ở trời Nam.
Chú thích
- ▲ Xem tiểu-truyện tác-giả ở trang 41.