Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim/V
V
Biên-tập không theo phương-pháp khoa-học
Tuy chưa thành luật, nhưng sự tiến-bộ của học giới trong thế-kỷ thứ hai mươi cũng đã có quyền bắt-buộc những nhà khảo-cứu triết-học không thể bỏ được phương pháp khoa-học.
Qui-nạp-pháp, biện-chứng-pháp, hay phân loại-học... đều là những thứ lợi-khí rất cần của người học-giả. Với việc khảo-cứu triết học, mấy thứ khoa học đó cũng như thước vuông để làm đồ vuông, thước tròn để làm đồ tròn. Có nó, người ta mới có thể sắp-đặt cho ra môn-loại, có trật tự, có hệ-thống, nhất là tìm được chân-tướng những mớ tư-tưởng của người xưa đã bị linh-tinh, lộn-xộn trong đống sách cổ, hay bị mờ-ám bởi sự bàn ra, tán vào của người đẻ sau.
Tác-giả Nho-giáo vốn là một nhà Tây-học uyên-thâm, hẳn đã từng đọc những sách khảo-cứu của phương Tây, chắc không lạ gì những phương-pháp ấy. Không hiểu vì sao ông ấy không chịu đem nó mà dùng vào việc kê-cứu, biên-tập?
Thật thế, trong bộ “Nho-giáo” người ta ít khi được thấy có chỗ hợp với phương-pháp khoa-học.
Bởi thế sách ấy — nhất là cuốn I — mới có những khuyết-điểm sau đây:
1) Phân loại không được rành-rọt.
Về học thuyết của Khổng-tử, tác-giả chia ra hai phần: Hình-nhi-thượng-học và hình-nhi-hạ-học.
Hai chữ «học» ấy có lẽ chưa được ổn thỏa. Khổng-tử là nhà tư tưởng, không phải là nhà học-giả, dù mà ngài vẫn nói mình là người ham học. Thế thì những điều nhận-xét của ngài, chỉ có thể gọi là quan-niệm, hay tư-tưởng, không thể gọi là cái học. Người ta không nói « vũ trụ học » và « nhân-sinh học » của Giê xu, tất nhiên cũng không nên nói «Hình-nhi thượng-học» và «Hình-nhi hạ-học» của Khổng-tử.
Nhưng mà điều đó không cần bàn nhiều, vì nó chỉ là một sự nhỏ-nhặt. Cái đáng nói là tính-cách của sự phân-loại ấy.
Sáu chữ «Hình nhi thượng» và «Hình-nhi-hạ», không phải tác-giả đặt ra. Gốc gác của nó vốn ở thiên Hệ-từ thượng kinh Dịch. Nguyên-văn câu ấy thế này:
« Hình-nhi thượng giả vị chi đạo, hình nhi hạ giả vị chi khí ».
Gác hết những lời bàn phiếm của Tống-nho, thì thấy câu đó chỉ có nghĩa là: « Từ vật có hình-tượng trở lên gọi là đạo, từ vật có hình tượng trở xuống thì gọi là đồ » Có thế thôi.
Như thế, chữ « Hình nhi thượng » chỉ để chỉ về những cái vô-hình, mà chữ « Hình nhi hạ » thì để chỉ về những cái hữu-hình, đó là hai cái danh từ tương-đối, không có gì là phiền-phức cả.
Tác-giả cũng nhận « hình nhi thượng » chỉ là lẽ vô-hình, nhưng đến chữ « hình nhi hạ » thì lại cho là cái học thuộc về những điều quan-hệ đến nhân-sinh nhật-dụng của người ta.
Thì cũng kể là được đi. Bởi vì tác-giả vẫn có quyền đem danh-từ cũ dùng theo nghĩa mới, độc-giả vẫn có thể theo ý tác-giả mà hiểu ngầm rằng: những chữ « hình nhi thượng » và « hình nhi hạ » nó cũng gần giống gần giống chứ không thật giống — những chữ «vũ-trụ quan» và «nhân sinh quan » của các nhà khảo-cứu bây giờ. Nhưng hãy coi trong hai danh-từ đó, tác-giả liệt vào những gì?
«A Hình nhi thượng-học:
« I — quan-niệm về trời và người: Thái-cực và sự biến-hóa của thiên-lý — Người và sự tri-giác — Trung — Sinh — Nhân....
«II.— Đạo của Khổng-phu-tử — Cái vui trong sự sinh-hoạt.
«B. Hình nhi hạ-học
« I — Quân-tử và tiểu-nhân.
« II — Sự học-vấn và cách thao-thủ của người quân-tử: Sự học-vấn — Tu-thân, Xử-kỷ, Tiếp-vật — Quan-nhân — Bằng-hữu, Bác-ái...
IV — Chính-trị: Quan-niệm về chính-trị...
Đọc hết những tiết mục ấy, người ta sẽ thấy sự phân-loại của tác-giả rất thiếu về phần tinh vi.
« Cái vui trong sự sinh-hoạt » với « Bác-ái » và « Hiếu-đễ » nội-dung tuy có khác nhau, nhưng nó đều là điều kiện trong sự sống của người đời. Thế thì cớ sao « bác-ái » « Hiếu-đễ » phải ở phần «Hình-nhi-hạ » mà « cái vui trong sự sinh-hoạt » lại được nhắc lên phần «Hình-nhi thượng »? Giả-sử đem mấy thứ đó đánh đổi địa-vị cho nhau thì có trở-ngại gì không?
Quyết bằng không.
2 — Danh-từ dùng không đúng nghĩa
Trong cuốn “Nho-giáo” số 1, tác-giả đã nói rất nhiều những chữ « lý vô-cực » và « lý-thái-cực ».
Đó là theo ý Tống-nho.
Dưới câu « Dịch hữu thái cực » trong thiên Hệ-từ-thượng kinh dịch, Tống-nho chua rõ ràng rằng: « Thái-cực tức là lý vậy ». Và ở trong bộ Tinh-lý, họ cũng còn nói nhiều chỗ như thế. Cái đó chỉ tại Tống-nho mắc bệnh chủ-quan, cho nên họ mới cố-ý đem thuyết huyền-bí của cuốn sách bói bảo là những vũ-trụ-quan của Khổng-tử. Tác-giả “Nho-giáo” không xét chỗ đó, nên cũng bị lầm như họ. Cho được chứng rõ điều đó, hãy coi tác giả cắt nghĩa những danh-từ ấy ra sao:
« Vũ-trụ lúc đầu la một cuộc hôn mông mờ-mịt, không phân biệt ra gì cả. Trong cuộc hôn-mông ấy có cái lý quang-minh linh diệu vô cùng, tức là Thái-cực. Song Thái-cực là đơn-nhất, tuyệt-đối, ẩn-khuất không rõ ra, cho nên không sinh-hóa được. Muốn sinh-hóa thì phải có đôi, có tương-đối, có điều-hòa. Vậy nên Thái-cực biến thành ra âm và dương... (Trang 44).
« Đối với tạo-hóa thi Khổng-phu-tử theo cái tư-tưởng đời trước cho rằng lúc đầu ở trong vũ-trụ chỉ có lý vô-cực[1] tức là đời hỗn-mang, mù-mịt không rõ là gì cả. Lý-vô-cực ấy tức là lý Thái-cực rất linh-diệu, rất cường kiện.. Thái-cực có lúc tĩnh, có lúc động, mới phân âm và dương. (Trang 89)
Chắc không ai biết lý Vô-cực và lý Thái-cực là cái vật gì.
Theo như cái nghĩa mọi người vẫn hiểu, thì «lý» chỉ là một điều trong sự tưởng-tượng của loài người. Nó không có hình, có tượng, người ta có thể nghĩ đến nó, nói ra nó, không thể sờ thấy, nếm thấy, ngửi thấy, nghe thấy hay trông thấy nó.
Nhưng «lý vô-cực» và «lý Thái cực» mà tác-giả nói đây, thì rõ ràng là một vật có hình, có tượng, tuy chưa ai được trông thấy. Vì nó có những đức-tính « hôn mông mờ-mịt » « quang-minh linh-diệu » « hỗn-mang mờ-mịt » và rất « linh diệu » và « rất cường-kiện ». Hơn nữa, tự nó lại còn biết muốn — muốn sinh hóa — có thể động tĩnh và có thể sinh-hóa được nữa.
Vậy thì lý vô-cực và lý Thái-cực là ông ngáo ọp hay con ma khôn?
Tôi không cấm Thái-cực và Vô-cực không được có những đức-tính ấy, vì nó là vật do sự tưởng-tượng mà ra, người ta muốn cho nó là trời đất gì mà chẳng được! Y tôi chỉ cần nói rằng: Với những đức-tính tác-giả đã tả ra kia, nó không xứng đáng được gọi là lý hay lẽ. Gọi nó là lý hay lẽ, ấy là trái với khoa học. Lý đâu lại có thứ lý biết muốn có thể sinh-hóa và có thể tự-động, tự tĩnh, có thể khiến cho người ta trông thấy như loài sinh-vật vậy?
Trong bài «Ngã đích tín-nguỡng» của Ngô trĩ-Huy cũng có nói đến những tiếng Thái-cực, Vô-cực, ông ta gọi nó là «khối» và «thể», như thế có lẽ thông hơn.
3) Vượt qua địa-hạt của nhà phê-bình
Chức-vụ của nhà khảo-cứu triết học, chỉ cốt làm sao giữ đúng chân-tướng của cổ-nhân, khiến cho hậu-nhân khỏi bị hiểu lầm. Cho nên trong một cuốn sách khảo cứu triết học, sự phê-bình là việc rất nên kiêng kỵ. Vì nó có thể làm loạn mất sự phán-đoán của độc giả, khiến cho người ta không thể nhận đúng tư-tưởng của cổ-nhân nữa,
Tác giả “Nho-giáo” tuy nói rằng dùng sách ấy để làm một bức bản-đồ vẽ đúng chân-tướng của đạo Nho, mà khi khảo-cứu, vẫn luôn luôn tự phạm điều cấm kỵ ấy.
Thí-dụ như những đoạn này:
«Đạo của ngài (Khổng tử) là đạo chí-công, chí chính, khiến người ta phải theo thời mà biến đổi, tức là đạo phải tiến-hóa luôn.
« Chữ hiếu trong Khổng-giáo là quan-trọng như thế. Cho nên người đi học (?) phải xét cho kỹ, chớ nên vội-vàng phán-đoán nông-nổi mà sai lầm. Cũng vì nhiều người không hiểu, cứ câu-nệ về cái hình-thức bề ngoài... Đấy là cái lỗi tại những người đời sau, chứ theo cái đạo của Phu-tử, thì có điều gì là không hay?
« Đạo của Khổng-phu-tử là đạo Trung-dung. rất thích-hợp với chân-lý, thật là đạo xử-thế rất hay, rất phải, ai théo cũng được và thi-hành ra đời nào cũng được,..
Dẫn qua mấy đoạn mà thôi, thực ra trong bộ Nho giáo còn vô số chỗ như thế.
Sự phê-bình đó chứng rằng tác giả lúc nào cũng đứng địa-vị chủ-quan, không thể bỏ hết thành kiến. Điều đó rất có hại cho công việc khảo-cứu. Chính nó đã làm cho cuốn Nho giáo phải có nhiều chỗ sai lầm.
4 — Không chịu nhận-xét những chỗ sai lầm của sách cổ
Khảo cứu về triết-học đời cổ của Tàu, không những chỉ nguy-hiểm về nạn sách giả, mà còn nguy-hiểm về nạn chữ lầm là khác.
Ở trên đã nói, từ đời Khổng-tử đến đời Tây-Hán, thể chữ và đồ viết của Tàu thay đổi đến ba, bốn lần. Thể chữ, trước là lối chữ khoa đẩu, Thái-sử-Lựu nhà Chu mới đặt ra lối đại-triện, Lý Tư nhà Tần thì đặt ra lối tiểu triện, Trình-Mạc nhà Tần lại đặt ra lối khải-thư, tức là thứ chữ chân phương người Tàu vẫn dùng bây giờ. Trong mỗi lần thay-đổi thể chữ, các sách chữ cũ đều phải chuyển sang chữ mới, tất nhiên trong sự sao chép không thể không bị lầm-lẫn, thiếu-sót. Đồ viết cũng vậy. Những sách trong đời Khổng-tử, hết thảy viết bằng thẻ tre. Người ta dùng tre đẽo thành cái thẻ, rồi lấy nhựa sơn mà viết chữ vào. Những cái thẻ ấy đều có sợi quai bằng da, sau khì viết xong, đem xâu từng xâu treo lên mái nhà Đó gọi là sách. Đến đời nhà Tần mới biết viết chữ vào lụa. Rồi đến Sài-Luân nhà Hán mới dùng vỏ cây mà chế ra giấy. Từ thời-kỳ viết bằng thẻ tre cho đến thời-kỳ viết bằng lụa, cách nhau hơn ba trăm năm, từ thời-kỳ viết bằng lụa đến thời-kỳ viết bằng giấy, cách nhau độ hai trăm năm nữa, các thứ sách ấy tránh sao khỏi những nạn chuột tha mọt đục, dán nhấm, hay là đứt quai, đứt chuỗi mà lạc đi mất.
Hai cái cớ đó, nó đã bắt-buộc người ta tin rằng những sách đời cổ còn đến bây giờ, phải có nhiều chỗ sai-lầm. Tuy rằng từ đó đến nay, hậu-nho đã có nhiều lần so sánh, tra khảo, chữa đi chữa lại, nhưng mà những chỗ sai-lầm vẫn không thể hết.
Tác-giả «Nho-giáo» hình như quá tin Tống-nho, thấy họ nói sao, liền theo làm vậy, cho nên trong cuốn “Nho-giáo” không hề chú-ý đến chỗ sai lầm của sách cổ, và một đôi khi đã dùng những chỗ sai-lầm ấy để làm tài-liệu phán đoán tư-tưởng của Khổng-tử.
Cuốn I, trang 248, đoạn nói về kinh Dịch tác-giả có dẫn câu này của sách Luận-ngữ:
«Giả ngã sổ niên, tốt dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hĩ.»
Và dịch nghĩa là:
«Giá cho ta thêm được mấy năm nữa, để ta học Dịch cho trọn vẹn, thì khả-dĩ không có điều lầm lớn vậy».
Rồi chua thêm rằng:
« Trong chính-văn viết là: «Gia ngã sổ niên, ngũ thập dĩ học Dịch». Nhưng xét ra khi ngài về nước Lỗ, định lại kinh Dịch, thì ngài đã gần 70 tuổi, vậy chữ «ngũ thập» ở đây không có nghĩa. Chắc là chữ «tốt» người ta chép lầm ra chữ «ngũ thập».
Luôn thể tác giả tán rằng:
« Một bộ sách thánh-nhân đã phải dụng-tâm đến như thế và cho là khó hiểu như thế tất là có bao nhiêu cái tư tưởng kỳ diệu... »
Phải, trong sách «Luận-ngữ tập-chú», dưới chương này Chu-Hy đã có dẫn lời Trình-Di nói rằng: ông ta từng đọc sách Luận-ngữ khác, chữ «gia» chép làm chữ «giá» chữ «ngũ thập» chép làm chữ «tốt», nhưng không nói bản Luận-ngữ ấy là của người nào. Như thế chữ «tốt» thay vào chữ «ngũ thập» không có gì là bằng-cứ chắc-chắn, không thể cho là đúng được. Huống chi tất cả chương ấy, ý nghĩa cũng không rành rọt, người ta có thể ngờ cả chữ «dịch» chưa chắc đã đúng.
Vậy thì chương này chỉ nên coi là một đoạn hoài-nghi không nên dùng làm tài-liệu đích-xác để nói cái quan-niệm của Khổng tử đối với kinh. Dịch, nhất là không thể theo như ý của Tống-nho.
⁂
Cũng cuốn I, trang 254, đoạn nói về kinh Xuân-thu, tác giả nói rằng:
«Dẫu đời bấy giờ, các nước chư-hầu có nhiều người không biết đến vua nhà Chu nữa, nhưng ngài chép ngay đầu sách là; « Xuân-vương chính nguyệt: Mùa xuân tháng giêng của vua nhà Chu» để tỏ cái ý vẫn nhận vua nhà Chu làm chủ cả thiên-hạ...»
Đó là tác giả dập lại ý của Tống-nho, kỳ-thực «xuân-vương chính nguyệt» chỉ là một câu sai-lầm, giải bằng cách nào cũng không có nghĩa.
Trong kinh Xuân thu, bốn chữ ấy đứng riêng một chương, trên và dưới nó không có chữ nào khác nữa.
Bảo rằng Khổng-tử vì tôn vua nhà Chu, cho nên tuy không việc gì cũng chép tháng giêng nhà vua thì rất không thông. Bởi vì nhà Chu lấy tháng kiến-tý (tháng mười một) làm đầu năm, tháng giêng của nhà Chu tức là mùa đông, sao lại nói là mùa xuân? Còn nói Khổng-tử vì muốn thực-hành chí mình, cái chí muốn dùng lịch của nhà Hạ, (lấy tháng kiến dần làm đầu năm), nên mới chép thế, thì lại mâu-thuẫn hơn nữa. Vì theo lễ-tục của Tàu, thì đổi chính sóc[2] tức là một cuộc cách-mệnh rất lớn. Nếu đổi chính-sóc của nhà Chu tức là làm cách-mệnh với nhà Chu rồi, còn gì là tư-tưởng tôn Chu?
Với bốn chữ này, tiên nho cãi nhau đã nhiều. Trong cuốn «Văn-minh tân-học sách» của Đông-kinh nghĩa-thục đã có phê-bình mấy câu rất đúng như vầy:
«Xuân-vương chính nguyệt» chỉ là một câu của thánh-kinh, thế mà kẻ cho là tháng giêng của nhà Ha. kẻ cho là tháng giêng của nhà Thương, kẻ cho là tháng giêng của nhà Chu, đàn mõ đua kêu, rút lại làm thành một lời bàn trăm nghìn năm vẫn không giải quyết...
Thật thế, nếu muốn giải quyết lời bàn ấy, chỉ có cách đợi lúc quả đất tiêu-diệt.
Cho nên câu ấy cũng phải cho vào một mớ hoài nghi, không thể lấy nó làm chứng cho tư-tưởng tôn Chu của Khổng tử.
- ▲ Vô cực là thuyết của Tống nho, không phải thuyết của Khổng tử, trong bài của ông Phan Khôi phê bình « Nho giáo » đã có nói đến chỗ này.
- ▲ tháng giêng và ngày mồng một