Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 1/Luận-thuyết

Bàn về văn-minh học-thuật nước Pháp  (1917)  của Phạm Quỳnh
Luận-thuyết

   

LUẬN-THUYẾT

BÀN VỀ VĂN-MINH HỌC-THUẬT NƯỚC PHÁP

Văn-minh học-thuật một nước là biểu-hiệu của cái tinh-thần nước ấy. Cái tinh thần ấy phát-hiện ra nhiều cách, nhưng rút lại có mấy cái đặc-tính nó phân-biệt nước ấy với các nước khác, khiến cho nước ấy có một cái hình-dung riêng trong vạn-quốc, một cái địa-vị riêng trong thế-giới vậy. Phàm các nước nhớn đời xưa đời nay, đã có ảnh-hưởng đến cuộc tiến-hóa của nhân-loại, đều có một cái tinh-thần riêng như thế cả. Cái tinh-thần ấy cũng tức như cái nhân-cách của từng người vậy. Nhân-cách mỗi người một khác, phát-hiện ra cái cách tư-tưởng, cảm-giác, sự cư-xử, hành-vi của mỗi người. Tinh-thần một nước cũng vậy mà phản-chiếu vào cái văn-minh học-thuật của nước ấy. Vậy muốn lý-hội được nghĩa sâu một cái văn-minh học-thuật nào, tất phải hiểu cái tinh-thần riêng của nước đã sinh-thành ra cái văn-minh học-thuật ấy.

Nay thử hỏi các nhà tây-học nước ta, sau khi đọc xong một quyển sách hay bằng chữ Pháp, sách văn-chương hay sách nghị-luận, sách tiểu-thuyết hay sách nhàn-đàm, thì cái cảm-giác ra làm sao ? Tất ai ai cũng từng nhận rằng cái cảm-giác ấy có nhẹ-nhàng mà thiết-thực, thơm-tho mà mặn-mà ; cái hương, cái sắc, cái điệu, cái tình nó có một vẻ thiên-nhiên mà đườm-nhuận, thanh-tao mà đậm-đà, thực xưa nay ta chưa từng được hưởng biết bao giờ. Cái cảm-giác ấy tui không nói ra ra nhời được, nhưng phàm người nào đã hơi hiểu văn-chương nước Pháp đều thấy phảng-phất như thế cả. Bởi đâu mà văn-chương nước Pháp có cái sức cảm-hóa sâu-xa mà đặc-biệt như thế ? Bởi cái tinh-thần riêng của nước Pháp vậy.

Ngày nay người nước ta đã quyết-chí theo đòi văn-minh học-thuật nước Pháp để nhờ đấy mà noi lên đường tiến-bộ ; vậy tưởng nên biết cái tinh-thần ấy thế nào để khỏi hiểu nhầm cái văn-minh học-thuật kia.

Giải rõ được cái tinh-thần ấy, phát-biểu được cái đặc-tính của nó, không phải là một việc dễ. Tất phải am-hiểu tính-tình tư-tưởng người Pháp, thông-thuộc văn-chương xã-hội nước Pháp, lý-hội lịch-sử hiện-tình dân Pháp, mới có thể phát-ngôn một các sác-đáng được. Chúng tôi không dám tự-phụ có đủ tư-cách như thế. Nhân mới được đọc một bài luận rất hay về « Văn-minh nước Pháp » (La civilisation française) của một nhà danh sĩ bên quí quốc, Victor Giraud tiên sinh [1], thấy nhờ nhẽ thực là ứng-hợp với cái cảm-giác lúc bình-thời, tựa hồ như cái mình vẫn ám-giải một cách phảng-phất xưa nay, nay có người đến chỉ-thị, diễn-thích, phát-minh cho rất tinh-tường, khám-phá được nhiều điều hay nhẽ thực về văn-minh học-thuật nước Pháp. Vậy tưởng không gì bằng tóm-tắt đại-ý ra sau này, bàn thêm vào, để giúp cho bọn ta hiểu rõ cái tinh-thần một nước đã có tiếng gọi là « ông thầy dạy nhân-đạo » (la France, préceptrice d'humanité) cho thế-giới vậy.

I

Trong một bộ tiểu-thuyết chước-danh của một nhà đại văn-hào Pháp ngày nay, có kể truyện một người thiếu-niên châu Á-tản (Alsace), trong bụng nhiệt-thành yêu tổ-quốc Pháp, có cái chí cao-thượng muốn thờ tổ-quốc một cách đặc-biệt, khiến cho người Đức cũng phải cảm-phục. Bèn quyết-chí ở đất Á-tản, không xin về nước Pháp, đến tuổi binh-dịch lại nhận đăng làm lính với Đức, tự nghĩ rằng : mình là con nhà Pháp-lan, đại-biểu một lối văn-minh cao-thượng, lạc loài ở cùng với một giống người thô bỉ cường-bạo, cái nghĩa-vụ của mình là phải ở chốn nhượng-địa này, như người lính canh bờ cõi, để giữ cho cái văn-minh tổ-quốc, phát-biểu cái văn-minh ấy ra mà cảm-hóa bọn thô-bỉ kia. Một năm giời ở trong trại quân Đức, thực là được lòng đủ mọi người, quan trên yêu, bạn-bè phục, sử với ai cũng rất mực nhã-nhặn, đến lúc mãn-khóa ra về, ai nấy đều tiếc ; khi từ-giã viên đội Phổ già coi mình trước thì được tin con gái lão vừa mới chết, bèn đi mua ngay một vòng hoa sắt đến viếng. Hai vợ chồng lão đội thấy anh ta sắp biệt mình mà còn sử tử-tế như thế, rất cảm-động trong lòng, mà nói rằng : « Phải chịu rằng người nước Pháp có nhiều nhân đạo hơn người các nước khác. ».....

Một câu của lão đội già nước Đức ấy thực là tóm-tắt được cái tinh-thần, cái đặc-sắc của văn-minh nước Pháp vậy.

Dân Pháp xưa nay vẫn là dân có cái nhân-đạo phong-phú hơn các dân khác. Trong các dân-quốc đời xưa đời nay, có lắm dân còn hiển-hách hơn dân Pháp nhiều. Nhưng chưa thấy dân nào gồm được đủ cái tư-cách chung của nhân-loại bằng dân Pháp vậy.

Một nhà thi-nhân Pháp đã có câu thơ rằng :

Plus je suis Français, plus je me sens humain.

(Tôi càng là người Pháp bao nhiêu thì tôi càng thấy tôi là người bấy nhiêu).

Người các nước khá thì thường càng gần cái quốc-tính bao nhiêu lại càng xa cái « nhân-tính » bấy nhiêu, vì quốc-tính là cái đặc-biệt, mà « nhân tính » là cái thông-thường vậy. Xem như nước Đức : người Đức càng là người Đức bao nhiêu thì lại càng phản-đối với nhân-loại bấy nhiêu, vì cái nghĩa của người Đức không giống cái quyền-lợi chung của thế-giới, càng sai-biệt bao nhiêu thì lại càng xa-cách bấy nhiêu. Đến như người Pháp thì có cái đặc-tính quan-sát mọi sự mọi vật theo cái phương-diện chung hơn là cái phương-diện riêng, theo cái thông-thường hơn là cái đặc-biệt, thành ra người Pháp càng gần quốc-tính bao nhiêu lại càng gần « nhân-tính » bấy nhiêu. Cho nên nói rằng người Pháp có nhiều nhân-đạo hơn các người khác là thế.

Nhân đạo là cái gì ? Nhân-đạo tức là cái người ta sở-dĩ là người ta vậy. Muốn nói dản-dị hơn thì nhân-đạo là cái cách làm người, cái thuật làm người theo một cái lý-tưởng thông-thường. Như thế thì trong thế-giới này-không có dân nào thuộc cái cách ấy bằng dân Pháp vậy.

Cả văn-minh học-thuật nước Pháp đều là nhuần-nhiễm một cái chất nhân-đạo ấy cả. Muốn minh-chứng điều ấy thì phải nghiên-cứu bốn cái bộ-phận nhớn nó dựng thành ra nền văn-minh một nước : 1◦ là văn-chương ; 2◦ là triết-học ; 3◦ là tôn-giáo ; 4◦ là lịch-sử.

Giraud tiên-sinh xét lần-lượt bốn cái bộ-phận ấy một cách rất tinh-tế, diễn-thích phân-minh, luận-chứng thâm-thiết, nhời văn bình-dị mà hùng-hồn, nét bút tả-thực mà văn-hoa, người thuật tiếc không thể truyền được cái hứng vị của của nguyên-văn sang nhời nôm sốc-nổi.

II

Trước hết xét văn-chương. Tiên-sinh nói :

« Văn-chương là cái hình-ảnh cái tinh-thần riêng, cái tính-chất riêng của một dân một nước, mà là cái hình-ảnh tự-nhiên hơn cả.

« Nói rằng văn-chương nước Pháp có nhiều nhân-đạo hơn các văn-chương đời nay thì thiết tưởng chỉ xét qua các văn-chương khác ấy là đủ biết vậy. Như văn-chương nước nga thì thiên-trọng cái thần-bí, văn-chương nước Anh thì nhiều thi-liệu, văn-chương nước Đức thì nhiều triết-lý, văn-chương nước Tây-ban-nha thì nhiều tưởng-tượng hơn văn-chương Pháp. Nhưng so-sánh với các văn-chương ấy thì văn-chương Pháp có nhiều nhân-đạo hơn. Các nhà làm văn Pháp chỉ tư-nghị đến người ta trước nhất cả, chỉ chủ hình-dung tả-mạc con người ta trong cái tình-cảnh, cái tâm tính, cái ý-tứ của mỗi người. Phàm những vấn-đề xét đến là những vấn-đề quan hệ với người ta cả, vấn đề thuộc về đạo-lý hay vấn-đề thuộc về xã-hội vậy. Bao giờ cũng là chủ-ý về cái phép sử-thế của người ta, phép sử-thế riêng của từng người hay phép sử-thế chung của một đoàn-thế. Mà các nhà làm văn ấy chước-thuật cũng là chỉ vị người ta, muốn trực-tiếp với người ta, mà chủ nhất là cái người hiển-nhiên trông thấy, chớ không phải cái người lỗi-lạc đặc-biệt, tức là người trung bình mà không phải người siêu-việt. Vậy nhời văn cốt bình-thường cho người ta hiểu được, ý-tứ cốt dản-dị cho người ta hội được. Nói rút lại thì cái mục-đích cốt-tử của các nhà làm văn ấy là dậy-dỗ khuyên-răn người đời, truyền-thụ cho người ta cái nhân-đạo vậy. Cụ Bossuet ngày xưa có phê-bình các nhà thi-nhân Hi-lạp mấy câu rằng : « Sách-vở của các bực ấy vừa có cái vẻ vui-thú mà vừa có cái vẻ nghiêm-trang. Các ngài chỉ tán-tụng những công-nghiệp có ích-lợi cho đời người ta, chỉ vụ việc công-ích, ích nước-nhà, ích cho xã-hội, thực là có cái khí-vị lương-thuần vậy. » Mấy câu ấy dùng để giải các văn-chương nước Pháp tưởng cũng không phải là không đáng.

Tiên-sinh đã giải cái tính cách chung của văn-chương nước Pháp như thế rồi, bèn cứ từng thời-đại, từng văn-phái mà bàn cho rõ thêm mãi ra.

Hai thời-đại chước-danh nhất trong văn-học sử nước Pháp là thế-kỷ thứ 17 cùng thế-kỷ thứ 18, Hai thế-kỷ ấy có khác nhau mà có giống nhu. Thế-kỷ thứ 17 thì là đời cổ-điển, thế-kỷ thứ 18 là đời cách-mệnh. Các nhà làm văn đời cổ-điển chỉ vụ nghiên-cứu cái tâm-lý người ta. Lấy người ta là một « giống rất hư-hoang, uyển-chuyển, tạp-đạp » (être merveilleusement vain, ondoyant et divers), nên phải xét nghiệm nó thật kỹ, cho giải được hết cái khóe ăn ở của nó, để tìm cách mà chữa-dậy. Vì các nhà ấy đã thông-tỏ cái tâm-tính con người ta mà biết rằng người ta tính bản ác, nếu không kiềm-chế những cái dục-tình sằng lại thì xã-hội không thể ở được. Bởi thế các nhà ấy lấy sự duy-trì xã-hội làm mục-đích, vì xã-hội có duy-trì được, lòng người có kiềm-chết được thì người ta cùng xã-hội mới được sung-sướng. Nói rút lại thì văn-chương thế-kỷ 17 là văn-chương chữa đời, chủ sự ích-lợi cho người đời, tức là một pho tâm-lý, một bài luân-lý thực-hành vậy. — Thế-kỷ thứ 18 cũng là vụ cho người đời được sung-sướng. Các nhà làm văn đời cách-mệnh cũng chỉ nghiên-cứu một cái vấn đề về sự hạnh-phúc của người ta, nhưng khác người đời trước, là đời trước lấy cái hạnh-phúc ở sự kiềm-chế, đời này lấy cái hạnh-phúc ở sự tự-do, đời trước chủ sự duy-trì, đời này dùng kế phá-hoại vậy. Đời trước dạy người đời tính vốn ác, đời này xướng người đời tính vốn lành. Người đời đã tính vốn lành thì mọi sự khổ sở ở đời là bởi xã-hội cả, xã-hội đã không ra gì thì phải phá đổ xã-hội đi, mà hồi-phục lấy cái bản-tính của người ta lúc mới sinh-thành. Bởi thế mà các nhà làm văn chỉ thấy công-kích xã-hội, mà tán-tụng đời cổ-sơ là cái « hoàng-kim thời-đại » của loài người. Xem thế thì cái hai cái tư-trào của thế-kỷ thứ 17 cùng thế-kỷ thứ 18 thực là trái ngược nhau vậy. Nhưng xét kỹ có phải cái tôn-chỉ cùng là giống nhau không ? Hai đời tuy xét người đời ra hai phương-diện khác nhau, song đều là chủ tìm cái cách cho người đời được sung-sướng, đều là vị cái nhân-đạo vậy.

Đã cai-quát hai thế-kỷ nhớn trong văn-học sử, lại bắt đầu từ khi mới có văn-chương cho đến đời cận-thế, lục ra những sách nào là lưu-truyền hơn cả mà xét xem sở-dĩ làm sao mà những sách ấy được lưu-truyền như thế, thì thấy những sách ấy đều là diễn giải cái nhân-đạo một cách tuyệt-phẩm vậy. Kể từ sách Roland anh-hùng ca (La Chanson de Roland) là nền văn-chương cổ nhất của nước Pháp, đến bài tuồng Le Cid của ông Corneille, đến tập Tư-tưởng lục (les Penséès) của ông Pascal, đến những bài hí-kịch của ông Molière, đến sách Vạn pháp tinh-lý (l'Esprit des lois) của ông Montesquieu, cho đến thơ ông Lamartine, cho đến tiểu-thuyết bà George Sand, cho đến những bài phê-bình của ông Sainte-Beuve, tuy cái văn-chương phong-phú như thế, mà rút lại trong bấy nhiêu sách cái tôn-chỉ cũng là một, là tả con người ta ra đủ mọi cách, trong đủ mọi cảnh : khi sướng, khi khổ, khi vui, khi buồn. — lúc khôn-ngoan, lúc khờ-dại, — lúc khao-khát những sự vô hạn, lúc mưu-toan những việc trị-bình — lúc khổ vì cái ái-tình uốn-éo, lúc than vì thế-sự ngặt nghèo....

Xét như thế thì từ xưa đến nay phàm những sách hay trong văn-chương Pháp, được người đương thời cảm-phục, hậu thế suy-tôn, chính là những sách có nhiều cái nhân-đạo hơn cả. Văn-chương Pháp có nhiều nhân-đạo vì văn-chương Pháp chủ nghiên-cứu người ta, mà trọng nhất là những cái vấn-đề quan-hệ đến người ta, đến cuộc hạnh-phúc ở đời, phép xử-thế cùng đường vận-mệnh. Nhà thi-nhân La-mã có câu thơ rằng : « Tôi là người, phàm cái gì quan-hệ đến người ta không phải là không quan-hệ đến tôi. » Câu thơ ấy thực là cái biểu-hiệu của các nhà làm văn nước Pháp vậy.

Xưa nay người ta vẫn khen văn Pháp có ba cái tính-cách hay nhất : một là phân-minh, hai là giản gị, ba là thành-thực. Ba cái tính-cách ấy cũng là bởi cái nhân-đạo trong văn-chương mà ra cả. Như người Anh, người Đức, người Ý, làm văn thường là để sướng lấy một mình, để diễn lấy cái giấc mộng riêng ở trong lòng mà làm một mối khóai-lạc cho mình. Người Pháp làm văn vị người hơn là vị mình, cầm ngòi bút viết là chủ nói cái gì cho người đời nghe. Vậy cốt nhất là cho người ta hiểu mình. Nên phàm xướng ra cái tư-tưởng gì, không phải cứ mộc-mạc thế mà đem diễn ra đâu ; còn suy đi nghĩ lại, chắt lọc chung đức mãi, gạn lấy cái tinh-hoa rồi mới diễn nó ra thành nhời ; cái nhời văn ấy cũng không phải là cẩu-thả, thực là chải-chuốt chau-ruã cho nó rất vắn-tắt, rất giản-gị, rất phân-minh, khiến cho người đọc thấu-giải được ngay, không phải mất công khó nhọc tí nào. Bởi văn Pháp có cái đặc-tính như thế nên xưa nay đã được cái danh-dự dùng làm văn chung cho vạn-quốc trong việc giao-tế các nước với nhau. [2] Cái danh-dự ấy thực là sứng-đáng vậy thay !

III

Thứ-chi đến triết-học.

Muốn phát-biểu cái đặc-tính của triết-học nước Pháp, không gì bằng so sánh triết-học Pháp với triết-học Đức. Nước Đức xưa nay vẫn tự-phụ là nước chuyên-trị triết-học nhiều. Cái triết-học ấy hay dở thế nào, sự chiến-tranh ngày nay đã chứng hiển-nhiên cho thiên-hạn biết rồi. Nay cứ cái hình-thức mà xét thì triết-học Pháp thực là trái hẳn với triết-học Đức. Nước Đức lấy triết-học làm khoa chuyên-môn, chỉ một bọn người chuyên-trị, học riêng với nhau, bàn riêng với nhau, không trực-tiếp với người ngoài, mà không vụ cho cái tư-tưởng của mình đối-chiếu với nhẽ thực, nhẽ phải thông-thường. Bởi thế mà cái triết-học của Đức bí-mật, u-ám, khi cao thì siêu-việt quá mà biến ra mây ra khói cả, khi thấp thì đê-liệt quá, thô-bỉ mà cứng-cỏi. — Triết-học Pháp thì thực là khác. Người Pháp lấy triết-học là một món chung cho cả mọi người có học-vấn, có trí-thức. Phàm làm người ai cũng có cái tư-cách biết suy-nghĩ, biết tư-tưởng, vậy thì ai cũng có thể lĩnh-hội phán-đoán cái chân-lý được. Nhà triết-học nghiên-cứu cái chân-lý, sở-đắc điều gì, phải đem công-bố ra cho mọi người biết, không phải là để nghiền-ngẫm trong một bọn chuyên-môn với nhau. Bởi thế mà phần nhiều các nhà triết-học Pháp đều là những nhà làm văn hay cả, vì muốn công-bố cái tư-tưởng của mình cho đắc-lực, tất phải biết diễn-giải nó ra cho người ta dễ nghe và dễ hiểu. Thực là trái với những nhà triết-học Đức, thường dùng một lối văn kỳ-khu trắc-trở, ngoài bọn nhà nghề ai xem cũng phải chán. — Triết-học Pháp lại còn có một các đặc-tính nữa, là nó thâm-nhập cả các môn học khác. Các nhà triết-học thường kiêm văn-học, các nhà văn-học cũng không mấy khi là không có tư-cách nhà triết-học. Những bực văn-hào như Bossuet, Voltaire, Lamennais, Taine, Renan mấy tiên-sinh, thực có thể liệt bằng-đẳng với những nhà triết-học chước-danh được. Không kể những bậc ấy, đến những nhà thuần văn-chương như Corneille, Molière, Racine các tiên-sinh, mỗi nhà cũng có một cái « triết-học » riêng, tức là một cái quan-niệm về thế-giới, về người ta, cái triết-học ấy tán mạn trong khắp sách vở của mỗi nhà. Triết-học Pháp cũng thâm-nhập cả khoa-học nữa. Không những cái lệ thường ở nước Pháp là những nhà triết-học phải có một cái « cách-trí học-vấn » rộng ; lắm nhà đại triết-học lại vừa là những bậc lý-học danh-gia nữa, như Descartes, Pascal, Auguste Comte, Cournot, Claude Bernard, Henri Poincaré các tiên-sinh. Khoa-học triết-học thâm-nhập nhau như thế thì lợi cả hai đằng. Nhà triết-học trong khi quan-sát các nguyên-lý, lấy thực-tế làm căn-cứ, không sợ tư-tưởng những sự hoang-đường. Nhà khoa-học trong khi nghiên-cứu các vật-chất, láy cái nguyên-lý làm qui-nạp, không s mê man những sự phiền-toái. — Một cái đặc-tính nữa của triết-học Pháp, là cái triết-học ấy không ưa những lối độc-đoán. Ngồi không mà kết-cấu những « lâu-đài tư-tưởng » không nương-tựa vào cái gì chắc-thực, không căn-cứ vào cái gì vững-vàng, ấy là cái lối những nhà triết-học Đức. Các nhà triết-học Pháp thì chỉ chủ sự thiết-thực, không phải rằng không có tài kết-cấu bằng người Đức : Descartes nước Pháp có kém gì Kant nước Đức, Auguste Comte có kếm gì Hegel ? Nhưng người Pháp không lấy cái học-thuyết của mình mà làm như cái ngục để tự giam mình vào đấy, không bao giờ dám ra ngoài mà xét sự-vật ra cái phương-diện khác nữa. Người Pháp trọng sự tự-do, biết rằng cái chân-lý có năm bảy đường tới được, đường nào cũng là chính-đáng cả, không bắt ai phải theo một đường nào. Bởi thế mà triết-học nước Pháp có cái tính thiết-thực hơn triết-học các nước khác.

Nói rút lại thì các nhà triết học Pháp kỵ nhất là những lối tư-tưởng hoang-đường, mà trọng nhất là những cái vấn-đề thiết-yếu cho người ta. Trong những sự bí-quyết của giời đất, các nhà ấy lấy cái bí-quyết về tâm-tính người ta là cái nên chủ-ý mà nghiên-cứu trước nhất. Vì giải được cái bí-quyết ấy, là giải được cái nghĩa đời nghĩa. Thế chẳng hơn là lấy cái tư-tưởng làm con cờ mà đem cái nọ chọi với cái kia trên cái bàn cờ vô-hình ư ? Thế chẳng hơn là lấy cái tư-tưởng làm viên gạch, chồng viên nọ lên viên kia mà sây cái lâu-đài trên bãi cát ư ?

Tiên-sinh nói : « Dạy cho người ta biết làm người, làm người cho rất hoàn-toàn, rất thâm-thiết ; cái bản-tính con người ta thế nào thì coi nó như thế, đừng quá trọng mà cũng chớ quá khinh, đừng suy-tôn quá mà cũng chớ hạ-miệt hoài ; phải nhận-biết cái giới-hạn của nó, phải phát-đạt cái tiềm-lực của nó, phải điều-hòa sự phản-trái của nó ; ấy là cái tôn-chỉ của triết-học nước Pháp từ xưa đến nay, cái tôn-chỉ ấy các nhà triết-học Pháp đã truyền-bá ra khắp thế-giới. Thiên-hạ còn có cái lý-tưởng kiêu-căng hơn ; đâu có cái khôn-ngoan, nhũn-nhặn, mà quảng-đại bằng ? »

Vị chi là triết-học Pháp cũng có cái đức tính thuộc về nhân-đạo vậy.

IV

Thứ chi đến tôn giáo.

Đại-để có thể được rằng triết-học là tôn-giáo của bọn trí-thực, mà tôn-giáo là triết-học của người thường dân vậy. Người dân là số nhiều trong một nước ; vậy thì tôn-giáo là cái biểu-hiện chân-chính nhất, đều-đủ nhất của cái lòng hi-vọng chung trong một nước.

Nước Pháp từ xưa đến nay vẫn lấy đạo « La-mã Thiên-chúa » làm quốc-giáo. Đạo Thiên-chúa thực đã có một phần to trong sự gây-dựng ra nước Pháp, trong sự giáo-hóa người dân Pháp, mà nước Pháp, người Pháp, từ đời Trung-cổ đến giờ, cũng có công to với giáo-hội, xưa đã được tiếng gọi « nước Pháp là con gái trưởng của Giáo-hội ». Như thế thì đạo Thiên-chúa thực là có thánh-khí với người Pháp, có cái nhân-duyên sâu-xa với dân Pháp vậy.

Vậy thì đạo Thiên-chúa ở nước Pháp có cái đặc-tính gì ? Chắc rằng cái giáo-thống, cái qui-tắc trong đạo thì ở nước nào cũng vậy. Nhưng đại-để cùng một đạo ở một nước cũng có khác nhau nhiều. Như đạo Thiên-chúa ở nước Ý-đại-lợi thì thiên-trọng cái bề mĩ-thuật, đạo Thiên-chúa ở Tây-ban-nha thì thiên-trọng cái bề thần-bí. Đến như đạo Thiên-chúa ở nước Pháp, thì thiên-trọng cái bề xã-hội vậy. Cụ Bossuet đã giải đạo Thiên-chúa là cái giây liên-lạc trong xã-hội, không những là liên-lặc người một đời với nhau, mà lại liên-lặc cả người đời này với người đời trước, với người đời sau nữa ; không những là liên-lặc người một nước với nhau, mà liên-lặc cả người nước nọ với người nước kia, hết thẩy cả người trong thế-giới nữa. Cái hi-vọng của đạo Thiên-chúa ở nước Pháp không những là muốn gây thành một cái đoàn-thể thuộc về tinh-thần ở trong cái đoàn-thể quốc-gia ; lại còn muốn khoáng-trương cái đoàn-thể ấy ra khắp thế giới mà dựng lên như trong kinh thánh gọi là cái « thiên-quốc » (la cité de Dieu) ở trong thiên-hạ. Cứ xem tổng-số những nhà truyền-giáo-sư của đạo La-mã Thiên-chúa, ba phần đến hai phần là người Pháp, thì đủ chứng rằng cái hi-vọng ấy không phải là hư-tưởng vậy.

Như thế thì Thiên-chúa-giáo của nước Pháp còn vị chung cả loài người hơn là vị riêng một nước mình. Thực là hớp với cái tôn-chỉ trong giáo chủ sự « cứu-thế » vậy.

Nói rút lại thì đạo Thiên-chúa của nước Pháp có mấy cái đặc-tính khác với đạo Thiên-chúa của các nước, mà biểu cái tinh-thần riêng của nước Pháp. Tiên-sinh giải cái đặc-tính ấy như sau này :

« Thiên-chúa giáo của nước Pháp bao giờ cũng chủ nhất một điều, là tăng-tiến cái giá-trị về « phần-hồn », cái phẩm-cách của người ta. Nên chuộng cái công-nghiệp hơn là sự « nguyền ngẫm », mà chuộng cái công-nghiệp có ích cho xã-hội hơn là sự tu-hành riêng cho từng người. Tu-hàng cũng không phải là tu-hàng lấy một mình, bao giờ cũng là chủ lấy ích-lợi cho nhân-quần. Bởi thế mà các nhà tôn-giáo nước Pháp không hứng những sự biện-nạn huyền-bí về thần-học, những sự khảo-cứu tỉ-mỉ về thánh-thư, những sự tôn-sùng phiền-phức mà cầu-kỳ, như nhà tôn-giáo các nước khác. Nhà tôn-giáo nước Pháp lấy cái nhẽ phải thông-thường mà vụ những điều cốt-yếu ; lòng tín ngưỡng bình-dị mà không tần-phiền ; rất hiểu những cảnh thực trong lòng người ; nhiệt-thành muốn truyền cái lòng tin của mình cho người khác ; nhất là khao-khát cái lòng từ-bi bác-ái vậy ».

Gồm bấy nhiêu cái đặc-tính lại chẳng phải là trọn cái nhân-đạo ư ?

Bởi vậy nói tôn giáo nước Pháp cũng là chủ nhân-đạo vậy.

V

Thứ chi đến lịch-sử.

Một nước có văn-chương, triết-học, tôn-giáo hay cũng chưa đủ ; phải có cái lịch-sử hiển-hách thì mới đủ chứng cái hay ấy.

Lịch sử nước Pháp thực là sứng đáng với văn-chương, triết-học, tôn-giáo nước Pháp vậy.

Nước Pháp thành-quốc sớm, sớm đã tự-biết mình có cái tư-cách một nước nhớn. Từ đời Trung-cổ cuộc nhất-thống trong nước đã tiệm thành, tuy chưa được hoàn-toàn, nhưng cái cơ-sở đã có. Gây được cuộc nhất-thống ấy, phải nhiều phen chiến-tranh. Nước Pháp ngày xưa đã có tiếng là nước thượng-võ, đã từng biết đủ các lối chiến-tranh : chiến-tranh để giữ nước, chiến-tranh để lấy đất, chiến-tranh vị cái thế quân-bình, chiến-tranh vì cái sức bành-trướng, chiến-tranh để đổ đế-quyền, chiến-tranh để đi truyền-bá. Nhưng đại-để những sự chiến-tranh ấy chỉ chủ một mục đích : là làm cho vững bền cái vận nước vậy. Nhân làm vững-bền cái vận nước mình, mà vừa giữ được cái thế quân-bình trong Âu-châu. Vì cái chính-sách của nước Pháp xưa nay vẫn là cầm-giữ ngăn-ngừa những nước nhớn khác không được sâm-phạm đến bờ cõi, đến quyền độc-lập của những nước nhỏ, để chiếm lấy phần hơn trong Âu-châu. Cái chính-sách ấy vẫn chủ lấy nước nọ mà hạn-chế nước kia, khiến cho cái thế-lực các nước ngang nhau, mỗi nước được tự-do mà phát-siển cái quốc-túy, theo-đuổi cái vận-mịnh riêng của mình. Bởi thế cho nên khi nào có một nước hay một vua hùng-cường khởi lên, muốn đoạt các nước khác, để cướp lấy cái thế-lực to hơn, thì nước Pháp cũng can-thiệp vào đánh, cố giữ lấy cái thế quân-bình cho Âu-châu. Xem như mấy phen nước Pháp đánh nhau với nhà vua Tây-ban-nha cùng nhà vua Áo-đại-lợi thì đủ biết vậy. Chắc rằng trong những trận ấy nước Pháp cũng có cái lợi riêng của mình ; nhưng bao giờ cái lợi riêng ấy cũng hợp với cái lợi chung của Âu-châu, nên lần nào nước Pháp được thắng trận là hồi ấy Âu-châu được hưởng hòa-bình. Nước Pháp không những giữ cho các nước được quyền tự-do, độc-lập, mà lại còn đem tiền đem người đi giúp nhiều nước để khôi-phục lại cái quyền tự-do độc-lập của mình đã bị mất. Nước Mĩ được độc-lập cũng là nhờ có nước Pháp cứu-viện. Nước Ý được thống nhất thực là bởi công người Pháp nhiều. Nước Hi-lạp thoát-ly được quyền áp chế người Thổ-nhĩ-kỳ, chẳng phải là may mà được người Pháp can-thiệp và giúp ư ? Nước Pháp có công với vạn-quốc như thế, là bởi nước Pháp vốn có cái tài khéo điều-hòa cái lợi riêng của mình với cái lợi chung hoặc của Âu-châu hoặc của thế-giới. Cũng vì đó mà nước Pháp được hơn các nước khác có cái tư cách biết quên mình mà vị người, hay cổ-võ những việc nghĩa-cử, nhiệt-thành vì những tư-tưởng công-lý nhân-đạo vậy.

Hoặc có người chê nước Pháp đi viễn-chinh để lấy thuộc-địa là trái với cái lý-tưởng trong nước. Chê thế là không hiểu cái tình-thế một nước nhớn ở trong thế-giới đời nay. Nước Pháp đi lấy thuộc-địa cùng là bởi vì cái địa-vị mình trong vạn-quốc nó khiến như thế. Các nước khác đều có thuộc-địa mà mình không thì chẳng hóa ra đành chịu phần kém phần thiệt, mà không giữ được cái thế quân-bình trong liệt-cường. Một đại-quốc sao có chịu như thế ? Vả sự đi lấy thuộc-địa không phải tất nhiên là một sự phi nghĩa. Lấy đất, bắt người dân làm nô-lệ cho mình, thế là phi-nghĩa. Nhưng bảo-hộ cho một dân hậu-tiến, bênh-giữ quyền-lợi cho người dân, khai-hóa cho, dạy-dỗ cho, đưa giắt lên đường văn-minh, thiết-tưởng cái lối đi lấy thuộc-địa như thế không những là không phải là một sự phi-nghĩa, mà lại chính là một việc đại-nghĩa vậy. Cái lối ấy thực là cái lối của nước Pháp xưa nay. Cứ xét hiện-trạng những thuộc-địa của nước Pháp, từ hai châu Algérie, Tunisie, đến đất Maroc, đến đảo Madagascar, cho đến cõi Đông-dương ta này, thì đủ biết vậy.

Suốt lịch sử nước Pháp cũng là minh-chứng rằng nước ấy từ xưa đén nay vẫn biết ham-mê những việc nghĩa, biết hỗn-hợp cái nghĩa riêng của mình với cái nghĩa chung của văn-minh, của thế-giới. Hồi giặc Hung-nô sang sâm-nhập Âu-châu, bấy giờ nước Pháp chưa thành nước Pháp, mà đã ngăn-ngữ được quân giặc phải lùi về, khiến cho văn-minh Âu-châu khỏi phải chìm đắm trong cái sóng giã-man theo chân quân rợ-mọi mà chàn sang vậy. Lại hai thế-kỷ về sau, giặc Hồi-hồi tiếng sang nam-bộ Âu-châu, nước Pháp cũng phá tan được ở đồng-bằng Poitiers, cứu được đạo Thiên-chúa khỏi cái nạn dị-đoan. Lại mới rồi giặc Đức chàn sang như nước lụt, đến bờ sông Marne nước Pháp cũng ngăn-cầm lại được, tự cứu cho mình mà lại vừa cứu cho thế-giới khỏi phải chịu cái giã-man mới của giống Điêu-đương.

Xét như thế thì cái tính-cách của lịch-sử nước Pháp thực là rộng-rãi, mà không phải khu-khu vị một mình. Không những là trong khi đối với ngoài mà có cái tính-cách ấy ; những việc riêng trong nước cũng vậy. Tựa hồ như nước Pháp có cái sức phản-chiến ra ngoài rất mạnh, phàm mình cử-hành việc gì, dẫu chỉ quan-hệ đến một mình, cũng có ảnh-hưởng ra ngoài, người khác nhân đấy mà lấy làm gương, mà bắt chước... Cứ xét một cuộc Đại Cách-mệnh năm 1789 thì đủ biết rằng cái ảnh-hưởng ấy sâu-xa là chừng nào. Cái cách-mệnh ấy bất-quá là chỉ chủ phá-đổ cái quân-chủ chính-thể cũ mà đặt dân-chủ chính-thể mới, tưởng cũng là một sự nội-biến tầm-thường, không có quan-hệ gì đến thế-giới. Bởi đâu mà mới nổi lên đã kích-động cả toàn Âu ? Chẳng phải là bởi cái cách-mệnh ấy tui vị nghĩa riêng một nước mà kiêm cả cái nghĩa chung của nhân-loại, ư ? Sau khi phá được nhà ngục Bastille, ngày 27 tháng 8 năm 1789, hội « Lập-hiến » (la Constituante) bá-cáo tờ « Nhân-quyền tuyên-ngôn », xướng lên rằng phàm làm người ai cũng được tự-do bình-đẳng cả. Nhời tuyên-ngôn ấy chỉ chung cả nhân-loại, không phải chỉ riêng một người nước Pháp. Bởi cái tính-cách đại-đồng ấy mà cuộc cách-mệnh năm 1789 đã có cái thế-lực to nhớn như thế, mà tờ « Nhân-quyền tuyên-ngôn » năm ấy đã được một nhà sử-học gọi là « cái kinh Phúc-m của thời-thế mới » .

Vị chi là lịch-sử nước Pháp cũng như văn-chương, triết-học, tôn-giáo mà cùng thuộc về một cái lý-tưởng nhân-đạo vậy.

VI

Nói tổng-kết lại thì cái nhân-đạo là cái đặc-tính hiển-nhiên, có thể gọi được là cái « linh-tính » của sự văn-minh học-thuật nước Pháp. Suy-diễn ra cũng một cái đc-tính ấy, qui-nạp lại cũng một cái linh-tính ấy.

Tiên-sinh đã suy-diễn cái tư-tưởng nhân-đạo trong suốt một bài đại-luận, nhời nhẽ nghiêm trang như cái lâu-đài cổ Hi-lạp, tình-tứ cảm-động như bộ tiểu-thuyết mới thời nay, qui-nạp lại mấy câu kết-luận như sau này :

« Cái đặc-nhiệm, cái thiên-chức của nước Pháp là phải xét mọi sự mọi vật theo cái phương-diện nhân-đạo. Bởi đó mà văn-chương, triết-học, tôn-giáo, lịch-sử nước Pháp, đều có cái cảm-lực mạnh như thế. Nước Pháp đã mang cái lòng hiếu nhân-đạo đến cực điểm, đến bực nguy-hiểm cho mình. Bình-sinh đã từng lắm phen phải lừa phải hại vì cái lòng nhân-đạo ấy. Nhưng mà cái « dại » ấy cũng là vẻ-vang, vì dại là dại không biết ghen-ghét ai, không biết nghi-hoặc người đời, dại là dại biết tróng quên những sự kinh-lịch gian nan, những sự ghen-ghét thâm-trầm, những sự tham-lam quá độ. Nước Pháp không bao giờ để lòng tin được rằng muôn việc trong thế-giới chỉ dùng cái võ-lực, cái võ-lực kiêu-căng tàn-ngược, mà giải-quyết được. Nước Pháp không bao giờ chịu rằng cái cứu-cánh mục đích của sự học là chỉ để nghĩ thêm cho người ta những cách phá-hoại áp-chế lẫn nhau. Một nhà văn-sĩ cổ của nước Pháp tên là Rabelais đã từng nói câu tuyệt-ngôn này : « Học-vấn không có lương-tâm chỉ là tai-hại tâm-tính » (Science sans conscience n'est que ruine de l'âme). Nước Pháp không thể tưởng-tượng được rằng một dân, một lối tinh-thần riêng nào, lại có cái quyền đạp-đổ những dân khác, những lối tinh-thần khác được. Cái lý-tưởng mà nước Pháp mong tới đến được, không phải là cái lý-tưởng muốn biến sự tư-tưởng, sự sinh-hoạt của người ta thành cái máy vô-hồn cứng-cỏi, thực là cái lý-tưởng muốn để cho cái tinh-thần riêng của mỗi nước được tự-do mà phát-siển ra cho điều-hòa. Một thế-giới chỉ thấy thịnh-hành cái võ-lực của bọn quân-nhân, cái hình-thức của bọn ngụy-nho, cái kiêu-căng của bọn quan-lại, chỉ thấy thiên-trọng cái xấu-xa thô-bỉ, cái to-nhớn quá độ, một thế-giới như thế, thì nước Pháp lấy làm một nơi địa-ngục cực-kỳ khả ố vậy. Kẻ khác gọi là cái « văn hóa », thì nước Pháp gọi chính danh nó là cái giã-man vậy. Cái giã-man càng có học bao nhiêu lại càng giã-man bấy nhiêu. Đối với cái giã-man ấy thì cái văn-minh của nước Pháp thực là trái ngược hẳn. Nước Pháp là sự tự-do, là cái vẻ ưu-mĩ khả-ái, là sự biết điều độ, là sự lễ-mạo văn nhã, là sự kín-đáo, là sự tiêm-tất ; nước Pháp là sự khoan-dung, sự nhân từ, sự bác-ái ; nói rút lại một chữ thì nước Pháp là nhân-đạo vậy. Nếu nước Pháp mà biến mất đi thì đời người cũng giảm mất một phần cao-thượng, một phần phong-thú vậy. »

Bọn ta nay đã biết cái tinh-thần của nước Pháp tốt đẹp là chừng nào, thì cái lòng cảm-giác phảng-phất lúc nãy tất tỏ-rạng dần ra mà biến thành cái bụng cảm-phục sáng-suốt.

PHẠM QUỲNH





Chú thích

  1. Tiên-sinh là một nhà « phê-bình » có tiếng ở nước Pháp. Nguyên dạy văn-chương Pháp ở tràng Đại-học Fribourg, bên Thụy-sĩ. Tiên-sinh làm bài luận về Văn-minh nước Pháp này, đã từng được hội Hàn-lâm ban « thưởng hùng-biện » (prix d'éloquence) năm 1916.
  2. Hòa-ước Nhật-Nga năm 1906, điều 25 nói rằng : « Hòa-ước này làm bằng văn Pháp cùng văn Anh. Hai bản thực giống nhau, nhưng hễ khi có dị-nghị thì sẽ lấy bản Pháp văn làm bằng. » — Một người Nga tên là J. Novicow mấy năm trước có xướng lên cái nghị rằng các nước văn-minh Âu-châu, ngoài tiếng mình, nên dùng tiếng Pháp làm tiếng giao-thiệp chung.