4. — MÂN PHÁI

CHU HI

Chu Hi 朱 熹, tự là Nguyên-hối 元 晦, sau đổi là Trọng-hối 仲 晦, hiệu là Hối-am 晦 庵, (1130-1200), người huyện Vụ-nguyên, tỉnh An-huy. Thủa 18 tuổi đỗ tiến-sĩ, bổ làm chủ-bạ huyện Đồng-an, tỉnh Phúc-kiến, được ít lâu bỏ về, nghe ở đất Diên-bình, huyện Nam-bình, tỉnh Phúc-kiến, có Lý Đồng vui đạo ẩn cư ở đó, ông bèn đến theo học, mới được cái chính trnyền của họ Trình. Ông làm nhà gọi là Trúc-xá ở trong núi Võ-di-sơn, thuộc huyện Sùng-an, phủ Kiến-ninh, tỉnh Phúc-kiến, kẻ sĩ ở các nơi đến theo học rất đông. Hậu-nho nhân đó mà gọi phái của ông là Mân-phái.

Đến đời vua Hiến-tôn nhà Nam-tống (1165-1189) ông được cử đi làm chức tri Nam-khang quân, sau được thăng chức đề-cử ở đất Chiết-đông. Vua Ninh-tôn (1195 1225) lên ngôi, triệu ông vào triều làm chức Thị-giảng được 40 ngày, thì bị hặc phải bãi về. Lúc ấy ông thường bị chỉ chích là ngụy học, nhưng ông cứ giảng tập không thôi. Ông mất năm Khánh-nguyên thứ sáu (1200) đời vua Ninh-tôn, được tặng tên thụy là Văn 文.

Tính ông rất nghiêm cẩn, lúc nào cũng giữ lễ phép. Học-trò ông là Hoàng Cán 黃 幹, tự là Trực-khanh 直 卿 làm bài trạng, tán đức hạnh của ông, nói rằng: « Nhan sắc ông trang nhã, lời nói nghiêm-lệ, đi thì thong-thả mà cung kính, ngồi thì đoan trang mà chính trực. Lúc nhàn cư thì chưa sáng đã dậy, mặc áo thâm, bịt khăn nếp, đi giầy vuông, vào lạy gia miếu và các đấng tiên thánh rồi lui ra ngồi ở thư viện. Án-thư để ngay ngắn, sách vở đồ dùng để chỉnh-tề. Lúc ăn uống thì đồ ăn thức đựng bày đặt có định vị, cái thìa đôi đũa cất nhắc có thứ tự. Khi mỏi nghỉ ngơi, thì nhắm mắt ngồi ngay-ngắn, nghỉ xong đứng dậy bước đi thong-thả. Nửa đêm mới đi ngủ, có khi thức dậy ôm chăn mà ngồi đến suốt sáng. Uy nghi dáng-dấp lúc nào cũng giữ phép tắc, từ thủa nhỏ đến già, lúc rét lạnh, lúc nóng nực, cho đến lúc vội vàng hoảng-hốt, không lúc nào là lìa bỏ lễ phép. »

Ông thường nói rằng: « Cái đạo-thống của thánh hiền tản mát ra trong sách vở, chỉ vì cái tôn chỉ của thánh hiền không sáng rõ ra, cho nên cái truyền của đạo-thống tối đi. » Vậy nên ông mới đem hết tâm lực mà nghiên cứu cho đến cùng các Kinh huấn của thánh hiền, phàm cái gì quan-hệ đến đường lối để cho người ta đi vào cái đức và tới cái đạo, thì ông suy xét đến những lẽ cực sâu, cưc tinh, mà phát minh ra.

Ông làm ra những sách: Dịch bản-nghĩa 易 本 義, Dịch học khải mông 易 學 啟 蒙 Thi-tập-truyện 詩 集 傳, Tứ-thư tập-chú 四 書 集 註, để giải rõ nghĩa những Kinh Truyện của thánh hiền. Những sách của Thiệu Khang-tiết, của Chu Liêm-khê và của Trương Hoành-cừ và của hai anh em họ Trình làm ra chưa được bao lâu, mà những lời tinh-vi, những nghĩa to-tát, đã mờ đi, ông bèn góp nhặt lại làm ra Thái-cực-đồ-giải 太 極 圖 解, Thông-thư-giải 通 書 解. Chính-mông-giải 正 蒙 解 v. v. để phát minh cái nghĩa lý ra, cho nên những sách ấy mới thịnh-hành được. Còn về phần tư-tưởng của ông, thì có những sách: Cận-tư-lục 近 思 錄 Văn-tập 文 集, Ngữ-lục 語 錄, Gia-lễ 家 禮 v. v. đều là quan-hệ đến học-thuyết và luân-lý.

Xét về đường triết-học, thì cái học của Chu Hối-am có nhiều điều cao minh, mà về đường thực hành, thì có nhiều điều cố-chấp rất hẹp-hòi. Đó là sự rất hệ-trọng, ta nên chú-ý mà xét cho kỹ, thì mới hiểu rõ được cái học của ông vậy.

Lý và khí — Chu Hối-am theo cái học-thuyết của Chu Liêm-khê, Trương Hoành-cừ, Trình Minh-đạo và Trình Y-xuyên mà bàn về vũ-trụ và tâm tính. Về cái thuyết lý và khí, ông nói rằng: « Thiên địa chi gian, hữu lý hữu khí. Lý giã giả, hình-nhi-thượng chi đạo giã, sinh vật chi bản giã. Khí giã giả, hình-nhi-hạ chi khí giã, sinh vật chi cụ giã. Thị dĩ nhân vật chi sinh, tất bẩm thử lý, nhiên hậu hữu tính; tất bẩm thử khí nhiên hậu hữu hình. Thiên hạ vị hữu vô lý chi khí, diệc vị hữu vô khí chi lý 天 地 之 間,有 理 有 氣.理 也 者,形 而 上 之 道 也,生 物 之 本 也.氣 也 者,形 而 下 之 器 也,生 物 之 具 也.是 以 人 物 之 生,必 禀 此 理 然 後 有 性;必 禀 此 氣,然 後 有 形.天 下 未 有 無 理 之 氣,亦 未 有 無 氣 之 理: Trong khoảng trời đất có lý, có khí. Lý là cái đạo thuộc về hình-nhi-thượng, cái gốc sự sinh ra vật. Khí là cái khí-cụ thuộc về hình-nhi-hạ, cái đồ để sinh ra vật. Bởi thế người với vật sinh ra, ắt là bẩm cái lý ấy rồi mới có tính; ắt là bẩm cái khí ấy rồi mới có hình. Trong thiên hạ chưa có khí nào không có lý, cũng chưa có lý nào không có khí. » Vậy lý là phần thuộc về hình-nhi-thượng mà khí là phần thuộc về hình-nhi-hạ, nghĩa là lý thì vô hình mà khí thì có hình, nhưng cái nọ lân cái kia, chứ không bao giờ có cái nọ mà không có cái kia được. Bởi vậy ông nói rằng: « Lý khí bản vô tiên hậu chi khả ngôn. Nhiên lý hựu phi biệt vi nhất vật, tức tồn hồ thị khí chi trung 理 氣 本 無 先 後 之 可 言.然 理 又 非 别 爲 一 物,卽 存 乎 是 氣 之 中: Lý với khí vốn không nói được có cái trước cái sau. Song lý không phải là một vật đứng riêng một mình, tức là ở trong khí. » Lý với khí lúc nào cũng đi với nhau, nhưng xem câu vấn đáp sau này thì ông vẫn cho lý là gốc. Hỏi rằng: « Trước khi chưa có trời đất, hết thảy chỉ có lý, có phải không? » — Rằng: « Trước khi chưa có trời đất hết thảy chỉ có lý. Có lý ấy, mới có trời đất ấy. Nếu không có lý ấy, thì cũng không có trời đất, không có nhân vật gì cả. Có lý là có khí, hai cái cùng lưu-hành và phát dục vạn vật. » — « Thái-cực không phải là cái đã có trước khi có trời đất, không phải là cái vật hộn thành ra, chỉ là cái tổng danh để gọi cái lý của trời đất và vạn vật, có phải không? » — Rằng: « Thái-cực chỉ là cái lý của trời đất và vạn vật. Nói ở trời đất, thì trong trời đất có cái Thái-cực; nói ở vạn vật, thì trong vạn vật, mỗi vật có một cái Thái-cực. »

Thái-cực là lý. Trong vạn vật, mỗi vật có một Thái-cực, nhưng tóm cả lại là chỉ có một Thái-cực, cũng như là nói trong vạn vật, mỗi vật có một lý, nhưng tóm cả lại là chỉ một lý mà thôi. Cái thuyết cũng tương-tự cái thuyết của Trương Hoành-cừ nói về Thái-hư.

Lý thì không phân biệt ra khác nhau được, dẫu có chia ra làm nghìn, làm vạn mối cũng chỉ là một gốc mà thôi. Khí thì chia ra làm nhiều loài, mà mỗi loài một khác. Sự khác nhau ấy bởi tại khí có thanh, trọc, hậu, bạc, cho nên mới thành ra có sai biệt.

Tính. — Vạn vật tuy có sai biệt, nhưng vật nào cũng có cái Thái-cực. Cái Thái-cực ấy ở vào bậc thánh hiền thì cái tia sáng phát hiện ra như hòn ngọc quý nằm trong nước trong, mà ở vào người ngu dại, thì nó tối mờ đi, như hòn ngọc nằm trong chậu nước đục vậy.

Thái-cực ở trong người ta là cái tính bản-nhiên của mình. Cái tính ấy theo bản-nguyên của nó thì ai cũng như ai cả. Song người ta lại bẩm thụ cái khí mà sinh ra, tất là có cái tính khí-chất. Cái tính khí-chất thì tùy cái khí bẩm thanh, trọc, hậu, bạc, mà thành ra khác nhau. Thí dụ như theo cái thuyết ngũ hành ngũ đức tương phối, thì người nào chịu nhiều kim khí là khác người chịu nhiều mộc khí v. v., chỉ có bậc thánh hiền thì mới có cái tính khí-chất hoàn-toàn và có năm đức kiêm bị.

Cái tính khí-chất không những là có thanh trọc khác nhau mà thôi, lại có thuần hay không thuần nữa. Thí-dụ: Có người thông minh việc gì cũng hiểu cả, ấy là bởi có cái khí thanh; nhưng đến việc làm thì vị tất việc gì cũng trúng lý, ấy là bởi có cái khí không được thuần. Có người cẩn hậu trung tín, ấy là bởi có khí thuần; nhưng đến sự biết thì vị tất việc gì cũng đạt được lý, ấy là bởi cái khí không thanh. Thanh với trọc, thuần với không thuần là bởi cái thiên-mạnh định ra như vậy. Nhưng ta có thể lấy nhân lực mà biến hóa cái tính khí-chất đi, làm cho sáng cái tính thuần-túy là thiên-lý ra, ấy là cái công phu của sự tu dưỡng vậy.

Cái tính bản-nhiên và cái tính khí-chất tuy khác nhau, nhưng hai tính ấy mật-tiếp với nhau, không bao giờ có tính nọ mà không có tính kia được. Bởi vì một bên là hình-nhi-thượng thuộc về tinh thần, một bên là hình-nhi hạ thuộc về vật chất. Cái hình-nhi-thượng có cái hình-nhi-hạ mới phát hiện ra được, ví như một gáo nước, không có cái gáo đựng, thì nước không chứa vào đâu. Vậy nên đã có lý là có khí, mà có khí là có lý.

Tâm. — Trương Hoành-cừ đã nói: « Tâm tóm cả tính tình vậy » và Trình Y-xuyên cũng nói : « Ở trời làm mạnh, ở người làm tính, luận cái sở chủ thì làm tâm ». Chu Hối-am nhân những thuyết ấy mà nói rằng: « Tính giả, tâm chi lý giã, tình giả tính chi động giã, tâm giả tính tình chi chủ giã. Vị động vi tính, dĩ động vi tình, tâm tắc quán hồ động tĩnh nhi vô bất tại yên 性 者,心 之 理 也,情 者 性 之 動 也,心 者 性 情 之 主 也.未 動 爲 性,已 動 爲 情,心 則 貫 乎 動 静 而 無 不 在 焉. Tính là cái lý của tâm vậy, tình là sự động của tính vậy, tâm là cái chủ của tính tình. Chưa động là tính, động rồi là tình, tâm thì suốt cả động tĩnh mà không đâu là không có. » Cái nghĩa chữ tâm cốt ở sự làm chủ-tể, cho nên nói rằng: « Lấy câu: Thiên mạnh chi vị tính mà xem, thì mạnh là tính, trời là tâm. Tâm có cái nghĩa làm chủ-tể. Song không nên không phân biệt, mà cũng không nên nói thành ra hai cái. Chỉ nên nghĩ cho chín mà tự hiểu lấy cái ý làm chủ-tể là được. » Có người hỏi rằng: « Có chủ thì thực, lại nói có chủ thì hư, là thế nào? » — Rằng: « Có chủ ở trong, cái ngoại tà không vào được. Lấy cái lẽ: tự có chủ ở trong mà nói thì gọi là thực, lấy cái lẽ: tự cái ngoại tà không vào được mà nói, thì gọi là . »

Phải thế nào mới là tâm? — Ông nói rằng: « Tâm phải linh-hoạt, chu lưu không cùng mà không ngưng-trễ ở một chỗ nào. Tâm nên kiêm cả cái ý quảng đại và lưu hành, lại nên kiêm cả cái ý sinh. Như Trình-tử nói rằng:

« Nhân-giả thiên địa sinh vật chi tâm. » Chỉ có trời đất sinh ra vạn vật thì mới quảng-đại và mới lưu hành, sinh sinh không nghỉ. »

Đã gọi là tâm là cái thống danh của tính tình, thì tâm cũng như tính có phần lý và phần khí. Ông lấy cái ý ấy mà giải nghĩa chữ đạo tâm 道 心 và nhân tâm 人 心 ở câu « nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi » trong kinh Thư, và cho cái gì do lý mà phát ra là đạo-tâm, cái gì do khí mà phát ra là nhân-tâm, cho nên nói rằng: « Cái tri-giác do nghĩa lý phát ra, như biết nghĩa vua tôi, đạo cha con, là đạo-tâm; cái tri-giác do thân-thể phát ra như biết đói thì ăn, khát thì uống là nhân-tâm. » Ông lại nói: Gọi là người thì có hình khí, cái nhân-tâm quan-thiết với người. Đạo-tâm tuy có trước, nhưng bị nhân-tâm làm cách ra một tầng, cho nên khó thấy. » Vậy nên sự dạy của thánh-nhân cốt lấy đạo-tâm làm chủ-tể trong thân mình và để tiết chế cái nhân-tâm.

Tình, ý và chí. — Người ta có tâm, thì tất có tình, ý và chí. Chu Hối-am nói rằng: « Tình là cái tính phát ra, ý là chủ-trương cái tình đã phát ra. Như là yêu vật nào là tình, sở dĩ yêu vật ấy là ý ». Ông lại nói: Tâm giả nhất thân chi chủ-tể, ý giả tâm chi sở phát, tình giả tâm chi sở động, chí giả tâm chi sở chi 心 者 一 身 之 主 宰,意 者 心 之 所 發,情 者 心 之 所 動,志 者 心 之 所 之: Tâm là cái chủ-tể cả một thân, ý là cái sở phát của tâm, tình là cái sở động của tâm, chí là cái chỗ đi đến của tâm. » Ý, tình với chí đều thuộc cả về tâm. Vậy nên tâm mà chính thì mọi việc đều chính cả.

Nhân. — Chu Hối-am theo cái học của Trình Minh-đạo và lấy cái nghĩa trong kinh Dịch và sách Luận-ngữ mà bàn đạo nhân rằng: « Trời đất lấy sự sinh ra vạn vật làm tâm, mà người và vật sinh ra lại đều được cái tâm của trời đất để làm tâm vậy. Cho nên nói cái đức của tâm, tuy sự tổng-nhiếp quán-thông thì không có cái gì là không đủ, nhưng lấy một lời nói trùm cả, thì nói nhân mà thôi. Bởi cái tâm của trời đất có bốn đức là: nguyên, hanh, lợi, trình, mà đức nguyên thống hết cả. Sự vận-hành thì có thứ bậc, là: xuân, hạ, thu, đông, mà cái khí xuân sinh là thông suốt cả. Cái tâm của người ta cũng có bốn đức, là: nhân, nghĩa, lễ, trí, mà nhân thì bao bọc hết cả. Sự phát dụng thì có: ái, cung, nghi, biệt, mà lòng trắc-ẩn là suốt hết cả. Cho nên luận cái tâm của trời đất mà nói Kiền nguyên, Khôn nguyên, thì cái thể cái dụng của bốn đức không đợi kể hết mà đủ; luận cái vi-diệu của tâm người ta, mà nói nhân là cái tâm của người, thì cái thể cái dụng của bốn đức không đợi kể hết mà gồm được suốt cả. Cái đạo của nhân là cái tâm sinh vật của trời đất, cứ có vật là có tâm. Lúc cái tình chưa phát ra, thì cái thể đã đủ, mà lúc cái tình đã phát ra, thì cái dụng không cùng. Nếu hiểu được mà giữ lấy nhân, thì cái nguồn của mọi điều thiện, cái gốc của trăm nết, không có điều gì là không ở đó. Bởi thế sự dạy của người học theo đạo Khổng cần khiến các học-giả phải chăm chăm ở chỗ cầu đạo nhân vậy. Khổng-tử nói rằng: « Khắc kỷ phục lễ vi nhân » là nói: trừ bỏ cái tư-tâm của mình, phục lại cái thiên-lý, thì cái thể của tâm ấy ở đâu mà chẳng có, cái dụng của tâm ấy ở đâu mà chẳng phát hành ra. Lại nói: « Cư xử cung, chấp sự kính, dữ nhân trung », thì cũng là để còn cái tâm ấy vậy. Lại nói: « Sự thân hiếu, sự huynh đễ, cập vật thứ », thì cũng là để phát-hành cái tâm ấy vậy. Lại nói: « Cầu phân đắc nhân », thì nhường nước mà trốn, can ngăn sự chinh phạt mà chịu chết đói, là làm cho không mất cái tâm ấy. Lại nói: « Sát thân thành nhân », thì muốn cái nhân hơn sự sống, ghét cái bất nhân hơn sự chết, là làm cho không hại cái tâm ấy. Cái tâm ấy là tâm gì? Ơ trời đất là cái tâm ương-nhiên sinh vật, ở người là cái tâm ôn-nhiên yêu người lợi vật, bao cả bốn đức, mà suốt cả bốn mối[1] vậy.

« Nhân là đầu bốn mối, mà trí thì có thể thành thủy thành chung, như nguyên là trên cả bốn đức. Song nguyên không sinh ra ở nguyên, mà sinh ra ở trinh. Bởi vì cái hóa của thiên địa không tụ hợp thì không phát-tán được. Nhân với trí giao-tế với nhau là cái cơ cái trục của vạn hóa. Cái lý ấy tuần-hoàn không cùng, cắn-khít không hở. Cho nên không có trinh thì không lấy gì làm nguyên vậy. »

Chu Hối-am lấy ý trong kinh Dịch mà giải nghĩa chữ nhân trong bốn đức: nhân, nghĩa, lễ, trí. Ông lại theo cái thuyết của Trình-tử mà nói rút cái đại yếu của đạo nhân là: « Nhân là cái tính của sự sinh, ái là cái tình của đạo nhân, hiếu đễ là cái dụng của đạo nhân, công là cái thể của đạo nhân, như nói: « Khắc kỷ phục lễ vi nhân » vậy. Học-giả lấy ba điều trên, thì khả dĩ biết được cái danh nghĩa của đạo nhân, lấy một điều sau cùng, thì khả dĩ biết cái phương-pháp về sự dụng lực của đạo nhân. »

Cái nghĩa đạo nhân phức-tạp khó hiểu cho nên mới ví: « Nhân như nước, ái như cái nhuận của nước, thứ như sự lưu-hành của nước. » Đại ý, nhân vẫn là một, nhưng hàm cả ái và thứ vậy.

Từ Khổng-tử về sau, các học-giả trong Nho-giáo thường nói đến chữ nhân, nhưng chỉ hiểu mập-mờ là ái hay là thứ, chứ không ai giải rõ cái nghĩa chữ nhân như Trình Minh-đạo và Chu Hối-am, và hiểu được đến chỗ sâu xa của chữ nhân như thế. Mà chữ nhân là cái yếu-điểm của Khổng-học, hễ không đạt được hết các ý nghĩa, thì đạo của thánh-nhân vẫn không được sáng rõ. Hậu-nho cho là họ Trình và họ Chu làm sáng rõ Khổng-học cũng không là lầm vậy,

Sự giáo-hối và tu-dưỡng — Suốt đời Chu Hối-am lấy sự học và sự dạy người làm việc thiết yếu của mình. Ông đi làm quan hết lòng lo việc dân việc nước, nhưng không lúc nào quên nhãng sự học. Khi ông làm chức tri Nam-khang quân, ông thấy ở đất Lư-giang, gần thành Hồ-khẩu, thuộc tỉnh Giang-tây, có Bạch-lộc-động là nơi học-quán đời trước rất thịnh, nay bỏ hoang. Ông bèn dâng sớ xin sửa lại và tụ tập sách vở lập ra thư-viện. Ông tự nhận làm động chủ đến dạy học ở đó, và đặt ra học-qui để học-giả biết qui-thức mà theo.

Trong bài Bạch-lộc-động học-qui, ông nói rút cái yếu-chỉ sự học của Nho-giáo: Trên nói cái mục ngũ-luân, là: « Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín 父 子 有 親,君 臣 有 義,夫 婦 有 别,長 幼 有 序,朋 友 有 信: Cha con có tình thân, vua tôi có nghĩa, vợ chồng có lễ phân biệt, trưởng ấu có trật tự, bằng hữu có tín. » Thứ nói cái trật-tự về việc học, là: « Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi 博 學 之,審 問 之,慎 思 之,明 辨 之,篤 行 之: Học cho rộng, xét hỏi cho kỹ, suy nghĩ cho cẩn thận, biện luận cho sáng, thực-hành những điều mình đã học. » Thứ nói cái yếu-chỉ sự tu thân, là: « Ngôn trung tín, hành đốc kính, trừng phẫn trất dục, thiên thiện cải quá 言 忠 信,行 篤 敬,懲 忿 窒 慾,遷 善 改 過: Nói phải trung tín, làm việc phải kính cẩn, răn điều tức giận và át điều thị-dục, theo điều thiện và đổi điều lỗi. » Thứ nói cái yếu-chỉ về việc xử sự, là: Chính kỳ nghị, bất mưu kỳ lợi, minh kỳ đạo bất kế kỳ công 正 其 誼 不 謀 其 利,明 其 道 不 計 其 功: Chính điều nghĩa không mưu điều lợi, sáng cái đạo không kể cái công. » Thứ nói cái yếu-chỉ về việc tiếp vật, là: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ 己 所 不 欲 勿 施 於 人,行 有 不 得 反 求 諸 己: Điều gì mình không muốn, đừng đem thi ra với người ta, làm có điều gì lầm lỗi, thì phải tự xét lại mình. »

Sau cùng ông nói rằng: « Ta trộm xem cái ý của thánh hiền đời xưa sở dĩ dạy người về việc học, không có điều gì là không khiến người ta giảng rõ nghĩa lý để sửa thân mình, rồi sau mới suy ra kịp đến người, chứ không phải chỉ muốn vụ lấy xem nhiều nhớ nhiều mà làm từ chương để cầu cái thanh danh, lấy lợi lộc mà thôi vậy. Sự học của người đời nay thì trái thế. Song cái phép của thánh hiền sở dĩ để dạy người còn đủ ở trong các Kinh, kẻ sĩ có chí nên đọc cho kỹ, nghĩ cho sâu, mà vấn biện lấy. Nếu biết cái đương-nhiên của lý ấy. mà bắt mình phải theo như thế, thì những điều qui củ, cấm phòng, há phải đợi người ta đặt ra cho, rồi mới noi mà theo hay sao. Đời nay đối với việc học vẫn có qui tắc, nhưng đối với học-giả đã là thiển lắm rồi, mà cái phép lại vị tất đã hợp với cái ý của cổ nhân. Cho nên nay ta không đem cái qui-tắc ấy thi ra ở nhà này, chỉ lấy cái mối lớn của thánh hiền dạy người về việc học, mà điều liệt ra như trên kia và yết ra trước mặt. Các người nên cùng nhau phải giảng giải cho rõ và noi giữ mà trách ở mình mình, thì trong khoảng tư-lự rối rít, những điều sở dĩ phải răn giữ cẩn-thận mà lo sợ là ắt có nghiêm trọng ở đó vậy. »

Bài học-qui ấy, về sau vua Lý-tôn nhà Tống đem truyền bá khắp cả nước để làm qui-thức cho sự học. Bởi vậy cái học của họ Chu chóng thành lập ở đời vậy.

Cùng lý. — Trong sự học của Chu Hối-am lấy sự cùng lý 窮 理 làm trọng. Ông nói rằng: « cùng lý là muốn biết cái sở-dĩ-nhiên của sự vật với cái sở-đương-nhiên của sự vật mà thôi. Biết cái sở-dĩ-nhiên cho nên cái chí không hoặc, biết cái sở-đương-nhiên cho nên việc làm không lầm. » Sự cùng lý của ông là nói biết cho hết cái lý của từng vật, cho nên nói rằng: « Muốn biết mười việc mà mới biết được chín việc, dẫu có một việc chưa biết cũng không sao. Nhưng nếu học một việc mà mới biết đến chín phần, còn một phần nữa không biết không được, phải biết cho đến hết cả mười phần mới được. » Ông lại nói: « Phàm việc trong thiên-hạ không việc nào là không có lý. Nếu ta xét cho đến cùng được, thì tự việc lớn của vua tôi, cho đến việc nhỏ của sự vật, không có điều gì là không biết cái sở-dĩ-nhiên và cái sở-đương-nhiên của nó, mà không nghi ngờ chút gì, rồi cứ theo điều thiện, bỏ điều ác, mà không có cái lông cái tóc gì là hệ lụy. Ấy bởi thế mà sự học lấy cùng lý làm trước vậy. » Cái thuyết cùng lý của ông về sau thành ra một cái học rất thịnh và lại có cái ý cho mọi sự lý đã ở trong sách rồi, chỉ nên chú trọng về sự đọc sách. Ông nói rằng: « Luận cái lý của thiên-hạ, thì những điều yếu-diệu tinh-vi đều chính đáng cả, xưa nay không di dịch. Duy có thánh-nhân mới có thể biết hết được, mà những việc làm, lời nói, của thánh-nhân không có điều gì là không làm phép-tắc cho thiên-hạ và đời sau. Ai thuận theo là quân-tử mà cát, ai trái không theo là tiểu-nhân mà hung. Cái điển-tích rõ-ràng, cái hiệu-quả tất-nhiên, điều gì cũng đủ ở trong kinh huấn sử sách. Muốn cùng cái lý của thiên-hạ, mà không lấy đó mà tìm, thì chính là ngảnh mặt vào tường mà đứng vậy. Vì thế mà sự cùng lý phải bởi sự đọc sách vậy. » Ông tin rằng các lý tự-nhiên là thánh hiền đã nói cả trong sách, cho nên mới nói rằng: « Đọc sách để xem cái ý của thánh hiền. nhân cái ý của thánh-hiền để xem cái lý tự-nhiên. » Thành thử hai chữ cùng-lý của ông chỉ chủ ở sự đọc sách vậy. Cái ý-kiến ấy có phần hẹp-hòi, là vì lý thì có vô cùng chi lý, mà sách thì chỉ bàn được những việc hữu-hạn; lấy cái hữu-hạn mà xét cái vô cùng, thì sao cho xiết được. Bởi cái tư-tưởng ấy cho nên cái học của ông về sau thành ra câu-thúc, không mở-mang ra được.

Đọc-sách.— Chu Hối-am lấy cái nghĩa cùng lý ấy mà bàn về việc đọc sách. Ông nói rằng: « Cái đạo của sự học, không gì trước sự cùng lý được. Cái cốt yếu của sự cùng-lý tất là ở sự đọc sách. Cái phép đọc sách không gì quí hơn là cứ tuần tự mà thấu tới chỗ tinh-vi, mà cái gốc sự thấu tới chỗ tinh-vi, thì lại ở sự kính mà trì thủ cái chí, » Đọc sách tức là phải học cho thuộc những điều mình đọc, cho nên ông nói rằng: « Xem sách trước hết phải đọc cho thuộc, khiến những lời trong sách đều như là tự ở miệng mình nói ra, rồi nghĩ cho kỹ, khiến các cái ý đều như là ở tâm mình mà ra, nhiên hậu mới có cái sở-đắc. Còn cái văn nghĩa mà có điều ngờ, mọi thuyết bối rối, thì cứ hư tâm tĩnh lự, chớ vội lấy hay bỏ. Trước hãy để thuyết nào riêng ra thuyết ấy, mà theo xem cái ý đi đến chỗ nào, để nghiệm sự thông sự tắc, như thế thì những điều nào rất không có nghĩa lý, không đợi xét ở thuyết khác mà nó phải tự khuất. Sau lấy các thuyết mà xét xem cái lý sở an ở đâu để tìm cái phải cái trái, như thế thì những điều giống như là phải mà thật không phải, sẽ bị sự suy luận công-nhiên làm cho không đứng được. Đại-để, cứ đi thong-thả từng bước, ở chỗ tĩnh mà xem chỗ động, như đẽo cây gỗ cứng, phải trước đẽo chỗ dễ rồi sau đẽo chỗ khó, như gỡ cnộn dây rối, chỗ nào gỡ không được thì để thong-thả tìm cách mà gỡ. Ấy là phép đọc sách vậy.

« Đọc sách nên ưu du ngoạn vị, từ từ xem cái bản ý của thánh-hiền lập ngôn sở hướng là thế nào, nhiên hậu theo cái gần xa, sâu nông, nặng nhẹ. chầy kíp mà làm thuyết, như Mạnh-tử nói « dĩ ý nghịnh chí » ấy, thì ngõ hầu mới được. Nếu mà tự tiện lấy cái thuyết « tiên nhập » đâm ngang ra ở trong bụng, rồi đem lời nói của thánh hiền ép theo cái ý riêng của mình, giả sử cái nghĩa lý có thông, thì cũng là bị cái tư ý xuyên-tạc, huống chi lại có nhiều nghĩa lý khó-khăn lấp ngại, có điều mình không thể hiểu được hay sao! »

« Đọc sách mà không có điều nghi, thì nên khiến cho có điều nghi. Có nghi rồi mới không có nghi, đến phương ấy mới thật là tiến ».

Đại-khái, ông bảo sách gì cũng nên đọc, nhưng cốt nhất là phải đọc sách Đại-học để định cái qui-mô, rồi đọc Luận-ngữ để định cái căn-bản, rồi đọc Mạnh-tử để xét những điều mở-mang rộng-rãi, rồi đọc Trung-dung để tìm cái vi-diệu của cổ-nhân, sau cùng mới đọc đến các Kinh.

Lập-chí.— Chu Hối-am cho sự học cốt ở sự lập chí, cho nên nói rằng: Học-giả đại yếu lập chí 學 者 大 要 立 志: Học-giả cốt nhất là lập chí. » Lập chí là đem tâm ý của mình nhất-định chú vào việc học để tìm cho ra đạo lý. Ông cho là: « Người đời nay tham lợi lộc mà không tham đạo lý, muốn làm người quí mà không muốn làm người tốt, đó đều là cái bệnh ở sự không lập chí. » — Hỏi rằng: « Cái công-phu về việc học lấy gì làm trước? — Rằng: « Chuyên ở người ta lập chí. Đã biết cái đạo-lý ấy, có cái tâm kiên cố, cứ hướng tiền mà đi, thì lo gì không tiến. Chỉ lo lập chí không kiên, thì nghe ngôn ngữ của người ta, xem văn tự của người ta, rút lại không có ích gì cho mình. » Những lời ấy rất chính-đáng, học-giả nên chú-ý mà xét cho kỹ. Học mà không lập chí cho bền, thì dẫu học bao nhiêu cũng không đủ làm cho mình đạt tới mục-đích đựợc. Vậy nên sự học cần phải có sự lập-chí. Khi cái chí của mình đã định rồi, thì phải cố hết sức học cho đến được, dù có sự khó-khăn thế nào cũng không lấy làm nản, ấy thế mới gọi là học.

Tồn dưỡng. — Cách tồn-dưỡng của người ta cốt ở cái gì? Chu Hối-am bảo cốt lấy tâm làm chủ-trương. Xem như thánh hiền thiên ngôn vạn ngữ, việc lớn việc nhỏ, không việc gì là không lấy sự kính làm gốc. Thu thập tinh-thần của mình ở sự kính, trước sau chuyên-nhất, thì rồi mới hiểu được đạo-lý. Kính là để giữ cái tâm tính, tức là có cái chủ tể nghiêm-trang ở trong, thì cái công-phu hàm-dưỡng mới có hiệu-quả. Người ta sở dĩ phải kính là: « Lúc tĩnh mà có cái tư ý đâm ngang ra, ấy là cái thông-hoạn của học-giả. Vậy nên phải lấy sự kính làm chủ mà xét cho kỹ cái mầm của tư ý thường bởi đâu mà sinh ra, rồi cứ chỗ hệ-trọng mà cố răn giữ, lâu thành ra thuần thục, thì tự khắc có kiến-hiệu. »

Ông sợ người ta chưa hiểu rõ nghĩa chữ kính, cho nên có chỗ ông lại nói: « Kính không phải là bảo nghỉ hết cả mọi sự tư-lự. Chỉ nên tùy sự mà chuyên-nhất. Cẩn thận lo sợ, không phóng dật, chứ không phải nhắm mắt ngồi im, tai không nghe, mắt không trông, không ứng tiếp sự vật gì cả, mới là Kính. Kính là chỉnh-tề, thu-liễm thân tâm không dám phóng túng. » Ông theo cái ý nghĩa ấy, cho nên thường hay dùng chữ tĩnh và chữ tĩnh tọa để nói sự tồn-dưỡng. Ông nói rằng: « Lấy thiên-lý mà xem, thì động không thể không có tĩnh, cũng như tĩnh không thể không có động. Tĩnh không thể không hàm-dưỡng, cũng như động không thể không tỉnh sát. Chỉ thấy có một động một tĩnh làm căn-bản cho nhau, kính và nghĩa dìu-giắt nhau, để không có cái ý gián-đoạn. Tuy dùng chữ tĩnh, nhưng không phải như là một vật chết rồi. Trong lúc chí tĩnh, vẫn có cái mối động, cho nên không phải là nói xa bỏ mọi việc, tuyệt giao với các vật, nhắm mắt ngồi yên mà chỉ thiên về một mặt tĩnh. Tĩnh là khi chưa tiếp vật đã có sự kính làm chủ ở trong, thì đến lúc sự vật gì đến, cái thiện đoan sáng rõ ra, mà những cái sở dĩ để xét càng tinh tường minh bạch vậy. »

Chu Hối-am nói rõ cái nghĩa chữ tĩnh-tọa 静 㘴 để học-giả không hiểu lầm với chữ thiền tọa 禪 㘴 của Phật-giáo. Bên Phật, tọa-thiền nhập-định là cốt để thu thập cái tâm, không để tản nát ra ở mọi sự vật, cứ ngồi im lặng không nghĩ ngợi gì cả. Bên nho, tĩnh-tọa là ngồi yên, lấy sự kính mà giữ cái tâm cho sáng suốt để đối phó với các sự vật cho hợp đạo-lý. Hai bên cùng đồng một ý hoán-tỉnh cái tâm, nhưng cái đạo thì khác. Phật thì hoán-tỉnh cái tâm để cho thành không không, mà Nho thì hoán-tỉnh cái tâm để khiến nó soi sáng đến các sự lý.

Chỗ này Chu Hối-am muốn phân-biệt sự đồng dị của Nho và Phật, nhưng cái thuyết của ông chưa được rõ lắm. Phật nói hoán-tỉnh cái tâm mà không hành-vi, là chính để cho cái tâm sáng suốt mà biết rõ sự thực, Nho nói hoán-tỉnh cái tâm là cốt để biết rõ đạo-lý, hai bên cùng đồng theo một chủ-đích. Phật-học chủ ở chữ tuệ 慧, chữ giác 覺, Nho-học chủ ở chữ nhân 仁, chữ thành 誠, danh-từ tuy khác, nhưng nghĩa lý vẫn là một. Lấy cái thể của đạo mà nói, thì hai bên cùng cao như nhau, nhưng đến chỗ hai bên phân ra khác nhau là ở cái dụng. Cái dụng của Phật-học thì chủ ở sự xuất-thế, cầu lấy sự giải-thoát; cái dụng của Nho-học thì chủ ở sự xử-thế, cầu lấy sự hành-vi cho hợp đạo-lý. Cái học của Phật là cái học tiêu-cực, trái với cái đạo làm người ở đời; cái học của Nho là cái học tích-cực quan thiết đến sự nhân-sinh nhật-dụng. Ta thường nói đạo Phật cao, đạo Nho thấp là bởi có một lẽ đó mà thôi. Nhưng lên đến chỗ đạo lý thật cao, theo cái nghĩa « nhất dĩ quán chi » của Khổng-tử, thì hai đạo không kém gì nhau, mà cũng không xa nhau là mấy.

Vì cái lý tương đồng như thế, cho nên về đường tu-dưỡng, Tống-nho mới nói cái thể tĩnh và dùng cái phương-pháp tĩnh-tọa. Nhưng ở chỗ này chư nho dẫu muốn biên-luận thế nào mặc lòng, đó chính là một cái bằng chứng rõ-ràng là Tống-nho đã hấp-thụ cái ảnh-hưởng của Phật-giáo vậy.

Lực hành.— Chu Hối-am nói rằng: « Học cho rộng chưa bằng biết cho rõ, biết cho rõ chưa bằng làm cho thực. Tri với hành hai cái cùng phải có, như có mắt mà không có chân thì không đi được, có chân mà không có mắt thì không thấy gì. Luận trước sau thì tri là trước, luận nặng nhẹ thì hành là nặng. Lúc mới biết mà chưa làm được, thì cái biết còn nông, đến khi đã làm được thì cái biết lại sáng thêm hơn và có cái ý vị khác ngày trước. Kẻ đi học lo không biết học, khi biết học rồi mà biết cái đáng chọn, lại lấy làm khó. Chọn được rồi mà có cái dũng-lực để thực-hành, trong không lo cái tư kỷ, ngoài không bị tập tục sách nhiễu, lại khó hơn nữa. » Vậy về đường đạo-lý phải lấy sự thực-hành làm trọng, chứ học để mà nói, thì bảy-mươi-hai đệ-tử theo Khổng-tử, chỉ nói độ hai ngày là hết, việc gì phải đi theo hằng bao nhiêu năm. Cái khó là học được điều gì, phải ngày ngày thực-hành điều ấy, thì rồi lâu mới hóa ra hay được.

Ông cho là người ta có khí và chí. Khí mà không theo chí, ấy là chỗ thiên-lý và nhân-dục muốn giao chiến với nhau. Hễ ai tìm được chỗ đứng chân cho vững ở quãng thiên-lý và nhân-dục giáp giới nhau, thì chắc là tinh tiến được. Người ta chỉ nên biết cho rõ đạo-lý rồi cẩn-thận mà giữ lấy, để khỏi xấu với cái của Trời đã phú dữ cho. Còn về phần thân ngoại như vinh nhục hưu thích, thì cứ nhất thiết theo mạnh mà thôi.

Cái tư-tưởng của Chu Hối-am, có nhiều điều rất cao. Ông nói rằng: « Khi ta đã tìm kỹ được cái đạo-lý rồi, thì trừ cái đạo-lý là cái phép chân-thực ra, thấy thế-gian vạn sự điên đảo, mê-hoặc, chìm đắm chỗ thị-dục, chẳng có cái gì là chẳng giống như trò hí kịch, thật không đáng để con mắt mà nhìn vậy. Ta đọc sách xét đến chỗ thực của lý, đem mình theo lý ấy mà thực-tiễn, trong lòng niệm niệm hướng tiền, không nên khinh-suất tự buông mình, thì ở ta tuy thật là có cao, song đối với người khác không quan-hệ gì, hà tất phải lo riêng tính quẩn, để hãm mình vào chỗ đồng lưu hợp ô làm gì. »

Ở đời đã có cái sở đắc, thì ta cứ theo đạo-lý mà xử-thế, mà hành-động. « Dẫu có nhọc thân mà tâm yên, thì ta làm; lợi ít mà nghĩa nhiều thì ta làm. » Cốt chỉ có hai chữ liêm-sỉ để hộ-vệ mình trong cuộc sinh-hoạt. Hễ có sỉ thì có việc không bao giờ làm. « Duy có quân-tử thì mới biết cái sở-đương-vi của nghĩa-lý và cái khả-thị của nghĩa-lý. Sự lợi hại đắc thất đã không có chỗ nào vào được cái tâm của mình mà cái học lại đủ thù ứng với sự biến của sự vật, cho nên cái khí thì mạnh, cái mưu thì sáng, không có điều gì vướng vít sợ hãi cả. Bất hạnh có vấp ngã, thì lấy tử sinh mà đối phó. Cái tâm của kẻ tiểu-nhân thì nhất thiết trái lại thế. »

Chu Hối-am có tư-tưởng rất cao, đạo-đức rất hậu, thật là một nhà đại-nho trong Nho-giáo, nhưng vì sự hành đạo của ông khổ-khắc quá, phàm những điều phong lưu nhã-trí hơi trái với luân-lý là ông không ưa. Như khi ông làm chức đề-cử ở Chiết-đông đi qua châu Thiên-thai, thấy quan sở-tại là Đường Trọng-Hữu là một kẻ phong-lưu, có thưởng cho một tên kỹ-nữ có tài thi họa, mà ông bắt dam tên kỹ-nữ ấy và luận tội Đường Trọng-Hữu, gây thành sự hiềm-thù về sau. Đó là một việc hẹp-hòi trong sự đốc tín về đường đạo-đức, kém mất phần khoan-hoằng của Nho-giáo vậy. Cái học của ông lại chi-ly từng chữ từng câu, quá thiên về đường văn tự, chứ không đạt rõ cái tâm-học uyên thâm của Khổng Mạnh. Tuy về sau lúc đã già, ông mới tỉnh ngộ biết hối, nhưng không kịp sửa đổi nữa. Dẫu thế nào mặc lòng, cái sự-nghiệp của ông là đã cố hết sức sưu tầm nghĩa-lý trong các Kinh Truyện, định ra cái qui-mô của sự học. Sự-nghiệp ấy cứ xem những lời phê-bình sau này cũng đủ rõ.

Lý Quả-trai, tên là Phương-Tử 方 子, tự là Chính-thúc 正 叔, đời Tống, nói rằng: « Chu Hối-am đính chính các sách, làm thành mực thước, khiến kẻ học-giả có chỗ nương tựa để theo đạo vua Nghiêu, vua Thuấn. Từ Khổng-tử thiết giáo ở sông Thù, sông Tứ, lấy bác văn ước lễ mà dạy học-trò, rồi sau cái chính học thất truyền, kẻ sĩ tự theo ý riêng mình mà học. Ai thích về đường rộng-rãi, thì khoe cái kiến văn tích lũy của mình, làm thành ra mênh-mông rối loạn, không biết đâu là bờ. Ai theo về đường bó chặt một lối, thì lại bảo không lập văn tự cũng có thể biết được tâm, thấy được tính, rồi hãm vào cõi khoáng-đãng hư-không. Tiên-sinh đem mình cáng đáng đạo thống, xem rộng hết các sách, biện chứng để phù-trì các kinh huấn. Tiên-sinh thường nói rằng: « Học-giả trông đạo mà chưa thấy, thì tất phải lấy sách mà học để xét cho cùng lý. Khi đã thấy rồi, ắt cũng phải khảo cứu trong các sách để có chứng-nghiệm mà thực-tiễn, Từ đời nhà Chu suy, sự dạy mất, chỉ còn có sách là sở dĩ duy-trì cái tâm. Thế mà rẻ-rúng Kinh Truyện, cho là cám bã, không xem, thì học sao được! Cốt ở sự lấy tâm mà hiểu, lấy thân mà thực-tiễn, đừng cho lời nói trong sách là lời nói không, thì mới được. » Từ Khổng-tử về sau mà có người học được bác vănước lễ, hai lẽ đều tới đến chỗ cùng cực, thì chỉ có một mình tiên-sinh mà thôi. Sau khi nhà Tần đốt sách, sáu Kinh còn sót lại trong đống tro tàn, chư nho chưa từng có người biết rõ đạo. Họ Chu, họ Trình, họ Trương làm sáng rõ đạo ra, nhưng chưa kịp giải-thích những lời nói trong các kinh cho đúng, thành ra có người theo học những họ ấy hiểu lầm cái tôn-chỉ mà đi vào dị-đoan[2] Tiên-sinh mới tóm cả sáu Kinh mà lập thành cái học-thuyết của một nhà, tập kỳ đại thành để định cái phép của muôn đời. »

Thái Nguyên-Bồi là một nhà tân-học ngày nay, làm quyển Trung-quốc luân-lý học-sử nói rằng: « Đời nhà Tống có Chu Hối-am cũng như đời nhà Chu có Khổng-tử, đều là nhà tập-thành cái đạo-đức của dân-tộc nước Tàu. Từ Khổng-tử về trước, thì cái tư-tưởng về đạo-đức chỉ hiển hiện ra ở lời nói và việc làm mà thôi, đến Khổng-tử mới giảng-diễn và trước-thuật làm thành học-thuật. Từ Khổng-tử về sau, cái học-thuyết đạo-đức tuy gọi là theo Khổng-tử mà chiết-trung, song còn có lúc ly, lúc hợp, không nhất định, đến Chu Hối-am mới đem những điều của mình sở kiến ở trong Khổng-giáo mà sửa-sang chỉnh-đốn lại. thành ra có cái phạm-vi nhất-định. Cái đạo của Khổng-tử ở vào thời-đại Đổng Trọng-Thư thì bất quá mới có đủ cái hình-thức tôn-giáo mà thôi. đến thời đại Chu Hối-am mới xác-lập thành cái uy quyền của tôn-giáo.

« Học-thuật của Chu Hối-am, gần thì lấy Hoành-cừ, Y-xuyên làm gốc và lấy Liêm-khê, Minh-đạo mà phụ thêm vào; xa thì lấy Tuân Khanh làm gốc, mà dùng lời nói thì hay lấy ở Mạnh-tử, để giải-thích lời nói của Khổng-tử, mà lập thành ra một Khổng-giáo từ nhà Tống về sau. Đối với những thuyết đã có từ Khổng-tử về trước, thì ông đem giải-thích ra cho thông và cho đúng với Khổng-giáo; đối với những học-thuyết từ Khổng-tử về sau mới có, thì ông lấy Khổng-giáo làm chuẩn-đích mà phân hơn kém. Ông nghiên-cứu rất cần, trước-thuật rất nhiều, đồ-đảng rất đông, so với các nho-giả đời trước đã là không ai kịp, mà cái học-thuyết của ông thì chủ ở sự sửa điều ác hơn vui điều thiện, giữ phép ở ngoài hơn là trực đạt ở trong, độc đoán hơn là hoài-nghi, câu-nệ danh nghĩa hơn là được thực lý, tôn trật-tự hơn là tìm cách-tân, cho hiện-tại hòa-bình hơn là hi-vọng vị lai. Ông thật là người đích-tự của cái tư-tưởng phương bắc từ xưa, rất thích-hợp với cái tập-quán của phần nhiều người Tàu, lại tiện cho kẻ có quyền-thế dễ lợi-dụng. Bởi thế mới nhờ được cái thế-lực của khoa-cử mà thịnh hành từ nhà Minh về sau vậy. »

Đó là những lời nghị-luận của người đời xưa và người đời nay đã phê-bình cái học-thuyết của Chu Hối-am. Cái học-thuyết ấy rất tinh-vi, khuôn-phép rất nghiêm-trang, sự khảo-cứu rất kỹ-càng, những điều giải-thích rất tường-tận, làm cho Khổng-giáo từ đó thành ra một tôn-giáo rất tôn-nghiêm. Nhưng cái học ấy chỉ chuyên về một mặt công-truyền, chủ lấy sự tìm cái lý nhất-định của các sự vật ở ngoài, thành ra bỏ nhãng cái học tâm-truyền là cái học « vô ngôn » rất uyên thâm của Khổng-giáo, cho nên cái học của ông có nhiều chỗ không đạt tới cái nghĩa « nhất quán » của Khổng-tử.

Khổng-tử lấy đạo nhân làm cốt, lấy đạo trung-dung làm chừng mực, lấy cách êm-ái hồn-nhiên vô khả vô bất khả mà đối với mọi sự vật, không nhận điều gì là nhất-định, cứ tùy cảm mà ứng, cứ theo thiên-lý mà lưu-hành, đứng vào cái địa-vị nào, cảnh-ngộ nào, cũng an vui, không làm mất cái tư-cách người quân-tử vô nhập nhi bất tự đắc. Cái học ấy của Khổng-tử chỉ có Chu Liêm-khê và Trình Minh-đạo đã tâm đắc mà thôi, còn Trương Hoành-cừ, Trình Y-xuyên và Chu Hối-am thì thường quá thiên về đường qui-thức, quá trọng về đường thượng-lễ và cư-kính, cho nên thành ra câu-chấp, bó-buộc về mặt thủ cựu, lâu ngày ứ-trệ, thật là hại cho sự tiến-hóa.

Cái học của Chu Hối-am sở dĩ thịnh hành, là bởi nó có cái bề ngoài rất tôn-nghiêm và thích hợp với cái tính-cách của dân-tộc Tầu, lúc nào cũng muốn có cái qui-củ nhất-định mà hành động, chứ không muốn thay đổi. Cái tính-cách ấy, có lẽ làm cho đời người được phong-lưu nhàn-hạ, nhưng về đường tiến-hóa, thì thật là kém-cỏi. Bởi thế cho nên khi thiên-hạ đã xoay vần ra như ngày nay, dân-tộc Tàu và những dân-tộc theo văn-hóa Tàu, tuy có cái trình-độ văn-minh rất cao, nhưng về đường thế-lực thì phải chịu phần kém hèn. Đó là một cái vấn-đề các học-giả nên lưu-tâm nghiên-cứu, để tìm phương mà bồi bổ lại, khiến cho tương-lai, ta vẫn giữ được cái tinh-thần của ta, mà ta lại có đủ thế-lực để sinh-tồn với người. Ấy là một cái vấn-đề rất khẩn-yếu mà hiện nay ta chưa giải-quyết được vậy.

  1. Bốn đức là: nhân, nghĩa, lễ trí; bốn mối là: trắc-ẩn, u-ố, từ-nhượng, thị-phi.
  2. Hoc trò Trình Y-xuyên có nhiều người theo phái Thiền-học bên Phật-giáo.