116 — HI-VỌNG

Làm người ai cũng có hi-vọng, như kẻ làm ruộng mong cho đến ngày gặt lúa, kẻ đi đường mong cho đến chỗ nghỉ chân. Công việc càng lớn thì hi-vọng càng cao, hi-vọng càng cao thì sự-nghiệp càng lớn, cho nên người ta có hi-vọng thì tự-nhiên quên hết mọi sự hiểm nghèo, mọi sự khó nhọc.

Người ta đương lúc thiếu-niên, lòng xuân 1 phơi-phới, như trăng mới lên, như hoa mới nở, sự đời chưa hề từng trải, tư-tưởng những sự cao xa. Đến lúc tuổi càng cao, kinh-lịch càng lắm, bấy giờ mới biết sự đời là khó, tài mình là hèn, chân đã mỏi, đường còn xa, lòng hi-vọng cũng mỗi ngày một nhạt[1]. Những người trí bạc tài hèn, bỏ việc nửa đường, hồ hết là vì những tình-cảnh ấy. Vì thế cho nên hi-vọng của mỗi người cũng không nên quá lượng. Cái hi-vọng mình đã lớn thì sự dụng sức mình cũng phải nhiều: không chịu nhãng một ngày, không chịu lui một bước, như thế mới trông mong có ngày đắc chí được.

Cảnh khốn nạn trong đời người không gì bằng thất-vọng. Như kẻ đi đường, bóng chiều đã xế, dặm đường còn xa, chân trời góc bể, biết đâu là nhà, có khi phải ngồi xuống bên đường mà khóc cái mệnh[2] vận mình, rồi sinh lòng vô cùng oán-hối.

Thất-vọng là bởi mình không có chí mà cũng bởi cái hi-vọng quá cao không xứng với cái lực-lượng mình, như thuyền[3] nhỏ chở đày, người yếu gánh nặng.

Việc hi-vọng của người ta thành bại là bởi sức người mà cũng nhờ thời vận 2. Xưa nay những kẻ làm nên vương tướng, chưa hẳn là những bực thánh thần, còn bao nhiêu kẻ trầm-luân 3 chưa hẳn là những người tội ác. Chẳng qua là hữu tài vô vận, hữu vận vô tài.

Việc thành bại quá nửa về quyền mệnh-vận, song làm trai lập chí có lẽ nào muôn việc cứ nhờ trời. Chí đã định phải làm hết sức mình, còn nên hay thua không kể đến, chẳng oán trời cũng chẳng trách trời, gọi là thuận mệnh.

CHÚ THÍCH. — 1. Là tấm lòng của người trai trẻ ví như mùa xuân. — 2. Tức là may rủi. — 3. Là chìm đắm, nói những người gặp bước gian-nan khổ sở.

CÂU HỎI. — 1. Bài này về thể văn gì? Chia ra làm mấy đoạn? — Tóm đại-ý mỗi đoạn. Các đoạn mạch trong bài này có xứng-đối không?

2. Hi-vọng đối với người ta quan-hệ thế nào? Tại sao hi-vọng không nên quá cao? Bởi đâu thường sinh ra nỗi thất-vọng? Vận-mệnh là gì? Việc thành bại có ở vận mệnh không? Giải nghĩa câu: anh-hùng tạo thời thế, thời thế tạo anh-hùng. Ta có nên tạ sự có vận-mệnh mà không lập chí gắng công rư? Câu cách-ngôn của Tây « Aide-toi, le ciel t’aidera » (Ta hãy tự giúp, trời sẽ giúp ta) ý nói gì?

   




Chú thích

  1. Lạt.
  2. Mạng. —
  3. Ghe.