Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 2/Tạp-trở/Truyện người lính bằng tuyết
TẠP-TRỞ
TRUYỆN NGƯỜI LÍNH BẰNG TUYẾT
Truyện dịch sau này là thuộc về lối « đoản-thiên-tiểu-thuyết » (conte, nouvelle). Lối ấy cũng là một lối hay trong văn-chương tây, các nhà văn-sĩ ta có thể bắt chước mà làm bằng tiếng nôm. Vì lối tiểu-thuyết dài thì hiện nay người nước ta còn chưa đủ tư-cách mà khởi-hành được.
Tôi mới được nghe đầu đuôi truyện một người lính bị hại ở trước chiến-hào, chết rồi mãi đến sau mới có người biết. Người lính ấy thực là vào hạng những bực vô-danh anh-hùng, lúc ngã xuống cũng không có tiếng động.
Người lính ấy tôi hẵng tạm gọi tên là anh Chi-lặc, tên ấy cũng hơi giống cái tên thực của anh ta; vì trừ mẹ anh ta chưa ai biết anh ta chết, vậy không muốn thêm nước mắt khác vào cái nước mắt người mẹ khóc con. Nguyên tôi vẫn biết anh ta; anh ta là một người phu coi đường, thường rải đá những con đường ở rừng Phong-đăng-bối-lộ, khéo sửa sang những chỗ đường vòng đường cuốn.
Chợt sẩy ra việc chiến-tranh. Anh Chi-lặc bấy giờ mười tám tuổi, nhưng người bé cỏn con, tựa hồ như một người thu-hình lại, mỗi phần rút lại một tí... Ngày hạ-lệnh động-binh, anh ta bỏ sẻng cuốc một nơi, đeo cái dải lụa lên mũ, đi khua trống trong khắp thành-phố, tay đặp miệng hát, rõ ra giáng một chàng Tí-hon[1] của sự chiến-tranh. Nhưng đến khi ra hội-đồng sát lính, thì quan đại-tướng chủ hội-đồng tủm tỉm cười, các quan thầy thuốc trông anh ta mặt bủng lưng cong cũng cười mà hỏi rằng:
— Anh chàng làm nghề gì?
— Bẩm chúng con làm nghề quét đường.
— Thế thì cả người anh không cao bằng cái sẻng của anh. Đi lính sao được?
— Bẩm chúng tôi thiết tưởng đem thân ra chết cho nước, nhớn nhỏ có hề chi.
Ấy anh Chi-lặc đáp lại như thế. Bất thành nhân mà nói nên câu ấy, người thành-nhân hồ dễ đã mấy người biết nói hơn!
Anh Chi-lặc người sấu sí không được đắc tình với bọn đàn bà, trong bụng chỉ ham mê một điều, là cái vinh-dự, không phải là vinh-dự bởi cái lon đóng ở cánh tay, nhưng vinh-dự bởi cái vết thương đau đớn. Tôi đã từng biết anh ta, tôi có thể tưởng-tượng được cái tâm-sự anh ta lúc bấy giờ.
Trông thấy mấy ông quan hội-đồng nhìn mình có ý chê cười, tất anh ta tự nghĩ rằng:
« Trong lòng ta đây có cái vết thương, như cái hốc chũng trên đường cái. Ta bình sinh gặp cái vũng nào trên đường thường san lấp cho phẳng để tiện người đi lại. Mấy người ngồi đây nếu có bụng tốt cũng nên hàn cho ta cái vết thương ở trong lòng này mới phải, không biết còn đợi gì nữa? »
Mặt anh ta bấy giờ buồn rầu cho đến nỗi một ông quan phải cất tiếng lên nói rằng:
« Thôi cho trúng-cách nhập-ngũ! »
Thế là anh Chi-lặc khỏi cái vết thương ở trong lòng.
Song cũng chưa được khỏi hẳn. Vì đến khi váo trại lại bị anh em hành hạ. Chúng trông thấy anh ta chống súng xuống đất, cái đầu súng với đầu người ngang bằng nhau, thì ai nấy đều bật cười mà nói rằng:
« Anh bé nhỏ quá. Người đâu có thế! »
Một ngày kia, quân-nhạc trong đội thổi bài « Khởi-hành ». Nghe tiếng kèn như tiếng nói, nói rằng: Cuộc này là cuộc đại công-danh, nhớn nhỏ mỗi người mỗi phận.
Ra nơi chiến-trường, anh Chi-lặc đánh nhau rất can-đảm, có người từng trông thấy đã kể lại với tôi. Đã từng theo đánh trận Á-nhĩ-đóa; lại từng cắp súng tiến lên ở cánh đồng Sơn-ba-ni. Bấy giờ chúng mới biết bé con con mà trượng-phu đích thị.
Tiểu-đội anh ta mới chiếm được một khu rừng, đủ kín mà ẩn quân ở đấy không sợ lộ.
Nhưng quân địch nhiều ít thế nào? Chiến-hào của địch ngắn dài chừng nao?
Giời đã tối, anh Chi-lặc không nói với ai, tự sắp sửa đi giò-la xem thế nào. Không biết trong bụng nghĩ làm sao mà anh ta quyết đi chinh-sát một mình.
Anh Chi-lặc bèn leo ra ngoài chiến-hào, quân Đức ngay đối diện; tức-thì ruồi nhặng mùa đông bám vào người như bám vào một cục đường nhớn; song anh Chi-lặc vẫn cứ bò lại phía quân địch.
Bò được 20 thước thì thấy một tiếng súng nổ, rùng mình...
Anh Chi-lặc nằm im không động đậy, sợ quân địch biết anh em mình ẩn trong rừng....
Gió lạnh thổi chính bắc, đêm tối như mực, tựa hồ như giời bắc-cực qua cửa nước Tỉ vào đất Pháp để bán cái khổ-nàn cho quân lính ta. Dù vậy mà anh Chi-lặc không run vì rét, run vì sốt rét. Các ông xem truyện này tất đã rõ cái tâm-hồn của anh chàng, thì các ông cũng đoán biết cái bụng nghĩ anh ta lúc bấy giờ. Đương lúc hiểm nghèo như thế, anh ta tự nghĩ rằng:
«... Này lúc này là lúc nên tỏ cho anh em trong đội ta biết rằng cha ta tuy nặn cái người ta khí hụt mà nặn tấm lòng ta thật to. Quân địch ngờ ta ở đây mà không trông thấy ta. Hễ nó còn nghi ngờ thì ta còn phải nằm đây không nên động vội, vì cái nghĩa-vụ ta phải thế. »
Anh ta bèn quì lên trên đống tuyết.
«... Ôi! giời rét thật... Quân Đức còn rình ta đến chốc nũa thì ta chỉ còn một đống tuyết thôi, đống tuyết tí tị vì người ta cũng cỏn con. Nhưng mà thôi! Cái nghiệp nhà ta là phải chịu khổ, cha tôi đã phải khổ sở lắm, mẹ tôi cũng khổ sở nhiều! Tôi là con hai người cũng phải. »
Tuyết giáng tơi bời, che hầu hết người, anh Chi-lặc bé nhỏ lẩm-bẩm trong miệng rằng:
« Ừ, nếu có khổ mới là người, câu ấy là thực, thì ta quả là người đây. »
Thế là hết đời anh Chi-lặc. Tôi đã được biết anh ta lắm, mà cũng vì anh ta dễ biết nên tôi mới rãi tỏ được tấm lòng như vậy.
Tuần lễ này, tôi gặp một người anh em bạn anh ta ở trong rừng, người ấy ở nhà thương ít lâu mới thải về, đêm hôm anh Chi-lặc bị chết rét thì người ấy chính là thuộc vào bọn quân đóng trong khu rừng ở đấy. Tôi nói truyện anh ta với người ấy thì người ấy nói rằng:
«... Ấy thế, bấy giờ vào hai giờ đêm, có người đến báo quan Đại-úy: « Anh « bán-nhân » không có đấy! » Chúng tôi thường khôi-hài gọi hắn là anh « bán-nhân », hắn cũng buồn cười, vì hắn tự biết rằng bé nhỏ quá không thành người. Sáng hôm sau, chúng tôi đánh cướp được chiến-hào của quân Đức, lập tức đi tìm bới mọi nơi. Hô gọi: « Chi-lặc! Chi-lặc! » Một viên đội đứng dừng lại bảo tôi rằng: « Này anh thử nhìn cái đống tuyết kia, có phải rõ hình hai chân, cái súng, hai cánh tay, cái đầu không? »
« Quan đại-úy đứng đấy nói rằng:
« — Chi-lặc nó bé nhỏ, cái này nhớn quá, người đâu có thế.
« Nói rồi quan đại-úy đi.
« Chúng tôi bới tuyết lên, thì quả là hắn, không sai. »
Nhời nói lắm khi có cái thần-lực lạ. Như một câu « cái này nhớn quá, người đâu có thế », tôi vừa nghe thấy mà tưởng giời đất muốn rung động thổn-thức như tấm lòng người vậy...
Dịch pháp-văn của Georges d’Esparbès
Chú thích
- ▲ Tí-hon là tên một chàng trong truyện trẻ con của nhà làm truyện nước Pháp Perrault, người bé nhỏ mà trí khôn-ngoan. Xem tập chuyện Perrault của ông Nguyễn-văn-Vĩnh dịch.