Nhà họ Dương đổ đốn

Nhà họ Dương đổ đốn  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số, 6438 (12.5.1931), chuyên mục Những điều nghe thấy.

Đổ đốn là tiếng Việt Nam mà người Bắc kỳ thường dùng, chỉ nghĩa là sanh hư sanh tệ, đương hay gớm gan mà hóa ra dở, đương thạnh vượng mà hóa ra sa sút.

Tiếng đổ đốn người ta hay dùng mà nói về trẻ con. Như nói: Thằng bé nầy dạo nầy đổ đốn, thế nghĩa là thằng nọ đương ngoan ngoãn dễ thương mà bỗng sanh hư sanh tệ, làm nũng trái chứng ngang đầu ngẳng cổ khó chịu.

Cũng có thể dùng ra nghĩa rộng để chỉ về quốc gia, xã hội lúc hết thạnh tới suy. Bởi vậy, khi tôi muốn, tôi cũng dùng mà chỉ cái thời kỳ ấy của một gia tộc được.

Họ Dương nói đây là họ Dương ở Bắc kỳ, chớ không dính dấp gì với ông Dương Văn Giáo chúng ta đâu.

Họ Dương ở Bắc kỳ về đời Tự Đức có anh em ông Dương Khuê, Dương Lâm, đều đậu cử nhân tấn sĩ, làm quan tổng đốc thượng thơ, sang trọng nhứt xứ; các ổng lại còn tài bộ phong lưu nữa là khác, hay làm thơ đủ cả chữ lẫn nôm, hay đặt bài hát ả đầu, lại đánh trống nhà trò cũng tuyệt nghệ.

Hình như cũng về dòng dõi nhà họ Dương ấy, có những tên mà người ta hay kêu đến, rất quen tai, là những tên Dương Tự Nhu, Dương Tự Phan. Mình ở xa không biết rõ, mấy người nầy chắc cũng là tay oai trong xã hội Bắc kỳ, cho nên mới xuất danh như vậy được.

Mình biết chắc có Dương Thiệu Tường, cháu nội cụ Dương Lâm nói trên kia, đã đậu tấn sĩ khoa thi hội cuối cùng hồi Khải Định, hay dở chi không biết, chớ cũng là tấn sĩ nòi.

Nhỏ giạt xuống cho đến Dương Tự Hướng, rõ thật không giống lông cũng giống cánh, anh nầy được cái ngón chầu thiệt sắc.

Dương Mạnh Huy, ông nầy chẳng biết có phải đồng một giây máu trên kia không, nói cho phải, cũng là tay sính nghề văn, có tên tuổi trong làng trứ thuật.

Chút nữa mà quên kể anh em ông Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Tự Nguyên, Dương Cự Tẩm, Dương Văn Tý, Dương Tụ Quán, sáu người là mười hai cái bàn tay chỉ đâu thành vàng đó hết thảy, bởi vậy mới xưa kia là nhà nho thanh bạch mà ngày nay sắp nối chơn cụ Bưởi, cụ Thu, ngài Cự, ngài Tiệp, mấy tay giàu nổi ở Bắc kỳ.

Hỡi ôi! Thạnh vậy thay nhà họ Dương! Hỡi ôi! oai vậy thay người họ Dương!

Vậy mà đến nay có ông Dương Tự Tám, trổ cái điềm nhà họ Dương sanh đốn từ đây, tiếc vậy thay!

Coi bao nhiêu cái tên người họ Dương kể trên kia, cái tên nào cũng oai hết, không có đâu như cái tên Dương Tự Tám!

Những tên trên kia tỏ ra rằng hồi bấy giờ nhà họ Dương ai nấy đều có học, đều lựa chữ rột rạc mà đặt tên. Đến ngày nay đổ đốn rồi, con họ Dương ra đời, lật bộ Tự điển Khương Hy ra, không còn biết nét ngay nét sổ làm sao hết, âu là chi đặt đại tên nôm đi là Tám.

Nghe cái tên, đủ biết con người ra thế nào rồi. Hồi Bắc kỳ thời báo mới rao ra, thấy ông Dương Tự Tám đứng chủ nhiệm, Thông Reo nầy đã phải như đức Khổng nghe nhạc thiều thuở nọ, ba tháng chẳng biết mùi thịt.

Quả nhiên hôm nay thấy ông chủ nhiệm ấy đổ đốn rồi. Bắc kỳ thời báo ra số 1 ngày 29 Avril đã có lời kính cáo độc giả như vầy:

Vì ông Dương Tự Tám, bổn báo chủ nhiệm, nhứt định không tới báo quán làm việc, nên không có ai giữ trách nhiệm đem bài ra xin chữ tòa Kiểm duyệt như trước, bổn báo phải đăng lại bài Kính cáo quốc dân nầy là bài có được phép tòa Kiểm duyệt rồi.

Trong mấy lời kỉnh cáo ấy có một điều tỏ ra tờ Bắc kỳ thời báo đối với viên chủ nhiệm nó thật đã khinh bỉ quá thể. Nói chủ nhiệm không đến báo quán làm việc, cho nên không ai giữ trách nhiệm đem bài đi xin chữ kiểm duyệt, nói vậy thì coi chủ nhiệm chẳng khác nào người lon ton![1]

Ở Nam kỳ đây, tên Tư, tên Năm, tên Mười, làm lonton là sự thường. Nhưng một tờ báo mà đãi viên chủ nhiệm mình như thế, làm nhục đến viên chủ nhiệm khác, làm nhục cho cả làng báo, cũng đáng trách, sao không ai trách?

Nói thì nói, chớ ông Dương Tự Tám liệu mà cút đi là phải hơn. Lấy cái tên ấy mà đeo đuổi theo làng báo chừng nào, thì càng sanh hư sanh tệ chừng nấy, đối với nhà họ Dương thật là bất lợi.

Thông Reo

   




Chú thích

  1. Bài báo này liên quan đến một tin tức không hay từ làng báo Bắc kỳ : tờ Bắc kỳ thời báo do Dương Tự Tám và Nguyễn Thống chủ trương, khi có giấy phép, chưa ra số đầu đã vội ra phụ trương Xuân chương bán dịp Tết. Khá lâu sau mới ra số đầu, chỉ có 2 trang, lại thông báo Bắc kỳ thời báo chưa thể ra vì ông chủ nhiệm và ông quản lý đang kiện nhau. Nguyễn Thống kiện ông Tám biển nhơn thủ tiền, ông Tám thì đăng báo tuyên bố từ bỏ ông Thống, không coi ông ta là quản lý của báo mình (xem bài Một chuyện lạ trong làng báo của Phiêu Linh cũng đăng Trung lập số này). Tuy vậy việc Phan Khôi (Thông Reo) cho Dương Tự Tám là cùng họ với họ Dương ở Vân Đình (Hà Đông) và họ Dương ở Hưng Yên là không chính xác. Xem thêm bài của Dương Quảng Hàm Một sự cải chánh nên thân.