Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
125 — Cung chiêm các tôn-lăng của Phạm Quỳnh

125 — CUNG CHIÊM CÁC TÔN-LĂNG

Ở Kinh mà không đi cung-chiêm các tôn-lăng thì cũng là uổng mất cái công từ Hà-nội về đây. Vả mục-đích tôi về Kinh là muốn xem những cảnh-tượng cũ của nước nhà, còn cảnh-tượng gì trang-nghiêm hùng-tráng bằng những nơi lăng-tẩm của mấy vị đế-vương ta đời trước? Không những mấy nơi đó là những nơi thắng-tích đệ nhất của nước ta, mà lại có thể liệt vào bực những nơi thắng-tích của cả thế-giới nữa. Hoàn-cầu dễ không đâu có chốn nhà mồ của bực vua chúa nào mà khéo hòa-hợp cái cảnh thiên-nhiên với cái cảnh nhân-tạo, gây nên một cái khí-vị riêng như não-nùng, như thương nhớ, như lạnh-lẽo, như hắt-hiu, mà lại như đầy những thơ những mộng, khiến người khách vãn-cảnh luống những ngẩn-ngơ trong lòng. Mà cái cảm-giác ấy không phải là người mình mới có, dẫu người ngoại-quốc đi du-lịch đến đấy cũng phải cảm như thế. Có người Pháp rất mến cái cảnh những nơi lăng-tẩm của ta đã từng nói: muốn đi xem lăng phải đi vào những ngày gió thu hiu-hắt, trời đông u-ám, thì mới cảm được hết cái thú thâm-trầm. Kể các lăng-tẩm thì nhiều lắm, nhưng trứ-danh nhất có bốn nơi: Thiên-thụ-lăng (lăng đức Gia-Long), Hiếu-lăng (lăng đức Minh-Mệnh[1]), Xương-lăng (lăng đức Thiệu-Trị), Khiêm-lăng (lăng đức Tự-Đức), bốn nơi ấy là to hơn và đẹp hơn cả. Nơi Thiên-thụ xa nhất, rồi lần-lượt đến nơi Hiếu, nơi Xương, nơi Khiêm.

Nói lăng, những người không biết, mỗi người tưởng-tượng ra một cách: người thì cho là cái nhà bằng đá lớn, trong đựng quan-quách ông vua; người thì cho là cái vườn rộng, giữa xây nấm, quanh giồng[2] cây; người thì cho là cái nền to như nơi văn-chỉ, phỗng đá voi ngựa đứng chầu. Nhưng dù tưởng-tượng đến đâu cũng không kịp tới cái chân tướng nhớn nhao[3]. Lăng đây là cả một tòa thành, cả một vùng núi, chớ không phải là một khoảng năm ba sào, một khu vài ba mẫu. Lăng đây là gồm cả mầu trời, sắc nước, núi cao, rừng rậm, gió thổi ngọn cây, suối reo hang đá, chớ không phải một cái nấm con con của tay người xây dựng. Lăng đây là bức cảnh thiên-nhiên tuyệt đẹp, ghép thêm một bức cảnh nhân-tạo tuyệt khéo. Lăng đây là cái nhân-công tô-điểm cho sơn-thủy, khiến cho có một cái hồn não-nùng u-uất, như phảng-phất trong cung-điện âm-thầm, như rì-rào trên ngọn thông hiu-hắt. Không biết lấy lời gì mà tả được cái cảm lạ, êm-đềm vô-cùng, ảo-não vô-cùng, nó chìm đắm người khách du-quan trong cái cảnh tịch-mịch u-sầm ấy. Trong thế-giới chắc còn lắm nơi lăng-tẩm đẹp hơn nhiều, như ở Ấn-độ có cái mả bà chúa toàn bằng ngọc-thạch, ở Âu-châu cũng có lắm nơi mộ-địa rất là u-sầm. Nhưng không đâu cái công dựng đặt của người ta với cái vẻ thiên-nhiên của trời đất khéo điều-hòa nhau bằng ở đây, cung-điện đình tạ cùng một mầu một sắc như núi non, như cây cỏ, tưởng cây cỏ ấy, núi non ấy phải có đình-tạ ấy, cung-điện ấy mới là xứng, mà cung-điện ấy, đình-tạ ấy phải có núi non ấy cây cỏ ấy mới là hợp vậy.

   




Chú thích

  1. Mạng.
  2. Trồng. —
  3. Lớn-lao.