Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 1/Văn-học bình-luận

Một bộ tiểu-thuyết mới : "Nghĩa cái chết"  (1917)  của Phạm Quỳnh
Văn-học bình-luận

   

VĂN-HỌC BÌNH-LUẬN


MỘT BỘ TIỂU-THUYẾT MỚI : « NGHĨA CÁI CHẾT » [1]

Cái chết có nghĩa không ? Hỏi câu ấy thì nhà bác-học đáp « không » mà nhà tôn-giáo đáp « có ». Nhà bác-học nói : Chết là cái cùng-tận của sự sống ; phàm giống sinh-vật lúc sống thì cái sinh-khí ngưng-kết lại, khi chết thì cái sinh-khí giải-tán ra. Cuộc sinh-tử là một cuộc hợp tan, không có nghĩa gì đối với ai cả, vì trước khi sống là cái hư-không, sau khi chết cũng là cái hư-không mà thôi. — Nhà tôn-giáo nói : Người ta có hai phần, cái linh-hồn cùng cái nhục-thể. Linh-hồn vĩnh-viễn bất diệt, chỉ có cái nhục-thể là sống chết theo phép « lý-hóa ». Đời người bất quá là một cái độ đường của linh-hồn, không phải là hình-dung cả cái đời của linh-hồn vậy. Lúc chết là lúc linh-hồn dời xác-thịt mà siêu-thăng lên một cõi cao hơn cõi trần-thế. Vậy thì sự chết không phải là một sự cùng-tận, thực là một sự bắt-đầu, bắt-đầu một cuộc đời mới thuần về linh-hồn.

— Trong hai cái lý-thuyết ấy cái nào là phải ? Không thể quyết-định được. Các nhà tư-tưởng cũng chia ra làm hai đảng, không đồng ý nhau. Lúc bình-thường thì cái vấn-đề về sự chết ấy là một cái cao-đẳng vấn-đề thuộc về thuần-lý học, về thần-học, không có cái tính-cách cần-cấp mà thế-nhân cũng không thường lưu-tâm đến. Người ta không tất là phải kén chọn trong hai cái lý-thuyết cho biết nên theo cái nào, bỏ cái nào. Đương lúc sống thì tưởng cái chết như một cái kỳ-hạn xa-xa, có bàn đến cũng là coi như một món thanh-đàm, coi như một cái vấn-đề không quan-hệ gì với mình cho lắm. Nhưng hiện nay cuộc gươm-lửa kinh-thiên động-địa đương biến-hóa một phần thế-giới ra máu ra ro. Hàng vạn hàng ức con người sô đẩy nhau vào cái vực vô-hạn, không người nào là không hình như đã được đến gần cái chết mà biết mặt mũi nó thế nào rồi. Đương buổi cái chết thịnh-hành như thế, người đời đau sót trong lòng mà băn-khoăn tự hỏi cái chết là cái gì ? Cau thanh-đàm khi xưa nay thành nhờ bi-đát. Cái vấn-đề về sự chết phát-hiện ra tai mắt thế-nhân như viết bằng chữ lửa chữ máu.

Không những là những nhà chuyên-môn về thuần-lý-học thần-học mới có tư-cách mà nghiên-cứu cái vấn-đề ấy. Vấn-đế là cái vấn-đề chung cho mọi người có tấm-lòng khối-óc, ai ai cũng có thể tư-nghị được. Paul Bourget tiên-sinh tất nghĩ thế nên mới soạn bộ tiểu-thuyết đề là « Nghĩa cái chết » để thiết hiển-nhiên cái vấn-đề cho người đời biết rõ. Tiên-sinh lấy địa-vị cáo trong văn-học giới nước Pháp, lấy tưởng-tượng rộng, kết-cấu khéo, văn-chương hay, tư-cách riêng về tâm-lý-học, gồm bấy nhiêu biệt-tài đã nổi tiếng trong khắp hoàn-cầu, mà xét cái vấn-đề tâm-huyết ấy, thì chắt là phát-minh ra được nhiều ý-kiến hay, nhiều tư-tưởng lạ.

Tiên-sinh bầy cho ta hai cảnh chết cùng cao-thượng như nhau mà phản đối với nhau, vì hai cái là biểu-hiệu hai lý-thuyết như trên kia đã nói. Nhưng trong cái cách tiên-sinh hình-dung tả-mạc hai cảnh ấy, thực đã khéo diễn-xuất được cái nghĩa sâu ngũ ở trong, khiến cho ta lý-hội được hết những nhẽ tinh-vi nó làm cho tiên-sinh khuynh-hướng về bên nào.

Đại khái truyện như sau này :

Tiên-sinh giả-thiết mình là người khách-quan, tình-cờ được biết đầu-đuôi một việc bi-kịch trong mấy người với nhau, việc xong thuật lại để ghi nhớ về sau. Tự-thuật dùng lối kỷ-sự, nghĩa là cứ việc mà kể, không đem cái tư-tưởng riêng mình can-thiệp vào. Nhưng việc rất bi-thảm, không thể dừng cảm-động được, vả mình cũng có quan-hệ vào đấy một đôi tí, nên trong nhời tự-thuật không thể bình-dị đưc như nhà bác-học nghiên-cứu một cái vấn-đề về khoa-học vậy. Cả cái phong-thú trong truyện cũng bởi cái giọng ngậm-ngùi cảm-động ấy.

Marsal, y-sư (tức là người khách-quan, tức là tiên-sinh) nguyên là học-trò của ngoại-khoa danh-y Ortègue, vẫn giúp việc quản-lý nhà bệnh-viện của danh-y lập ra. Truyện này bắt đầu giữa lúc khởi cuộc chiến-tranh bên Âu-châu. Y-sư vì có tật chân, nên không được cái danh-dự ra chữa bệnh nơi chiến-trường. Nhân thầy là danh-sư ORTÈGUE xin được phép Binh-bộ biến cái bệnh-viện của mình làm nhà-thương cho lính-bị-thương, chuyên-trị những vết thương thuộc về thần-kinh bộ, cố giữ y-sư ở lại giúp việc. Y-sư tự nghĩ đâu cũng là cái nghĩa-vụ, dù ở nơi chiến-trường, dù ở trong bệnh-viện, cũng là có thể hết lòng thờ nước được, bèn nhận nhời thầy. Bởi cái cơ-hội như thế mà y-sư được tiếp-súc một cái bi-kịch riêng trong gia-đình ông thầy mình, cùng diễn ngang với cái bi-kịch chung trong nước. Cái bi-kịch riêng ấy tuy chỉ có quan-hệ đến vận-mệnh mấy người vi nhau, ngoài mấy người ấy cùng một vai người khác nữa không ai biết đến, người ở bên cạnh cũng không ai ngờ, mà cái ý-nghĩa nó rất là sâu-xa, không những là khá lấy giải được một phần cái bi-kịch nhớn, mà lại còn rạng-tỏ được cái nguyên-nhân tối-tăm của sự sinh-tử con người ta. Nhưng phải kể cả đầu-đuôi mới hiểu được. Mấy ngày đầu thì trong bệnh-viện còn dộn-dịp sếp dọn để đợi lính bị-thương đến. Danh-y cùng phu-nhân tận lực mà sửa-sang cho chỉnh-bị, muốn đem hết lòng yêu nước, hết tài sức riêng mà giúp nước trong buổi nạn chung. Danh-y là một nhà ngoại-khoa chước-danh nhất trong y-giới nước Pháp, có nhẽ trong cả thế-giới nữa. Chuyên-môn những bệnh thuộc về thần-kinh bộ, ngài đã chữa được nhiều bệnh bí-hiểm, phát-minh được nhiều cái bệnh-nguyên kỳ lạ. Ngài lại được cái tay khéo không ai bằng, múa dao trong tâm-can phế-phủ kẻ bệnh nhân một cách tuyệt-diệu, cũng dịp-dàng tiết-tấu như tên bào-đinh trong sách Trang-tử vậy.

Bởi vậy mà ngài đã gây nên một cái danh-dự nhớn, dựng được một cái gia-tư to. Vừa giàu-có, vừa vẻ-vang, thực là đã được cực-phẩm hạnh-phúc ở đời. Lại được phu-nhân là một người tuyệt đẹp, bụng tốt, trí cao. Tưởng cái hạnh-phúc đến thế là thập-phần viên-mãn. Cái cuộc hôn-nhân của danh- với phu-nhân thực là một cuộc thú-sử. Danh-ý bấy giờ đã ngoài bốn mươi tuổi.-Kẻ quen người thuộc đều tưởng rằng quyết-chí không lấy vợ. Một hôm hứng-hở mừng-rỡ chạy lại bảo học-trò thân là Marsal y-sư rằng : « Anh ơi, tôi mới được cái Tuyệt-phẩm ở đời, anh ạ. Anh thử đoán xem !... Tôi sắp cưới vợ, vợ tôi là con gái ông cố danh-y M..., hẳn anh cũng biết tiếng. » Công-nương bấy giờ mới có hai mươi tuổi, mồ-côi bố, mẹ đi lấy chồng. Ông bố ngày trước cũng là một nhà y-học có danh-tiếng, đồng-bối với danh-y ; danh-y biết công-nương từ thủa còn nhỏ, vẫn yêu chuộng tính-nết, kịp đến tuổi nhớn lên trông như nàng tiên ở trên giời xuống. Danh-y bấy giờ mới biết cái sức mạnh vô cùng của cái ái-tình. Hai vợ chồng tuy tuổi cách nhau xa mà yêu-sùng nhau đến rứt mực. Từ khi lấy nhau cho đến lúc bắt đầu truyện này đã qua sáu năm giời. Trong bấy lâu cái cuộc nhân-duyên hai người lại càng thêm mặn thêm nồng mãi lên. Trong cái ái-tình của phu-nhân đối với chồng lại thêm cái lòng cảm-phục kính-trọng nữa. Nhưng trung-gian, danh-y lúc lấy phu-nhân đã bốn mươi tư tuổi mà người còn như trai trẻ, nay năm mươi tuổi mà trông đã ra mặt già. Người thấy mỗi ngày một gầy, sức thấy mỗi ngày một yếu. Tự nghiệm ra thì biết trong mình mang một cái quái-bệnh, không thể nào chữa được, là một cái ung ở gần gan, chỉ mấy tháng nữa thì nó vỡ, là cái chết đến nơi. Nhưng vẫn giấu, không hề nói cho vợ biết. Học-tò cũng không ngờ rằng thầy phải cái bệnh nguy-hiểm ấy, vẫn tưởng rằng vì làm việc quá mà yếu người đi. Danh-y chỉ một mình biết bệnh mình, một mình chịu đau khổ trong người mình. Lắm lúc đau đớn quá, phải tiêm tinh thuốc phiện vào người cho nó nguôi đi. Cái tinh thuốc phiện là một cái thuốc độc, dùng mãi cũng hại người bằng bệnh vậy. Thành ra vừa cái bệnh, vừa cái thuốc dùng để nguôi bệnh, hai cái nó cùng công-kích mà không mấy nỗi phá-đổ được cái thành sinh-hoạt đã lung-lay sẵn. Lại thêm từ khi mở bệnh-viện để tiếp lính bị-thương, danh-ý ngày đêm săn sóc cho những người đã liều thân vì nước mà phải những viết đau-đớn hiểm-nghèo, nay nhà-nước ủy-thác vào cái tay thần của danh-y để biến-hóa những mảnh người bán-sinh bán-tử ấy thành người toàn-vẹn, còn có thể lại ra chống giữ cho nước được nữa. Những công việc khó nhọc ấy càng tiếp mạnh thêm cho cái sức bệnh, mà lại càng rút ngắn bớt cái kỳ-hạn sau cùng đã sắp tới. Một hôm đương mổ một viên quan ba phải đạn ở giữa đường xương sống, sâm-sâm tối mắt lại, buông dao ra mà ngã người xuống. Người nhà vực sang buồng bên cạnh, được ít lâu mới hồi tỉnh lại. — Chỗ này là chỗ trung-tâm trong truyện, chỗ hai vợ-chồng sắp ra đối mặt nhau, đối với cái chết, mà cùng nhau thề quyết một sự rất cuồng mà rất thảm. — Phu-nhân vẫn nhận biết đã lâu rằng chồng có bệnh nặng, lấy làm lo-lắng trong lòng, nhưng vẫn thấy cần-mẫn như thường, không dám hỏi. Nhân cái cơn vựng hôm ấy, lúc hồi tỉnh dậy, cố kêu van chồng nói thực cho biết. Chồng bấy giờ không thể cầm lòng được phải nói rõ cái tên bệnh ra, cùng thở-than hết nỗi đau đớn trong lòng : mình bệnh hiểm sắp chết, vợ tuổi trẻ đương xuân, bỏ nhau thảm biết chừng nào ! Lại nói : vả mình lâu nay mang cái ác-bệnh trong người, hình-thể đã suy-đồi lắm rồi, vợ chắc không giữ được với mình cái ái-tình như xưa nữa. Cái bụng yêu nay tất đã đổi ra cái bụng thương rồi. Lắm lúc nghĩ đến cái chết tức quá, phát cuồng lên, muốn giết vợ, rồi tự tận để hia người cùng chết một lúc cho thỏa lòng. Yêu sùng vợ đến thế là cùng vậy. Nhưng vợ chắc có còn yêu mình nữa không ?... Phu-nhân thấy chồng ngờ cái ái-tình của mình, bèn kêu lên rằng :

« . . . Thế ra mình vẫn không rõ rằng vì sao mà tôi yêu mình, vì sao mà tôi đem cả cái sinh-mệnh tôi gửi vào mình, hỡi mình ơi ! Thực tôi đã đem cả cái sinh-mệnh tôi mà phó-thác vào trong tay mình. Tôi vẫn lây rằng phàm làm phận đàn-bà không được yêu hai lượt, đã yêu ai không được dứt tình yêu, nhất là không được tái-tạo cái đời mình. Bởi thế cho nên không bao giờ tôi khỏi oán mẹ tôi đã đi cải-giá. Tôi vẫn biết rằng mình nhiều tuổi hơn tôi ; tôi vẫn biết rằng rồi mình già trước tôi. Vì thế mà tôi lại yêu mình hơn lên. Cha tôi ngày xưa đã dạy cho tôi biết thờ sự học-vấn. Cha tôi đã bảo cho tôi biết rằng cha tôi trọng mình là nhường nào, rằng cái học-vấn của mình thâm-thúy là chừng nào. Tôi lấy mình cũng là vì tôi ham cái phong-thú một đời người tận-tụy về sự học-vấn, vì tôi hiểu cái nghĩa cao-thượng, cái công nhớn-nhao của nghề ngoại-khoa của mình, người đời tưởng nhầm thường cho là một nghề thô-bỉ. Tôi vẫn tự nghĩ trong bụng rằng : đến khi chồng tôi giở về già thì tôi phụng-dưỡng chồng tôi : chồng tôi có đau yếu thì tôi thuốc thang cho chồng tôi. Nếu được như thế thì cái đời tôi mới là trọn vẹn... Giữa lúc này là cái lúc mình phải biết bụng cho tôi, mà mình không biết, thì cái thân tôi ra làm sao ?-Tôi biết trông cậy vào đâu ? Nếu tron glusc cùng-cực này mà tôi không giúp đỡ mình thì thực không còn trông mong gì nữa. Nhưng mà tôi gánh vác cho mình, tôi giùm-đỡ cho mình.. » Nói đến đấy thì phu-nhân dừng lại một tí, rồi nói to lên ra giọng người đương quyết định trong bụng một việc kịch-liệt, hỏi rằng : « Có phải mình đã nghĩ muốn giết tôi không ? Có phải thế không ? »

Chồng đáp : — Phải.

Lại hỏi : — Có phải mình muốn tự-tận cả mình nữa không ?

Chồng đáp : — Phải.

Phu-nhân lại nói : — Ừ ! Thế thì hai chúng ta cùng chết cả chẳng hơn ư ? Thế mình đã tin rằng ta yêu mình chưa ?...

Ông chồng nghe câu ấy như say như mê, mặt đương buồn rầu mà đổi ra vui vẻ, nói rằng :

« Mình nói thế ta mới tin.... Thế thì ta cám ơn, cám ơn mình lắm. Đã mấy tháng nay ta như nằm trong cơn ác-mộng, bây giờ ta mới thấy tỉnh ra, mới thấy được thở cái không-khí mát. Thực thế, bây giờ ta mới có cái cảm-giác rằng mình yêu ta. Bây giờ ta mới thấy được bình-tĩnh khoan-khoái trong người. Mình nói với ta một câu như thế, thì mình yêu ta đến bao nhiêu !

« Phu-nhân nói : — Thế chứ ! Bây giờ mình mới thật là tin ta !... Thực ta yêu mình vô-hồi vô-hạn. Đến khi mình không còn nữa thì ta còn tiếc gì cái cõi trần-gian này mà không bỏ đi để theo mình. Ta không sợ cái chết. Ta cũng biết rằng cái chết là cái giấc ngủ vô-cùng. Mình định đến bao giờ để đôi ta cùng rắt tay nhau vào giấc ngủ ấy ? Ngay hôm nay, nhé ? cho mình khỏi đau đớn. Hay là ngay bây giờ, ngay cái giây phút này, giữa lúc đôi ta đương đồng-tình đồng-cảm với nhau, đương như mở hai tấm lòng ra cho nhau soi ?... Ừ, mình có muốn bay bây giờ không ? Tôi đã sẵn sàng đây.

« Chồng đáp : — Chưa. Tôi đương sướng quá. Tôi không muốn bỏ qua mấy cái lúc này. Mắt tôi còn trông thấy mình, tay tôi còn cầm được mình, tôi còn có cái tư-tưởng để biết được rằng mình còn đấy, rằng mình yêu tôi, thì tôi còn chưa muốn chết vội, tôi không muốn mất một giờ, một phút nào cùng với mình. Đã có cái tinh thuốc-phiện nó cứu cho tôi đỡ đau đớn quá. Trước kia tôi vẫn sợ nó, không dám dùng nhiều, vì tôi đã nghiệm dùng nó thì không làm việc gì được nữa. Nay tôi dùng nó cho đỡ đau đớn mà được ngồi trông mình, nhìn mình, biết rằng mình vẫn ngồi đấy thì tôi sướng biết chừng nào. Tôi còn sống được mấy tuần lễ nữa, dễ cũng có nhẽ được mấy tháng nữa. Tôi còn muốn hưởng cho hết cái thời giờ ấy.

« Vợ nói : — Tôi cũng thế. Nhưng tôi xin mình thề với tôi một điều, lấy cái ái-tình ta làm chứng mà thề với tôi rằng cái cuộc chết của đôi ta chỉ là hoãn lại đó mà thôi ; chớ bao giờ đến kỳ thì mình sẽ bảo tôi, không có để yên mà đi lấy một mình. Tôi xin mình nguyện ước với tôi như thế, như ngày đôi ta mới lấy nhau, mình có nhớ không ?.... Tay mình làm thuốc, tất biết cái hiệu lúc nào là lúc sắp đến. Gần đến bấy giờ thì mình bảo cho tôi biết, mình bảo cả cho tôi phải dùng cái cách gì. Tôi sẽ có cái can-đảm mà theo mình. Đôi ta cùng nhau mà bước xuống cái vực thẳm, vực tối, vực sâu. Mình thử nghĩ xem, cái thẳm ấy, cái tối ấy, cái sâu ấy còn chưa thấm vào đâu với cái vắng-vẻ lặng-lẽ trong nhà ta, sau khi mình đi mà tôi còn lại... Anh ơi, xưa nay tôi vẫn biết anh là người thành-tín. Thế anh có thề với tôi điều ấy, không ?

« Chồng đáp : — Tôi thề với mình.

« Vợ nói : — Thế thì tôi cảm ơn.....»

Hai người lúc nói bấy nhiêu câu, không còn gì là cái tâm-tính thường nữa. Thực là hai người cuồng-sảng, mà trong cơn cuồng-sảng đã đem cái ái-tình ra ngoài giới-hạn thiên-nhiên. Vợ hiến mình cho chồng, chồng nhận nhời của vợ, trong lúc bấy giờ cũng là thánh-thực trong lòng cả, nhưng mà sở-dĩ một người hiến như thế, một người nhận như thế, chẳng phải là một sự phi-thường, ư ? Bởi đâu mà gây nền một sự phi-thường như thế ? Cái chết thường nó vẫn là một sự rất dễ-dàng mà sao đây nó gian-nan trắc-trở như thế ? Chẳng qua là bởi cái quan-niệm của hai người ấy về sự chết vậy. Hai người cho cái chết là cái hết, lấy cái chết làm một sự vô-nghĩa, coi cái chết như một cái thiên-tai vậy. Kìa như hai vợ chồng mình, đương xum-hiệp vui-vầy, mọi về sung sướng ở đời không thiếu gì cả, có đủ tư-cách mà diễn một cuộc ái-tình như xưa nay người đời chưa từng trông thấy nhiều lần, đáng phải sống cho trọn cái đời êm-ái ấy thì mới là hợp nhẽ. Cớ sao mà đương nửa chừng, bài kịch đương giữa hồi hay, cái chết đã vội đến phá đám như thế ? Một sự sẩy ra vừa ác-hại mà vừa vô-nghĩa như thế, thì dù sức người không thể cưỡng được, nhưng lòng người cũng không thể nhận được. Chết thì đành là phải chịu, nhưng không chịu rằng một cái chết chướng-ngược như thế là phải nhẽ. Bởi vậy mà trong cơn điên-cuồng tức-giận, nghĩ đến những kế cùng để phản-đối với cái chết cho cam-tâm. Tựa hồ như thách cái chết rằng : Đôi ta đương ham mê nhau, mày ác, mày hại, mày đến lìa hai người ra, mà phá đổ cuộc nhân-duyên. Nhưng ta thử hỏi : Đôi ta cùng đi cả thì mày ác với ai ? mày hại ai ? mày lìa ai ?.. Đó thực-là một câu nói cùng vậy. Danh-y cũng là vào bậc những nhà bác-học tin cuộc sinh-tử là một cuộc hợp-tan, trước sau đời người là cái hư-không cả ; cho nên đến lúc chính mình sắp phải vào cái cõi hư-không ấy, nghĩ nó thẳm, nó tối, nó sâu là chừng nào mà ghê, mà sợ. Phu-nhân là còn nhà bác-học, lại chịu cái tư-tưởng như chồng vậy. Cho nên lúc biết cái nguy-cơ của chồng, muốn cứu giúp chồng, muốn làm cho cái chết nó khỏi nặng-nề cho người yêu, tưởng không gì bằng là cùng chết với chồng. Đến sau ngẫm nghĩ ra, không phải rằng có hối-hận gì, nhưng mới rõ rằng cái kế ấy chưa phải là chính-đáng lắm.

Bởi cơ-hội gì phu-nhân ngẫm-nghĩ như thế ? Vì sự suy nghĩ ấy là miễn-cưỡng, cứ tự-nhiên thì một người cao-thượng khảng-khái như phu-nhân, trong bụng đã quyết-định một việc, tất không có xét lại rằng việc ấy hay hay là dở, phải hay là chăng nữa. Phương chi cái việc mình quyết-định lại là một việc không duy-kỷ, rất đại-lượng, tức cũng như bên giáo gọi là một việc « cứt vớt linh-hồn » vậy.

Cái cơ-hội nó khiến cho phu-nhân miễn-cưỡng mà suy-nghĩ đến cái việc mình đã quyết-định ấy là cái cơ-hội như sau này, — tức là phần thứ nhì trong truyện, tức là cái cảnh thứ nhì mà nhà làm sách đã định hiến cho ta để so sánh hai cái chết.

Phu-nhân nguyên có một người em giai họ tên là Le Gallic, trước khi chiến-tranh học ở trường võ-bị Saint-Cyr, đến khi khai-chiến đóng thúy-úy đi tòng-chinh. Hai chị em thủa nhỏ chơi thân-thiết với nhau lắm, dễ có lúc cũng đã ước thầm với nhau những cuộc trăm năm. [2] Nhưng đến tuổi nhớn lên, một người đi lấy chồng, một người đi theo học, thì những sự mơ-tưởng lúc thủa nhỏ như cái hoa cuối mùa, dần dần rơi rụng hết. Chị dễ không còn nhớ đến nữa, nhưng cái ái-tình trong bụng em vẫn đằm thắm như xưa, biết rằng không bao giờ thành-tựu được lại càng thâm-thiết hơn lên. Thiếu-úy vốn là người đa-tình đa-cảm, lại là người rất sùng-đạo, dễ trong bụng tin rằng đời này không được gặp nhau, lai-sinh tất được tái-hợp. Nhưng cái tinh-cảm ấy là âm thầm trong bụng mà thôi, một mình mình biết một mình mình hay, vẫn vùi rập trong tâm-khảm, không lộ ra cho ai biết. Chị cũng không biết. mà anh rể cũng không ngờ. Danh-y đối-đãi với em họ vợ mình rất là nhã-nhặn tử-tế. Chỉ có một khoản là hai người vẫn bất như-ý nhau, là khoản tôn-giáo vậy. Thiếu-úy là người rất tin-sùng đạo Gia-tô, danh-y thì giữ cái vô-thần chủ-nghĩa. Cái tư-tưởng hai người xa nhau như Nam Bắc cực vậy. Trong lúc bình-thường họp mặt, vẫn thường cái nhau về cái vấn-đề sự tín-ngưỡng. Thiếu-úy thì lấy lòng nhiệt-thành vì đạo mà nói : danh y thì thì coi cái tôn-giáo là một sự mê-tín, người tri-thức không đáng dụng công mà nghiên-cứu làm gì. Còn phu-nhân thì bởi sự cảm-hóa của cha ngày xưa với của chồng bây giờ, khuynh-hướng về phương-diện chồng hơn là về phương-diện em. Nói rút lại thì sự bất như-ý, sự phản-đối ấy chỉ là thuộc về tư-tưởng mà thôi. Nhân việc ngẫu-nhiên mà xui phát-hiện ra sự-thực. Thiếu úy đi tòng-chinh tự khi khởi việc chiến-tranh, theo đánh mấy trận ở Á-tản Lô-liên. Được ít lâu thì bị thương, phải một viên đạn vào đầu. Quan thầy thuốc ở hàng quân lấy làm một vết thương nặng, sợ có hư-tổn đến bộ thần-kinh, xin cho đem về bệnh-viện của danh-y ở Ba-lê để chữa. Thế là tình-cờ mà em vợ được vào tay anh rể chữa. Nhưng bấy giờ giữa là lúc sẩy ra cái bi-kịch trên kia. Danh-y cùng phu-nhân đương vào cái tuần mê-sảng nguyền ước với nhau cùng chết. Hai người đương băn-khoăn về cái chết mà ở đâu có một người cũng đương thập-tử nhất-sinh đến bầy cho mình một cái cảnh chết khác, thì hai cái quan-niệm về sự chết ấy khỏi sung-đột với nhau sao được ! Trong hai cái quan-niệm ấy phu-nhân xưa nay mới được biết có một, là cái quan-niệmcủa chồng. Nay sắp được biết cái khác, là cái quan-niệm của người em họ mình, mà tự-nhiên thành ra phải so sánh hai cái với nhau. Thiếu-úy từ khi phải bị thương đau đớn vẫn giữ được bình-khí, không những thế mà cái lòng sùng-tín đạo lại lấy cái đau-đớn là một sự hay, là một cái dịp tăng-tiến cho linh-hồn. Người ta lúc bình-thường thì ai cũng như ai, hơn nhau chỉ ở những lúc hoạn-nạn đau-khổ ; những lúc bấy giờ nếu không vững lòng kiên chí mà chịu nhịn, không những thế, người đời lấy làm khổ mà ta biết lấy làm sướng, thế mới là có cái linh-hồn quí báu hơn người. Vả người ta ở đời có phải là chỉ quan-hệ với một cái đời này đâu. Sau cái đời ngang-ngửa chếch-lệch này còn có một cái lai-sinh hoàn-toàn hơn, làm người ai cũng phải mong cho đến được đấy. Nếu không có cái hi-vọng ấy, nếu cái nhỡn-giới của người ta chỉ đến chết là cùng, nếu cái cứu-cánh một đời chỉ ở trong khoảng mấy mươi năm, thì giời đất này không có giống gì khổ bằng giống người, không có vật gì hèn-mạt xấu-xa bằng cái đời người vậy. Nếu linh-hồn người ta như giam trong cái buồng-kín, trông trước trông sau không thấy gì nữa, không có chỗ nào mà nhìn đến cái vô-hạn mênh-mông, thì lấy đâu sức mạnh mà gánh vác những việc nặng nhọc ở đời ? Kìa như sự chiến-tranh long giờ lở đất này, có phải đã từng nghiệm rằng phàm những người có cái tín-ngưỡng trong lòng thường biết vui-vẻ mà chết cho nước hơn là chỉ vị một cái nghĩa-vụ mà thôi ? — Bấy nhiêu câu, hình như phu-nhân đọc thấy trên nét mặt viên Thiếu-úy vậy. Từ khi mang về bệnh-viện, Thiếu-úy tuy đau nặng mà tinh-thần vẫn sáng suốt. Thường nói truyện với phu-nhân, biết cái bệnh hiểm của danh-y, lại cảm-giác mà biết phảng-phất cái bi-kịch hai người với nhau, lấy lám thương-tâm vô cùng. Về phần mình thì không còn nghi-ngờ nữa : thường trông thấy anh em bị hại mà biết rằng một cái vết thương ở đầu như cái vết thương của mình là trước sau cũng đến chết mà thôi. Cho nên bao nhiêu tâm-lực chỉ chủ vào một sự chết ấy, hình như muốn sắp-sẵn trong mình để chết cho sứng đáng. Nghĩ đến cái chết không hề sợ-hãi tức giận, mà lại bình-tĩnh khoán-khoái trong lòng. Mắt hồ nhắm lại đã tựa-hồ như trông thấy cái ánh-sáng thiên-niên. Thấy mình đối với cái chết vững vàng như thế, mà lại trông thấy hai người kia đối với cái chết một cách bi-thảm như thế, cái bi-thảm phát-hiện ra cả ngoài mặt hai vợ chồng, thì thấy trong lòng có cái vô-hạn thương-tâm, muốn làm thế nào mà cứu-vớt cho hai người ấy, bèn cầu giời xin hiến cái hồn của mình để chuộc tội cho kẻ nhầm đường lạc lối. — Phu-nhân trông thấy cái thái-độ viên Thiếu-úy như thế mà tự cảm trong lòng, chạnh nghĩ đến cái thái-độ của mình cùng chồng mình : một bên thì bình-tĩnh mà kiên-nghị, một bên thì khắc-khoải mà chuân-chuyên. Lại thêm mấy hôm sau, danh-y bệnh mỗi ngày một nặng, biến đổi cả tính-khí đi : người xưa nay có độ-lượng nhớn nhao như thế, mà một hôm nghi-ngờ thế nào thậm-chí mình là người chữa bệnh, người ta là người có bệnh sắp chết, đến nỗi lại hỏi độp vào mặt viên Thiếu-úy rằng có phải xưa nay vẫn yêu thầm trộm giấu vợ mình không ! Một người trí-thức cao-thượng như danh-y mà tự-hạ đến những thói ghen tuông tầm thường như thế, thì thực là một sự cuồng-sảng vậy. — Trông thấy hai cái thái-độ phải đối nhau như thế, phu-nhân không thể không hồi tưởng đến cái việc quyết-định của mình mà tự hỏi nó có chính-đáng không. Bấy giờ trong bụng phu-nhân phát-hiện ra một sự hồ-nghi nhớn. Nghĩ cái tâm-sự phu-nhân lúc ấy mà thương thay ! Nay sắp phải thi-hành cái nhời ước của mình, mà trong bụng mình không tin cái ước ấy nữa. Mà nào có cái ước tầm-thường đâu, cái ước gớm ghê thay !... Trong bụng phu-nhân đã biến-đổi như thế, mà trong lúc ấy ông chồng vẫn còn mê chưa tỉnh, cho mãi đến lúc sau cùng là lúc cùng tận mới tỉnh-ngộ. Hôm ấy là hôm trước ngày ông định từ biệt thế-gian để cùng đi với vợ. Phu-nhân thấy ông sắp sửa, biết đã tới hẹn, nhưng đến lúc sắp bước chân xuống vực, thì thấy có cái ám-lực gì nó cầm lại, không thể nào bước được cái bước sau cùng. Cực thân, tủi phận, thẹn với chồng, thẹn với mình vì thất-ước, ôm mặt nức-nở khóc, lấy mảnh giấy vạch mấy nhời để giãi tâm-sự. Chồng xem giấy bấy giờ mới tỉnh-ngộ, không những là không giận vợ thất-ước, mà lại hối rằng mình đã mê-cuồng. Bấy giờ mới nói với học-trò mấy nhời tuyệt-ngôn, rồi vào tiêm một liều tinh thuốc phiện mạnh hơn mọi lần, ngồi tựa vào cái ghế mà chết...

Viên thiếu-úy mấy hôm sau, cái vết đau nặng mãi lên, không thể chữa được, cũng tạ thế. Lúc hấp-hối tay ôm thánh-giá trên ngực, miệng cầu kinh, mặt điềm-nhiên, sắc tươi-tỉnh, như người đã bước chân vào cực-lạc. . .

Phu-nhân từ đấy như mang cái u sầu ở trong lòng, ngày đêm chỉ kiệt-lực thuốc thang cho những người ốm trong bệnh-viện, quên ăn quên ngủ, tựa-hồ như có ý muốn hi-sinh cái thân-mình để báo-đáp cho vong linh người thác.

Marsal y-sư thấy phu-nhân làm việc nhiều quá, thường khuyên nên nghỉ sức thì phu-nhân đáp lại rằng :

« Bác khuyên tôi không nên làm việc quá. Tôi có làm việc thì tôi mới khuây-khỏa được. Có khi đã làm việc cả ngày cả đêm, mệt nhọc quá, tôi tự nghĩ trong bụng rằng : Nếu cái lòng tín-ngưỡng của anh Le Gallic là phải, nếu còn có một cái thế-giới khác nữa, nếu cái linh-hồn của chồng tôi không tiệt-diệt mất, nếu còn phảng-phất ở nơi nào mà phải chịu đau khổ, thì có dễ cái công tôi giúp đỡ cho những người đau ốm ở đây cũng ảnh-hưởng đến chồng tôi được ít nhiều chăng... Ấy là trong bụng tôi ước-ao như thế, vẫn còn hồ-nghi lắm. Nhưng hễ tôi nghĩ đến thế thì tôi thấy trong người tôi nó khoan-khoái lạ, tựa hồ như có một tiếng cám ơn ở đâu xa đưa văng-vẳng đến tai tôi . . . Nhưng ở đâu ? »

Nhưng ở đâu ? . . . Muốn đáp được cái câu hỏi ấy thì phải có cái lòng tín-ngưỡng, không lấy sự suy-lý thường mà giải được. Phu nhân tuy chưa có cái lòng tín-ngưỡng, nhưng đã khởi lên câu hỏi ấy thì đủ biết rằng đã có tư-cách mà chịu cái cảm-hóa của tôn-giáo vậy.

Đó là cái kết-luận trong truyện. Nhà làm truyện đã tả cho ta hai cảnh chết thực là khác nhau ; một bên thì một người thương-lưu nhân-vật, đủ bề tài-trí vẻ-vang. Hốt-nhiên thấy cái chết nó phát-hiện ra trước mặt, bèn lấy một cái quan-niệm riêng mà đối-đãi với nó. Nhưng không thể thích-hợp với nó được. Vì cứ cái quan-niệm ấy thì cái chết là sự tiệt-diệt cả cái « cảm-tình hồn » của mình, tất bao nhiêu tình-dục trong người nó nổi cả lên mà để-kháng lại. Cứ cái quan-niệm ấy thì cái chết lại là sự tiệt-diệt cả cái « trí-thức hồn » của mình nữa. Chắc sau khi mình chết thì học-trò mình lại kế lấy nghiệm mình, những người ốm mình đã chữa cho khỏi nhờ mình mà được sống thêm lên. Cái danh-tiếng mình chắc không sợ mai-một đi mất. Nhưng cái tư-tưởng mình, cái tinh-túy của công-phu học-vấn nghĩ-ngợi của mình, cái sức mạnh trong tinh-thần nó đã khiến cho mình cai-quát được cả vũ trụ, bấy nhiêu cái sẽ chìm đắm vào trong cái hư-không mất cả. Cả cái nhân-thân của mình rồi sẽ không còn tí gì nữa. Nghĩ đến thế mà chán, mà tức, mà nổi giận, mà phát cuồng. Nhưng sau biết tức giận cũng là vô-ích, bèn cam-tâm mà chịu phận, khác nào như anh tướng giặc thế bất-đắc-dĩ phải ra hàng, nhưng trong bụng vẫn không phục. — Một bên thì một người bình thường, một tay « vận-động », [3] nhưng mà cái thế-giới cũng không phải có gì là thâm-thúy. Cái quan-niệm của mình cũng không phải là tự mình gây dựng lấy, thực là đã chịu được của ông cha. Phàm đoán xét sự đời đều là do cái kinh-nghiệm di-truyền của đời trước. Người ấy hốt-nhiên cũng phải ra đối-đãi với cái chết. Nhờ có cái quan-niệm di-truyền ấy mà thuận-nhận ngay cái chết được, lấy cái chết làm cái vật để tự luyện mình, coi cái chết như cái dịp tăng-tiến cho mình, tăng-tiến cho kẻ khác. Cái « cảm-tình hồn » của mình cũng thích hợp với cái chết, vì mình có thể đem hiến cái đau khổ của mình làm hi-sinh để cứu giúp cho kẻ thân yêu. Cái « trí-thức hồn » của mình cũng thích-hợp như vậy, vì mình có thể nhẫn nhục mà giữ được cái phần hay trong người mình. — Xét như thế thì khác nào như hai người cùng phải ra quyết-đấu với cái chết, một người cương-cường mà chịu thua, một người nhu-thuận mà được thắng, một người thì coi cái chết là một sự tai-hại mà ruồng-rẫy, một người thì coi cái chết là một sự thành-tựu mà hoan-nghênh. Trong hai cách đối-đãi cái chết ấy thì nhà làm sách phán-đoán ra làm sao ? Nhà làm sách nói : Trong hai cách ấy bất luận rằng cái nào là chân-chính, cái nào là không, cũng phải nhận rằng một cái thì hữu-dụng, một cái thì không. Cái hữu-dụng ấy là cái cách đối-đãi của người « nhu-thuận », tức là của viên thiếu-úy trong truyện vậy. Thế nào gọi là hữu-dụng ? Hữu-dụng nghĩa là được việc cho mình, được việc cho người khác. Thử xét cách chết của viên thiếu-úy có phải là gồm cả hai điều ấy không ? Không những lấy cái chết làm một sự tăng-tiến cho mình, mà lại coi cái chết là một dịp cứu giúp cho kẻ khác. Đương lúc thế-giới đa sự, quốc-bộ gian nan, dù người không tin cái thần-lực của tôn-giáo cũng phải chịu rằng cái cách chết ấy là tiện hơn, là hợp thời hơn cả.

Cái kết luận dản dị mà có ý vị thay ! Nhưng đến được đấy tất phải vượt qua cái sông « Hoài-Nghi » mà bước sang bờ « Tín-Ngưỡng ». Người đời nhiều người lấy bước đường ấy làm rất khó khăn. Cho hay ở đời một cái lý-thuyết hay cũng chưa đủ mà cảm-phục được người ta vậy !

Cái mục-đích chúng tôi trong những bài bàn này là muốn giới-thiệu những sách văn-chương hay của Âu-châu cho người nước ta biết. Lần này chúng tôi bàn riêng về bộ tiểu-thuyết « Nghĩa cái chết », vì sách ấy xuất-bản năm 1915, đương buổi chiến-tranh, đã ảnh hưởng sâu trong dư-luận nước Pháp. Sách ấy nghiên-cứu một cái vấn-đề xưa nay người nước ta chưa xét đến bao giờ, mà giải cái vấn-đề ấy ra một phương-diện thực là mới lạ cho tai-mắt ta. Chúng tôi đã cố giải cho dễ hiểu, nhưng cũng tự biết rằng còn lỗ-mỗ lắm. Có lắm cái tư-tưởng cảm-giác không tài nào diễn ra tiếng ta cho minh-liệu được. Cho hay cái quốc-văn ta mới nở còn non-nớt chưa đủ sức mà ra vẫy-vùng trong bể ngôn-luận. Bởi vậy mà ta phải luyện cho nó có cái tư-cách ấy. Bài này cũng tức là một bài tập-luyện như thế. Tưởng các nhà đọc-báo cũng lượng biết cho.

PHẠM QUỲNH





Chú thích

  1. Le sens de la mort, par Paul BOURGET
  2. Tục tây anh em, chị em họ lấy nhau được.
  3. Người « vận-động » đối với người « tư-tưởng, học-vấn ». Nhà quân tức là một người vận-động vậy.