TRÌNH DI
Trình Di 程 頤, tự là Chính-thúc 正 叔, hiệu là Y-xuyên 伊 川 (1033-1107). Trước cùng với anh là Trình Hạo theo học Chu Liêm-khê, sau vào học ở nhà Thái-học, Hồ-Viên thấy văn của ông, lấy làm lạ, cất lên làm học-chức. Đến đời vua Triết-tôn (1086-1099) ông làm chức giáo-thụ ở Quốc-tử-giám đất Tây-kinh, sau vào làm chức thuyết-thư ở Sùng-chính-điện. Ông dạy học rất nghiêm, ai cũng kính sợ. Lúc ấy ông không tương đắc với bọn Tô Thức, thường bị dèm, phải ra coi Quốc-tử-giám ở Tây-kinh, rồi lại phải đổi đi Bồi-châu ở Tứ-xuyên. Được ít lâu lại về dạy học ở Lạc-dương. Qua sang đời vua Huy-tôn, bọn gian-nịnh đắc thế, bắt ông đem về giam ở Hà-nam, biên tên vào sổ bằng-đảng và bắt phải giải tán hết cả học-trò.
Ông làm ra những sách Dịch truyện 易 傳, Xuân-thu truyện 春 秋 傳 và Mạnh-tử giải 孟 子 解. Cái học của ông thấy ở những sách ấy và ở sách Ngữ-lục 語 錄 của học-trò chép ra.
Trình Y-xuyên với Trình Minh-đạo cùng học một thầy, cùng theo một tôn-chỉ, nhưng Minh-đạo thì ôn-hậu mà Y-xuyên thì nghiêm chính, tính chất mỗi người một khác. Bởi vậy cái học của hai ông tuy cùng đồng một thuyết, nhưng Minh-đạo thì cho tính và khí là một, mà Y-xuyên thì chia ra tính và tài; Minh-đạo chủ lấy sự quên cả nội ngoại, mà Y-xuyên thì chuyên lấy sự quả dục; Minh-đạo trọng tự đắc, Y-xuyên chuộng cùng lý, v. v... Bởi sự khác nhau ấy mà về sau cái học của Minh-đạo thì thành ra cái học của Lục Cửu-Uyên và Vương Thủ-Nhân, mà cái học của Y-xuyên thì thành ra cái học của Chu Hi vậy.
Đã nói rằng cái học của Minh-đạo và cái học của Y-xuyên cùng đồng một thuyết, tất là đều chủ lấy sự xét tâm tính và luân-lý làm chủ đích, song mỗi người bàn ra một phương-diện khác nhau.
Tính. — Bàn về tính, thì Trình Y-xuyên cho tính là lý, mà lý thì không bao giờ là không thiện. Ông nói rằng: « Trời phó cho gọi là mạnh, bẩm lấy ở ta gọi là tính, thấy ở các sự vật gọi là lý. Lý, tính, mạnh, ba điều ấy không khác nhau. Cùng lý thì tận tính, tận tính thì tri thiên-mạnh. Thiên-mạnh cũng như thiên-đạo. Lấy cái dụng mà nói thì gọi là mạnh, mạnh là nói về tạo-hóa vậy. » Tuy ông không nói tính là khí, nhưng ông vẫn cho lý với khí là một. Ông nói rằng: « Luận tính mà không luận khí, thì không đủ, luận khí mà không luận tính, thì không sáng. Chia ra làm hai là không phải. » Về sau Chu Hi cho lý với khí là một cũng là theo cái ý-kiến ấy vậy.
Tính thì không có điều gì là không thiện, có điều không thiện là ở cái tài 才. Tài là bẩm ở cái khí. Khí có thanh trọc, ai bẩm cái khí thanh là người hiền, bẩm cái khí trọc là người ngu. Hiền là tài thanh, ngu là tài trọc. Vậy tính thì chỉ có thiện, mà tài thì có thiện ác.
Cái thuyết ấy, đại-ý cũng giống như cái thuyết của Trương Hoành-cừ, phân ra tính của trời đất và tính của khí-chất vậy.
Tâm. — Y-xuyên đã cho mạnh, tính và lý là một, thì tâm ông cũng cho là đồng với tính và lý là một. Ông nói rằng: « Ở trời làm mạnh, ở người làm tính, luận cái sở chủ thì làm tâm, kỳ thực chỉ là một đạo. » Tâm vốn là ôn-hòa tĩnh-mịch, vạn tượng sâm-nhiên có đủ cả, cứ tự-nhiên thuận ứng muôn vật, tự hồ cây cao trăm thước, từ cỗi rễ cho đến nhành lá, quán-thông suốt hết cả như một.
Tâm làm chủ, nhưng không có cái định hình, ông thường ví cái tâm của người ta như cái bánh xe, lưu chuyển dao động không lúc nào nghỉ, cái sở cảm thật là nhiều mối: hoặc như cái gương treo giữa không-gian, chẳng có vật gì đi qua mà chẳng chiếu vào.
Ở trong người ta thường như là có hai người. Muốn làm điều thiện, thì hình như có điều ác chen vào để phân ra; muốn làm điều bất thiện thì hình như có lòng tu-ố ngăn đi. Vốn không phải là có hai người, nhưng chính nghiệm ra là có phải trái thiện ác giao chiến với nhau. Vậy nên người ta phải giữ cái chí cho bền để khiến cái khí không loạn, thì tâm mới định.
Tâm của người ta sở dĩ không định là vì có lòng dục làm loạn mất cái khí. Bởi vậy học-giả cần phải dưỡng khí. Dưỡng khí cốt ở quả dục. Có quả dục thì mới hóa được cái khí trọc ra khí thanh và dần dần mới được như cái tâm của thánh-nhân, yên lặng sáng suốt tự hồ mặt gương sáng, mặt nước lặng vậy.
Tình.— Người ta đã sinh ra mà biết, là có tính Có tính là có tình. Hỏi rằng sự hỉ nộ có phải ở ngoài mà phát ra không? — Rằng: cảm ở ngoài nhưng phát ở trong ra. — Sự hỉ nộ của tính có giống như cái sóng của nước không? — Rằng: Phải. Cứ phẳng lặng như mặt gương là cái tính của nước, đến khi gặp gió bụi nổi lên thì cuồn-cuộn có sóng. Nhưng không có nước sao có sóng, không có tính sao có tình. Vậy tình là sự động của tính.
Trung hòa, động tĩnh. — Sách Ngữ-lục chép Trình Y-xuyên cùng với Tô Bính 蘇 昞, tự là Quí-minh 季 明, vấn đáp về cái uẩn-áo của tính tình, cái cơ của sự động tĩnh và cái cốt yếu của sự hàm dưỡng tỉnh-sát, đại lược như sau này:
« Tô Quí-minh hỏi rằng: « Cái đạo trung cùng với cái trung lúc hỉ nộ ai lạc chưa phát ra, có phải là một không? » — Trình Y-xuyên đáp rằng: « Không phải. Khi hỉ nộ ai lạc chưa phát ra, ấy là nói cái nghĩa ở trong đạo trung. Chỉ có một chữ trung mà dùng ra khác nhau.
Quí-minh: Có người hỏi rằng: Lúc hỉ nộ ai lạc chưa phát ra, cầu cái trung có được không?
Y-xuyên: Không được. Đã nghĩ đến cầu cái trung trước khi hỉ nộ ai lạc chưa phát ra, là nó đã phát ra rồi. Khi nó đã phát ra rồi, thì gọi là hòa, chứ không gọi là trung được.
Quí-minh: Quan học-sĩ họ Lữ[1] nói rằng Nên tìm cái trung ở trước khi hỉ nộ ai lạc chưa phát ra. Tin lời ấy chỉ sợ không có cái gì chắc-chắn. Vậy thì thế nào là phải?
Y-xuyên: Hãy xem lời ấy nói vào chỗ nào. Nếu nói phải tồn-dưỡng ở lúc hỉ nộ ai lạc chưa phát ra thì phải. Nếu nói cầu cái trung ở trước khi hỉ nộ ai lạc chưa phát ra, thì không phải.
Quí-minh: Học-giả đối với lúc hỉ nộ ai lạc phát ra, nên cố sức tài-ức ở lúc trước chưa phát ra, phải dụng công thế nào?
Y-xuyên: Lúc hỉ nộ ai lạc chưa phát ra thì còn có gì mà cầu. Chỉ bình nhật hàm-dưỡng là phải. Hàm-dưỡng lâu, thì hỉ nộ ai lạc phát ra, là trúng tiết.
Quí-minh: Thế là có cái trung lúc chưa phát ra và cái trung lúc đã phát ra à?
Y-xuyên: Không phải. Đã phát ra là hòa. Phát ra mà trúng tiết vẫn có thể gọi là trung, nhưng đem cái trung với cái hòa phân ra mà nói, thì gọi là hòa.
Quí-minh: Tiên-sinh nói rằng: lúc hỉ nộ ai lạc chưa phát ra mà gọi là trung, là cái nghĩa ở trong đạo trung, ý là thế nào?
Y-xuyên: Chỉ là hỉ nộ ai lạc không phát ra, là trung vậy.
Quí-minh: Trung không có hình-thể, chỉ là cái đề-mục để nói đó thôi, có phải không?
Y-xuyên: Không phải. Trung thì không có hình-thể. Nhưng đã gọi là trung, tất là có cái hình-tượng.
Qui-mính: Đang lúc ở trong thể trung, tai không nghe, mắt không thấy, có phải không?
Y-xuyên: Tuy tai không nghe, mắt không thấy, nhưng cái lý của sự thấy, sự nghe, đã có trước rồi.
Quý-minh: Thế ra trung cũng có lúc trung, lúc không à?
Y-xuyên: Lúc nào là lúc không trung. Lấy việc mà nói thì có lúc trung có lúc không trung; lấy đạo mà nói thì không có lúc nào là lúc không trung.
Quí-minh: Vốn như thế là trung. Nhưng xem khi hỉ nộ ai lạc chưa phát ra, thì cũng giống như khí tượng lúc tĩnh. Đến khi tiếp sự thì lại khác, là sao?
Y-xuyên: Người biết xem thì không như thế. Phải xem ở chỗ hỉ nộ ai lạc đã phát ra rồi. Ông hãy nói lúc tĩnh là thế nào?
Quí-minh: Bảo là lúc tĩnh có vật, thì không được. Song tự nó có chỗ tri-giác.
Y-xuyên: Đã có tri-giác, ấy là động rồi, sao còn nói tĩnh? Người ta nói: xem quẻ Phục ䷗ là thấy được cái tâm của trời đất, thế là nói chí-tĩnh có thể thấy được cái tâm của trời đất, nhưng không phải. Ở mặt dưới quẻ Phục có một vạch liền, ấy là động vậy. Sao được bảo là tĩnh? Tự đời xưa nho-giả đều nói tĩnh, thì thấy cái tâm của trời đất. Duy có ta nói động thì mới thấy cái tâm của trời đất.
Quí-minh: Có phải là tìm cái tĩnh ở trong cái động không?
Y-xuyên: Vốn phải, nhưng rất khó. Nhà Phật hay nói định 定, thánh-nhân thì nói chỉ 止. Vả như cái ưa của vật nên gọi là ưa, cái ghét của vật nên gọi là ghét, cái ưa cái ghét của vật có quan-hệ gì đến ta. Nếu nói rằng ta chỉ định mà thôi, không có làm gì cả, song cái ưa cái ghét của vật cũng có ở trong đó. Cho nên thánh-nhân chỉ nói chữ chỉ 止. Sở vị chỉ là như nói « nhân quân chỉ ư nhân, nhân thần chỉ ư kính vậy ». Quẻ Cấn trong kinh Dịch nói cái nghĩa chữ chỉ là giữ vững cái ngăn lại, ngăn chỗ đáng ngăn lại vậy. Nghĩa là nói tùy cái chỗ ngăn lại mà ngăn lại. Nhiều người không ngăn lại được. Xét người và vạn vật đều hoàn bị cả, khi gặp việc thì đều nhân cái sở trọng của tâm rồi thay đổi mà xuất hiện ra, như thấy được việc ấy trọng, thì có việc ấy ra. Nếu có thể để vật đối vật, thì tự nó không xuất hiện ra được.
Quí-minh: Có kẻ nói rằng: Trước lúc hỉ nộ ai lạc chưa phát ra, thì tiên-sinh hạ chữ động hay chữ tĩnh?
Y-xuyên: Chữ tĩnh thì phải. Nhưng trong thể tĩnh nên có vật mới được. Chỗ ấy là chỗ khó, học-giả chi bằng trước hãy lý-hội lấy được chữ kính đã. Biết được chữ kính thì sẽ biết điều ấy.
Quí-minh: Kính thì dụng công thế nào?
Y-xuyên: Không gì bằng chủ ở cái một.
Quí-minh: Bính tôi thường lo sự tư-lự không định, hoặc đang nghĩ một việc chưa xong, việc khác đã sinh ra nhiều, thì làm thế nào?
Y-xuyên: Không nên như thế. Ấy là cái gốc tại không thành thực vậy. Phải tập. Tập mà chuyên nhất được thì hay. Bất câu tư-lự và ứng sự đều cần ở sự cầu lấy cái một.
Quí-minh: Đang lúc tĩnh tọa, mà có vật đi qua trước mặt, thì có thấy hay không?
Y-xuyên: Xem việc thế nào đã: Nếu là đại sự như lúc đang tế-tự, thì vật gì đi qua không thấy, không nghe; nếu lúc vô sự thì mắt nên thấy, tai nên nghe.
Quí-minh: Đang lúc giữ lòng kính tuy có thấy có nghe, nhưng không có cái gì đi qua mà không lưu lại, có phải không?
Y-xuyên: Không nói rằng: « Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính » hay sao? Chữ vật 勿 là lời nói cấm chỉ, chứ nói chữ phất 弗 thì không được.
Quí-minh: Trong sách Tạp-thuyết lấy cái tâm của đứa trẻ là đã phát ra rồi, có phải không?
Y-xuyên: Đã phát ra, nhưng cách đạo chưa xa vậy.
Quí-minh: Bậc đại-nhân không mất cái tâm của đứa trẻ, là thế nào?
Y-xuyên: Lấy cái thuần nhất là gần đạo vậy.
Quí-minh: Cái tâm của đứa trẻ và cái tâm của thánh-nhân, thế nào?
Y-xuyên: Cái tâm của thánh-nhân như mặt gương, như nước đứng lặng. »
Trong bài vấn-đáp ấy, Trình Y-xuyên giải rõ nghĩa cái thể trung, cốt ở cái công hàm-dưỡng lúc bình nhật, khiến cho khi thất tình chưa phát ra, thì bao giờ cũng có cái thể trung. Có cái thể trung, thì đến khi thất tình phát ra, tất là trúng tiết. Ấy là lấy cái tĩnh làm cơ-sở cho cái động.
Trong khi thất tình chưa phát ra, thì cái tâm tuy tịch-nhiên vô-vật, song cái căn-bản của nghĩa lý đã hàm ở trong tâm, không như cái học khác cho là hư-vô cả. Cho nên cái công càng rõ là phải tìm cái tĩnh ở trong cái động, mà xem ở lúc những thất tình đã phát ra. Như thế thì đến khi ứng sự thù vật có thể thuận cả ở cái qui-tắc tự-nhiên. Lúc việc xong, tâm nhàn, qui-hợp với cái đạo thường của Thái-hư, mà các vật không có vật nào là lưu-trú lại. Ấy là động chỗ sở dĩ để làm tĩnh vậy. Một động một tĩnh làm căn-bản lẫn cho nhau, mà cái cốt yếu thì tóm cả về sự kính. Tồn-dưỡng cũng bởi sự kính ấy, tỉnh-sát cũng bởi sự kính ấy. Vậy nên cái học của Y-xuyên rất chú trọng ở sự cư kính 居 敬.
Cư kính và cùng lý. — Trình Y-xuyên lấy câu: « Kính dĩ trực nội, nghĩa dĩ phương ngoại » ở trong kinh Dịch để làm cốt-yếu cho tự học của mình. « Kính dĩ trực nội », là phải lấy sự kính mà giữ tâm tính cho lúc nào cũng được nghiêm chính, không trễ biếng bạo mạn; « nghĩa dĩ phương ngoại », là lấy lẽ phải mà làm mọi việc ở ngoài cho hợp đạo lý. Vậy kính là phải trị mình, mà nghĩa là cách đối phó với sự vật cho hợp lẽ phải trái. Ông cho rằng cái tâm của người ta mà thường giữ được là ở sự kính; không kính thì không giữ được gì cả. Vậy kính là cốt để hàm-dưỡng. Nhưng một kính không, không đủ, phải có tập nghĩa 集 義 nữa mới được. Tập nghĩa là phải để tâm mà làm mọi việc cho hợp với nghĩa. Thí-dụ như muốn làm việc hiếu, không phải là chỉ biết sự hiếu mà thôi, cần phải thực-hành hết mọi việc về đạo hiếu, thì mới thật là hiếu. Việc để tâm vào chỗ thực-hành ấy cho hợp nghĩa, tức là tập nghĩa vậy.
Bởi có cái tập nghĩa ấy mới có cùng lý 窮 理. Ông cho là trong mỗi vật có một lý, vậy nên ta phải biết cho đến cùng cái lý. Cùng lý có nhiều mối: hoặc đọc sách, giảng rõ nghĩa lý; hoặc luận cổ kim nhân vật, phân rõ điều phải trái; hoặc ứng sự tiếp vật mà xử lấy chính đáng, đều là cùng lý cả. Ông nói rằng: « Sở vụ cái cùng-lý không phải là nói cùng hết cái lý của vạn vật trong thiên-hạ, cũng không phải là cùng được một cái lý là đến nơi. Chỉ cốt nay đến một việc, mai đến một việc, tích tập nhiều, thì rồi tự-nhiên có chỗ quán thông. »
Có cùng-lý mới cách-vật và trí-tri được. Ông cho cái trí của người ta có hai thứ. Một thứ là cái trí kiến-văn, một thứ là cái trí đức-tính. Cái trí kiến-văn thì do sự giao tiếp với ngoại vật mà biết. Cái trí đức-tính cốt làm sáng rõ cái đức-tính ở trong. Hai cái trí ấy, ông cho cái trí đức-tính là trọng hơn. Vì có trí đức-tính, mới làm cho cao cái phẩm-giá của người ta được. Theo cái ý của ông, thì cùng-lý là biết hết những lẽ đạo-đức vậy.
Trí và hành. — Trình Y-xuyên phân-biệt sự biết và sự làm ra hai phần khác nhau. Ông nói rằng: « Quân-tử lấy sự biết làm gốc, sự làm làm thứ. Nay có người sức có thể làm được, mà cái biết không đủ để biết cho rõ, thành ra có những dị-đoan, rồi cứ lưu-đãng không biết quay trở lại, trong không biết hiếu ố, ngoài không biết thị phi. Như thế dẫu có cái tín của Vị-sinh, ta không lấy làm quí, Vậy nên sự biết phải ở trước sự làm, ví như đi đường nên có ánh sáng soi rõ đã. » Cái tính của người ta vốn lành, theo lý mà làm là thuận, nhưng phải soi cho sáng rõ cái lý, thì tự-nhiên vui ở sự theo lý mà hành động vậy.
Sự học tập. — Trình Y-xuyên nói rằng: « Phàm cái đạo của sự học là chính cái tâm, nuôi cái tính mà thôi. » Nghĩa là ông cho cái học phải chú trọng về đường đạo-đức. Kẻ học-giả phải có sự kính và sự lập chí. Không có sự kính thì không trí-tri được, không có chí thì rồi bị cái khí và cái tập-quán làm sai lầm. Cho nên nói rằng: « Học-giả để cái khí thắng hơn và cái tập-quán cướp mất, là chỉ trách ở cái chí. » Vậy không có hai điều ấy là không học được đạo của thánh hiền.
Sự học tập của họ Trình là lấy sách Đại-học, Luận-ngữ, Mạnh-tử, Trung-dung làm tiêu-chí để đạt đến sáu Kinh. Trình Y-xuyên nói rằng: « Đọc sách phải cùng-lý để trí-dụng. Nếu để cái tâm trệ ở chương cú là vô dụng, ấy là cái lo lớn của học-giả. » Cùng được cái lý ở trong sách, rồi đem ra mà thực-hành, ấy gọi là trí dụng 致 用. Nếu học mà chỉ bo-bo ở từng câu từng chữ, không suốt đến cái nghĩa lý cao xa, thì chỉ là cái học hư-văn mà thôi. Bởi vậy ông nói rằng: « Học-giả phải vụ thực, không cần cái cận danh. Có ý cầu cái cận danh, thì cái gốc lớn đã mất rồi, còn học cái gì nữa. Vị danh mà học là dở vậy. »
Xét ra, cái học của Trình Y-xuyên thì nghiêm chính, nhưng có nhiều điều câu-nệ, không được ung-dung khoan-hòa như cái học của Trình Minh-đạo. Muốn biết cái thái-độ của hai người là thế nào, thì xem những câu chuyện sau này là đủ rõ. Trình Minh-đạo thường nói rằng: « Ngày sau em ta có thể làm cho tôn cái đạo thầy, còn như tiếp dẫn kẻ hậu học, tùy tài mà thành-tựu cho người ta, thì ta không dám nhường. » Hậu nho có người chép rằng: « Minh-đạo và Y-xuyên cùng đi theo quan Đại-trung coi đất Hán-châu, đến tối vào ngủ ở cái chùa. Minh-đạo đi vào cửa bên hữu, thì mọi người theo cả vào cửa bên hữu; Y-xuyên đi vào cửa bên tả, thì chỉ có một mình, không ai đi theo. Vào đến trong chùa, Y-xuyên nghĩ thầm rằng: « Đó là chỗ ta không bằng anh ta. » Người ta đi theo Minh-đạo là vì ông khoan-hòa, dễ-dãi, cho nên ai cũng muốn thân cận, mà Y-xuyên thì nghiêm trọng thắc-mắc, cho nên không ai dám đến gần.
Tính Trình Y-xuyên hay câu-nệ những cái nghĩa lý vụn vặt. Xem như ông cố chấp một câu « khấp tắc bất ca » ở trong Luận-ngữ mà cãi nhau mãi với Tô Đông-pha, không chịu lấy cái nghĩa tùy thời chấp trung mà hiểu, thì đủ rõ cái học của ông có phần chi-ly lắm.
MÔN-ĐỆ CỦA HỌ TRÌNH
Những người theo hai anh em họ Trình rất nhiều, song những người có thế-lực đến hậu học, thì chỉ có Tạ Lương-Tả và Dương Thời mà thôi.
Tạ Lương-Tả 謝 良 佐, tự là Hiển-đạo 顯 道, hiệu là Thượng-thái 上 蔡, theo học Trình Minh-đạo, sau mở đường cho Lục Cửu-Uyên.
Dương Thời 楊 時, tự là Trung-lập 中 立, hiệu là Qui-sơn 龜 山, trước theo học Trình Minh-đạo, sau theo học Trình Y-xuyên, rồi truyền cái học cho La Tòng-Ngạn 羅 從 彥, tự là Trọng-tố 仲 素, hiệu là Dự-chương 豫 章. La Tòng-Ngạn truyền cho Lý Đồng 李 侗, tự là Nguyện-trung 愿 中, hiệu là Diên-bình 延 平. Lý Đồng truyền cho Chu Hi.
- ▲ Tức là Lữ Tổ-Khiêm