Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim của Ngô Tất Tố
IV. Dịch sai nghĩa, hoặc thêm ý mình vào văn Kinh truyện

IV

Dịch sai nghĩa, hoặc thêm ý mình vào văn Kinh truyện

Cũng như những nhà khảo cứu lịch sử, điều-kiện cốt-yếu của một nhà khảo-cứu triết-học là phải thật thà, ngay thẳng, đừng nói thêm nói bớt cho cổ-nhân, khiến cho hậu-nhân hiểu lầm.

Bởi vì nhiệm vụ của những nhà khảo-cứu triết-học chỉ cốt đem những tư-tưởng linh tinh của cổ-nhân mà sắp đặt cho ra môn loại, có trật tự và có thống hệ, để cho hậu-nhân có thể lấy nó làm gương mà ứng-dụng vào trong hoàn cảnh của họ. Nếu mình thuật lại không đúng ý của cổ nhân, ấy là làm cho hậu nhân thiệt thòi vì không được rõ chân tướng cái tư-tưởng của người đời trước.

Cho nên một nhà khảo cứu triết-học, trước hết phải quét cho sạch thành-kiến của mình. Tư tưởng của cổ nhân thế nào người ta chỉ nói vừa đủ thế ấy. Hay, dở thì mặc cổ nhân, tự mình không được nói hơn, nói kém. Nhất là không được đem những tư tưởng của cổ-nhân mà uốn nắn, đẽo gọt, tô-điểm cho hợp với xu hướng của thời đại.

Là vì thời-đại thay đổi luôn luôn, mà triết-lý thì vĩnh viễn sống ở vũ-trụ. Những chỗ hay, dở của các môn triết học, chẳng qua vì sự thay đổi của các thời-đại mà ra, không phải là sự nhất định. Những điều đời xưa vẫn cho là hay, bây giờ phần nhiều đã thấy là dở, thì những điều bây giờ đương cho là dở, chắc đâu sau này lại không có lúc phải nhận là hay? Vì thế một nhà khảo cứu triết-học, lúc nào cũng phải đứng ở địa vị khách quan, không nên theo ý kiến của dư luận nhất thời mà mong cho cổ nhân hay thêm, để mình dự phần thơm lây, hay sợ cổ nhân có dở thì mình cũng bị nhục lây.

Nhưng, một người An-nam ở đất Annam, khảo cứu về tư tưởng của đời Khổng-tử, muốn đạt được mục đích ấy, cũng phải tốn công lắm lắm. Bởi vì bao nhiêu danh từ về đời Khổng-tử, đến nay đã cách hơn hai nghìn năm, ý nghĩa của nó thay đổi rất nhiều. Có khi cùng một chữ đó, đời xưa dùng theo nghĩa kia, đến hồi gần đây người Tàu lại đem dùng vào nghĩa này. Vả lại, đối với cái kho triết-học của Tàu, chúng mình là người ngoại quốc, không đủ sách cổ mà đọc. Những sách nói về Khổng-tử lưu hành đến đây, hầu hết đã bị pha lộn tư tưởng của Tống-nho, ít khi nhìn vào trong sách, người ta được thấy nguyên hình cái tư-tưởng của thày trò cụ ấy.

Vì vậy, muốn cho tư-tưởng của Khổng-tử hay những nhà triết-học trong đời ngài không bị trà-chộn pha-phách với các thứ khác, thì sự phiên dịch cũng phải khó khăn như việc lựa dùng tài liệu.

Trước hết phải gác Tống-nho một bên, rồi sẽ đi kiếm cho nhiều những tự-điển cổ của Tàu, như Thuyết-văn, Ngọc-thiên, Đường-vận, hay những sách cổ khác... để so sánh và tìm kiếm nghĩa cổ của những tiếng cổ... Có như thế, công việc phiên dịch mới khỏi có chỗ khuyết điểm.

Coi hai đoạn trong hai bài tựa cuốn I và cuốn III, tác giả “Nho-giáo” hình như cũng nhận như thế là phải. Tiếc rằng đến lúc làm việc, ông ấy không chịu giữ đúng lời hứa. Thành ra trong bộ “Nho-giáo” đã có nhiều chỗ hoặc dịch sai nghĩa, hoặc thêm ý mình hay ý Tống nho vào văn kinh truyện. Hãy trưng vài đoạn sau đây:

Cuốn I, trang 55, trong đoạn cắt nghĩa chữ “Nho” 儒, tác-giả nói rằng:

«Đời xưa người đi học đạo thánh hiền gọi là Nho, tức là người đã học biết suốt trời đất và người, để dạy bảo cho người ta ăn ở cho phải đạo luân thường. Nho là bởi chữ nhân đứng bên chữ nhu mà thành ra. Nhân là người, nhu là cần dùng, tức là hạng người bao giờ cũng cần dùng đến để giúp cho nhân-quần xã-hội biết đường ăn ở và hành động cho hợp lẽ trời. Chữ nhu lại có nghĩa là chờ đợi, tức là người học giỏi đợi người ta cần đến, sẽ đem cái tài trí của mình ra mà giúp việc đời... »

Chữ « Nho » 儒 mà giảng đến vậy thật là rộng rãi. Có lẽ người đặt ra và người dùng mãi chữ ấy từ xưa đến giờ đều chưa nghĩ đến như thế.

Thật vậy!

Theo phép Lục thư[1] của Tàu, thì chữ nho thuộc về loại chữ «hình thanh» cũng như chữ 河 là sông, chữ mai 梅 là cây mơ vậy.

Tại sao gọi là hình thanh? Bởi vì những chữ thuộc về loại này, hết thẩy gồm có hai phần, một phần là hình, dùng về ý nghĩa, một phần là thanh, dùng về tiếng đọc của chữ.

Trong chữ Nho 儒, một bên chữ nhân 人 tức là công dụng của hình, cốt tỏ chữ ấy chỉ về hạng người nào đó. Còn bên chữ nhu 需 thì là công dụng của thanh, để tỏ chữ ấy phải đọc giống như chữ nhu. Thế mà thôi.

Cố-nhiên chữ nhu 需 đứng riêng một mình vẫn có nghĩa là cần dùng, là chờ đợi. Nhưng khi nó đã đứng cạnh chữ nhân 人 để làm thành ra chữ nho 儒, thì những nghĩa ấy không dùng gì đến. Cũng như chữ mổi 每 trong chữ mai 梅, chữ khả 可 trong chữ 河, không có nhiệm vụ thuộc về ý nghĩa của những chữ do nó làm ra.

Nếu bảo vì chữ nhu đó mà chữ nho lại có nghĩa là một người cần dùng cho nhân-quần xã-hội chờ đợi người ta cần đến, sẽ ra giúp việc cho đời, thì chữ 河 cũng vì chữ khả 可 đứng bên mà có nghĩa là một «dòng nước khá», hay chữ mai 梅 sẽ vì chữ mỗi 每 đứng bên mà có nghĩa là một «thứ cây mỗi » được sao?

Ai đã biết lối đặt chữ của người Tầu đời xưa, chắc cũng nhận thấy cái nghĩa chữ “Nho” mà tác giả “Nho-giáo" đem giảng như trên, thật là xuyên tạc, không đúng bản nghĩa của nó.

Vẫn cuốn I, trang 79, đoạn nói về phương pháp dạy học của Khổng-tử, tác-giả chép rằng:

«Tục đời cổ, hễ ai đến yết-kiến người nào cũng phải có lễ vật gì. Có người đến xin học, đem lễ bó nem, ngài cũng dậy, Ngài nói rằng: « người đem lễ bó nem trở lên, ta chưa từng không dạy ai vậy.» »

Vậy là Khổng-tử đã để ý phân biệt những món đồ lễ của kẻ xin vào cập môn. Và ngài nói thế tức là ý ngài cho rằng: « Những người vào học mà đem lễ ngài có một bó nem, ấy là món lễ bạc lắm, đáng lẽ thì không thèm dạy, nhưng ngài rộng lượng, cũng dậy tất cả ».

Nếu thế, thì tư cách cụ Khổng không hơn những hạng thày đồ biển-lận là bao.

Nhưng mà cụ Khổng đâu đến nỗi thế, Cái câu: « tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên » (自 行 束 修 以 上 吾 未 嘗 無 誨 焉) ở sách Luận ngữ là ngài khoe mình đã dạy học trò một cách chu đáo, bất cứ việc lớn việc nhỏ, cho đến cái việc đưa một bó nem để làm đồ lễ đi thăm người khác, ngài đều chỉ-bảo cho cả.

Phải dịch thế này mới đúng:

«Từ việc đi một bó nem[2] tro lên, ta chưa từng không dậy một việc gì vậy »

Tác giả “Nho-giáo” dịch như thế kia, khiến cho Khổng-tử hóa ngay ra người đê tiện, thật là oan cho cụ ấy!

Cũng cuốn I, đoạn nói về tư tưởng chính trị của Khổng-tử, trong cái tiểu đề «tôn-quân quyền», tác-giả giải rằng:

«Phàm người ta đã quần-tụ với nhau ở thành xã-hội, thì tất thế nào cũng phải có người đứng đầu cầm quyền để giữ kỷ-cương cho cả đoàn-thể. Người cầm quyền ấy tức là quân. Vậy nghĩa chữ quân là nói người giữ cái quyền chủ-tể cả một đoàn-thể, cả một nước... Chính-thể nào cũng phải có quân-quyền. quân-quyền do một người giữ thì gọi là đế là vương, mà do một bọn người của công-dân đã thừa-nhận cho giữ, thì gọi là thống-lĩnh; đế vương hay thống-lĩnh đều thuộc về nghĩa chữ quân cả. Vậy nên đối với việc chính-trị của một nước, Khổng-giáo lấy cái nghĩa quân thần làm trọng.

«Ở trong nhà thì con phải hiếu với cha mẹ, ở trong nước thì thần dân phải trung với quân. Hai chữ trung-quân không nên theo như người ta vẫn hiểu là chỉ trung với người làm đế làm vương mà thôi, nhưng có thể hiểu theo nghĩa rộng là trung với quân-quyền trong nước...»

Trời ơi, nếu quả như thế, thì Khổng-tử chẳng những không khác Jean Jacques Rousseau mà còn giống cả Karl Marx và Lénine nữa.

Giải nghĩa kiểu ấy, cố nhiên hợp với phong-trào dân-chủ ngày nay, nhưng mà người Tàu vị-tất đã chịu. Là vì nếu thật chữ quân có nghĩa là quân quyền thì ra mấy nghìn năm nay, cả nước nhà họ đều dùng sai nghĩa của nó. Cho đến chính mình Khổng-tử cũng hiểu sai nữa.

Nhưng sự thực chủ nghĩa trung-quân của Khổng tử đâu được mênh mông vô bờ bến vậy?

Nội trong các sách thuộc về Khổng giáo, không có chỗ nào phân biệt quân quyền với bản thân người làm đế vương.

Hơn nữa, trong cuốn Xuân-thu là sách chính tay Khổng tử làm ra, ngài không bỏ sót một ông vua nào của nước Lỗ mà không chép «công tức vị»[3], cho đến Hoàn công là kẻ giết anh để cướp ngôi vua, ngài cũng chép «công tức vị» như thường.

Lại khi Ai-công say đắm nữ-nhạc, biếng-nhác chính sự, ngài đã định bỏ ngôi quan, nhưng lại chờ cho đến lúc tế giao không chia phần thịt cho các đại-phu, mới đi, để khỏi lộ cái tội mê gái của vua.

Và có lần một viên Thái-tể hỏi ngài: « Chiêu-công biết lễ hay không ». Ngài đáp rằng có biết lễ. Trở ra, viên Thái-tể ấy bảo người khác rằng: « Ta nghe quân-tử không có bè-đảng. Té ra quân-tử cũng bè-đảng ư? Chiêu-công lấy vợ ở nước Ngô là người cùng họ. Nếu ông ấy mà cũng biết lễ, thì ai mà không biết lễ? » Nghe thấy chuyện đó, Khổng-tử nói rằng: « Khâu này may! nếu có lỗi, người ta ắt biết. » Đó là ngài muốn tỏ rằng: Chính mình cũng nhận Chiêu-công thật không biết lễ, chỉ vì ông đó là vua của ngài, cho nên ngài thà chịu lỗi không biết xét người, không dám nói thẳng chỗ xấu của vua.

Coi mấy chuyện đó thì biết chủ nghĩa trung-quân của Khổng-tử, tức là trung với bản-thân những người làm đế làm vương, không phải chỉ trung với quyền của vua. Không nên đem tư-tưởng ấy mà thêm cho ngài.

Chắc rằng tác-giả Nho-giáo sẽ lấy hai chữ « tùy-thời » ở kinh Dịch để cãi đoạn này, nếu như ông ấy trả lời bài phê-bình này.

Vâng, hễ đến khi nào tác giả cãi vậy, tôi sẽ sẵn lòng thừa-tiếp. Ở đây, chỉ cần nói rằng: Chủ-nghĩa tôn quân của Khổng-tử, tuy không hợp với thời thượng. Nhưng Khổng-tử đã nghĩ như thế thì mình cứ nói như thế, không phải chữa lại cho ngài.

Lại cũng cuốn 1. trang 176, nói về đạo-hiếu của Khổng tử, tác-giả trưng ra đoạn này:

« Khi cha mẹ mới khởi làm điều gì không phải, thì ta nên lấy lời cung-kính mà can-ngăn, nếu cha mẹ không nghe, thì lại kính mà theo, dẫu cha mẹ có đánh đập cũng không oán giận ».

Tiếp đó tác-giả dẫn luôn mấy câu chữ Hán:

« Sự phụ mẫu cơ gián, kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao-nhi bất oán 事 父 母 幾 諫 見 志 不 從 又 敬 不 違 勞 而 不 怨 » (Luận-ngữ Lý-nhân).

Thế nghĩa là cái đoạn quốc-văn ở trên dịch theo cái đoạn Hán-văn ở dưới. Lối đảo ngược ấy tác giả vẫn dùng luôn trong sách này.

Tôi không hiểu ông ấy căn-cứ vào cái gì ở sách Luận ngữ mà câu « lao-nhi bất oán », lại dám dịch là « dẫu cha mẹ có đánh đập cũng không dám oán giận »? chữ « lao » 勞 mà có nghĩa là đánh đập, thì thật là sự mới mẻ trong tiếng Tàu, người Tàu đến nay vẫn chưa biết.

Nhưng theo đúng nghĩa cũ của nó, thì câu ấy phải như thế này: « Dù vì cha mẹ mà phải vất-vả cũng đừng oán giận », có vậy thôi.

Sở dĩ tôi nhắc đoạn này, không phải cốt để bới lông tìm vết cái lỗi nhỏ ấy. Chủ ý của tôi muốn về điều sau đây:

Cứ như nguyên văn mấy câu Luận ngữ trên đó thì cái đạo hiếu của Khổng-tử hình như cũng hơi khó hiểu. Thấy cha mẹ mới nhóm có ý làm điều không phải thì can, khi can không được lại phải cung-kính mà theo, như thế, há chẳng là ngài bảo « những kẻ làm con phải theo cả điều không phải của cha mẹ khi mà can-gián cha mẹ không nghe »?

Tác-giả chừng nghĩ như vậy, cho nên cách một đoạn sau, ông ấy lại vơ mấy câu ở sách Khổng-tử gia-ngữ để bào chữa lại cho Khổng-tử:

« Cha có tránh-tử[4] thì không làm điều vô-lễ..... Cho nên con theo mệnh cha, há đã là hiếu? Chỉ có biết xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu....»

Rồi đó tác giả tán thêm:

« Xem thế thì làm điều hiếu không phải cha làm thế nào con cũng theo. Có khi cha làm điều gì trái lẽ thì phải can-ngăn để cho cha không bị những điều lầm-lỗi. Ấy mới thật là hiếu ».

Sao mà rắc-rối quá chừng.

Nếu quả vậy, nếu quả Khổng-tử đã giậy học-trò như hai đoạn tác-giả nói đó, quyết rằng học-trò sẽ phải cãi lại.

Thì lúc này đã khuyên người ta: «Nếu can cha mẹ không được, lại phải cung-kính mà theo» rồi đến lúc khác lại bảo người ta: «Con theo mệnh cha không phải là hiếu. Làm điều hiếu là phải hết sức can-ngăn cho cha me khỏi bị lầm lỗi» thế thì người ta sẽ xử ra sao khi thấy cha mình làm điều không phải mà can không được? nên theo hay nên không theo?

Nào có thế thôi? Còn nữa:

Cũng trang 176, sau cái đoạn ở sách Luận ngữ, tác-giả nối luôn đoạn này:

«Phàm hiếu là khéo nối được chí của cha mẹ. Khéo noi được việc của cha mẹ. «Phù hiếu giả thiện kế nhân chi chí, thiện thuật nhân chi sự giả dã 夫 孝 者 善 繼 人 之 志 善 述 人 之 事 者 也 (Trung dong). Câu này cốt ở chữ thiện, nghĩa là phải khéo biết phân biệt cái chí của cha mẹ và công-việc của cha mẹ đã làm, để xem cái gì hay thì theo, cái gì dở thì bỏ, chứ không phải gặp thế nào cũng nhắm mắt mà theo»

Thế rồi cách một trang nữa, dưới mấy câu của sách Khổng-tử gia-ngữ, tác giả trưng ra đoạn này:

«Cha còn thì phải xem cái chí của cha, cha mất rồi phải xem việc làm của cha, ba năm không đổi cái đạo của cha, khá gọi là hiếu vậy».

Và lại giải thêm:

« Lúc cha còn thì xem cái chí, để có điều gì không phải thì can, việc không nên làm mà cha đã làm, thì không đổi ngay, đợi hết ba năm tang chế rồi hãy thay đổi, thế mới thích hợp với lẽ trung vậy.

Ôi! Nghe cái lẽ trung của tác-giả thêm cho cụ Khổng ở chỗ này mà buồn!

Không rõ tác giả đã đo bằng thứ thước nào mà biết cái lẽ trung thế là thích-hợp?

Giả-sử có kẻ sau khi cha mất độ hai năm rưỡi hay ba năm « mốt » rồi mới thay đổi công-việc của cha, thì so với lẽ trung là thiếu mấy thước, hay thừa mấy tấc?

Đem đoạn này mà gióng vào với đoạn trên, tôi thấy hai ông hiếu tử cãi nhau lộn bậy. Ông hiếu-tử trên thì không thích hợp với lẽ trung, vì không chịu nhắm mắt theo việc dở của cha mẹ đã làm. Còn ông hiếu-tử dưới thì ít ra cũng phải nhắm mắt ba năm vì đã để những việc « không nên làm » mà cha đã làm đến hết tang-chế mới đổi.

Kém gì cuộc hú tim hòa!

Nhưng xin độc giả nhớ rằng: trong mấy đoạn này tôi không bình-phẩm đạo hiếu của Khổng-tử, chỉ cốt tỏ rằng: Tác giả vì muốn bắt Khổng-tử theo mình, nên đã vơ vào một số tài-liệu vu vơ mà tán rộng ra, khiến cho Khổng-tử hóa ra một người mâu-thuẫn bất-thành-cú vậy.

  1. Sáu lối đặt chữ.
  2. Đoạn này, khi đăng ở báo Thời-vụ, có người căn cứ vào mấy điển-tích ở Hậu-Hán thư, để giải hai chữ « Thúc-tu » nghĩa là « ước thúc, tu-chỉnh ». Chẳng cần bác, chắc ai cũng biết giải vậy là rất vô lý. Vì những lẽ này: 1•) Những chữ « Thúc-tu » dùng theo với nghĩa « ước-thúc tu-chỉnh » đều là danh-từ xuất-hiện sau đời Khổng-tử gần một nghìn năm. Khổng-tử đẻ trước gần một nghìn năm, Ngài không có thể nói theo tiếng của những đời ấy. 2•) Nếu chữ « thúc-tu » nghĩa là « ước-thúc tu-chỉnh « thì theo văn pháp Tầu, không thể đặt được chữ « hành » lên trên. Bởi vì « ước-thúc tu chỉnh » là động-từ, « hành » cũng là động-từ, trong văn pháp Tầu, không được dùng hai động-từ trồng nhau như thế. 3•) Nếu « Thúc-tu » nghĩa là « ước-thúc tu-chỉnh » thì nó cũng là việc lớn, không phải việc nhỏ. Giả-sử Khổng tử chỉ dậy học trò từ đấy trở lên, thì còn từ đấy trở xuống là những việc gì? ai dậy cho họ.
  3. Công lên Ngôi.
  4. Người con biết can cha mẹ.