Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim của Ngô Tất Tố
III. Đem tư tưởng của người khác làm tư tưởng của Khổng Tử

III

Đem tư-tưởng của người khác làm tư-tưởng của Khổng-tử

Bởi sự lựa-dùng tài liệu của « Nho-giáo » không được tinh-vi, cho nên, sách ấy mới có một cái khuyết-điểm rất lớn, là pha-lộn tư tưởng của học trò Không-tử hay của bọn Nho đời Hán vào với tư-tưởng của Khổng-tử.

Cho được chứng rõ cái khuyết-điểm ấy, đoạn này tôi cần nói đến những chỗ hoài nghi đối với ba cuốn Lễ-ký, Đại-học và Trung-dong.

Cũng như Thượng-thư, Lễ-ký cũng có một cái lai-lịch rất rắc rối.

Theo Hậu-Hán-thư đã chép, sách ấy vốn của học trò Khổng tử và bọn hậu-học chép ra. Nó bị mai-một đã lâu. Hồi đầu đời Hán, ông Hiến-vương ở Hà-gian mới kiếm ra được, đem dâng vua Hán, tất cả 131 thiên, lúc đó chưa có người nào đem nó truyền bá. Đến khi Lưu-Hướng làm chức Hiệu-thư-lang mới xem-xét lại thì hãi còn được 130 thiên. Lưu bèn lần-lượt sếp-đặt cho có thứ-tự và lại tìm tòi thêm được: 33 thiên Minh-đường âm-dương ký, 7 thiên Khổng-tử tam-triều-ký, 21 thiên Vương sử thị ký, 23 thiên Nhạc ký. Tất cả 5 thứ, 84 hiên, hợp với 130 thiên cũ, thành ra 214 thiên. Về sau, Đái-Đức bỏ bớt những chỗ dườm-dà, trùng điệp, dồn lại làm 85 thiên, gọi là sách Đại-Đái-ký. Rồi em Đại Đức tên là Đái-Thánh sửa lại lần nữa, thì chỉ còn được 46 thiên, gọi là sách Tiểu Đái-ký. Đến cuối đời Hán, Mã-Dung mới đem truyền-bá và lại thêm vào 1 thiên Nguyệt-lệnh, 1 thiên Minh-đường-vị và 1 thiên Nhạc-ký, thành ra 49 thiên, tức là sách -ký ngày nay.

Một cuốn sách xuất hiện một cách thình-lình, lại đã trải qua đến bấy nhiêu lần thêm vào bớt ra, cũng đủ khiến cho người ta không thể tin là sách của Khổng-môn. Huống chi lại còn nhiều điều đáng ngờ khác nữa.

Tống Nho tuy tôn Lễ ký làm một trong năm kinh, nhưng, họ cũng vẫn cho là sách của Hán nho bịa đặt. Vì theo ý họ, trong cuốn sách ấy, nhiều chỗ không phải tư-tưởng của Khổng tử hay học trò ngài.

Điều đó đích-xác! Xưa nay không ai chối cãi. Theo sự nhận-thấy của tôi, thì sách Lễ ký chẳng những nhiều chỗ không phải tư-tưởng của Khổng-môn, mà giọng văn của nó, cũng khác hẳn giọng văn của sách Luận ngữ. Hơn nữa, ở thiên Khúc-lễ — thiên thứ nhất trong kinh Lễ — lại có những chữ thanh-long, chu tước, huyền-vũ, bạch-hổ, thứ chữ của âm-dương-gia, mới có từ Hoài-nam tử (người về đời Hán), chứ đời Khổng-tử chưa có. Coi hai chỗ đó, đủ thấy Lễ-ký không phải sách của Khổng-môn còn lại.

Lễ-ký đã là sách giả mạo, thì Đại-học, Trung dung, tất nhiên không thể là sách đích thực.

Bởi vì, hai cuốn sách ấy, trước kia chỉ là hai thiên trong sách Lễ-ký. Nó đã nằm yên với các thiên khác trong sách ấy từ cuối đời Hán đến đầu đời Tống, nghĩa là gần một nghìn năm. Tới giữa đời Tống, Chu-Hy mới bắt nó phải ly-dị với sách Lễ-ký mà đứng riêng ra làm hai cuốn, để góp với sách Luận-ngữ và sách Mạnh-tử làm thành một bộ Tứ-thư là những sách đích của Khổng-môn.

Sở dĩ có sự « thăng hàm » cho sách như vậy, chỉ vì Tống-nho quen khảo-cứu bằng cách phỏng-đoán. Với sách Lễ-ký, họ nói giằng co mà rằng: sách ấy tuy của Hán-nho đặt ra, nhưng, ở trong cũng có nhiều thiên thực của học trò Khổng-tử. Đại học, Trung-dung tức là những thiên do bọn học trò Khổng-tử viết ra. Người viết ra thiên Đại-học là Tăng-tử, người viết ra thiên Trung-dong thì là Tử-tư, Tống nho nói trắng như thế.

Chỗ đó mới là quái gở.

Cái gốc đã là giả hiệu, thế mà cái ngọn lại cố bảo là thực hiệu, thì ai mà tin cho được. Huống chi Kinh lễ hơn 40 thiên, sao các thiên khác không biết soạn giả là ai, mà hai thiên này lại biết chắc của hai người ấy?

Trở lên, bấy nhiêu chứng cớ, tưởng cũng đủ cho chúng ta nhận thấy hai cuốn Đại-học Trung dung cũng như sách Lễ-ký, không phải sách của Khổng môn chép ra, không thể dùng làm tài-liệu khảo-cứu Khổng tử.

Giả sử nhường đi một bước, chúng ta hãy tạm gác sự vô lý lại đó mà nhận Đại-học, Trung-dung là của Tăng-tử, Tử-tư soạn ra đi nữa, thì nó cũng chỉ là những tư-tưởng của Tăng-tử và Tử-tư, không thể bảo là tư-tưởng của Khổng-tử được, dù hai ông đó một là học trò, một là đích-tôn của ngài.

Bởi vì những mớ tư-tưởng từ óc Khổng tử truyền sang đến óc các ông học trò, phần nhiều đã có biến-hóa tính-chất, chứ nó không phải là những cục gỗ, cục đá, tha hồ khiêng-vác, vẫn không thay hình đổi dạng.

Cứ như ở sách Hàn-tử thuật lại, thì sau khi Khổng-tử mất đi, đạo Nho chia ra làm tám phái cả thảy. Trong tám phái đó, điều lấy, điều bỏ không ai giống ai, mà ai cũng nhận cái thuyết của mình mới thật là của Khổng-tử.

Lại như trong sách Luận-ngữ đã chép, thì khi học trò Tử-Hạ đến hỏi Tử Trương về lối giao-du, Tử-Trương cũng nói những điều của mình đã nghe được ở Khổng-tử, khác hẳn với những điều Tử-hạ đã dạy.

Những sự khác nhau của các học trò Khổng-tử tức là bằng chứng về sự biến hóa giữa những tư-tưởng của Khổng-tử và tư tưởng của mấy ông đó. — Nếu không biến hóa, thì tư-tưởng của các ông ấy tất nhiên phải đúng như nhau, cớ sao lại khác nhau được?

Vì thế chúng ta khảo về Khổng tử, nếu muốn cho ông cụ ấy còn được nguyên hình, không bị chắp nối từng mảnh, thì không nên đem những tư-tưởng của học trò ngài mà chộn lẫn vào với tư-tưởng của ngài. Nhất là những cái tư tưởng đã bị ngờ là của Hán-nho, càng không nên dùng làm tài liệu để thêu dệt thêm cho ngài.

Tác giả Nho-giáo không chịu như thế. Bao nhiêu những cái mà Tống-nho đã bảo là của Khổng tử, thì bất luận nếp tẻ gì cả, ông ấy cũng cho luôn làm của Không tử, không ngần ngại gì. Thí dụ như những đoạn này:

Chương II, trang 127, dưới cái tiểu đề « Đạo của Khổng-phu-tử» tác-giả cắt nghĩa:

«Đạo của Khổng-phu-tử, không lấy việc quỉ-thần mà đặt ra những điều mê-tín, không lấy sự sống chết mà huyền-hoặc lòng người. Ngai chỉ cốt lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, hiếu, đễ, trung, tín làm đạo thường. Ngài cho những điều ấy chính là những cái minh đức của thiên-lý, vậy nên phải theo thiên-lý mà làm cho sáng rõ những minh đức ấy, để khiến người ta càng ngày càng hay hơn, đến chí thiện mới thôi. Đấy là nghĩa câu ở đầu sách Đại-học: « Đạo tại minh minh-đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện».

Trong đoạn này, chỉ có nửa trên đúng với tư-tưởng của Khổng tử, trong khi dạy học, Khổng-tử thật ít nói đến việc quỉ thần, hay sự sống chết. Nhưng còn nửa dưới, thì nó chỉ là nghĩa ở đầu sách Đại-học mà thôi, sao biết ý của Khổng-tử như thế?

Trong sách Đại-học, về chỗ này, ngoài câu « Đại-học là di-thư của Khổng-môn » do Trình-Di[1] nói ra, không có một vết tích gì có thể nhận là ý của Khổng-tử, cho đến những chữ « Tử viết », « Khổng-tử-viết » hay « Trọng-Ny viết» cũng không có nữa.

Đem cái ý ấy mà so với sách Luận-ngữ, là sách đích của Khổng-môn còn lại, cũng không thấy nó hợp với chương nào câu nào.

Thế thì căn cứ vào đâu mà võ-đoán rằng đạo của Khổng là vậy.

Tác-giả chừng cũng tự biết như vậy, cho nên tiếp đó mới nói gượng rằng:

« Đạo của Khổng-tử lấy chữ « chí thiện » làm cực điểm. Chí-thiện tức là nhân. »

Đó là ý của Tống nho, Khổng-tử không nói thế, hay nói dưa dứa như thế bao giờ.

Cũng ở trang ấy và dưới cái tiểu-đề ấy, tác-giả lại thích cái đạo của Khổng-tử như vầy:

« Trời phú tính cho người ta, thì cái đạo là phải giữ cái tính ấy cho thuần-nhất như lúc mới đầu bẩm-thụ. Sửa cái đạo ấy để khỏi sai lầm là việc giáo hóa. Vậy nên sách Trung dong nói rằng: « Trời phú cho gọi là tính, theo tính gọi là đạo, sửa đạo gọi là giáo. Đã là đạo thì không giây phút nào xa lìa ra đuợc, nếu xa lìa ra được thì không phải là đạo».

Đoạn này cũng vu vơ như đoạn trên, nghĩa là ở chung quanh nó cũng không có chút dấu vết tỏ ra ý của Khổng tử, không thể đem nó mà cắt-nghĩa đạo của Khổng-tử.

Chương IV, trang 215, nói về tư-tưởng chính trị của Khổng-tử, tác-giả viết rằng:

« Cái chính-thể của Khổng-giáo có cái quan niệm đặc biệt là cho trời với người cũng đồng một thể. toàn-dân muốn thế nào là trời muốn thế ấy. Ông vua chỉ là một phần trong toàn thể, vì có tài có đức, mà được địa vị tôn-quý để giữ cho toàn thể được điều-hòa yên-ổn. Hễ vua làm điều gì trái lòng dân, tức là trái mệnh trời. Thành thử ông vua tuy đối với trời được thay quyền trời, nhưng đối với dân lại phải chịu hết trách nhiệm. Mà dân thì tuy phải chịu quyền cai trị, nhưng vẫn có quyền bắt vua phải theo điều lành mà làm». Vì rằng: «Trời thương dân, dân muốn điều gì trời cũng theo. (Thư Thái-thệ thượng). Vậy muốn biết lòng Trời thì cứ xem lòng dân: «Trời trông thấy, tự ở dân ta trông thấy, trời nghe thấy, tự ở dân ta nghe thấy (Thư Thái thệ trung)... »

Đoạn này, nửa trên gần giống ý-kiến của Lương-khải-Siêu đã nói trong Ẩm-băng-thất văn-tập. Còn mấy câu kinh Thư ở nửa dưới thì là những cái tư-tưởng mới có từ đời Chiến-quốc, trái hẳn với tư-tưởng chính trị của Khổng-tử.

Trong sách Luận-ngữ, Khổng-tử đã nói: «Dân có thể khiến cho nó theo, không thể khiến cho nó biết». Coi đó thì biết ngài là một người thiên về chính-trị chuyên-chế, không khi nào lại chịu coi dân là trời.

Vả lại, những câu kinh Thư mà tác giả đã dẫn vào đó, nó chỉ là tư tưởng của Hán nho, nếu kinh Thư là sách giả-mạo. Hay nếu có nhận kinh Thư là sách « thật hạt » đi nữa, thì những ý ấy lại là tư-tưởng của Vũ vương nhà Chu, không dính gì đến Khổng tử.

Tác-giả dùng nó làm chứng để nói quyết rằng tư tưởng chính trị của Khổng-tử cũng cho mệnh trời tức là lòng dân, thật là một sự quá-quắt.

Vậy là trong mấy đoạn này, cái tượng Khổng-tử ở Nho-giáo đã bị đắp bằng tư tưởng của Tăng-tử, Tử-Tư, Vũ-vương hay là Hán-nho.

Trong cuốn Nho-giáo thứ nhất còn có nhiều chỗ luộm-thuộm như thế, mà phần nhiều là vơ ở sách Lễ-ký và sách Khổng-tử gia-ngữ. Nhưng nói nữa e rằng nhiều quá. Xin thôi.

  1. Một người tiêu biểu của Tống nho, cách Khổng-tử chừng 1.500 năm.