37. — NƯỜNG MỊ-Ê

TIỂU DẪN. — Năm 1044, vua Lý Thái-tôn vào đánh nước Chiêm-thành, phá kinh-đô là Phật-thệ (nay thuộc tỉnh Thừa-thiên), giết quốc-vương là Sạ-Đẩu, bắt vương-phi là nàng Mị-Ê đem về, khi đến sông Lý-nhân, vua đòi nàng ấy sang hầu bên thuyền ngự. Nàng ấy giữ tiết không chịu, quấn chiên lăn xuống sông tự tử.

Thuyền[1] rồng không dựa, dựa thuyền chài,
Khắn-vó vì chưng chót một hai.
Tiết-nghĩa mảnh chiên trời ấm lạnh,
Cương-thường giọt lệ nước đầy vơi.

Chứng-minh đã có mười phương Phật,
Sống thác cùng nhau một giống Hời.
Sử sách nghìn năm ghi chép đó,
Thương ai mà lại thẹn cho ai!

Bài thơ này khen bà Mị-Ê là người trinh tiết; đại ý nói rằng: Đương buổi thành Phật-thệ đã phải tan, vua Sạ-Đẩu lại phải giết, bà ấy ví chẳng khác như chiếc bách () lênh-đênh, mây tan bèo nổi, mà không ngờ rằng duyên ưa phận đẹp, cá nước vẫy vùng; tục-ngữ có câu rằng: « Một ngày dựa mạn thuyền rồng, cũng bằng chín tháng nằm trong thuyền chài », chẳng là sung sướng lắm ru! Thế mà bà ấy lấy làm xấu-hổ[2], vì chưng giữ dạ kiên-trinh nhớ lời khắn-vó, người thì phải theo nhau một giống, gái không lẽ thờ đến hai chồng. Thôi thời đành lấy chiên mà quấn mảnh thân tiết-nghĩa, dẫu khi ấm khi lạnh cũng phó cho trời, lấy máu mà hòa giọt lệ cương-thường, dẫu hoặc đầy hoặc vơi cũng trôi với nước. Ai có biết dẫu ai không có biết, chứng-minh đã có Phật mười phương; sống cùng nhau, thì thác phải cùng nhau, chung-thủy cho tròn Hời một giống. (Hời là giống người Chiêm-thành.)

Than ôi! Trinh-tiết là đức riêng của gái, mà khen chê là lẽ phải của đời, thương cho vàng đá dạ người, thẹn cho những kẻ ép nài mưa mây, nghìn năm sử sách còn đây.

   




Chú thích

  1. Ghe
  2. Mắc cở.