Người say rượu  (1939) 
của Bích Khê

"Rót chén này rồi chén nữa đi,
"Có hương trong ấy, uống li bì...
"Cho thơm cả miệng - hàm răng khớp
"Có chảy trong lòng suối biệt ly!

"Ngô Cơ! Nàng hãy rót cho mau
"Rượu mới kề môi đã nổi màu:
"Ta thấy hình nàng thu gọn lại
"Có đôi mắt biếc của mùa thu!

"Nốc chén này còn chén nữa đây
"Mộng bay ngàn dặm với thơ bay...
"Xưa tê một chuyến lên cung Quảng
"Mê luyến cho ai bạc tháng ngày!"

Người say uống bao dòng tinh huyết,
Mà đêm nhung nhẹ lướt giải đồi mây
Người muốn cho bao lời ca bi thiết
Chiếm muôn hồn như một khúc say ngây.

Đây bóng lá ánh trăng nhồm sấp ngã
- Một cô hồn có lẽ thoáng đi qua
Sao lốm đốm trên cây nằm lả tả.
Một chuỗi cười rồ rộ ở trong hoa.

Tiếng cười vừa mới ngắt.
Sóng vàng nối lao xao:
Có người đương đuổi bắt
Ma men bên suối đào...

Rạng mai có kẻ đi về đấy:
Ôi! Người say rượu chết nằm queo!
Ngọc sương nức nở tan thành lệ!
Hơi rượu say nồng vẫn quyện theo!

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)