Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim của Ngô Tất Tố
II. Sự cẩu thả trong việc lựa dùng tài liệu

II

Sự cẩu thả trong việc lựa dùng tài liệu

Nếu cuốn “Nho-giáo” chỉ có mục-đích quảng-cáo cho Khổng-Tử và Tiên-nho, thì dẫu tác-giả chấp cả tài liệu, cứ việc viết theo ý muốn của mình, cũng không ai được phàn nàn, vì nó là sách quảng cáo.

Nhưng, không phải thế, cuốn “Nho-giáo” là sách khảo-cứu, Tác-giả muốn dùng nó làm bức bản-đồ để ghi lại dấu tích của toà nhà «Nho-giáo» đương bị đổ nát, điêu tàn Cho nên, bài tựa cuốn 1 có nói:

«Đã nói quyển sách này là cái bản-đồ về cái nền Nho-giáo cũ, thì dẫu hay, dở thế nào mặc lòng, cốt nhất là phải vẽ cho đúng».

Và bài tựa cuốn ba lại thêm:

«Sách này làm theo cái mục-đích đã định, là muốn vẽ cho đúng cái chân-tướng của Nho-giáo trải qua các thời-đại. Cái muc-đích đó có đạt tới được hay không chưa giám quyết, nhưng dù thế nào mặc lòng, ta đem tấm lòng thành-thực mà thuật lại cái đạo của thánh-hiền để học-giả có thể nhân đấy mà kê-cứu.»

Những ý-kiến ấy thực xứng-đáng với tư-cách một nhà khảo-cứu. Một cuốn sách có quan-hệ đến một học thuyết đã hai nghìn năm chiếm quyền -chủ trong cõi tộc phương đông như cuốn Nho-giáo ít ra cũng phải đi tới bậc đó, mới khỏi mắc tội lừa dối đời sau.

Bởi thế, với cuốn Nho-giáo vấn-đề tài-liệu mới thành ra phần quan-trọng trong việc biên-tập. Nó không cho phép tác giả có thể cẩu-thả chút nào. Vì, nếu cẩu-thả, thì cái bản-đồ kia không khỏi có chỗ sai-lầm, mà chân-tướng của Nho-giáo sẽ bị mờ mịt đi thôi.

Nhưng, sự lựa-chọn tài-liệu — nhất là tài liệu thuộc về Khổng-tử, — để vẽ cho đúng bản-tướng của Nho-giáo, không phải là sự dễ-dàng. Bởi vì những sách nói là xuất-hiện khoảng đời Khổng-tử, đã bị xen vào nhiều thứ giả-mạo, do người đời Hán chế ra nó làm cho người ta sẽ bị lầm lẫn, nếu sự lựa trọn không tinh tế.

Phải, cái chuyện sách-giả ở đời Hán là sự dịch có. Nguyên nhân của nó. xưa nay ai cũng đổ tại nhà Tần đốt sách và chôn học-trò. Nhưng theo ý tôi, ngoài sự tàn bạo ấy của vua Thủy-hoàng, còn việc thay đổi thể chữ và việc thay đổi đồ viết cũng là rễ gốc của chuyến đó.

Tù đời Khổng-tử đến đời Hán sở, thể-chữ của Tầu đã bị bốn lần thay đổi, trước là khoa-đẩu, biến ra đại-triện, rồi biến ra tiểu triện, rồi biến ra lệ-thư, cuối cùng mới thành khải-thư, là lối chữ của người Tầu hiện dùng. Đồ viết cũng bị thay đổi 3 lần trước còn viết bằng thẻ tre, sau viết bằng lụa sau rốt mới viết bằng giấy. Mỗi lần thể chữ và mỗi lần đồ viết thay đổi, tự nhiên phải có nhiều sách mai một vì không có hân-hạnh được phép sang thể chữ mới hay đồ viết mới.

Những nguyên-nhân đó hợp lại làm cho đời Hán có nạn khủng-hoảng sách cổ khi người đời ấy đã thấy món đó là vật cần dùng. Rồi đó nhà vua hạ lệnh sưu-tầm, phiên-vương tranh nhau mua-chuốc, sách cổ lúc ấy đã thành một vật rất quí. Vì vậy, mới có những kẻ chế ra sách giả.

Hồ-Thích, một nhà học-giả trứ-danh ở Tầu hiện nay, đã chia bọn này ra làm hai hạng. Một là người có tư-tưởng, muốn đem nó ra sửa lại cuộc đời, nhưng sợ không có người theo, mới phải viết sách mà mượn tiếng cổ nhân. Hai là một bọn con buôn, chỉ chuyên bán sách lấy lợi, hoặc là soạn hẳn ra cuốn sách giả, hoặc là nhân có vài thiên sách cổ mà viết thêm cho thành một cuốn sách giầy, để được nhiều tiền.

Tào-tụ-Nhân trong cuốn Quốc-cố-học-đại-cương lại thêm một hạng người nữa, là người soạn ra sách giả để đón ý-muốn của chủ. Theo ý Tào, thì khi Vương-Mãng định cướp ngôi vua nhà Hán, Lưu-Hâm là tay giúp việc cho hắn. Vì cái tâm lý muốn rằng các việc đều phải bắt trước đời xưa, Lưu mới lợi-dụng cái ngôi Hiệu-trung bí-thư của mình mà tự soạn ra sách cổ, hoặc tự chữa lại sách cổ để làm hậu-viện. Những sách ngày nay gọi là cổ-văn, như sách Chu Lễ, sách Tả truyện.... đều ở tay Lưu mà ra tất cả.

Tôi cho lời Hồ và Tào là đúng. Hạng người đó, chẳng phải chỉ riêng ở Tàu đời xưa mới có, trong bọn bán sách cho trường Bác-cổ Viễn đông cũng có. Vì thế, một nhà xuất-bản Hanoi đã in cả thơ của cụ thân mẫu ông T. Đ. R. vào trong tập thơ Tú-Xương.

Làm thế nào mà phân biệt được sách giả sách thật?

Hồ Thích khi làm cuốn Trung quốc triết học-sử đại cương đã vẽ ra năm phương pháp:

1•) So sánh ngày tháng và công việc trong sử.

2•) Kê-cứu tiếng nói của từng thời-đại.

3•) Kê cứu thể văn của từng thời đại.

4•) Kê cứu tư tưởng của từng người.

5•) Tham khảo bằng-chứng ở các sách khác,

Năm phương-pháp ấy, Hồ nói rất kỹ-càng, có thể cho rằng nó không phải là phương-pháp riêng của Hồ mà là phương pháp chung của nhà khảo-cứu. Những nhà khảo cứu, nếu có lòng thật thà với cổ nhân và hậu nhân thì khi soạn một cuốn sách nào, ít ra cũng phải công-phu như thế.

Không hiểu vì sao tác-giả “Nho-giáo” trong khi lựa-dùng tài liệu, lại kiêng tất cả các phương pháp đó, không thèm dùng một thứ nào?

Thật thế! Nếu tác giả “Nho-giáo” mà dùng những phương pháp ấy thì đâu đến nỗi vơ vào cả những sách giả?

Trong cuốn Nho-Giáo, tài-liệu về Khổng-Tử, tác-giả đã dùng nhiều nhất là những sách này: Khổng-tử-gia-ngữ, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Dịch, kinh Thi, kinh Xuân Thu, Đại học, Trung-dong, Mạnh-tử và Luận-ngữ.

Trong bấy nhiêu sách, trừ ra mấy cuốn Luận-ngữ, Mạnh tử, kinh Xuân-thu và kinh Thi, còn thì đều là những sách đáng ngờ, hoặc không thể tin.

Nhất là Khổng-tử gia ngữ.

Sách này ngày xưa người ta vẫn bảo là của Vương Túc soạn ra. Trong sách chép toàn về chuyện Khổng-tử và lời nói của ngài và của các học trò ngài.

Vương là người đời Tấn, đẻ sau Khổng tử độ 7 trăm năm, nghĩa là bằng từ đầu nhà Trần đến giờ.

Bây giờ nếu có ngườ nào tự nhiên theo thể lịch sử hay thể nhật-ký, viết một cuốn sách nói rất tỷ mỷ về công-việc hàng ngày của ông Trần-hưng-Đạo, chúng ta hẳn không ai tin là truyện có thực. Vì người ấy cũng xa ông Trần-Hưng Đạo như chúng mình, làm sao mà biết được việc làm lời bói của ông ấy? Thế thì Vương Trúc cách đời Khổng-Tử đến bấy nhiêu năm, tất nhiên cũng không thể biết được một cách tỷ mỷ việc làm lời nói của Khổng-tử.

Giá trị của cuốn Khổng-tử gia-ngữ, cũng như giá trị một cuốn tiểu-thuyết mà thôi. Bởi thế, Tống-nho bòn sách Khổng môn như bòn vàng, họ cũng không giám đem sách ấy mà liệt vào hạng kinh truyện.

Rồi đến kinh Thư.

Cứ như các sách đã nói, kinh Thư nguyên là sách của đời cổ, do tay Không-tử sửa lại, có một trăm thiên. Nhưng nguyên-bản của nó đã bị ra tro sau ngọn lửa đốt sách của Tần Thủy hoàng. Đời Hán thiếu hẳn sách ấy. Văn đế nhà Hán nghe tin Phục Thắng ở Tế nam đã làm bác-sĩ nhà Tần, chuyên trị kinh Thư, mới sái Triều Thố đến nhà mà hỏi. Bấy giờ Phục-Thắng ngoài 90 tuổi, đã móm hết răng, tiếng nói phều phào, người lạ không thể hiểu. Con gái ông ta phải làm thông ngôn để cho Triều Thố chép lại. Tất cả được 20 thiên.

Đến đời nhà Tấn, Mai Trích dâng vua thêm 25 thiên nữa. Trong đó có bài tựa của Khổng an-Quốc (người về đời Hán) đại lược kể rằng: Tiền-nhân ông ta (Khổng an Quốc) vì sợ chính-lệnh hà-khốc của nhà Tần, mới đem sách của nhà mình mà dấu vào trong bức tường. Về sau Cung vương (con vua Cảnh-đế nhà Hán) định phá nhà cũ của Khổng-tử để làm cho rộng nhà mình, lúc phá đến tường, thấy có kinh Thư của các đời Ngu, Hạ, Thương, Chu và sách Luận ngữ, sách Hiếu-kinh, lúc lên trên thềm lại nghe có tiếng ty trúc, Cung-vương bèn thôi không phá nhà đó mà đem các sách trao trả họ Khổng. Bởi những sách ấy toàn là lối chữ khoa-đẩu, bấy giờ không có ai biết, vua Hán mới sai đem nó so với các thiên của Phục-Thắng, thì khảo ra được 25 thiên, còn nữa đều lộn-xộn, mòn-nát, không thể biết là cái gì, phải cất vào trong kho sách. An-Quốc chỉ đem 25 thiên ấy hợp với các thiên của Phục-Thắng làm thành sách Thượng-thư 59 thiên, đã có kê-cứu, chú-thích cẩn-thận. Nhưng vì có nạn vu cổ không đem dâng vua. Thế là sách ấy liền bị chẩm đi. Cách mấy trăm năm, Mai-Trích mới kiếm ra được.

Hai truyện đó, chuyện trên chép ở Nho-lâm-truyện của đời Hán, truyện dưới chỉ thấy ở đầu bộ kinh Thư của Mai-Trích tức là thứ kinh Thư lưu-hành bây giờ.

Hiện nay trong kinh Thư vẫn còn chia ra hai phần. Phần của Mai-Trích thêm vào, gọi là Cổ-văn Thượng thư, phần của Phụ-Thắng đọc ra, gọi là Kim-văn Thượng-thư.

Xưa nay, người ta vẫn cho phần kinh Thư do Phục-Thắng đọc ra, thực là sách của Khổng-tử sửa lại, nhưng tôi không dám tin hẳn như thế

Cái việc Triều Thố đến hỏi Phục Thắng là việc trong đời Văn-đế, cách đời Cao-tổ chưa lâu lai gì. Hán-sử chép rằng: Khi Hán Cao-tổ lên làm vua rồi, Lục Giả thường nghiền Thi, Thư, đã bị Cao-tổ mắng rằng: « Cụ mày nhờ trên mình ngựa mà được thiên-hạ... Dùng gì đến Thi, Thư? » Lục Giả cãi rằng: « Nhà vua được thiên hạ bằng trên mình ngựa, chứ không thể trị thiên hạ bằng trên mình ngựa ».

Đó là chứng cớ Lục-Giả đã được học qua kinh Thư — nếu quả là có kinh Thư — Đến đời Văn-đế, Lục-Giả còn sống và còn làm một vị đại-thần, sao Văn-đế không hỏi ngay hắn, mà lại đi hỏi Phục-Thắng?

Vì thế, tôi ngờ chữ « thư » đời cổ chỉ có nghĩa là sách, không phải là tên riêng của một thứ sách. Nhưng chỉ ngờ vậy, hiện nay tôi chưa có thêm bằng chứng, chưa dám nói quyết là đích như thế.

Gia cho cái nửa kinh Thư của Phục-Thắng là thực đi nữa, nhưng cái nửa kinh Thư của Mai-Trích, thì thật mười phần giả mạo cả mười. Một là bài tựa của Khổng an-Quốc giống như giọng văn Lục-triều, không phải giọng văn Tây-Hán. Hai là những thiên của Mai-Trích phát-hiện, văn-nghĩa xuôi-thuận, không trúc-trắc như những thiên của Phục-Sinh. Cứ như sự kê-cứu của bọn học-giả đời Thanh thì bộ kinh Thư của Mai-Trích là do học trò Vương-Túc đời Tấn soạn ra.

Vì trong hồi ấy, những người nghiên-cứu kinh Thư, đều cho lời chú-thích của Trịnh-khang-Thành[1] là đúng. Vương muốn nâng cao địa-vị của mình, đã dùng hết cách để công-kích Trịnh. Rút lại, cái lý của Vương vẫn non, không thể đánh đổ được Trịnh. Bây giờ bọn học trò Vương mới tựa theo giọng của truyện-ký, chú-sớ đời trước mà soạn ra bộ Cổ-văn Thượng thư và bộ Khổng-tử gia-ngữ cho đủ chứng-cớ để bênh thày mình. Tống-nho đã có bài-bác giọng văn của sách Cổ-văn Thượng-thư và đã ngờ những thiên ấy đều là sách giả. Nhưng, một đằng ngờ vậy, một đằng lại cứ tôn làm sách của thánh-nhân, cái mâu-thuẫn của họ thật là khó hiểu.

Rồi đến kinh Lễ.

Rồi đến hai thiên Đại-học, Trung-dong.

Rồi đến các thiên Thuyết-quái Văn-ngôn và Thoán-truyện... ở kinh Dịch.

Cái cớ tại sao tôi ngờ mấy thứ sách ấy, sau đây sẽ nói đến.

Tóm lại, mấy bộ sách này hoặc là giả-mạo, hoặc là đáng ngờ, không thể coi là sách của Khổng-môn. Nó chỉ có thể dùng làm tài liệu để khảo-cứu về tư-tưởng trong thời-đại các tác giả của nó, chứ không thể dùng để khảo cứu về tư-tưởng của Khổng-tử.

Tác-giả «Nho-giáo», cứ dùng bừa đi, không phân-biệt gì, thì Khổng tử trong cuốn «Nho-giáo», cố nhiên phải « râu nọ cằm kia », không thể là Khổng-tử thật

  1. Một người danh-nho trong đời Đông-Hán.