Quốc văn trích diễm/16
16. — THĂNG-LONG THÀNH HOÀI CỔ
Tạo-hóa gây chi cuộc hí-trường, 1
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương; 2
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu-đài bóng tịch-dương. 3
Đá vẫn bền (trơ) gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang-thương. 4
Ngàn năm gương cũ soi kim-cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn-trường!
CHÚ THÍCH. — 1. Là giạp tuồng. Cuộc đời cũng như cái giạp tuồng biến đổi luôn luôn. — 2. Bao nhiêu lần sao mọc sương sa, nghĩa là bao nhiêu ngày tháng. — 3. Xưa là lối xe ngựa mà nay chỉ có cỏ thu; xưa là lâu đài mà nay chỉ có bóng mặt trời buổi chiều — 4. Đá vẫn trơ trơ trải mấy năm tháng cứ bền gan mãi. Nước gờn-gợn như cau mặt về nỗi sự đời thay đổi bể dâu.
CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Bài thơ này về thể gì? Đại ý nói gì? Thành Thăng-long đối với lịch-sử nước ta có quan hệ thế nào?
2. Hai câu đề tác-giả có ý than thở về nỗi gì? — Tác-giả lấy những cảnh gì để chứng cuộc tang thương biến đổi? — Hai câu luận ngụ ý gì? — Trông cảnh-tượng thành Thăng-long, tác-giả tư-tưởng cảm-xúc thế nào?
II. Lời văn. — 1 Tại sao lại ví cuộc đời như hí trường? Xe ngựa đây tả cảnh-tượng gì? Lâu-đài đây là nói những lâu đài nào? Bền gan với cau mặt, đem nói về đá và nước: cách dùng chữ thế gọi là gì? Gương cũ là những gương nào? Soi kim cổ nghĩa gì? Cắt nghĩa hai chữ đoạn-trường.
2. Bài thơ này làm theo luật bằng hay luật trắc? Phân biệt hai luật ấy. Xét xem các vần trong bài thơ này có hiệp với nhau không?