* 7. — Đức Gia-long
Bản-triều Thế-tổ Cao hoàng-đế

Đức Gia-long là con giai thứ ba đức Hưng-tổ, là cháu đức Duệ-tôn. Khi đức Hưng-tổ băng, thì ngài mới lên 4 tuổi. Khi nhớn lên, ngài thiên-tư thông tuệ khác thường, đức Duệ-tôn lấy làm khí-trọng lắm.

Khi ấy đức Duệ-tôn nối giữ nghiệp chúa ở Thuận-hóa. Nhưng có kẻ quyền-thần là Trương-phúc-Loan chuyên quyền; mà trong Qui-nhân thì anh em Tây-sơn là Nhạc, Huệ nổi lên; ngoài Bắc-hà thì Trịnh chúa sai Hoàng-ngũ-Phúc vào xâm lấn; Thuận-hóa thất thủ, ngài theo đức Duệ-tôn chạy vào Quảng-nam, rồi lại vượt bể vào Gia-định. Đức Duệ-tôn cho ngài làm Chưởng-sử, coi một đạo quân Tả-dực. Ngài liệu tính việc quân không sai một ly nào, các hàng chư tướng đều giốc lòng theo ngài.

Một hôm, ngài hộ giá đức Duệ-tôn đương đi nửa đường, chợt nghe có quân giặc đuổi theo. Đức Duệ-tôn thấy nguy cấp lắm, mới nhường con ngựa cho ngài cưỡi, giục ngài đi lên trước; ngài bất đắc dĩ phải nhận ngựa cưỡi đi lên. Đi một lát, lại dừng ngựa đợi. Khi đức Duệ-tôn theo lên kịp thấy ngài vẫn đứng đợi ở ven đường. Đức Duệ-tôn nói rằng: « Cháu ta có bụng tốt như vậy, giời thực chứng giám cho ».

Năm Bính-thân, ngài đến Tam-phụ (tục gọi Ba-đống, thuộc Định-tường), chiêu mộ quân Đông-sơn (là bọn Đỗ-thanh-Nhân, tự xưng là Đông-sơn tướng-quân). Sực có quân Tây-sơn vào cướp Sài-gòn, đức Duệ-tôn phải chạy đến Đăng-giang, ngài đem quân Đông-sơn đến ứng-viện, rước đức Duệ-tôn chạy đến Cần-thơ; rồi lại chạy đến Long-xuyên, thì đức Duệ-tôn bị nạn. Đương đêm, ngài muốn vượt thuyền ra bể để tránh giặc, khi thuyền quay mũi ra thì có con cá sấu ba lần đến ngăn trở thuyền ngài lại, không đi được. Sáng hôm sau, cho thám xém, mới biết đêm qua có thuyền giặc đón eo ở mé trước. Ngài phải chạy ra cù-lao Thổ-châu.

Sau ngài lại đảo về cử nghĩa-binh ở Long-xuyên, đánh phá quân Tây-sơn ở doanh Long-hồ (bây giờ là Vĩnh-long), thu phục được thành Sài-gòn lần thứ nhất.

Năm Mậu-tuất (niên-hiệu Lê Cảnh-hưng thứ 39, lịch tây 1777), chư tướng tôn ngài lên làm Đại nguyên-soái, nhiếp quốc-chính, khi ấy ngài mới 17 tuổi. Đến năm Canh-tí (1779), tháng giêng, ngài lên ngôi vua ở Sài-gòn.

Năm Nhâm-dần, quân Tây-sơn kéo vào cửa bể Cần-thơ, ngài sai Chưởng-cơ Tống-phúc-Thiêm điều bát quân thủy ra cự-chiến. Quân Tây-sơn thừa thế sấn vào hăng lắm. Cai cơ Mạn-Hòe (Ma-nuel, người Pháp) cưỡi tàu xông vào cự địch, quân giặc ném thuốc súng xuống đốt tàu, Mạn-Hòe tử tiết. Ngài thân đốc binh thuyền ra ứng tiếp, mình mặc nhung-y, đầu đội nón chiến, tay cầm súng đứng trên mũi thuyền, bắn sang thuyền giặc. Ngài bắn súng cực giỏi, không phát nào sai, (tay súng ấy sau phong là: Võ-công lương-khí) hô chư quân vừa đánh vừa lui, rồi ngài ngự đến Tam-phụ, thành Sài-gòn lại mất về Tây-sơn.

Sau ngài ngự thuyền ra cù-lao Phú-quốc. Tháng tám năm ấy, Chu-văn-Tiếp cử binh kéo cờ hiệu bốn chữ: « Lương-sơn tá quốc » lại về thu phục được thành Sài-gòn lần thứ hai. Ngài ngự giá từ Phú-quốc trở về, sai sứ sang Xiêm la thông hiếu.

Năm Quí-mão, Tây-sơn Nguyễn-văn-Huệ đem quân vào đánh phá cửa Cần-thơ, ngài phải ngự đến Tam-phụ, bày tôi theo hầu ngài chỉ còn có Nguyễn-kim-Phẩm và năm sáu người mà thôi, ngài đi đến sông Lật-giang, quân giặc đuổi theo kíp lắm, mà nước sông chảy xiết quá, không có đò sang, ngài vốn tài lội, bèn bơi vượt sang được bờ bên kia sông. Khi chạy đến Đăng-giang, khúc sông ấy nhiều cá sấu lắm, không thể bơi sang được, may có con trâu nằm ở bờ sông, ngài mới cưỡi trâu sang sông, đến giữa dòng nước chiều dâng lên to, chìm cả trâu, may có con cá sấu đưa giạt vào bờ, ngài ngự đến Mỹ-tho, rồi rước cả quốc-mẫu và cùng gia-quyến ra chú ở cù-lao Phú-quốc. Quân Tây-sơn chợt kéo đến, ngài phải chạy ra cù-lao Côn-lôn (Poulo-condor).

Nguyễn-văn-Huệ đem quân thủy bổ ra vòng vây Côn-lôn, thế rất nguy cấp, bỗng đâu giời nổi cơn mưa bão, mây kéo mù mịt, thuyền ghe giáp nhau mà cũng không trông rõ mặt người, sóng bể ầm ầm, thuyền giặc chìm đắm không biết bao nhiêu mà kể. Ngài ngự một chiếc thuyền vượt ra ngoài trùng-vi, bạt phong đến cù-lao Cổ-cốt. Ít bữa lại về Phú-quốc, lương thực hết cả, quân lính đến nỗi phải đào rễ cỏ, củ-mài mà ăn. Lúc bấy giờ có một nàng lái buôn là thị Uyển người Hà-tiên chở một thuyền gạo lại hiến.

Khi ấy ngài nghe ông Bá đa-lộc (Evêque d'Adran) ở Chân-bôn, bèn sai người mời đến bàn tính, rồi giao ông hoàng-tử Cảnh mới lên bốn tuổi cho ông Bá-đa-Lộc đưa sang Pháp-quốc để cầu viện.

Hoàng-tử Cảnh đi rồi, ngài đem ra 20 lạng vàng, chia đôi đưa cho bà Nguyên-phi (Tống-thị sinh ra ông hoàng-tử Cảnh) một nửa mà bảo rằng: « Con ta đã đi rồi, ta cũng phải ra đi, Phi phụng dưỡng quốc-mẫu ở đây, chưa biết sau này ngày nào lại gặp được nhau mà ở tại chỗ nào, thì cứ lấy vàng này làm tin. »

Nói rồi, ngài ngự thuyền vào cửa bể Ma-li, để dò thám quân giặc; chợt gặp hơn hai mươi chiếc thuyền giặc đến vây; thuyền ngài vội vàng giương buồm cứ trông theo phương đông mà chạy, phiêu lưu ngoài bể bảy ngày đêm, trong thuyền hết cả nước uống, quân sĩ đều khát. Ngài mới mật khẩn rằng: « Nếu ta có phận làm vua, thì giạt thuyền vào bờ, để cứu lấy mạng người trong một thuyền này. Nhược bằng không thì đánh chìm đắm ở giữa bể này, cũng cam tâm vậy! »

Vụt chốc, gió lặng, sóng yên, trông thấy trên mặt nước, hắc, bạch chảy rẽ đôi dòng, một bên nước trong leo lẻo, trong thuyền một người nếm thử thấy ngọt, hô lên rằng: « Nước ngọt.....! » Rồi tranh nhau múc uống, khỏi cả phiền khát, vừa múc được bốn năm chĩnh, thì nước bể lại thấy mặn như trước.

Khi giặc lui đi rồi, ngài lại ngự thuyền về Phú-quốc. Quốc-mẫu thấy ngài về cả mầng. Ngài mới kể lại tình trạng lúc bạt phong giữa bể, để Quốc-mẫu nghe. Quốc-mẫu than rằng: « Con ta bên giời, góc bể, lịch duyệt gian nan. Nhưng xem như trận gió Côn-lôn, nước ngọt giữa bể, thì ý giời khá biết, chớ thấy gian hiểm mà ngã lòng. » Ngài bái tạ xin vâng lời dạy.

Lúc ngài đi bể, chỉ dùng muối, ớt, gừng, tỏi, hồ tiêu, hồi-hương, quế-chi, ô-mai, bẩy tám vị ấy đều tán nhỏ trộn lẫn với nhau để làm thức ngự-thiện. Ngài thường ban cho các tùng-thần, và bảo rằng: Đi chốn sơn, hải lam chướng, nên ăn những thức này, và tỏ ý rằng ta cùng với các ngươi cũng cam khổ vậy. »

Năm Giáp thìn, ngài sang Xiêm-la cầu viện. Vua Xiêm cho hai tướng đem 20.000 thủy binh, 300 chiến thuyền sang giúp. Nhưng bị Nguyễn-văn-Huệ phục binh đánh tan cả. Ngài lại ngự sang thành Vọng-các (Bangkok, kinh-đô Xiêm).

Khi ấy ngài có giúp Xiêm đánh tan quân Diến-điện. Vua Xiêm cảm tạ lại muốn giúp binh. Nhưng ngài biết rằng dẫu Xiêm giúp cũng vô ích. Mà Nguyễn-văn-Thành cũng tâu rằng: « Ta nên dưỡng sức đợi thời, có thể tự làm lấy được, không nên dẫn quân rợ vào chốn trọng địa nước mình. » Ngài lấy làm phải.

Bấy giờ nghe tin anh em Tây-sơn khích-bác nhau, ngài mới quyết kế kéo quân về, nghĩa-binh các đạo đều đến họp tập, thanh thế lừng lẫy. Tháng tám năm Mậu-thân, lại thu phục được thành Sài-gòn lần thứ ba, Tháng sáu năm Kỷ-dậu, Bá-đa-Lộc đưa ông Hoàng-tử Cảnh tự Tây về, và đưa hai tướng là Nguyễn-văn-Chấn (Vannier), Nguyễn-văn-Thắng (J-B. Chaignau[1] sang giúp.

Năm Canh-thân, ngài thống suất thủy, bộ chư quân ra cứu viện thành Bình-định, Thị-nại dùng chước hỏa công đánh phá thủy đồn.

Năm Tân-dậu, ngài kéo quân ra thu phục được Phú xuân. Từ đấy đánh tràn đi, diệt Tây-sơn, định Bắc-hà, nhất thống cả Nam, Bắc.

Năm Nhâm-tuất, (năm thứ 7 vua Gia-khánh nhà Thanh lịch tây 1802) kỷ nguyên Gia-long, đưa thư sang Tàu định quốc hiệu là Nam-việt, nghĩa là ngài mở rộng được cõi Nam-kỳ, mà có cả toàn việt. Nhưng vua Gia-khánh lại đổi lại để chữ Việt trên chữ Nam, cho là triều Nguyễn ta trước chiếm có đất Việt-thường, nay có cả cõi An-nam. Ngài đưa thư sang chiết biện mãi rồi mới đặt quốc-hiệu là Việt-nam.

Ngài mở mang cõi nước Nam ta thêm rộng ra được 6 tỉnh Nam-kỳ, buổi đầu rất là gian lao, nào là đặt quan Điền-tuấn; mở đất đồn điền; phân hoạch địa giới Gia-định Định-tường; đào thông ngòi lạch Hà-tiên, Châu-đốc. Lại còn đặt ra tòa đệ-chỉnh ở Bắc-thành, định ra đê-thức; soạn ra bộ nhất thống địa-dư; định ra điều lệ hương đảng; định phép tuyển-duyệt; nghiêm cấm đổ bác; định luật lệ 398 điều. Đó là qui-mô khai-quốc, kể lược qua như vậy. Lại còn công việc ngài giao thiệp với nước Xiêm-la; thông hiếu với nước Đại-pháp; xử chí nước Chân-lạp, Vạn-tượng, đều qui phục cả.

Công đức ngài kiêm cả trung-hưng, sáng nghiệp triều Nguyễn ta, trong 22 năm mới thu phục được cựu-kinh, lên ngôi được 18 năm, thọ 58 tuổi, miếu hiệu là Thế-tổ Cao hoàng-đế, ngài thực là một vị vua khai sáng anh-hùng.

   




Chú thích

  1. Theo sách Gương-sử Nam, thì là Despiaux.