51. — VỊNH KIỀU

Phạm-quí-Thích

Cụ hiệu Lập-Trai, người làng Huê-đường, tỉnh Hải-dương, đậu tiến-sĩ đời Lê Cảnh-Hưng, ra làm quan lúc Lê mạt. Sau lúc đức Gia-Long bình định xong, có vời cụ ra làm quan, cụ cáo bệnh không được, mãi sau mới được từ về. Cụ dạy học-trò nhiều người thành đạt như các ông Nguyễn-Lý, Nguyễn-Siêu đều là học-trò cụ. Cụ có một tập thơ chữ truyền lại: Thảo-đường thi-tập. Chính cụ đã xuất bản đầu tiên quyển Truyện Kiều (bản Phường) và có sửa đổi một vài chỗ.

TIỂU DẪN. — Cụ nguyên là bầy tôi nhà Lê sau lại ra làm quan với Bản-triều, cụ mới mượn thân-thế nàng Kiều mà giãi bày tâm-sự của cụ, nên bài thơ này hay, mà trong biết bao nhiêu bài vịnh Kiều, bài này truyền tụng nhất. Bài này là dịch nghĩa bài thơ chữ Hán của cụ thường in ở đầu các bản truyện Kiều nôm.

Giọt nước Tiền-đường chẳng rửa oan,
Phong-ba chưa trắng nợ hồng-nhan.

Lòng tơ còn vướng chàng Kim-Trọng,
Vẻ ngọc chưa phai[1] chốn Thủy-quan 1.
Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp 2,
Một dây bạc-mệnh dứt cầm loan.
Cho hay những kẻ tài tình lắm,
Trời bắt làm gương để thế-gian.

CHÚ THÍCH. — 1. Là nơi quan nhà thủy ở, ý nói một người tài sắc như nàng không đành chìm ngập ở nơi thủy-phủ mất. — 2. Là gối nằm ngủ. Điển cũ: xưa ông Trang-Chu nằm ngủ chiêm bao thấy mình hóa thành bướm, nên giấc mộng gọi là giấc điệp, gối ngủ gọi là gối điệp.

   




Chú thích

  1. Có bản chép: Gót ngọc khôn đành....