118 — VĂN-CHƯƠNG

Khéo mồm mép mà làm hại tâm-thuật không gì bằng văn-chương. Vì văn-chương hay vì tình mà không hay về ; cho nên những người làm văn không biết chép sự thực, và những câu luận chân lý lại không phải văn hay, xem thế thời đồ văn-chương không phải thực dụng.

Tiểu-thuyết, ký-sự, luận-thuyết, diễn-thuyết là những văn-chương hữu dụng; còn thơ phú ca dao, có vần có điệu, chỉ dùng để ngâm-nga, không suy ra thực sự, chẳng những vô ích mà lại có lúc làm cho mê-mẩn mất cả tinh-thần, tô điểm sai cả cảnh thực.

Hãy xem như nước ta, nghề học văn-chương càng đua tranh bao nhiêu, thì nghề học thực dụng càng suy lạc đi bấy nhiêu, càng ngày càng tệ, đến nỗi làm cho trong nước bao nhiêu người thông minh tài tuấn đã hóa ra một bọn ngồi không ăn dưng.

Ngày nay học-trò phải có tư-tưởng cho cao, tập luận-nghị cho rộng; phải đọc những sách có kinh luân 1 trong xã-hội, phải bàn những chuyện có can hệ đến nước nhà, để ngày sau có thể đem học vấn suy ra việc làm. Còn những lối ngâm hoa vịnh nguyệt, dù hay cho quỷ khóc thần kinh 2, cũng không đáng một đồng tiền kẽm.

Văn quí có sinh khí; văn không có khí như người làm hoa giấy, có đẹp mà không có thơm. Văn có khí không phải là lời nói cho hùng, lý tưởng cho lạ; phải có chân-cảnh, có mục-đích, có tôn-chỉ, có điều-lý, có nhiệt-thành, khiến cho người ta nghe câu văn, như mắt trông thấy cảnh, tai nghe thấy người mà sinh ra cái lòng quan cảm, như thế mới là văn-chương có khí.

Văn khí bởi đâu mà ra? — Cũng là bởi kiến-thức tinh-thần của người làm văn mà ra. Người cục-súc hay làm những văn tiểu-sảo 3; người nhu-nhược hay làm những văn chi-li; người thô-sơ hay làm những văn sống-sượng, người danh lợi hay làm những văn thù-phụng 4, người bợm-bãi hay làm những văn hoa tình. Những người ấy mà cho làm văn nói về phong-tục, đạo-đức, lịch-sử, chính-trị, chẳng qua mơ mơ màng màng, ba câu lề lối, mấy chữ bẻm mép, sao gọi là văn có khí.

Văn-chương với đạo-đức thường không có quan hệ với nhau; xưa có người, kể trong đạo-đức, thì là kẻ có tội, mà văn hay truyền tụng còn đến bây giờ. Vì chính-trị có luật-phép, mà văn-chương không có luật-phép, cho nên khen văn chưa hẳn là yêu người mà luận người cũng không ở văn-tự.

(Giở lên 4 bài trích ở tập Lời khuyên học-trò trong Nam-Phong)

CHÚ THÍCH. — 1. Là thiết-thực hữu-dụng cho đời. — 2. Quỉ phải khóc, thần phải sợ, nói những bài văn có giọng réo rắt bi ai. — 3. Là khéo vặt. — 4. Nịnh nọt tâng bốc người.

CÂU HỎI. — 1. Bài này về thể văn gì? Chia ra làm mấy đoạn?

2. Văn-chương là gì? Hai chữ ấy hiểu nghĩa rộng là gì? Hiểu nghĩa hẹp là gì? Tác-giả hiểu chữ hay thế nào? Tình khác nhau thế nào? Trong một bài văn cái gì là lý mà cái gì là tình?

3. Tác-giả chia văn-chương ra làm mấy lối? Thế nào là văn hữu-dụng? văn vô-dụng? Văn-chương nước ta thường mắc phải tệ gì?

4. Văn-khí là gì? Văn-khí bởi đâu mà ra?

5. Văn-chương với tâm tính người ta quan hệ với nhau thế nào? Bình luận câu cách-ngôn Pháp: « Le style c’est l’homme » (Văn tức là người).