Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 2/Tạp-trở/Bình phẩm sách mới
Bình phẩm sách mới
Một tấm lòng, của ông Đoàn-như-Khuê soạn. — In tại nhà in Mạc-đình-Tư năm 1917. Giá bán: 0$25
Xem chừng văn quốc-ngữ ta có cơ tiến-bộ được. Gần đây đã thấy lác-đác một vài người lưu-tâm chú-ý đến văn-chương nôm. Cái nhiệt-thành ấy tuy cũng chưa lấy gì làm sốt-sắng lắm, nhưng so với cái lạnh-nhạt khi trước thì cũng là một triệu-chứng tốt. Mới rồi ông Tản-Đà Nguyễn-khắc-Hiếu đã hiến bọn ta một Khối tình con, khiến cho ta còn mong mỏi sắp được một « khối tình nhớn » nữa. Nay ông Hải-nam Đoàn-như-Khuê lại tặng ta Một tấm lòng, hứa sẽ tiếp theo sau này một tập Cảo-thơm. Nếu từ giờ đến ít lâu lại xuất-hiện được một ông Hải-đông hay ông Nùng-Nhị nào nữa thì quả nên vui, nên mừng thay cho cái tiền-đồ quốc-văn vậy.
Ta đã có dịp bàn về thơ-văn ông Tản-Đà mà chào mừng ông là một nhà làm văn có biệt-tài.[1] Nay hẵng hoan-nghênh riêng ông Hải-nam mà cám ơn ông cho ta cái quà rất quí báu, vì còn quà gì quí bằng « một tấm lòng » người! Người đời ai tặng nhau vật gì thường hay gửi chút lòng thành theo sau. Nay ông cho ta cả « tấm lòng » của ông thì há chẳng nên vui lòng mà đón tiếp rư? Huống tấm lòng ông lại có lắm vẻ vui sầu, lắm mối cảm-động, khiến cho lòng ta cũng đồng thanh mà đồng điệu, cùng khóc cùng cười, cùng than-vãn mà cùng mỉa-mai!
Ông Đoàn-như-Khuê là người đa-sầu mà là người đa-cảm, bởi đa-cảm nên đa-sầu. Người ta đã không phải là giống mộc-thạch, thì đối với cảnh-vật, đối với sự đời, thường có cảm, kẻ ít người nhiều, xưa nay ai là người chẳng có? Nhưng cái đặc-sắc của « tấm lòng » kẻ thi-nhân là biết cảm sâu hơn người thường, bởi thế mà cảm dễ sinh ra sầu. Đã mang cái sầu ở trong lòng, thì không còn gì khiến cho vui được nữa, tưởng mình đứng trong trần-thế như cái cù-lao trong « bể thảm », bể bát-ngát mà mênh-mông, vô-cùng mà vô-tận,
Bể bao nhiêu nước, bao nhiêu thảm,
Lấp chẳng đầy cho, tát chẳng vơi!
Bởi thế mà gây nên những nhời thiết-tha ai-oán, than cái thân-phận con người trong cõi phù-sinh:
Mới lọt lòng ra đã khóc rồi,
Kiếp trần ngán lắm chị em ôi!
Một lần mình khóc lần người khóc,
Sống thác đôi lần giọt lệ rơi!
Đọc bài « Bể-thảm » ấy mà nhớ đến cái đoạn não-nùng trong Cung-oán:
Thảo nào khi mới chôn rau,
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra!
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò bãi bể nương dâu?
..................................
Kiếp phù-sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có chi đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ-khâu dì-dì!
Lại bài « Khóc bạn », nhời khúc-triết, giọng thiết-tha, cũng phảng-phất được ít nhiều bài ông Hàn Dũ khóc cháu. Cho hay tự-cổ-chí-kim phàm tiếng kêu-khóc đã xuất tự trong lòng ra thì cũng là mang bấy nhiêu nỗi ngậm-ngùi, bấy nhiêu tình thê-thảm! Chỉ tiếc trong bài văn ấy phải một đoạn giữa mượn những tên ông Sấm ông Sét, đức Thiên-lôi, bà La-xát, mà tỉ cái hồn tự-do thanh-nhàn của người bạn mình, người bạn dầu có biết ngồi nghe nhời viếng ấy cũng phải khiếp-đảm.
Đại-để thì ông Hải-nam hay văn vần hơn văn suôi. Những bài văn suôi của ông như bài Tụa, bài « Bàn về chữ tình », còn chưa được luyện lắm. Bài tựa thì khí lôi-thôi, mà bài « tình » thì có lắm đoạn hơi buồn cười: như ông dạy « chữ tình không phải chỉ riêng một mình đàn ông có, riêng một mình đàn bà có, phải trộn lẫn hai đằng lại với nhau mới thành ra một khối tình chung (!) », thì tưởng chẳng cần phải có cái tư-tưởng sâu-sắc lắm mới hiểu được!
Chẳng dám khuyên gì ông, nhưng thiết-tưởng làm văn suôi cốt giản và ước. Muốn diễn một cái tư-tưởng gì, phải sếp đặt ý sẵn trong bụng, rồi cứ lần-lượt mỗi ý diễn ra một nhời, chọn nhời cho tương-đương với ý, hơn một câu không nói, thiếu một ý không nghe; có muốn tỉ-dụ cho rõ nghĩa thêm thì cũng chỉ nên chọn trong nhiều việc nhiều người lấy một người một việc nào là đích-đáng mới nói, chớ có nên nhân bàn một sự gì cũng gọi đến vua Nã-phá-luận nước Pháp, ông Mã-chi-ni nước Ý, thầy Lư-thoa, thầy Mạnh-đức, bà Trình-đức, bà U-lan, chút cả bộ Am-băng vào một trang giấy! Cái tật ấy là một tật chung của các nhà đọc « tân-thư » ỏ nước ta; ông Đoàn xem ra cũng mắc ít nhiều.
Còn vận-văn của ông thì không kể bài « Bể-thảm » hay hơn nhất, những bài khác cũng nghe được cả. Xem ra ông sở-trường lối thơ buồn hơn thơ vui; đó cũng là một cái đặc-sắc trong nghề thơ của ông. Bởi thế những câu hay thường là câu buồn:
Nước chẩy chẩy theo đôi giọt lệ,
Nhà xa xa cách mấy ngàn giâu!
Sông Thương sực nhớ đêm mưa gió,
Kẻ ngược người suôi một chuyến tầu.
..................................
Năm canh một ngọn đèn xanh ngắt,
Thêm giật mình cho trận gió lau.
Những bài tả phong-cảnh thú cũng là cái thú buồn, thú tiêu-sắt như thú mùa thu. Như hai bài đi chơi thuyền trên Tây Hồ:
Một chiếc thuyền-tình bốn mặt hoa,
Trên giời dưới nước giữa đôi ta.
Hồ quang mưa tạnh sen vừa nở,
Giữa bóng giăng khuya bóng chửa ta.
Trần-gian mơ tưởng cảnh bồng tiên,
Phỏng cũng như đây nước một miền.
Thuyền nếu cứ đi người chẳng lại,
Đời sau thêm một chuyện Đào-nguyên.
Hai câu dưới khéo. Vì ông Đào Tiềm ngày xưa là ai? Mỗi người ta cũng có thể mà cũng có lúc là ông Đào-Tiềm được. Bước chân vào nơi phong-cảnh hữu-tình, nếu biết lấy con mắt thơ mà nhìn, thì suối Đào tất ở đấy không xa.
Những bài ca-dao của ông cũng nhiều bài véo-von lắm, thực có cái tinh-thần Quốc-phong ở đấy; đều là đáng hát cả. Thứ nhất là bài « đứng đầu cầu Ninh-bình »:
Hôm hôm ra đứng đầu cầu,
Dưới chân nước biếc trên đầu non xanh.
Có tôi với một vài anh,
Thấy vài cô nữa loanh-quanh đầu cầu.
Lại bài sau này, chẳng kém gì những nhời phong-dao rất hay của đàn-bà con-trẻ ta thường hát khi gió mát trăng thanh:
Cảnh giời ai bán ta mua,
Mua non non Thúy, mua chùa chùa Hương:
Mua hoa mới nở giữa vườn,
Mua giăng mới mọc trên sườn núi cao.
Ông sở-trường lối thơ buồn, nên ông không khéo làm thơ vui. Những bài ông bỡn-cợt mấy ông hậu-bổ (Ắt-my (admis) ngất-ngưởng chân quan Hậu... Tên lúy (lui) rồi tên cậu đứng liền), hay bài viếng diễu cụ sư mới chết (Có nhẽ ăn chay cũng chết à?,.. Phen này rồi cũng hóa ra ma!), không được thú lắm.
Nhưng mà cái đó cũng là những sự khuyết-điểm nhỏ, chẳng kể vào đâu. Được những bài như bài « Bể thảm » là đủ vớt lại cả.
Cái nghĩa-vụ nhà phê-bình là phải khen chê cho phải chẳng. Không biết mấy nhời bình-phẩm này có được hết nghĩa-vụ ấy không; nhưng mong rằng khỏi mắc cái oan trong nhời ngạn-ngữ: « Nói thật mất lòng! ». Nói thật bao giờ vẫn là hơn.
Phạm Quỳnh
Chú thích
- ▲ Bài bình-phẩm sách « Khối-tình con » của ông Hiếu in trong báo Đông-dương tạp-chí, số 120-121.